dnnp - đỗ xanh

 

 

 

 

 

 

 

Tản mạn về khoảng trống


 

* Tản mạn nhân đọc bài Buổi dạy cuối cùng của thầy Bùi Trung Tính.


Lang thang đi xa cuối tuần, về nhà nhận được khoảng 10 điện thư. Chưa kịp trả lời thư nào, vào mạng THKT thấy Bùi Lão sư tung ra câu hỏi: “Các bạn đồng nghiệp ui, các trò THKT ui, làm sao lấp hết khoảng trống tuổi đời còn lại đây?! Sống là đang đi vào cõi chết thôi ư!” Ui cha! lời đùa của Bùi lão có hơi nặng ký, vậy nhân tiện, xin các anh em gửi thư cho Đỗ, chúng mình tạm ngừng thư hồi âm để “làm” một ly “đạo” trà tản mạn một chút đi.

 

Nguồn ảnh: Internet.


Cách đây gần 300 năm, cái thắc mắc của Bùi Lão đã có một ông đạo ném ra với dạng như vầy: “Suốt ngày cứ mặc áo ăn cơm. Làm sao khỏi mặc áo ăn cơm?” Thiền sư Mục Châu lừng khừng đáp, “Mặc áo ăn cơm.” Ông đạo nói, “Thầy nói gì tôi không hiểu?” Thiền sư đáp, “Không hiểu thì cứ mặc áo ăn cơm.” Ai chưa quen với ngôn ngữ thiền Tông ắt thấy mất hứng hoặc phì cười. Hồi tháng Giêng vừa qua, Đỗ than thở với “Già” Bách, “Dạo này chúng ta có nhiều tin buồn. Người thì vào nhà thương, người thì qua đời.” “Già” Bách cười khì khì, “Thầy tính coi, thầy trò ta ai cũng trên dưới 6 bó… đang lái xe vào bến hay đã tới bến thì cũng phải thôi.” Hai câu nói vô tư thế mà thâm. Mục Châu và “Già” Bách đều ngộ rằng con người không thể nào thoát khỏi cái hữu hạn của mình. Chúng ta chỉ có thể đi tìm một ý nghĩa vô hạn nào đó trong cái hữu hạn mà thôi. Nhà thần học George Herbert diễn tả đầy đủ ý tưởng trên qua câu nói, “Ai đang quét nhà, hãy quét cho tuyệt hảo, như đang vâng theo thánh ý Thiên Chúa.” (*) Tự nhiên tôi thấy đời giản dị và bình an.


Tính tôi vốn tính lãng mạn, tôi coi duyên thầy trò như một mối tình. Đời mỗi người thường có ba mối tình: tình đầu, tình giữa, và tình cuối. Tình đầu rất đẹp, nhưng oái oăm, đều bị trở thành cố nhân. Hiếm ai giữ được tình đầu qua thời gian để trở thành tình cuối. Ấy thế mà Bùi Lão lại làm được. Lão gắn bó với tình thầy trò từ tuổi đôi mươi, đi hoang một thời gian, rồi trở lại với mối tình cũ, cho đến nay, hơn 70 tuổi mới về hưu (theo giọng của lão là về “hu”). Chả bù cho Đỗ tôi sau khi chia tay với học trò phải làm thợ mộc. Từ đó phấn bảng trở thành cố nhân chìm vào dĩ vãng. Gần đây cô Hạ Anh, người bạn trẻ mới quen, đã đổi viên phấn trắng thành cái tông-đơ. Cô Hạ Anh có vẻ thích cười cợt khi cắt tóc thiên hạ. Thú thật, tôi cũng rất yêu nghề thợ mộc. Cụ Lâm Ngữ Đường, một học giả Trung Hoa, khi về “hu” đến cái cưa hay cái tông-đơ cũng không có. Cụ vẫn cười khì khì khi nghe tiếng con ong bay lạc vào phòng và tâm hạnh phúc khi thấy bông lựu đỏ nở ngoài khung cửa sổ. Tới đây đạo sĩ Hòa Nguyễn chắc vỗ đùi đánh đét rú lên, “Đó là yếu quyết về cảm thức ‘tại đây và bây giờ’ (here and now).” Thôi tôi để cho Hòa Đệ “tám” về cái chánh niệm của hiện tại.


Cái khoảng trống và khoảng lấp đầy chỉ là cái nội dung của cảm giác, không phải của trí tuệ. Nó có thể dẫn đến hai thái độ khác nhau: tôi phải đi tìm cái tôi yêu thích hay tôi yêu thích tất cả những gì tôi đang làm. Nó cũng có thể vướng mắc trong hai thuộc tính của hiện hữu: thân xác và tâm linh. Tôi cần một thang thuốc bổ hay tôi cần lời cầu nguyện. Khoảng trống khác với khoảng lấp đầy cũng giống như ngọn đèn soi đường tắt ngấm và ngọn đèn được thắp sáng. Dưới ánh đèn, ta có thể thấy đủ thứ.


Dĩ nhiên tất cả những lời khề khà trên chỉ là những cảm nghiệm riêng tư, có lẽ nên nói là chủ quan. Nhưng dành cho những phút hiện tại một tình yêu không phải là một thiện mỹ hay sao. Rốt cuộc thiện mỹ có tính cách phán đoán dựa vào kinh nghiệm. Vì vậy “Thiện mỹ là sự kết hợp của cảm giác được gạn lọc bởi lý trí.” Ý tưởng cao siêu này là của triết gia Kant không phải của tôi. Ông nói thêm, chúng ta luôn luôn cần một phán đoán tổng hợp để có một tri thức mới mẻ cho cảm nhận của giác quan.


Bùi Lão sư ui, những bài thơ tình của ông không phải đang thiếu chỗ chứa hay sao? Trống vắng sao đặng! Bất cứ câu hỏi nào cũng có câu trả lời, bởi vì bất cứ ổ khóa nào cũng có chìa khóa.
 

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, California 18-4-2011)

 

-----------------
(*) Who sweeps a room as to Thy laws. Makes that and the action fine

 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage