|
Đôi điều về tiết Thanh minh
1. Trước hết nói về ngữ
nghĩa:
Trong tiếng Việt có 2 từ gần nghĩa và âm. Trong đó
“Tiết” 節 là âm Hán Việt nguyên chỉ “đốt, khợp và
ngày kỷ niệm”, ví như: 春節 Tết Nguyên đán; 過節 Ăn tết;
清明節 Tiết thanh minh. Còn Tết là từ thuần Việt gọi
trệch từ Tiết mà ra. “Thanh” 清, nghĩa là trong sạch
và Minh 明 là “sáng suốt trong sạch, không bị ngoại
vật che lấp”.
Như vậy, Thanh minh 清明, nghĩa là ngày có trời trong
sáng.
Nguồn minh họa: Internet.
2. Thanh minh là Tiết khí:
Tiết Thanh minh là một khái niệm trong công tác lập lịch của các
nước phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, là
một trong số hai mươi tư tiết khí 節氣 của âm lịch.
Tiết Thanh Minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày:
Khi tiết Xuân Phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu
trời trở nên quang đãng, sáng sủa, thường bắt đầu trong tháng ba
hoặc muộn lắm là đầu tháng tư âm lịch tuỳ từng năm.
Lịch hiện đang được người dân Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên dùng
là loại âm dương lịch được tính theo vị trí của Trái Đất trong chu
kỳ chuyển động trên quỹ đạo của mình xung quanh Mặt Trời. Nếu tính
điểm xuân phân 春分 là gốc (kinh độ Mặt Trời bằng 0°) thì điểm
diễn ra hay bắt đầu tiết Thanh minh là kinh độ Mặt Trời bằng 15°.
Nếu tính Đông chí 冬至 là gốc thì Thanh minh cách tiết này khoảng 105
ngày, còn nếu tính Lập Xuân 立春 là gốc thì nó cách tiết này khoảng 60
ngày. Cho nên, Nguyễn Du trong Truyện Kiều mới có câu:
Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu
mươi.
Do vậy, tiết Thanh minh, trên thực tế được tính
theo cách tính của dương lịch và nó thông thường bắt đầu vào ngày 4
hoặc 5 tháng 4 dương lịch khi kết thúc tiết Xuân phân và kết thúc
vào khoảng ngày 20 hay 21 tháng 4 khi tiết Cốc vũ 穀雨 bắt đầu. Người
Trung Quốc coi Thanh Minh là một trong 4 Tiết mừng lớn 四大节庆.
3. Cần phân biệt với Tết Hàn thực:
Tết Hàn Thực 寒食节 là một ngày tết vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch.
"Hàn Thực" nghĩa là "đồ ăn lạnh". Nhưng xưa nay, nhiều người hay
nhầm đây là tiết Thanh Minh. Thực ra có thể người dân đi nhận mộ vào
ngày 03/3 nhưng nay là vào trước hay sau tiết Thanh minh. Nhưng cần
hiểu rành rẽ.
Chuyện rằng: vào thời Xuân Thu 春秋时期, vua Tấn Văn Công 晋文公 nước Tấn
là Trọng Nhĩ 重耳, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong. Bấy giờ có một hiền
sĩ tên là Giới Tử Thôi 介之推, theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên
đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng
thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem
lòng cám kích vô cùng. Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười
chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về
sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn,
phong thưởng rất hậu cho những người có công trong khi tòng vong,
nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận
gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chớ
không có công lao gì đáng nói. Vì vậy về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn
ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi
không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt
rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không
chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương
xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba
ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm từ mồng 3 tháng 3
đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch hàng năm.
Ở Việt Nam cũng theo tục ấy và ăn Tết Hàn Thực ngày mồng 3 tháng 3.
Tuy nhiên, người ta chỉ làm bánh trôi hay bánh chay để thế cho đồ
lạnh, nhưng chỉ cúng gia tiên, chứ ít ai tưởng nhớ gì đến Giới Tử
Thôi và chuyện của ông. Ngày ấy, người Việt vẫn nổi lửa, không kiêng
khem gì.
