|
KHẢO LUẬN
Độ dài của truyện
ngắn
Truyện ngắn có từ thuở con người biết sử dụng ngôn ngữ. Nơi bếp lửa,
ông bố kể truyện đi săn trong ngày; nơi đình làng ông lý kể truyện
thần linh; nơi chợ búa các bà truyền nhau truyện dân gian… Khi con
người có chữ viết, truyện ngắn bước sang dạng sáng tạo đặc thù hơn.
Quốc gia nào cũng có những tác phẩm truyện ngắn tiêu biểu như
Liêu trai chí dị ở trung Hoa, Ngàn lẻ một đêm ở Ả Rập,
Truyện ngắn Tô Hoài ở Việt Nam (1)…
Truyện ngắn
Danh xưng “truyện ngắn” (short story) do giáo sư văn chương Brander
Matthews, đại học Columbia University, đặt ra vào năm 1901, để tiện
việc xếp loại các đề mục. Tuy nhiên, truyện phải dài cỡ nào để được
gọi là truyện ngắn thì không có qui luật nào ấn định. Hiểu một cách
giản dị, truyện ngắn là truyện không dài. Giữa hai truyện: Cái ấm
đất (1940) của Nguyễn Tuân, dài 4 trang và truyện Số đỏ
(1936) của Vũ Trọng Phụng gồm 20 chương, dài 200 trang, ai cũng
biết cái nào là truyện ngắn.
Về phương diện văn học sử, các học giả cho rằng truyện ngắn được ghi
bằng chữ viết xuất hiện đầu tiên là những truyện trong kinh điển tôn
giáo. Nhưng đúng với tiêu chuẩn văn chương, truyện ngắn chỉ có vào
đầu thế kỷ 19 qua tác phẩm The Two Drovers (Hai gã lái bò)
của Sir Walter Scott, xuất bản năm 1827. Sau đó những tay gạo cội
trên văn đàn như Guy de Maupassant, Pháp, với Deux amis
(1880), Edgar Allan Poe, Mỹ, với Tales of the Grotesque and
Arabesque (1840), Anton Chekhov, Nga, với The Steppe,
(1887), đã tiếp tay tạo ra hướng đi mới cho thể loại này. Ở Việt Nam
chưa có ai bàn về thời điểm xuất hiện truyện ngắn. Tuy nhiên chúng
ta có thể suy ra truyện ngắn ghi bằng chữ viết chỉ có thể có khi chữ
quốc ngữ được quảng bá với ngành truyền thông, tức là vào khoảng đầu
thế kỷ 20. Lúc đó các tạp chí và văn đoàn đều có mặt khắp 3 miền
Trung Nam Bắc.
Truyện rất ngắn
Theo thời gian, truyện ngắn bị giản lược cho ngắn hơn, rồi trở
thành truyện rất ngắn (very short story). Truyện rất ngắn bắt buộc
phải nằm gọn trong một trang giấy. Trên thực tế nó chưa bao giờ dài
quá nửa trang. Truyện thường chỉ gồm một hai đoạn văn (paragraph).
Các nhà văn học sử đưa ra nhận định rằng truyện rất ngắn khởi đầu từ
năm 1920 do Ernest Hemingway khởi xướng. Riêng tại Việt Nam, một số
học giả cho rằng truyện rất ngắn bắt đầu từ những truyện của Võ
Phiến viết vào năm 2000. Thể loại này được phát huy bởi những sáng
tác của Võ Đình trong cùng năm đó.
Truyện ngắn và truyện rất ngắn đã phổ cập đến nỗi một số
trường đại học Mỹ đã đưa chúng vào chương trình giảng huấn trong bộ
môn Sáng tác (Creative Writing). Ngày nay truyện rất ngắn trở nên
vô cùng thích hợp với giới trẻ của thời đại tốc độ và mạng
(Internet). Trong khi người có thì giờ đọc truyện dài càng ngày càng
ít, truyện rất ngắn trở thành dây nối kết thân hữu trên các mạng
lưới.
