Nghệ thuật chơi đá cảnh
* khảo cứu
Chơi đá cảnh là một thú chơi tao nhã đã có từ xưa, ngày nay rất phát
triển không thua gì phong trào chơi hoa lan cây cảnh.
Ảnh: Nguyễn Văn Hòa.
Để biết một viên đá cảnh có giá trị và đạt tiêu chuẩn thì phải hội
đủ một số các yếu tố sau:
- Chất đá đặc sắc: màu sắc đậm đà:đen đậm, đỏ đậm, vàng đậm, xanh
đậm (ngọc thạch - cẩm thạch)…
- Màu sắc có thể đơn sắc hoặc pha trộn hài hòa như một bức tranh
trừu tượng.
- Độ cứng từ 6,5 trở lên (theo bảng xếp hạng độ cứng: đá granit, đá
trải đường: 5; (đinh thép: 6); thạch anh: 7; kim cương: 10). Nếu
dùng đinh thép rạch lên đá mà đá không trầy xước là độ cứng đạt
chuẩn vì đá này có độ cứng lớn hơn đinh thép.
- Dáng thế đẹp.
- Tỉ lệ cao rộng hợp lý: ví dụ hình núi cao, hình hang động, hình
thú vật… phải tương đối hợp lý.
- Nếu đá không đủ độ cứng nhưng màu sắc đá thay đổi tạo hoa văn đẹp
cũng có giá trị nghệ thuật.
Người ta chia ra hai trường phái chơi đá cảnh:
- Trường phái Suseki: Chọn đá có hình dạng tự nhiên, không có
sự can thiệp của bàn tay con người: viên đá được bào mòn do tự nhiên
như đá ở dưới sông dưới suối bị nước chảy mòn, hay ở trên khô do gió
thổi (tung cát) làm mòn. Với trường phái này dù chỉ một vết sẹo bể
nhỏ (rồi ta mài sửa khỏa lấp) thì viên đá cũng mất giá trị.
- Trường phái Biseki: Chấp nhận một vài can thiệp nhỏ, tách
chiết bớt một vài chi tiết rườm rà (nhưng không phải tạo hình như là
tạc tượng). Sau này vì lý do đá cảnh mỗi ngày một khan hiếm khó tìm
được tác phẩm đẹp, nhóm Suseki chấp nhận việc can thiệp duy nhất là:
tác phẩm được phép cắt dưới đáy; ví dụ như thấy phần trên đầu của
viên đá to và cao 2m, để nguyên viên đá thì không đẹp không xài
được, ta có thể cắt lấy một phần chừng 30 cm, rồi làm chân đế, tạo
được hình một dãy núi hùng vĩ, thì tác phẩm này vẫn có giá trị.
Nghề chơi đá cảnh cũng lắm công phu, và lắm người dám bỏ tiền ra mua
viên đá cảnh mình ưng ý, nặng chừng năm bảy chục kg, với giá tiền
mấy trăm triệu đồng, tương đương với một chiếc xe hơi hạng tốt. Điều
này cũng dễ hiểu như người ta sưu tầm đồ cổ vậy, vì đá vốn là một cổ
vật mà!
NGUYỄN VĂN HÒA
(TP.HCM 13-1-2011)
|
Một số tác phẩm đá
cảnh chụp năm 2008 tại hội Hoa Xuân - Công viên Tao
Đàn (TP.HCM)
Ảnh: NGUYỄN VĂN HÒA
|
|
|
Xin giới thiệu một chuyện ngắn huyền thoại về đá cảnh:
Thạch Thanh Hư
Hình Vân Phi người Thuận Thiên, thuộc Hà Bắc (Trung Hoa),
thích đá, đi đâu thấy đá đẹp không tiếc tiền mua giá cao.
Tình cờ khi đánh cá ở bờ sông, có vật vướng vào lưới,
lặn xuống lấy thì được một tảng đá bề ngang đầy thước
(thước ta = 0,5m), bốn mặt long lanh núi non trùng điệp kỳ
thú. Hình mừng lắm như bắt được của báu. Trở về lấy gỗ
đàn hương tía chạm thành cái đế bày ở đầu bàn. Mỗi khi sắp
mưa thì các lỗ đá đùn mây nhìn xa như bông gòn đùn kín các
lỗ hổng.