Vậy Tết Hàn thực là theo lịch Âm, luôn diễn ra
ngày 03/3 âm còn Tiết Thanh Minh phải dựa vào Dương lịch, nó diễn ra
cuối tháng Hai, đầu tháng Ba âm. Năm Nguyễn Du viết Truyện Kiều, nó
rơi vào tháng Ba nên mới có câu:
Thanh minh trong tiết tháng Ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.
4. Tiết Thanh minh qua
các thời kỳ:
Theo tuyền thuyết tiết Thanh minh được bắt nguồn từ đời nhà
Hán (漢朝,Han
cháo, 206 tCN. - 220 sCN), khi đó
các bậc Đế Vương thực hiện việc tế lễ các Tiên vương tại lăng mộ sau
thành phong tục dân gian.
Cho đến đời nhà Minh (明朝,Ming;
1368 - 1644)và nhà Thanh (清朝,
Qīng,
1644 - 1911)
cơn sốt đi tảo mộ lên đến đỉnh cao, có người không chỉ đến
mộ tổ tiên đốt tiền bạc, mà còn làm mâm cỗ đầy để cúng
trước mộ.
5. Lệ tục trong Thanh Minh:
Lễ tảo mộ:
Tảo mộ chính là sửa sang ngôi mộ cho được sạch sẽ. Nhân ngày
lễ Thanh Minh người ta mang theo cuốc xẻng để đắp lại nấm mồ cho to,
rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trèo lên mộ có thể phạm tới
hài cốt của người thân đã khuất. Sau đó cắm mấy nén hương, đốt vàng
mã hoặc đặt thêm bó hoa dâng cho vong hồn người quá vãng. Bên cạnh
những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ,
không người thăm viếng. Những người có lòng nhân đức không khỏi mủi
lòng thường cắm một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ
này. Tại các nơi tha ma mộ địa còn có lập một cái am để thờ chung
những mồ mả vô chủ gọi là Am chúng sinh và mỗi cửa am
có một bà đồng sớm tối đèn hương thờ phụng.Trong ngày tảo mộ, bãi
tha ma vốn vắng lặng bỗng trở nên sầm uất. Mọi người đi tảo mộ đều
vui vẻ và ăn vận rất chỉnh tề. Các ông già bà cả thì lo khấn vái nơi
phần mộ. Thanh niên nam nữ cũng nhân dịp này mà phô sắc phô tài. Cả
trẻ em cũng theo cha mẹ đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi
mộ của gia tiên, sau là bố mẹ muốn tập cho chúng sự kính trọng tổ
tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng
thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và xum họp với đại gia
đình. Thường người ta đi tảo mộ từ sáng sớm cho đến gần trưa.
Tục lệ tảo mộ:
Thường người ta đi tảo mộ vào tiết Thanh Minh trời quang mây tĩnh,
và sau đó kính mời hương hồn tổ tiên về hưởng cỗ con cháu cúng trong
dịp này. Nhưng cũng có nhiều nơi người ta tảo mộ vào dịp trước và
sau ngày Tết. Nhiều làng thuộc tỉnh Hà Ðông ở vào vùng đất
thấp, tới vụ nước, ruộng nương và cả bãi tha ma đều ngập nước, thì
người ta đi tảo mộ vào đầu tháng chín, sau khi nước đã rút. Dù đi
tảo mộ vào ngày nào thì việc thăm nom mồ mả tổ tiên cũng là việc
hay. Nghĩ đến gia tiên tức là nghĩ đến gốc, tưởng đến nguồn.
Chính vì thế, có nơi gọi tiết Thanh Minh là
“tết “âm phủ”, qua đó có thể thấy đây là ngày tết của
người quá cố. Trước sau Thanh minh, nhà nào nhà nấy đi tảo
mộ cho trọn đạo nghĩa, con cháu dọn dẹp, cắt cỏ xung quanh
mộ, đắp thêm đất mới, thắp hương, đốt tiền, lễ bái hoặc
mặc niệm.
Menthuong@
*
Nguồn: Internet (xin cảm ơn tác giả).
*
Người tìm chọn và chia sẻ: KIẾN TỪ ĐƯỜNG (4-4-2012, Thanh
minh Nhâm Thìn)
|
|