Xin giới thiệu 4 truyện tiêu biểu sau đây:
|
Anh tôi
Anh gần 40 tuổi mà chưa vợ.
Chị nhỏ hơn anh gần một giáp lại xinh đẹp. Ngày anh
đưa chị về nhà, ai cũng mừng cho anh, chỉ riêng mẹ
bảo: "Con phải tính cho kỹ, mẹ thấy không yên tâm".
Anh cười nói: "Mẹ đừng lo”.
Thôi nôi con anh được một
tháng thì mẹ mất. Trước khi đi, mẹ dặn anh: “Giữ
cháu lại cho bà”. Anh cầm tay mẹ bảo: “Mẹ yên tâm”.
Anh chị ly dị, con anh theo
mẹ, anh đứng trước bàn thờ mẹ khóc chỉ nói được câu:
“Con xin lỗi”.
(Vũ Viết Hưng. 2010, website
Tuổi Trẻ Việt Nam) |
|
|
|
Đành thôi
Ngày đó, yêu em mà không dám
nói. Cứ chiều chiều tan lớp, ngồi đợi em về trong
một góc quán cà phê đầu ngõ. Em thôi không học nữa.
Tôi quyết định viết thư tỏ tình. Thư viết chưa xong,
em theo chồng xa xứ. Lá thư tình viết dở dang tôi
còn giữ đến tận bây giờ.
Sáng qua, ngồi trên ghế xử ly
hôn, ngỡ ngàng thấy em ôm con ngồi bên dưới, mắt đỏ
hoe. Tối về, lục lại trang thư cũ định viết tiếp.
Tìm mãi, không có cây bút nào trùng với màu mực cũ…
(Thầy Giáo Làng sưu tầm. 2010,
website DayhocIntel) |
|
|
|
Kiến thức
Đứa con gái ngồi khóc trên
thành cầu Bình Triệu. Nó sẽ nhảy xuống mặt sông tối
đen kia chăng?
Hắn vòng xe lại. Lưỡi dao chạm vào cổ hắn lạnh toát.
Xe lao đi. Vang lại giọng cười sằng sặc.
Dòng nước dưới kia chắc lạnh lắm. Hắn lủi thủi về
nhà. Cay đắng, giận mình sao không đọc báo Công an
để mở mang kiến thức.
(Lê Thị Bắp. 2010, Website Tin
học) |
|
|
|
Tro ấm
Bọn cháu gái chúng tôi chẳng ai học được cách nhóm
bếp của bà nội cả. Bà chỉ cần gạt bỏ lớp tro phủ
trên
mặt bếp lò, bỏ củi vào thổi nhẹ là có một bếp lửa đỏ
rực.
Sáng nào cũng vậy, bà nội dậy thật sớm. Bà lặng lẽ
nấu nước, lấy bộ đồ ông nội trên mắc áo đi giặt.
Xong bà quay vào chuẩn bị bữa cơm, châm sẵn một bình
trà nóng, rồi ra cửa gọi lớn:
“Ông ơi vào ăn cơm”
Cả nhà tôi đều im lăng.
Ông nội đã mất 20 năm rồi!
(Kim Liêu. 2010, website Tuổi trẻ Việt Nam) |
|
|
Truyện cực ngắn
(2)
Từ một truyện rất ngắn, rút gọn nó lại thêm một lần nữa, ta sẽ
có một truyện cực ngắn. Năm 1920, Ernest Hemingway (đoạt giải Nobel
văn chương, 1954) đã viết một câu truyện cực ngắn chỉ có 6 chữ.
|
For sale: baby shoes,
never worn.
(Rao bán: giày em bé. Chưa
hề mang). |
|
|
Các nhà phê bình đều công nhận đó là một tuyệt tác. Từ
đó phát sinh loại short short story (rút ngắn truyện ngắn). Văn đàn
Trung Quốc dịch là “cực đoản thiên”, tiếng Việt gọi một cách dễ hiểu
là truyện cực ngắn. Câu truyện bán giày của Hemingway là một hiện
tượng lạ đi trước thời đại của ông. Bởi vì mãi đến bây giờ lối viêt
này mới trổ hoa để trở thành một phong trào. Với những tư duy mới
của thế kỷ 21, nền văn hóa đại chúng (pop culture), làn sóng mới
(new wave), qua những phương tiện hiện đại của texting (bản văn viết
tắt) của Internet, truyện cực ngắn tung bay như diều gặp gió, như
rồng gặp mây.
