dnnp - đỗ xanh

 

 

 

Tháng Giêng là tháng ăn chơi

 

(Tên những món ăn trong bài này đều có thật trong thực đơn và dược đơn)

 

* Tiểu phẩm

 

Sau hội Tết Núi Đất, các Kiến đi phó hội đều phờ râu. Sợ anh em trong nhóm Đạo Nổ mượn cớ đó trì hoãn công việc trong bang, chủ gánh Đỗ Xanh kêu anh em lại làm lễ khai nổ. Theo truyền thống, vào đầu năm, người ta chọn một ngày tốt nào đó để khởi đầu làm việc gọi là khai (mở) ... Chẳng hạn tao nhân mặc khách chọn ngày khai bút, tức là thảo vài chữ cho bút có trớn. Chú Kiến hôi chọn ngày để khai thân, tức đi tắm. Làm gì chăng nữa cả năm cũng phải tắm một lần.

 

Điểm hội ngộ của nhóm Đạo Nổ là Núi Đất. Mọi người đứng trước một cây cổ thụ mà thân nó có khắc đầy chữ và hình trái tim. Đây là cây nhân sinh ghi dấu định mệnh.

 

 

Đỗ Xanh nhìn lên một khoảng cao trên thân cây mơ màng: “Tà phong, tế vũ bất tu quy” (Gió ngả, mưa nghiêng, chẳng nên về) (1). Ngô Vàng nhìn vào những chữ ngoằn nghèo ở gốc cây, xổ tiếng Lào: “šb\hd…” (Lâu rồi mình chẳng yêu ai. Lâu rồi cũng chẳng có ai yêu mình.) (2) Kiến Đen rờ hình trái tim đã ngả màu đen, rên: “Love can touch us one time and last for a lifetime” (Đụng yêu một lần lãnh thẹo cả đời). (3) Lê Trắng che miệng cười nói thầm, “Hì hì… Thơ con cóc. Mấy ông này làm bộ đọc chữ trên thân cây… Kệ, hãy lo phần mình, ý dza… hôm nay nhóm có tiệc lớn, mình là thủ quĩ thế nào cũng phải chi tiền. Mình phải hạn chế họ chứ không thì vỡ nợ.”

 

Sau đó, mọi người dắt nhau đến cái quán cóc dưới gốc cây.

 

Đỗ Xanh: Phe ta! Trước khi khai mạc buổi họp, nhóm ta có lời khen hai vị phó hội Tết Núi Đất. Hai vị đã không làm mất mặt gánh xiệc ta. (Mọi người vỗ tay) Thưa quí vị, người xưa có phán: “Có ăn có nói” vậy trước khi khai khẩu chúng ta nên làm lễ khai vị. Đương nhiên phải như thế, đúng không ạ.

 

Lê Trắng: (giật mình nghĩ đến tiền phải chi ra. Cô mím môi trợn mắt suy nghĩ, rồi xuống tấn vòng tay đảnh lễ) Dạ thưa quan viên, năm nay là năm rồng, vậy xin phe ta (cười đắc ý) hì hì… ăn món gì cũng được, miễn món ăn ấy phải là thịt rồng. (Cười khoái chí).

 

Đỗ Xanh, Ngô Vàng và Kiến Đen chưng hửng ngồi nhìn nhau. Cuối cùng Đỗ Xanh lên tiếng:

- Thôi cũng được. (Nói to) Anh bồi ơi, cho chúng tôi món “Thanh long quá hải”.

 

Một cậu kiến, lưng dắt chiếc khăn lau màu cháo lòng, la lớn “Dạ có ngay”. Trong bếp có tiếng dầu mỡ cháy xèo xèo, một lát sau anh ta bưng ra một dĩa rau muống xào tỏi.

 

Anh bồi: Dạ! Các vị là khách xông đất, tức là khách sộp khai hàng (mở hàng). Bổn tiệm xin bồi dưỡng thêm món “Địa long” gọi là chút tri ơn.

 

Anh bồi đặt xuống bàn một cái dĩa có nắp đậy. Anh long trọng mở nắp ra. Đó là dĩa trùn đất xào hành ớt.