Có nhà thế hào nọ, đến cửa xin cho xem, đoạn trao ngay cho
đứa đày tớ khỏe mạnh vác lấy, quất ngựa đi mất. Hình
chẳng làm gì được chỉ dậm chân uất ức mà thôi. Đứa đày
tớ vác đá đến bờ sông nghỉ tay trên cầu, chợt tuột tay, đá
rơi xuống
sông. Nhà hào phú giận lắm, lấy roi đánh đày tớ, rồi bỏ ngay
tiền ra, thuê người lặn giỏi tìm đủ cách mò lên, rốt cuộc
không thấy đá đâu cả. Bèn treo tiền thưởng cho ai mò được,
đoạn bỏ đi. Từ đó người mò đá kéo đến đầy sông, mà chẳng
ai tìm thấy.
Sau đó nghe được tin, Hình đến chỗ đá rơi nhìn dòng sông mà
than thở, thì thấy nước trong suốt đáy, tảng đá vẫn ở
dưới đó. Hình mừng quá cởi áo lặn xuống ôm đá lên, cả cái
đế gỗ đàn hương vẫn còn nguyên. Về nhà rồi không bày ở
sảnh nữa,
dọn sạch phòng trong đặt ở đó. Một hôm có một ông cụ gõ
cửa xin xem đá. Hình nói thác rằng đá mất đã lâu. Cụ
cười:
- Ở phòng khách không có hay sao?
Hình bèn mời vào phòng khách để chứng
tỏ là không có thực. Vào đến nơi thì rõ ràng tảng đá này
ở trên kỷ, ngạc nghiên không biết nói sao.
Ông cụ vỗ vỗ vào tảng đá nói rằng:
- Đây là vật cũ của nhà tôi, mất đã lâu, vẫn còn đây à?
Nay thấy xin cho lại!
Hình quẫn quá bèn tranh với ông cụ làm
chủ tảng đá. Ông cụ cười mà hỏi:
- Đá là của nhà ông lấy gì làm bằng?
Hình không trả lời được. Ông cụ nói:
–Tôi thì biết rõ, trước và sau có tất cả 92 lỗ, trong lỗ
lớn có năm chữ Thanh Hư Thiên Thạch Cung. (nghĩa là Cung Thanh Hư
chứa đá Trời).
Hình xem kỹ, trong lỗ ấy có hàng chữ nhỏ như hạt gạo.
Ráng hết sức mới nhìn thấy được; lại đếm lỗ đúng như số
ông cụ nói. Hình không trả lời được, chỉ giữ đá không chịu
đưa, ông cụ cười mà nói:
- Của nhà ai mà ông đòi làm chủ ư?
Ông chắp tay vái chào đi ra, Hình tiễn ra đến ngoài cửa,
quay vào thì đá đã biến mất. Hình kinh hãi quá, ngờ cho ông
cụ lấy, vội đuổi theo, thấy ông cụ thủng thỉnh buớc đi cũng
chưa xa, chạy tới kéo vạt áo mà hỏi rồi van xin. Ông cụ nói:
- Lạ chưa tảng đá to đầy thước, há có thể cầm lấy giấu
trong tay áo hay sao?
Hình biết là thần, cố kéo về nhà quỳ xuống xin. Ông cụ
bèn hỏi:
- Đá thực là của nhà ông hay nhà tôi?
- Quả là của nhà cụ, chỉ xin cụ dứt tình mà cho thôi!
Ông cụ nói:
- Đã vậy thì đá vẫn còn nguyên chỗ cũ!
Vào đến phòng trong thì đá vẫn còn đó, ông cụ nói:
- Của báu trong thiên hạ nên để cho người biết quí nó. Đá
này có thể tự chọn lấy chủ, tôi cũng mừng. Nhưng nó vội
xuất hiện ra mắt hơi sớm, ma kiếp chưa trừ, tôi thực muốn
mang nó đi, đợi ba năm nữa mang đến tặng cho ông. Nếu muốn
giữ nó thì ông phải giảm tuổi thọ ba năm, nó mới có thể ở
mãi với ông được. Ông có bằng lòng không?
Hình đáp bằng lòng.
Ông cụ bèn lấy hai ngón tay đặt vào một lỗ đá, thấy đá mềm như bùn,
theo ngón tay mà vít kín lại - lần lượt vít ba lỗ, ông cụ
nói:
- Số lỗ trên đá là số tuổi thọ của ông.