Tuy thế, chớ lầm lẫn một truyện cực ngắn với một vài câu nói.
Chúng ta hãy thử đọc câu truyện mất búa trích trong tập Cổ học Tinh
hoa. “Có ông mất cái búa. Ông ngờ con hàng xóm lấy. Ông thấy nó
đúng là dáng của tên ăn trộm. Sau đó ông tìm được cái búa . Ông thấy
đứa con láng giềng không giống tên ăn trộm nữa.” Đây chỉ là một
đoạn văn nói về thành kiến của người mất của. Nó không thể lầm là
một câu truyện cực ngắn, bởi vì nó không đưa ra một sự tích có thể
trải dài theo dòng thời gian. Trái lại truyện Bán giày của
Hemingway có thể vẽ ra một câu truyện như vầy: Người thiếu nữ
mang thai. Cô mua sẵn cho con một đôi giày. Em bé đã không được sinh
ra. Chỉ còn lại đôi giày chưa bao giờ đi. Cô rao bán đôi giày.
Câu truyện có đúng như vậy chăng? Không ai biết. Hemingway chỉ đưa
ra cái sườn để câu truyện được dựng lên. Nó bắt đầu bằng một mộng
ước. Rồi có một biến cố nào đó phá tan mộng ước của bà mẹ. Biến cố
đó là cái gì? Tại sao lại bán đôi giày? Em bé ở đâu? Bố đứa bé là
ai?… Đó là vấn đề dành cho người đọc. Ai cũng có thể tự hỏi và tự
trả lời. Chính khi đó những suy tư trở thành một câu truyện dài.
Lối viết truyện này hợp với con người bây giờ, vốn thiên về chủ
nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa tương đối. Họ không muốn chấp nhận một
loại luân lý tiền chế như trong những loại truyện cổ điển. Chúng ta
hãy đọc 2 truyện cực ngắn tiêu biểu:
|
Tiếng ve
Tôi đã sống qua bao mùa hạ, vẫn không hiểu được
tiếng ve kêu.
(Trần Tất Đạt. 2010, Tiền vệ) |
|
|
|
Nàng
Nàng làm đĩ giữa hai bìa sách nên vĩnh viễn không
thể mất trinh. Ba trăm năm sau thiên hạ không còn
nước mắt.(*)
(Trần Tất Đạt. 2010, Tiền vệ)
(*) Để tránh ngộ nhận, người viết xin nói rõ thêm.
Câu đầu nói về nàng Thúy Kiều. Câu sau trả lời câu
hỏi của Nguyễn Du, “Bất tri tam bách dư niên hậu,
thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”). |
|
|
Như chúng ta đã thấy truyện cực ngắn là lời kể lại. Đa số là
lời của một nhân vật thứ ba. Nguyên tắc của nó là không kể ra câu
truyện mà chỉ gợi ý vấn đề suy tư. Lời viết phải nói ngay vào ý
chính. Đổi cảnh mau lẹ. Hình ảnh đầy hàm xúc. Thu hút tức khắc cảm
xúc người đọc. Một nhà phê bình văn học đã ví nó như ly rượu bị rớt
bể trong bữa tiệc. Tiềng vỡ khiến mọi người giật mình phải quay lại
nhìn.
Cũng vì câu văn hàm xúc, nhiều tác giả, cũng như nhà phê bình,
đã phân vân giữa lời văn và lời thơ. Quả thật, mức độ quá cô đọng,
quá ấn tượng, và ý thâm sâu đã khiến lời văn trong truyện cực ngắn
biến thành câu thơ văn xuôi (prose poems). Có lẽ nhận thức đứng đắn
hơn cả là “truyện cực ngắn” không phải là thơ, nhưng cực gần với
thơ.
