hồi ức về nhau

 

                                                     

 

 

 

 

 

Hồi ức vui vui về những đồng nghiệp thời THKT

 

Vào trang Web THKT, trang “các Thầy Cô”. Ôi những đồng nghiệp xưa của tôi lần lượt hiện ra…

Thật tuyệt!

Khúc phim 40 năm trước thực mượt mà, như đưa ta sâu vào ký ức.

Quý bạn đồng nghiệp tôi - tóc đà pha sương, có vị trắng xóa, hay còn lấm tấm chút màu... đen. Tất cả đang lững thững vào “bóng xế tà”.

Tôi ơi, đừng tuyệt vọng! Chưa đâu, đời chúng ta còn… dài. Nếu đời người tính theo cái đồng hồ một vòng 24 tiếng, mốc từ 0 giờ, thì ta đang vào khoảng 16,8 giờ chiều thôi! Mười hai giờ đêm, mới gọi là thanh thản “bay về trời”. Sẽ gặp tiếp chứ, dù thiên đàng hay địa ngục?! Vật chất chỉ biến từ dạng này sang dạng khác thôi… Hì, hì.

Thôi nhé, vào THÂN BÀI nhận diện bạn đồng nghiệp để xem bộ não mình còn bao nhiêu % minh mẫn nhé!

Thứ tự trước sau chỉ là ngẫu hứng theo dòng hồi ức mà thôi!

 

 

Thầy VÕ XUÂN SƠN

 

Thầy Võ Xuân Sơn (bên phải) và thầy Bùi Trung Tính tại quán café Vườn Nhà Ai ở Gò Vấp (TP.HCM) sáng 17-4-2010. Hai thầy mới gặp lại nhau ngày hôm trước sau 40 năm xa cách.

 

Thầy Võ Xuân Sơn học cùng lớp với thầy Đoàn Văn Nhiêu ở Đại học Sư phạm Saigon. Nhưng không hiểu sao anh xuống nhận nhiệm sở trường THKT sau chúng tôi vài tháng.

 

Sau đó anh về làm Hiệu trưởng trường Trung học Kiến Bình, lúc đó trường chỉ xây có hai phòng học, nằm sát mặt lộ. Nói cho chính xác thì anh đi lập trường mới. Không có văn phòng, anh phải dàn dựng phòng hiệu trưởng tại nhà riêng. Vậy là ngài Hiệu trưởng Xuân Sơn vừa giải quyết giấy tờ trường lớp, vừa “quần xà lỏn, áo thun” bán tạp hóa (nhà anh cặp mé sông là tiệm tạp hóa Xuân Sơn - tới nay vẫn giữ nguyên cái bảng hiệu mà!). Lúc nào tiếp khách “bề trên”, anh mới âu phục chỉnh tề. Từ trường đến nhà, ngoằn ngoèo trên con đường đất cũng gần cây số.

 

Anh chàng bám đất Kiến Bình (nay là huyện Tân Thạnh, Long An) làm quê hương xứ sở - từ khi kế nghiệp cha ông, rồi khởi nghiệp - đã trụ vững nơi này. Nghe đâu, sau khi rời ngành giáo về hưu, anh đã trở thành một lương y.

 

Thầy Võ Xuân Sơn và các học trò THKT trong một cuộc cắm trại trên sân trường. Bên trái của thầy là hai bạn Hữu và Chiến. (Ảnh do bạn Đồng Ngọc Lan cung cấp ngày 10-4-2010.)

 

Anh là người đầu tiên gọi điện thoại cho tôi bắt nhip cầu liên lạc hồi tháng 2-2010. Chất giọng anh như xưa, vẫn “võ biền” thân thiết. Anh cho biết hiện anh đang chuyên nghề Đông y. Tôi nói vui: Ê, có rượu thuốc không ta? Anh mau mắn: Có chớ. Tôi cười ha hả: Vậy làm cho chai “tráng dương bổ thận” đi nghen! Anh cười: Ô kê! Mừng bạn 70 năm vẫn còn… chạy tốt! Tôi cười hăng hắc: 80% thôi. Vậy nhớ bốc thuốc tốt nghe “cha”… Tôi tin anh, tôi sẽ về Tân Thạnh đó… Chân tôi giờ này vẫn còn đi dữ lắm, dù vẫn nghèo như xưa, chỉ có từ chàng lãng tử nay nâng cấp (hay hạ cấp?) thành lão lãng tử rong chơi…  

 

Anh vẫn cao khều, vẫn mái tóc “carré” dựng đứng. Không hiểu anh có bảo thủ không - qua hình ảnh chụp ở nhà thầy Cao Thành Phát bữa Mồng 5 Tết Canh Dần, tôi thấy mái tóc “carré” dựng đứng của anh vẫn theo anh từ thuở xuân xanh cho đến khi đầu bạc. Hình như mái tóc anh chưa hề đổi “tông”, chưa hề nâng cấp cho thời trang hơn tí! Vẫn là mái tóc thuộc dòng thế kỷ XX, đời giữa... Tôi liên tưởng đến câu thơ Đường:

 

“Thử địa biệt Yên Đan

 Tráng sĩ phát xung quan”

 (Nơi đây từ biệt Yên Đan

 Khí hùng dựng tóc, căm hờn lòng sôi – Trần Trọng San dịch)

 

Anh cương trực lắm, ăn nói rổn rảng, tự nhiên, tính nết “võ biền”, từa tựa Trương Phi (thời Tam Quốc). Cái gì không hài lòng là cứ chửi, ai lấn áp, anh cứ chửi. Tôi khoái anh ở chỗ đó. Cứ mày, tao mà hết sức thực lòng. Giọng anh nghe còn tốt quá, rõ quá… Hẳn anh luôn bồi bổ thường xuyên bằng dương qui, thục địa, hà thủ ô, đỗ trọng. Thêm tí sâm nhung, dâm dương hoắc chẳng chết ai, lại yêu đời hơn. Chẳng phải ô mê ly đời ta sao, lão Sơn?!

 

Thầy ĐOÀN VĂN NHIÊU

 

Thầy Đoàn Văn Nhiêu và cô Huỳnh Trung Dung trong cuộc họp mặt thầy trò THKT tại nhà thầy Cao Thành Phát ở Gò Công Mùng 5 Tết Canh Dần (18-2-2010).

 

 

Hì, chào Ngài Chánh sở Học chánh một thời (tương đương Giám đốc Sở Giáo dục bây giờ)!


Tôi nhận ra anh Nhiêu ngay từ cái cười toét miệng, cởi mở của anh. Tuy “lão”, nhưng hàm răng anh còn đầy đủ qua cái nhìn trực diện, nụ cười trắng phễu cả miệng. Chao ơi, tôi chưa kiểm nghiệm được trong bộ răng, anh đã bổ sung bao nhiêu cái răng sứ, tô điểm cho cái miệng cười quá duyên của anh! Răng tôi thì 6 cái của bộ hàm dưới đã đi đứt từ 10 năm trước. Giờ chỉ còn xé thịt nhờ sự giúp đỡ của vài cái răng mé phải hàm dưới. Cái miệng tôi chưa móm lắm cũng nhờ bộ răng hàm trên ngụy trang. Không ăn nói xệu xạo là may!

 

Hàng ngồi phía trước, từ trái qua: các thầy cô Nguyễn Thị Bích Thủy, Hoàng Đình Biểu, Trần Thị Trị, Trần Khắc Hòa, Huỳnh Trung Dung (hôm ấy mặc áo dài màu đỏ bordeaux), Hoàng Thị Thịnh, cô Tô Ngọc Thạnh, Đoàn Văn Nhiêu (ngồi bìa phải).
Hàng ngồi phía sau, từ trái qua: các thầy Nguyễn Trọng Hòa (phía sau cô Trị), thầy Nguyễn Văn Trọi (phía sau thầy Hòa), thầy Tiêu Ngọc Sơn (giữa cô Dung và cô Thịnh).
Hàng đứng là các học sinh.

(Ảnh này được thầy Đỗ Ngọc Trang và cô Nguyễn Thị Bích Thủy cung cấp ngày 30-3-2010)

 


Đồng nghiệp Nhiêu rất chịu thương chịu khó. Tính ý ngay thẳng bộc trực, tuy hơi nóng tí cho oai … thế thôi! Rồi đâu cũng vào đấy, chẳng để tâm giận ai…


Lúc anh làm Chânh sở Học chánh Kiến Tường, anh rất mến tôi, anh động viên tôi về làm Trưởng phòng Hành chánh & Nhân viên của Sở, như người bạn thân tín của anh. Sự vụ lệnh, Bộ GD đã ký,cử tôi về Sở như lời đê nghị của anh. Nhưng không hiểu sao, tôi đã… phụ lòng anh! Sorry… Phải chăng vì tôi mê về Saigon quá. Tôi làm đơn từ chối chức vụ (lúc đó tôi cũng đã có được nghị định thuyên chuyển về Saigon). May cho anh, nếu tôi nhận việc, biết đâu tôi không làm anh điên đầu, thì cũng làm anh khó xử, vì tính “lãng tử” của tôi!

 

Hì, hì… Nhiêu ơi, mình thương Nhiêu quá trời! Giờ bạn đã là "đại gia" (coi cái biệt thự hoành tráng mới bóc tem của bạn kìa!). Còn mình vẫn “rớt mùng tơi” như ngày nào!

 

 

Thầy NGUYỄN TRỌNG HÒA

 

Thầy Nguyễn Trọng Hòa (ngồi bên trái), với thầy Nguyễn Văn Trọi và hai học trò Phạm Hồng Phước và Trần Ngọc Bách tại nhà cô Hoàng Thị Cẩm Thạch (Q.5, TP.HCM) hôm Mùng 5 Tết Canh Dần (18-2-2010).

 

Hòa ơi, còn nhớ thời dạy THKT không? Chiều nào anh cũng xách vợt qua sân khu cư xá Ty Công chánh đánh vũ cầu. Trước nhà của các trò: Ngọc Phát, Kim Anh , Tuyết Huỳnh đó mà! Vui thiệt...

 

Các thầy cô trên sân trường THKT nhân tiệc Tất niên 1972. Từ trái qua: thầy Bùi Trinh Tính (đeo kính đen, rất ngầu nhé!), thầy Nguyễn Trọng Hòa, cô Trần Thị Trị, thầy Hoàng Đình Biểu, thầy Trần Khắc Hòa, thầy Uông Văn Đính (mặc áo dài), và thầy Đoàn Văn Nhiêu.

(Ảnh này được thầy Bùi Trung Tính cung cấp ngày 25-4-2010)

 

Trên trang Web THKT, anh xuống sắc thiệt nha, so với dáng dấp thư sinh nho nhã của anh xưa! Cái đuôi mày hơi xệ và cái miệng nho nhỏ của anh không lẫn vào đâu được. Anh ít nói, kể cả khi ai làm anh giận. Tánh hiền. Nhìn qua vẫn gầy gầy như 40 năm trước, chưa thêm chút thịt nào…


Nhưng khi anh nhướng mắt và cười, xem ra cũng yêu đời, yêu người lắm!


Cái chữ viết của anh vẫn mềm mại ẻo lả, nửa fantaisie nửa chân phương… đẹp lạ! Cái kiểu áo luôn gài tay manchette của anh là muôn thuở, nền nả…


Con đường Saigòn – Mộc Hóa không hiểu có dính “chất độc màu da cam” hay không, mà một phần tóc anh lần lượt đi đâu vắng, y chang cái đầu hói của tôi, nhưng tôi tệ hơn....


Sau 1975, tôi gặp lại anh vài lần, lúc đó anh dạy Trung học Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình (TP.HCM). Chúng tôi nhìn nhau lặng lẽ! Rồi xa nhau, mỗi người mỗi đường bươn chải vào cuộc sống riêng tư.
 


Thầy ĐỖ NGỌC TRANG

 

 

Gắn bó với bộ tứ TRANG-NHIÊU-HÒA-TÍNH, từ thời cùng đi tắc ráng vào đất Mộc Hóa, dựng nghiệp ở Trung Học Kiến Tường (1966), thầy Đỗ Ngọc Trang là người trẻ tuổi nhất, 21 tuổi.

 

Trông thầy hiền triết, vậy mà nói chuyện duyên dáng lắm nhe! Thầy chẳng biết móc ngoéo ai, nhưng thỉnh thoảng cũng tiếu lâm đôi chút cho vui đời.

 

Tôi luôn ấn tượng với cái miệng chu chu vo tròn khi thầy cười nhỏ nhẹ sau một câu chuyện nào đó. Cái cười của thầy “thâm thúy” lắm…

 

Nói đến thầy Trang, tôi luôn phục tính bộc trực của thầy, thẳng thắn của thầy mỗi khi ai cần góp ý… Thầy không a dua, lấy lòng ai. Miễn điều đó hợp lòng thầy.

 

Thầy Đỗ Ngọc Trang - cô Nguyễn Thị Bích Thủy trong trại hè 1970 của trường THKT. (Ảnh do thầy cô cung cấp ngày 30-3-2010).

 

Tôi không sao quên được những lời GÓP Ý của Trang - Thủy, khi tôi sắp rẽ ngang qua con đường tình mới. Hai bạn phân tích rất rõ về tương lai của con đường mà tôi sắp dấn thân vào… Tôi hiểu thấu đáo điều hai bạn góp ý. Rất cám ơn. Đó là hiển nhiên, kinh nghiệm khi sống một cảnh hai "huê", thường gặp phải. Nhưng tôi vẫn chọn con đường đó… dù cho hai bạn và nhiều người khác thất vọng!

 

Bây giờ thầy Trang đặt biệt danh “Bùi Lãng tử” cho tôi, không gì quá đáng! Và bài ca mà trò Phước tặng  tôi ”Đời tôi...” cũng không gì quá đáng!

 

 

Thầy CAO THÀNH PHÁT

 

Thầy Cao Thành Phát và cô Võ Bích Thủy trong cuộc gặp mặt Mùng 5 Tết Canh Dần (18-2-2010) tại nhà thầy ở Gò Công.

 

Thầy Cao Thành Phát về THKT sau chúng tôi khoảng 1 năm. Dáng thầy cao lớn, trắng trẻo, đẹp trai. Hồi đó trông thầy trẻ đẹp như tài tử xinê. Nay qua hình ảnh, thầy vẫn ngon lành mạnh khỏe, trông như vận động viên chơi golf, xin chúc mừng. Nhưng không ngờ thầy lại tròm trèm tuổi tôi (thầy Phát sinh năm 1941, kém tôi 1 tuổi).

 

Thầy Phát vẫn hồn nhiên như xưa. Trước Tết, tôi chạy xe 2 bánh  về Gò Công (quê nội), nhưng chưa biết thầy Phát đang ở Gò Công.  

 

Thầy Cao Thành Phát cùng một nhóm học sinh trong buổi cắm trại của THKT. Ảnh do bạn Đồng Ngọc Lan cung cấp.

 

Trên đường về Saigòn, ngang qua chợ Gò Công, tình cờ gần chợ tôi thấy có lớp học thêm Anh văn, phòng học thiết kế đẹp,thoáng mát, khá đông học sinh (khoảng 30 em). Không biết có phải đó là nhà thầy Phát? Nếu phải thì đó là lớp học tư gia lý tưởng. Vì lớp tôi dạy, nhiều lắm cũng chỉ 10 em học sinh trở lại.  Tổng cộng các lớp cũng độ 20 em/ tháng. Có  lẽ do tôi thường xuyên chuyển nhà – vì toàn nhà mướn, nhà mượn – chăng?

 

Cô HUỲNH TRUNG DUNG

 

Cô Huỳnh Trung Dung và học trò Trần Văn Sum trong ngày họp mặt tại Gò Công Mùng 5 Tết Canh Dần 2010.

 

Cô Dung ư?! Trong tâm tưởng - cho đến bây giờ - khi nhắc đến “Huỳnh cô nương” trong tôi vẫn khắc họa rõ nét một vóc dáng đồng nghiệp giai nhân, mảnh khảnh, thoáng lướt với tà áo xanh da trời, phơ phất... Cái màu xanh dịu mát, lơ lửng như trêu người… lãng tử! Cô đi nhẹ nhàng mà thanh thoát, nhanh nhẹn lắm…


Hình như tôi có nói chuyện với cô vài lần chi đó ở Văn phòng. Chuyện chi, còn nhớ chết liền! Ít tiếp xúc cô Dung, một phần vì cô Dung là chị vợ thầy Nhiêu. Tôi ngán thầy Nhiêu, tôi cố gìn giữ, ngại mang tiếng “léng phéng” , tạo "dị ứng" cho phu nhân thầy Nhiêu! Thầy Nhiêu lúc đó, tương tự Ông- Già – Xibêri. Nhìn qua ớn lạnh lắm... Dù biết rằng thầy Nhiêu chẳng có ý nghĩ gì đâu, chẳng qua do tôi  “suy bụng ta” (cụm từ trò Phước thường xài) mả thôi…


Hồi đó, trong độ tuổi 20, 30 ai cũng đều bận rộn trong cách làm duyên của mình, cái tình cảm phân vân của mình, cái lựa chọn “dùng dằng nửa ở nửa về” của mình…Trái tim đôi lúc xẻ ngăn để chứa góc đời lãng mạn! Tự ty thì nhiều mà tự tin thì ít. Thú thật, hồi đó tôi nhát gái lắm (Bác Trang cố nín cười, cho tôi nhờ. Đừng hát nhỏ: Ban ngày mắc cỡ, tối ở không về… nghen). Ra khỏi cổng trường, tôi cứ cúi nhìn mặt đất mà đi! Len lén liếc qua liếc lại chi đó, có trời biết. (Tôi cứ cười hoài câu thơ của Trần Thị Hên -cùng lớp Kiều Oanh- trêu ghẹo thầy Trắc: Thầy tôi đi dưới mái hiên. Chân đi chầm chậm mắt nhìn nữ sinh).
 

Trong khoảng cách Thầy-Trò, thầy Trắc cho Hên ăn dzê-rô để giữ nề nếp tôn ti là đúng! Tuy nhiên tuổi đời Thầy Trò bấy giờ không xê xích mấy. Đôi lúc hành xử thân thiết trong cách thế nam-nữ là điều dễ hiểu. Tất cả đều lọt thỏm vào vùng đất trũng, phèn chua Mộc Hóa… Tìm người đối thoại, nghe thơ đâu dễ… Thầy Cô thời đó là "thần tượng" của trò!


Em Kiều Oanh – giọng ca vàng một thời của THKT- lần đầu gọi điện cho tôi, em gọi tôi là ông thầy “kiếm bạc cắc” (nhìn mặt đất) qua giọng cười lảnh lót.ha hả đầy khoái chí của em. Nghe xong, tôi vuốt cái cằm trụi lủi của mình, cười còn lớn hơn em nữa… Khà, khà, khà! Nếu cô Dung là một nhan sắc đồng nghiệp thì Kiều Oanh là một nét đẹp học đường dễ thương, trong top 10 nữ sinh hoa khôi thời đó (thập niên 1960).

 

Tôi thật bất ngờ khi nhìn lại hình ảnh cô Dung tai nhà thầy Cao Thành Phát dạo Tết Canh Dần vừa rồi. Hồi trước cô Dung tóc ngắn, bồng bềnh hai bên tai như ca sĩ Giao Linh. Bây giờ tóc cô Dung dài, đẹp thật! Tôi chợt nổi thi hứng: Tóc em như suối mát – Cho anh thả hồn thơ – Cho lòng anh say đắm – Đời ngườì, một giấc mơ!

 

Hàng ngồi từ trái qua là các cô: Kim Sa, Huỳnh Trung Dung, Liên Anh, em cô Thịnh, Trần Thị Trị, Hoàng Thị Thịnh.
Hàng đứng từ trái qua là các thầy: Bùi Trung Tính, Hoàng Đình Biểu, Nguyễn Viết Hiển, và cô Nguyễn Thị Bích Thủy. (Ảnh chụp năm 1972 trong khuôn viên trường THKT)
 

Cô TRẦN THỊ TRỊ

 

 

Bìa trái: Thầy Bùi Trung Tính. Bìa phải: cô Liên Anh (áo đậm), cô Trần Thị Trị (mang giỏ), cô Hoàng Thị Thịnh (đứng phía sau, giữa cô Trị và cô Liên Anh). Học sinh lớp 9P, niên khóa 1971 - 1972.

 

Tôi định viết về cô Trị mấy hôm trước, nhưng vẫn áy náy về việc cô “bực” tôi.
Chuyện như vầy:


Khi tôi trở về THKT (1971) cô Trị đã có mặt. Cô Trị từ Long An lên, rất hiền hậu, chân chất. Cô ở riêng một căn nhà với mấy người cháu – cũng là học trò THKT. Trong đó có em Trần Văn An, trưởng lớp 12 AB, và một em nữ sinh lớp 8 (quên tên).


