|
Mộng cuối đông
(Cảm xúc nhân chuyến hồi hương của Nguyễn
Văn Yêm. Tặng các cựu học trò của tôi đang ở Kiến Tường)
* Tản mạn
Người bạn già ở Kiến Tường kể cho tôi nghe câu
chuyện như sau:
“Sau cơn lụt một tháng, trời nắng nổ con ngươi,
mặt đất khô rất mau. Một hôm dạo bờ sông hóng mát, tui thấy một lỗ
chân trâu to bằng cái nồi cơm. Trong vũng nước đục ấy có con cá kèo
bơi vòng vo. Tui ngạc nhiên tự hỏi, ‘Nước rút đi rồi con cá này bị
kẹt lại, có thể lắm, nhưng nó lấy gì mà sống tới ngày nay?’ Tui
ngồi xuống im lặng tìm hiểu. Bỗng tui thấy một con cá thòi lòi từ
sông nhảy lên bờ, rồi ngả nghiêng bước tới lỗ chân trâu. Tới nơi nó
nhả trong miệng ra vài con bọ nước để nuôi con cá kèo. Trong khi cá
kèo ăn, cá thòi lòi giơ tay vuốt má cá kèo. Sau đó cá thòi lòi khệnh
khạng đi về sông. Ngày hôm sau trở lại quan sát, tui lại thấy kịch
bản cũ tái diễn. Thì ra hai con cá này đã có một thời sống với nhau
trong lỗ chân trâu. Sau khi nước lụt rút đi, cá thòi lòi có khả năng
ra đi. Cá kèo bị ở lại. Cả tháng nay con cá kèo không chết là vì
bạn cũ vẫn nhớ đến mình.”
Nguồn minh họa: Internet.
Có lẽ cũng như các bạn, tôi nghĩ đây là chuyện
tếu, nhưng anh bạn tôi không có vẻ đùa cợt tí nào khi kể sự tích
này. Dù thế nào, bỏ ra ngoài những hình thái sắc không, tôi thấy
tình bạn của hai con cá quá đẹp. Rồi hai con cá sẽ ra sao? Dĩ nhiên
chẳng khó để trí óc thấy hằng trăm câu trả lời. Cùng lắm chúng sẽ bị
già nua, bệnh tật, xa cách, tử vong… nhưng đó là những việc do trời
định. Tình bạn của chúng đâu có chết. Tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ
sống với những cái thuộc định mệnh của mình. Dù chúng ta chẳng có gì
đáng giá, nhưng một thanh gỗ mục cũng có thể dùng để đun bếp. Một
giọng hát nay đã cà mèng cũng có thể mang kỷ niệm về hiện tại. Tất
cả đều có ý nghĩa nếu chúng ta có tình bạn.
Tôi tin là cái vụ cá kèo, cá thòi lòi, và sụp
lỗ chưn trâu là chuyện có thật chỉ có ở Kiến Tường.
ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 12-3-2012)
|