Xong rồi từ biệt mà đi. Hình hết sức giữ lại, ông cụ nhất
định từ chối; hỏi họ tên, cũng không nói, rồi đi ngay.
Được hơn một năm Hình có việc đi vắng, đêm có kẻ trộm vào
buồng, chẳng lấy gì chỉ lấy tảng đá mang đi. Hình về tiếc
tưởng chết, dò hỏi thuê tìm, tuyệt nhiên không ra vết tích.
Được vài năm tình cờ đi vào chùa Bảo Quốc, thấy có người
bán đá, thì ra là vật cũ của mình, bèn nhận lấy. Người
bán đá không chịu, nhân đó kéo nhau đến cửa quan, quan hỏi:
- Lấy gì làm bằng?
Người bán đá nói đúng số lỗ. Hình hỏi còn gì khác nữa,
người bán đá không nói được. Hình bèn nói năm chữ trong lỗ
với ba vết ngón tay, lý ngay được làm rõ. Quan phạt đánh
người bán đá, người ấy khai là mua ở chợ mất 20 đồng vàng,
bèn tha tội. Hình lấy được đá về lấy gấm bọc lại cất vào
trong rương, thỉnh thoảng mới lấy ra ngắm một lần, đốt trầm
trước rồi mới lấy đá ra xem.
Có ông quan Thượng thư nọ đem 100 đồng vàng đến mua, Hình bảo:
- Dẫu có đưa vạn lạng cũng không đổi ý.
Thượng thư nổi giận ngầm lấy việc khác mà hảm hại. Hình bị bắt, gia
đình lo bán điền sản chạy vạy. Thượng thư nhờ người bắn tin cho con
của Hình là muốn lấy đá, con thưa với Hình. Hình nói bằng lòng chết
theo đá chứ không bỏ. Vợ bàn riêng với con, dâng đá cho Thượng thư.
Hình ra khỏi ngục mới biết, la vợ mắng con, nhiều lần toan tự tử,
người nhà đều biết mà cứu thoát. Một đêm nằm mơ thấy một người đến,
xưng là Thạch Thanh Hư bảo Hình chớ buồn:
- Chỉ tạm biệt nhau hơn một năm thôi, ngày 20 tháng 8 sang năm lúc
tờ mờ sáng, đem hai quan tiền đến cửa Hải Đại mà chuộc về.
Hình được mộng mừng rỡ, ghi cẩn thận ngày tháng, còn tảng đá ở nhà
Thượng Thư cũng mất vẻ kỳ lạ, không còn đùn mây nữa nên người ta
cũng coi thường. Năm sau Thượng thư có tội, bị cách chức rồi chết.
Đúng ngày hẹn, Hình đi đến cửa Hải Đại, thì gia nhân quan Thượng thư
ăn cắp tảng đá ra đó tìm người để bán. Hình bỏ ra hai quan mua được
về.
Về sau Hình sống được đến tám mươi chín tuổi, tự sắm sửa quan quách,
lại dặn con, khi mình chết thì lấy đá chôn theo. Đến khi mất, con
vâng lời trối, chôn đá theo vào trong mộ. Được độ nửa năm trộm đào
mộ lấy đá đi. Người con biết nhưng không tìm đâu được. Qua hai ba
hôm, con của Hình cùng đày tớ đang đi trên đường chợt thấy hai người
mồ hôi nhễ nhại, chạy theo ngửa mặt lên không đưa tay vái vái mà
nói:
- Hình tiên sinh, tha cho chúng tôi, hai đứa lấy đá đi chẳng qua bán
được có bốn quan mà thôi!
Hình bèn bắt trói lại đưa đến quan, quan hỏi bèn buộc tội ngay. Hỏi
đến đá thì nói là đã bán cho người họ Cung. Thấy được đá, quan
xem rất thích muốn chiếm, bèn sai người cất vào kho. Viên lại vừa
nâng tảng đá lên thì đá rơi xuống đất, vỡ tan làm mười mấy mảnh, ai
nấy đều thất sắc. Quan cho cùm hai tên trộm ghép tội nặng. Con của
Hình nhặt mấy mãnh đá rồi chôn vào mộ như cũ, từ đó đá được yên ổn
bên cạnh khu mộ của Hình.
(Trích trong tập Chuyện Kinh dị của Bồ Tùng Linh).
THAM KHẢO THÊM:
Hồn của
đá
(Khảo cứu, thầy Nguyễn Văn Hòa 6-6-2011)
|