 

Đỗ Xanh: (Xòe bàn tay hướng về từng người) Xin mời. Xin mời. Xin mời.

 

Không ai cầm đũa trừ Đỗ Xanh. Kiến Đen nuốt nước bọt, rồi xoa bụng nói:

-  Cái món ăn chay nằm mộng này xin dành cho các vị tiền bối cõi trên. Hậu bối có lẽ phải cần chút thịt và chút cay. (Xoay người hướng vào bếp hét to) Anh bồi ơi lựa cho tớ 2 món “Ma cà rồng” thứ chiến nhá.

 

Anh bồi la lớn “Tưởng gì chứ, thứ đó thì có liền đây”. Lập tức anh bưng ra một dĩa tiết canh vịt và một ly rượu cắc kè hòa máu dơi đỏ ối. Kiến Đen múc một miếng tiết canh bỏ vào miệng, chiêu một hớp rượu, rồi ngửa mặt lên trời “khà” một tiếng. Hai hàm răng Kiến nhe ra nhểu những giọt rượu đỏ. Một con ruồi bay ngang qua vùng phủ hơi “khà” của Kiến Đen rớt xuống bất tỉnh. Lê Trắng kéo ghế lùi lại.

 

Ngô Vàng nhún vai lẩm bẩm:

- “Phèn” quá! Phàm luận về món ăn chơi ai qua mặt được dân Hậu Giang ta đây. (Nói to) Đỗ huynh và các đệ tử để lão nạp kêu món ăn cho. Này chú bồi, cho lão món “tiềm long vật dụng”.

 

Mọi người kinh ngạc thấy nhà bếp bưng ra một tô súp đục lờ lờ. Nhìn kỹ thì thấy dưới vài lá rau xanh đỏ, những khúc lươn đen thui chìm nổi ẩn hiện trong nước súp. Bà nội ơi, rồng ẩn mình đây ư.

 

 

Lê Trắng cúi thấp mặt nhìn tô súp. So với màu xanh của rau, mặt cô còn tái mét hơn, như mất máu. Cô méo miệng lẩm nhẩm tính tiền. Cuối cùng không chịu nổi cơn đau tim, cô xoa tay cười cầu tài nói:

-  Hì Hì, thôi bi nhiêu món cũng đủ rồi. Bây giờ mình vừa nhậu vừa thi nhau kể ra các móm ăn có tên rồng, hay long gì đó, mà nhà hàng này không có mới là hách. Dạ... ạ... ạ… xin chủ gánh nói trước. Ý…khoan.. (quơ tay ra dấu) Ý quên, phải nói có sách mách có chứng chứ không đượ c phịa ra đâu à nhen.

 

Đỗ Xanh vuốt râu trầm ngâm rồi đằng hắng:

- À hem, lão nghĩ nhà hàng này làm gì có cái món long tu. Long tu là râu rồng. Nó là loại cây tầm thường, vườn quê mọc đầy. Có nơi người ta chế biến ra món ăn, nhưng công dụng chính của nó dược thảo.

 

Long Tu (còn gọi là Lô hội)

 

Một loại Long tu khác.

 

Ngô Vàng: Miệt vườn Hậu Giang còn có Long Nhãn (mắt rồng). Tên chữ nghe choáng thế chứ nó chỉ là trái nhãn. Long nhãn còn có tên văn vẻ là “lệ chi nô” hay “á lệ chi”. Lệ chi là trái vải. Vì mùa nhãn tới ngay sau mùa vải như ả ô-sin theo hầu chủ, nên nhãn có tên là lệ chi nô.

 

Lê Trắng: Tiểu nữ còn nhớ hồi bé đi học ưa uống nước nhãn nhục. Thiệt là khờ, ly nước chỉ có vài cái cùi nhãn khô và tí đường. Vậy mà ngày nào cũng phải gặp chú bán nước ngoài cổng trường. Ôi cố nhân nay ở đâu (thở dài) À! Thế còn “cao ban long” là cái gì ạ?

 

Ngô Vàng: Ban long là rồng có đốm hoa. Thực ra cao ban long là cao nấu từ gạc con hươu đốm. Cao này có công dụng hoán cải chứng suy nhược. Ai ăn cao sẽ ăn ngon ngủ yên, đỏ da thắm thịt.

 

Kiến Đen: Té ra trên mặt rồng từ sừng đến râu cái gì ăn cũng được. Nhưng quí vị còn kể thiếu một vật. Hà hà đó là “long não” (óc rồng). À, nó là chất dầu hay bột tán ra từ lá cây long não để ướp quần áo cho thơm. Bọn chí rệp và gián ngửi phải mùi này là cứ lăn đùng ra giẫy tê tê.

 

Lê Trắng: (Tuổi rệp nên bị chạm tự ái) Huynh mặc cái áo bào sặc mùi long não mà chả thấy huynh có gì xảy ra. Nghẹt mũi kinh niên chăng?

 

Đỗ Xanh: Nói chung phàm cái gì thân thể uốn éo hay gai góc như rồng thì đều được gọi là rồng. Vì vậy mà có cây “thanh long”. Trái thanh long có công dụng giải nhiệt, bổ phổi, hạ đàm. Còn cái cây xương rồng vì có nhiều gai nên được dùng làm hàng rào ngừa trộm. Thân nó cũng được làm “gỏi xương rồng” để chữa viêm họng. “Hải long” là con cá đầu ngựa mình rồng. Người bình dân gọi là cá ngựa. Nó được dùng làm vị thuốc trị bổ thận.

 

Hải long

 

Còn cá rồng thứ thiệt (arowana) thì không ai ăn cả, vì nó là cá kiểng nhà giàu mới dám nuôi.

 

 

Cá rồng (Arowana) màu hồng và bạc

 

Ở bên Mỹ có loại cá lionfish, nhưng bên ta lại gọi là cá rồng. Nó vốn là loại cá kiểng, nhưng từ khi ông tiến sĩ hải dương học Lad Akins viết ra cuốn The Lionfish Cookbook (Sách dạy nấu ăn với món cá rồng), cá trở thành món ăn.

 

Cá rồng (Lionfish)

 

 

Kiến Đen: Cái gì có dáng rồng thì gọi là rồng. Nghe có lý. Vậy tại hạ đây, mình mặc áo thuê chín rồng chầu trái châu, nên trở thành “Kiến Rồng Đen.”

 

Lê Trắng: Áo rồng thì đã có “long y”. Long y là bộ da rắn lột đó ông ơi. Nó là vị thuốc trị bệnh viêm.

 

Đỗ Xanh: Thôi, chuyện còn dài lắm, nhưng gọi là khai vị thì đã dư đủ. Tiếp theo ăn là nói, vậy tiện đây chúng ta khai khẩu luôn cho đủ bộ nhe.

 

Kiến Đen: Ủa! Vậy chớ nãy giờ chưa ai nói gì hết sao?

 

Ngô Vàng: Ậy, “nói” đây là “phun châu nhả ngọc” chớ đâu phải là những tiếng ò í e. Ngô tôi đề nghị ta lấy Tê Hát Ka Tê mà lẩy, như  Kiều lẩy ý mà. Okey dokey! Theo thứ tự xin mời Đỗ huynh “phun” trước.

 

Đỗ Xanh: Trăm họ kiến ta

 

Ngô Vàng: Tết hay không Tết

 

Kiến Đen: Thành hôn … Ý quên…Tứ hải kết tình

 

Lê Trắng: Thuận hòa khét tiếng.

 

Bốn người giơ tay “high five” bốp bốp như pháo tết. Lê Trắng cười hi hí móc ví trả tiền nhà bếp. Cả nhóm xiết tay nhau rồi ra về. Mặt ai cũng rạng rỡ như hoa xuân.


ĐỖ XANH
(Elk Grove, California 8-2-2012)

------

(1) Câu thơ của Hân Tố Tố viết trên cây dù trao cho Trương Thúy Sơn mượn che mưa. Kim Dung. “Ỷ Thiên Đồ Long”.

(2) Thơ Bút Tre.

(3) Lời nhạc của James Horner. Bài hát “My Heart Will Go On” (vẫn sống trong tim em). Nhạc trong phim Titanic.

 

 


Copyright © 2010 - 2012 Trung hoc Kien Tuong Homepage