Thế hệ etext (electronically text) coi “truyện cực ngắn” như
một lối thoát của tư duy. Những suy tư cá nhân, những khái niệm
triết học được gói ghém một cách trọn vẹn trong một vài hàng chữ và
được gửi đi qua cell phone, qua email, qua website… để tìm bạn tri
âm. Trường phái này đứng riêng một khu với những danh xưng chỉ người
cùng “tấn số” mới chấp nhận được. (3)
Truyện được tải đi không cần đề tựa. Chúng chỉ là những lời nói trực
tâm kiến ý.
Nhưng cái “kiến ý” ấy là gì? Đó mới là vấn đề cần nêu ra. Hãy
đọc câu truyện không đề tựa này:
|
Trước khi hắn trút hơi thở cuối cùng, họ dẫn hắn
ra ngoài để nhìn mặt trời lần cuối, và lần đầu tiên.
(Đinh Linh. 2003, Hợp lưu) |
|
|
Cái “ý” của “hắn” là cảm nghiệm nét thiện mỹ của vũ trụ và giá
trị của sự sống. Nhưng đó không phải cũng là nỗi thao thức của mỗi
người trong chúng ta hay sao. Đeo đẳng nỗi khắc khoải này, bao nhiêu
triết gia đã thao thức tìm lời giải đáp, mà cho đến nay vẫn chưa hề
được trọn vẹn. Đinh Linh đã có một chút châm biếm về “hắn” (hay
chúng ta) với lối sống vong thân. Chủ đề ông đưa ra là sống trọn vẹn
với từng sát na của hiện hữu. Ám ảnh tỉnh thức này đeo đẳng chúng ta
và trở thành một câu truyện dài rất riêng tư cho mỗi người.
Người đọc truyện cực ngắn không thụ động như xem một vở tuồng
cải lương, nhưng phải nhảy chồm ra khỏi ghế để nhập cuộc. Khiến
được như vậy chẳng phải là một nghệ thuật hay sao.
Cuối cùng, đoản văn sau đây chỉ những học trò THKT mới biết
đó là tiểu thuyết.
|
Cô đơn
Con rùa xanh nuôi bằng nước sông Vàm và hoa tràm.
Trong sân trường, cô Thủy ngẩn ngơ hỏi, “Rùa bỏ đi
đâu?” Cậu học trò nhỏ đáp, “Chắc thầy Trang biết.” |
|
|
ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 27-8-2010)
_____________ ____
(1) Xin liệt kê ra đây một số tác phẩm tiêu biểu. Ở
quốc nội có: 21 Truyện ngắn Nguyễn
Thị Huệ, 2001, nhà xuất bản Hội
Nhà văn, Hà Nội. Truyện ngắn hay 2002-2003, 2003, tuyển tập
gồm nhiều nhà văn, nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội. Ở quốc ngoại có:
Truyện ngắn Ái Khanh, 2006, Published by HuyXuanDo, Florida,
USA. Truyện dịch: Giả Bình Ao Văn Tập, 1998, Vũ Công
Hoan dịch, nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.
(2) Người viết dùng danh xưng “truyện cực ngắn” để phân biệt với
“truyện rất ngắn”. Trên thực tế hai danh xưng này được rất nhiều
người dùng với cùng một nghĩa như nhau.
(3) Cùng với danh xưng “truyện cực ngắn”, giới trẻ đã có những danh
xưng khác rất ấn tượng, nhưng cũng rất lạ tai với người Việt.
Nanofiction (truyện sát na), minute-long story (truyện một phút),
palm-sized story (truyện vừa bàn tay), smoke-long story (truyện tàn
điếu thuốc), flash fiction (truyện chớp, từ này do ông Tú Ân dịch,
2007, Website Da Màu), micro fiction (vi truyện, từ này do ông Trần
Hữu Thục dịch, 2007, Website An Lac), skinny fiction (truyện gầy,
ibid), sudden fiction (truyện bất ngờ, ibid), postcard fiction
(truyện bưu thiếp, ibid).
|
|