hồi ức về nhau

 

                                                     

 

 

 

 

 

 

Chuyện một môn đồ THKT

 

 

Mấy ngày qua dồn hết sức lực vào học vi tính, viết đựơc mail cho thầy Đỗ Ngọc Trang, đó là những lá thư đầu tiên qua lại với nhau. Rồi "Đỗ sư phụ" dạy không viết thư riêng nữa mà "phải" viết lên trang web THKT cho mọi ngườ cùng đọc và chia sẻ "phải" biết sử dụng máy tính, "phải" biết lên và gặp nhau trên mạng. Nghe lời "sư phụ", hôm nay "đệ tử" ráng "bò" lên mạng theo chỉ dẫn của cố tri Ngọc Bách, coi liệu có kết quả không! Thôi thì tới đâu hay tới đó, người ta lên máy 10 ngón, còn tôi thì chấp chỉ cần một ngón mà thôi.


Trước hết xin kính chào quý Thầy Cô THKT dù "đệ tử" có thọ giáo hay không và các bạn gần xa học trên hoăc dưới lớp. Đây là lần đầu được gặp quý vị từ khi có THKT tới nay.


Sau đây tôi xin mạo muội viết một bài để ra mắt trong trang web này.

 

Nguyễn Văn Mầu gặp lại cô Hoàng Thị Cẩm Thạch trong ngày họp mặt THKT Tết Nhâm Thìn 4-2-2012.

 

Số là khoảng năm 67-68 của thế kỷ trước có một thiếu niên khoảng 13-14 tuổi, đầu khét nắng chân dính bùn lò dò từ một làng quê hẻo lánh bỡ ngỡ bước vào cánh cổng THKT để được các thầy rèn luỵên nên người. Vào thời buổi ấy quê hương còn loạn lạc lầm than, nhưng thầy không sợ khói lửa can qua, bám lấy cái tỉnh nghèo nàn nơi tuyến đầu lửa đạn, quyết tâm dạy dỗ đàn trò nhỏ nên người, "ôi cao quí biết bao". Thầy ra sức dạy, trò cố gắng học. Biết được sự lợi hại của việc học đối với mình như thế nào, chàng thiếu niên ấy cố cong dùi mài kinh sử mong sau làm rạng danh nơi sinh ra mình. Chàng đã học được nhiều điều, biết được nhiều chuyện đông tây -kim cổ, hiểu được những điều hay lẽ thiệt, nói chung là học được rất nhiều dưới mái trường THKT. Chàng ta chia thầy ra hai nhóm, một bên VĂN, một bên VÕ vì chàng ta thấy trong trường các thầy có ý như vậy, thầy nào cũng muốn trò giỏi môn mình nhiều hơn nên trong trường thường có cuộc tranh giành đệ tử, ai cũng quyết tâm truyền đạt hết "bí kiếp võ công" để môn [phái] mình nổi tiếng, giỏi trò cũng thơm thầy, vì vậy các trò được hưởng lợi nhiều nhất. Các thầy thường để ý đến hai thành phần trong lớp, thứ nhất là trò giỏi, thứ hai là trò dở để tìm cách truyền thụ "bí kiếp". Còn chàng ta không giỏi cũng không dở, môn nào cũng học được nên sư phụ nào cũng khoái, truyền thụ hết tuyệt học của mình, vô hình chung chàng học được tuyệt kỹ lúc nao không hay. Cứ thế ngày tháng trôi qua, chàng nổi trội trong đám môn đồ. Các thầy đều nhận xét sau này ra trường "nó" chưa chắc thua ai. Thời gian thấm thoát thoi đưa, chàng ta thành một thanh niên khá hoàn hảo, có thể nói là văn võ song toàn đợi ngày đem "sở tồn làm sở dụng, vỗ yên bá tánh, dẹp nỗi can qua". Nhưng rồi giang hồ yên sóng gió; những chứng nhận công phu tuyệt học tu luyện bấy lâu đã lỗi thời, không còn chỗ để dụng. Chàng ta buồn quá đem chôn chặt hết tận đáy lòng chỉ để lại cái tâm bên ngoài mà sống tạm trên đời, hy vọng ngày nào đó được đem ra mà thi thố.


Bài đến đây tạm dừng xin quí thầy và các bạn "phê" để sau viết hay hơn. (E-mail của tôi:
[email protected]

 

Cám ơn, kính chào tạm biệt.


Học trò THKT

 

NGUYỄN VĂN MẦU
(Mộc Hóa 1-3-2012)
 

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage