|
NĂM THÌN NÓI CHUYỆN RỒNG
Con Rồng Việt Nam
Dân Việt, cũng như các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, xem
Rồng (xin phép được viết “Rồng” chữ hoa trong bài này) như một linh
vật đứng đầu Tứ linh (Long, Lân, Quy, và Phượng) có quyền lực vô
biên, được thờ phụng và kính trọng; trong khi văn hóa Tây phương lại
xem Rồng như một quái vật dị hình phun lửa và khói; hay là một ác
thần sinh ra sấm chớp; chủ trương phá hoại hơn là xây dựng. Từ xưa,
qua lịch sử Á đông nói chung, con Rồng đã là biểu tượng của vương
quyền, sức mạnh vô địch, sự thiện mỹ, lòng can đảm, sự thiêng liêng…
Tất cả những câu chuyện, vật dụng, ngôi thứ có liên quan đến Rồng
đều là chuyện cao cả, tốt đẹp và hạnh phúc. Rồng được tin là đem lại
sự trường sinh, sung túc, ấm no và an vui cho mọi người. Rõ rệt,
Rồng có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống hàng ngày cũng như văn hóa
dân Việt từ lúc lập quốc. Hình tượng Rồng được đặt, khắc, chạm một
cách công phu và trang trọng trong các kiến trúc văn hóa, cung điện
hoàng gia, nơi công cộng cũng như nơi trang nghiêm thờ phượng (bàn
thờ gia tiên, đình, chùa, miễu…)
+ Nguồn minh họa: Internet.
RỒNG TRONG VĂN CHƯƠNG BÌNH DÂN
Vì là con vật không hiện thực, kho tàng văn chương bình dân chúng ta
chỉ ghi chép được một số câu về rồng như dưới đây:
"Rồng bay phượng múa" là người có nét chữ viết "lả lướt", bay lượn,
uốn khúc. Khi thuyết giảng, Thánh Anphong, vị Sáng lập Dòng Chúa Cứu
Thế, diễn tả tư tưởng của ngài một cách hùng hồn với điệu bộ như
"rồng bay phượng múa!"
"Ăn như rồng cuốn" là ăn nhiều, thực nhiều, trái với "ăn như mèo" là
ăn ít.
Ngày nay các cô gái Việt ở Mỹ không dám "ăn như rồng cuốn", vì phải
giữ eo thon, để dự thi hoa hậu áo dài Long Beach!
"Nói như rồng leo, làm như mèo mửa" là nói huyên thuyên, thao thao
bất tuyệt, đủ chuyện trên trời dưới đất, nhưng lại biếng nhác, làm
việc thì "như mèo mửa!"
"Rồng đến nhà tôm" là thành ngữ ám chỉ một kẻ nghèo hèn, khi vinh dự
được vị thượng khách thương tình chiếu cố đến tận nhà thăm viếng
mình.
"Rồng đen lấy nước thì nắng, rồng trắng lấy nước thì mưa": Tục ngữ
diễn tả kinh nghiệm của các nhà nông về những ngày nắng mưa.
"Rồng vàng tắm nước ao tù, người khôn ở với người ngu bực mình":
Rồng vàng là rồng quý, không bao giờ đi tắm nước đục ở ao tù, cũng
vậy người khôn ngoan mà phải chung sống với kẻ ngu đần thì thật là
"bực mình".
Tôi được hạnh phúc chào đời ở thôn làng Dục Ðức, huyện Kim Sơn, tỉnh
Ninh Bình, nhưng sau ngày di cư vào Nam lúc còn quá nhỏ, nay tôi
không còn nhớ gì về nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình, ngoại trừ hình
ảnh còn lại mờ mờ trong trí về những cuộc chơi "rồng rắn lên mây"
với các bạn trai gái trong xóm, vô cùng hào hứng và vui nhộn. Một em
làm thầy thuốc, số còn lại bám đuôi áo nhau làm thành một hàng dài.
Em đi đầu dẫn cả đoàn, vừa đi vừa hát: "Rồng rắn lên mây, có cây núc
nác, có nhà hiển vinh. Thầy thuốc có nhà hay không?" Thường thầy
thuốc không có nhà để rồng rắn đi lượn quanh sân hai ba lượt. Cuối
cùng thầy thuốc có nhà. Thầy thuốc hỏi: "Rồng rắn đi đâu?" Em cầm
đầu đáp: "Rồng rắn đi lấy thuốc cho con". Thầy thuốc hỏi: "Con lên
mấy?" Rồng rắn đáp: "Con lên một". Thầy thuốc nói: "Thuốc chẳng
ngon". (Cuộc đối đáp tiếp diễn cho đến khi rồng rắn trả lời "con lên
mười"). Khi ấy thầy thuốc kết luận: "Thuốc ngon vậy". Ðoạn thầy
thuốc lên tiếng: "Xin khúc đầu". Rồng rắn cho biết: "Những xương
cùng xẩu" - "Xin khúc giữa" - "Những máu cùng me" - "Xin khúc đuôi"
- "Tha hồ thầy đuổi". Thế là em cầm đầu rồng rắn giang thẳng hai tay
để chắn, thầy thuốc cố gắng chạy qua để tóm được em đứng sau rốt.
Ðoàn rồng rắn càng dài thì cuộc đuổi bắt càng náo nhiệt. Khi bắt
được, em đó phải thay thầy thuốc và cuộc chơi lặp lại từ đầu.
Dù truyện "con Rồng cháu Tiên" chỉ là truyền thuyết, người Việt vẫn
có thể coi mình là như thế. Năm Thìn nhắc nhở chúng ta hãy sống xứng
đáng là "con Rồng cháu Tiên". Bạn hãy có lòng nhân ái, bao dung đối
với nhau, để mọi người được hạnh phúc, ấm no. Hãy tháo cởi thù hận
trong trái tim mình, để bạn được thực sự là người tự do. Hãy xây
dựng một Quê Hương hòa bình, tươi đẹp, trong Năm Mới đang mở ra cho
các con của Mẹ, như một hồng ân bao la của Thượng Ðế Tình Thương.
HÌNH TƯỢNG CON RỒNG VIỆT NAM
Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín
ngưỡng của dân tộc Việt Nam và đã từng là biểu tượng linh thiêng
liên quan đến truyền thuyết “con rồng cháu tiên” của người Việt.
Rồng là hình ảnh mà các vua Việt Nam phải xăm lên đùi mình để giữ
truyền thống của cư dân ven biển. Đến đời vua Trần Anh Tông
(1293-1314) mới chấm dứt tục xăm rồng trên đùi của các vua. Rồng là
tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng thiên tử (bệ rồng,
mình rồng). Rồng là hình tượng của mưa thuận gió hòa, là vật linh
đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh "long, lân, quy, phụng". Vì
thế, hình tượng con rồng Việt Nam đối nghịch với hình tượng con rồng
độc ác, tượng trưng cho cái xấu của các nước phương Tây.
Hình tượng rồng đã được hình dung lên từ thời đại Hùng Vương qua con
vật thân dài có vẩy như cá sấu được chạm trên các đồ đồng thời ấy.
Qua thời kỳ Bắc thuộc dài đằng đẵng, con rồng Việt Nam xuất hiện rõ
nét dưới thời Lý. Hình ảnh "rồng bay lên" - Thăng Long - tượng trưng
cho khí thế vươn lên của dân tộc, được đem đặt cho đất đế đô. Rồng
thời Lý tượng trưng cho mơ ước của cư dân trồng lúa nước nên luôn
luôn được tạo trong khung cảnh của nước, của mây cuộn. Rồng thời Lý
là con vật mình dài như rắn, thân trơn nếu là con nhỏ, còn con lớn
thì thân có vẩy và lưng có vây. Thân rồng uốn cong nhiều vòng uyển
chuyển theo hình "Omega", mềm mại và thoải nhỏ dần về phía đuôi.
Rồng có bốn chân, mỗi chân có ba móng cong nhọn. Đầu rồng ngẩng cao,
há miệng rộng với hai hàm răng nhỏ đang vờn đớp viên ngọc quý. Từ
mũi thoát ra mào rồng có dạng ngọn lửa, vì thế được gọi là mào lửa.
Trên trán rồng có một hoa văn giống hình chữ "S", cổ tự của chữ
"lôi", tượng trưng cho sấm sét, mây mưa.
Hình tượng con rồng thời Trần có nhiều biến đổi so với thời Lý. Rồng
thời Trần không còn mang nặng ý nghĩa mơ ước nguồn nước nữa. Dạng tự
chữ "S" dần dần mất đi hoặc biến dạng thành hình con, đồng thời xuất
hiện thêm hai chi tiết là cặp sừng và đôi tay. Đầu rồng uy nghi và
đường bệ với chiếc mào lửa ngắn hơn. Thân rồng tròn lẳng, mập mạp,
nhỏ dần về phía đuôi, uốn khúc nhẹ, lưng võng hình yên ngựa. Đuôi
rồng có nhiều dạng, khi thì đuôi thẳng và nhọn, khi thì xoắn ốc. Các
vảy cũng đa dạng. Có vảy như những nửa hình hoa tròn nhiều cánh đều
đặn, có vảy chỉ là những nét cong nhẹ nhàng.
Rồng thời Lê (thế kỷ XV) thay đổi hẳn. Rồng không nhất thiết là một
con vật mình dài như rắn uốn lượn đều đặn nữa mà ở trong nhiều tư
thế khác nhau. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn,
thay vào đó là một chiếc mũi to. Thân rồng lượn hai khúc lớn. Chân
có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho
quyền uy phong kiến. Cũng chính bắt đầu từ thời đại này xuất hiện
quan niệm tứ linh (bốn con vật thiêng) tượng trưng cho uy quyền của
vương triều. Rồng đứng đầu trong tứ linh. Ba vật thiêng kia là lân
(tượng trưng cho sự thái bình và minh chúa), qui (con rùa - tượng
trưng sự bền vững của xã tắc) và phụng (tượng trưng cho sự thịnh
vượng của triều đại).
Rồng thời Trịnh - Nguyễn vẫn còn đứng đầu trong bộ tứ linh nhưng đã
được nhân cách hóa, được đưa vào đời thường như hình rồng mẹ có bầy
rồng con quây quần, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi.
Con rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh
thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám
mây, hoặc ngậm chữ thọ, hai rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu
chữ thọ... Phần lớn mình rồng không dài ngoằn mà uốn lượn vài lần
với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra
sau. Mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Vây trên lưng
rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt
chìa ra cân xứng hai bên.
Hình tượng rồng dùng cho vua có năm móng, còn lại là bốn móng.
Trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam, con rồng vẫn là một phần
trong đời sống văn hóa của người Việt.
Lm. NGUYỄN THANH SƠN, C.Ss.R.
+ Nguồn: Internet (xin cảm ơn tác giả)
+ Người tìm chọn và chia sẻ: KIẾN NGỐ
(Maryland 18-1-2012)
|
|