Cô Trị khi ấy là cô giáo duy nhất dạy Pháp văn ở các lớp. Thầy Trần Khắc Hòa cũng chuyên Pháp văn, lò Đại học Văn khoa cùng Đỗ Ngọc Trang và tôi. Nhưng với chức vụ Hiệu trưởng đương thời, thầy Hòa ít đứng lớp. Do thiếu giáo sư bộ môn nên thầy Hòa phải dạy Công dân lớp 12AB. Sau đó thầy Hòa bận quá nên xếp tôi dạy thay thầy…


Cô Trị nấu ăn rất ngon. Trong đó có món chè thưng. Mấy thầy chúng tôi nghe tiếng (hình như có cả thầy Nguyễn Trọng Hòa, thầy Nguyễn Văn Trọi,...) đòi cô cho thưởng thức món chè.


Sau khi hỏi ý kiến và hẹn ngày giờ “đến chiêm ngưỡng” chè-cô-Trị, chúng tôi lếch thêch đến nhà cô vào tối đó. Cô đón tiếp nhiệt tình, lịch sự, áo bà ba lịch lãm (bấy giờ chưa có áo 2 dây, 1 dây) đon đả mời vào chờ… chè sắp chín. Chúng tôi ngồi trên bộ ván gõ tán gẫu…


Một lát sau, bỗng dưng tôi nổi cơn “đòi về”, vì có một cuộc hẹn trước, do mê chè-cô-Trị mà quên đi!


Tôi ra sau nhà, tìm cô Trị xin phép về. Cô Trị cự nự  “Thầy đòi ăn chè mà sao thầy bỏ về? Ráng tí nữa nghen thầy. Chè dọn lên ngay”. Không hiểu sao, tôi “nhất quyết về”. Một thầy rỉ tai tôi: chè–cô-Trị ngon lắmm, về là bất lịch sự đó!
Nhưng tôi vẫn quyết tâm… về. Biết tính tôi “lập trường bất nhất”, cô vẫn giận tôi ra mặt. Cô theo tôi ra tận cửa mà hình như cô nghẹn tức đến… rướm nước mắt!

 

Từ đó về sau ,dù có thèm chè-cô-Trị đến mấy, tôi cũng không dám đòi…


Cô Trị ơi, giờ này cô ở đâu? Ngàn lần, muôn lần xin lỗi cô nhé… đừng giận “người lãng tử".
 

 

Các thầy NGUYỄN VĂN TRẮC, NGUYỄN VĂN THỪA, TIÊU NGỌC SƠN, NGUYỄN VĂN TRỌI

 

Thầy Nguyễn Văn Thừa (có thầy Cao Thành Phát, mặc áo pull đen đứng phía sau) và thầy Nguyễn Văn Trắc (ngồi cạnh cô Hoàng Thị CẩmThạch ở bìa phải). Ảnh chụp tại buổi họp mặt thầy trò THKT ở Gò Công ngày 18-2-2010.

 

 

Thầy Trắc, thầy Thừa về THKT trong thời gian tôi gián đoạn 3 năm. Khi trở lại THKT, tôi mới gặp được hai thầy. Cả 2 học sau tôi một khóa tại ĐHSP, cùng khoa Sử Địa. Hẹn lúc nào gặp lại 2 thầy sẽ hàn huyên tâm sự nhiều hơn…

 

Thầy Nguyễn Văn Trọi (bên phải) và thầy Bùi Trung Tính hôm gặp lại nhau lần đầu tiên sau 39 năm xa cách. Ảnh chụp sáng 29-4-2010 tại tiệm Cơm tấm Cali (Q.5, TP.HCM).


Thầy Tiêu Sơn, thầy Trọi về Trường cùng lượt với nhau. Tôi và thầy Tiêu Sơn đã đi chơi với nhau vài lần (đánh vũ cầu?). Thầy Trọi và tôi vài lần được học trò mời ăn chè cháo tại nhà các em vào buổi tối và xem các em tự biên tự diễn văn nghệ để quên nỗi buồn xa nhà.
 

 

BÙI TRUNG TÍNH

(TP.HCM, 4-2010)

 
 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage