thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

ĐIỂM THƠ XUÂN THKT:

 

Rộn ràng mùa Xuân sum họp

 

 

 

Năm nay ngày Tết dương lịch và Tết cổ truyền của chúng ta trước sau cách nhau chỉ có một tháng, nên sự rộn ràng của mùa Xuân đã âm ỷ trong lòng ta trong ngần ấy thời gian. Chỉ trong vòng một tháng phát động chủ đề “thơ Xuân” cho trang Web THKT, chúng ta đã có hơn 60 bài thơ của các tác giả, trong đó đa phần là thơ Xuân.

 

Bao nhiêu công việc gần như đều gom cả lại cho ngày cuối năm, người người tất bật cho xong công việc để đón phút giao mùa. Phố phường đẹp hơn, rộn ràng hơn. Lòng ta chợt bâng khuâng trước điều mới mẻ, vui hơn khi đất trời khoác lên màu áo mới; cây cỏ xanh tươi hơn.

 

Mùa Xuân đến gợi nhớ bao điều trong ta: đó là nơi chốn ta trưởng thành, là nơi ghi những kỷ niệm khó quên cho nên lòng luôn hoài vọng về nơi tuy có nhiều gian khó, nơi ấy xa xôi nhưng đầy ấp yêu thương. Ở đó ta thấy tĩnh lặng khi nghe thoáng hương tràm, và nghe tiếng chuông chùa ngân nga:

 

Hình như hớn hở vào Xuân
Hình như trang Web tưng bừng reo thơ

Sông dài tắc ráng đò đưa,
Mặc cho đốm sáng lưa thưa nửa trời!
Ngút ngàn tràm nở tinh khôi,
Thơm từng hoa trắng chào mời khách qua.

Tường Vân đã thức hay chưa?
Ta về vãng cảnh, chuông chùa tĩnh tâm.
(Nghĩa xưa
Bùi Trung Tính)

 

Nỗi nhớ thương rất lạ, người xa Mộc Hoá nay nhớ về kỷ niệm hương tràm; người đang ở xứ tràm ngày đó, khi nghe gió sang mùa lại nhớ về cành mai trước sân nhà, chắc giờ đã nở vàng bông:

 

Nước từ ngàn dặm chảy về Đông
Gió chướng chiều nay lại thổi lồng
Đồng Tháp bốn bề tràm mút mắt
Châu Hòa mai chắc đã vàng bông.
(Nhớ Châu Hòa  -
Ngô Văn Rí)

 

Xa hơn nữa nỗi nhớ là những gì rộng lớn hơn, nhớ quê hương, nhớ tiếng nói Việt Nam. Nhớ mùa Xuân là nhớ gốc mai già trước ngõ, nhớ hương vị bánh chưng xanh lan tỏa khi cả gia đình quây quần bên bếp lửa reo vui. Ở xứ xa cũng có đủ bánh mứt, đủ xa hoa nhưng ta vẫn nhớ những điều đơn giản vì nó đã ghi sâu vào trong tâm thức:

 

Ta đón xuân về trên xứ xa

Đón xuân ta chạnh nhớ quê nhà

Nhớ gốc mai già khoe cánh sắc

Nhớ bánh chưng thơm tỏa khắp nhà

 

Ở đây xuân đến cũng pháo hoa

Cũng quần cũng áo cũng xa hoa

Cũng vui xuân đến chưng màu mới

Cũng đón xuân về với vấn vương...

(Xuân xứ xa - Phan Thị Phương)


Người ta có thể cảm nhận mùa xuân bằng nhiều cách; bằng nhìn gió chướng thổi lồng lộng; bằng nghe hơi sương lạnh mơn man; bằng nghe mùi hương quen thuộc, mùi Xuân:

 

Im, nghe... Trời đất thầm thì

Im, nghe…  mầm nẩy li ti là tình

Hoa cười nắng động lung linh

Ồ nghe như thể phố phường chào Xuân.

(Mùi Xuân -  nguyễn thị vânhồng)

 

Mùi rượu cũng là mùi đặc biệt của  Xuân. Xưa nay thơ và rượu thường bổ sung cho nhau làm cho đời đẹp hơn. Không bạn bè và người thân bên cạnh thì mượn rượu làm tri kỷ để “độc phá tình sầu”. Uống rượu để suy ngẫm về kiếp nhân sinh, để nhớ về người xưa và kỷ niệm cũ đã chìm khuất theo dòng đời:

 

Kiếp nhân sinh phù du qua cũng vội
dòng thời gian tiếp nối bể trầm luân.
 …

Từ tâm khảm bâng khuâng niềm vô vọng
ngày cuối năm nghe lạnh buốt chiều đông.
Dăm ly rượu thong dong tình tự cũ
chiều trôi lăn chìm khuất bóng sương mù.

(Ngày cuối năm - nh.seattle)

 

 

Thật ra khi trong lòng đã nghĩ đến Xuân chỉ vừa nghe hơi sương lạnh, hay thấy một vài đóa hoa vàng, hoặc thấy tà áo ai bay bay trong gió là ta đã nghe như đã có mùa Xuân rồi:

 

Trời chưa Xuân mà vàng hoa thơm ngát

Áo ai bay ấm áp lối thiên đường.

(Tâm Xuân  - Nguyễn Văn Hòa)

 

Buồn thường thêm thi hứng, nhưng nay đã có trang Web, để cùng trải tấm lòng, cho dù xa vạn dặm ta vẫn thấy không còn lẻ loi. Nay ta đã có nơi để tâm sự:

 

Xuân về chạnh nhớ những xuân qua
Lạc lõng lang thang chẳng cửa nhà
Sầu riêng một nỗi nào ai biết
Trời đất bao la, chỉ có ta.

(Mừng đoàn tụ Xuân Tân Mão - Hoa Phong Trần)

 

Nhìn hoa bướm ngày xuân đã thấy lòng nhẹ nhàng hơn và nhìn đời đầy nét tin yêu:

 

Mùa xuân đến muôn hoa khoe sắc thắm

Đôi bướm vàng khiêu vũ giữa trời Xuân

Làn gió lạnh chen nhau tìm đêm tối

Ánh nắng hồng rạng rỡ buổi bình minh.

(Sang Xuân - Bướm Hoa MH)

 

Phút giao hòa của trời và đất, cho cuôc đời thêm hương hoa. Ta như nghe được tiếng của thiên nhiên thì thầm:

 

Nàng xuân nói mây đừng lang thang mãi
mùa xuân về để tất cả nở hoa.
Gió và mây đã hợp nhứt giao hòa
cho mây mãi có niềm tin sức sống.
(Cho nhau mùa Xuân -  Hoàng Lệ Uyên – Nguyễn Thị Quyến)

 

Khi thấy hoa mai nở, đã biết mùa vui sắp về gọi người thân để tâm sự mùa Xuân:

 

Mai vàng nghiêng cánh dạ bâng khuâng:

Chị ơi! em nhớ mùa xuân đã về!

(Lời Xuân cho Vân Hồng - Nguyễn Thị Kim Quyên)

 

Khi mùa Xuân đã về trước thềm nhà, lòng người như mở hội để đón chào một năm mới với niềm hy vọng sẽ được nhiều điều tốt lành hơn năm qua:

 

Bốn bề trời đất nở hoa
lòng vui mở hội như là ''nghinh xuân''

nụ hồng hé nở vào xuân
''cuối năm" ta đợi "nàng xuân'' trở về!

(Xuân xuân - Hoàng Lệ Uyên- Nguyễn Thị Quyến

 

Hoa nở luôn cho ta môt cảm giác thanh tịnh thuần khiết. Nói  về ngày xuân thì không thể không nói về hoa. Hoa là thứ mà thiên nhiên ban tặng để điểm tô cho cuộc sống, có hoa có bướm là có cảm giác của mùa xuân bình yên hạnh phúc.

 

Một góc vuờn hoa, xuân mơn mởn

Dăm cánh bướm vàng mớm nụ mai

Thiên nhiên trác tuyệt nguồn thi hứng

Mặc khách tao nhân trải nỗi niềm

(Tình Xuân – Trần Thị Thanh Nguyên)

 

 

Khi nghe hơi sương lạnh, khi nghe gió sang mùa, ta đã nghe cả đất trời chuyển mình vào Xuân:

 

Này, em vũ trụ  chuyển mùa

này, em hoa lá nảy mầm   sinh sôi

môi hồng mắt biếc tinh khôi

chào xuân hòa với đất trời hoan ca.

(Chào xuân - nh.Seattle)

 

Mùa Xuân  về được sum họp, được bên nhau chăm chút những niềm yêu. Ngắm người thân yêu của một thời trong giấc mộng chiều xuân; có điều gì đó nao nao khi dấu vết thời gian in hằn trên tóc:

 

Em nằm ngủ gối đầu lên tóc rối
Tóc quen sầu nên tóc rụng lưa thưa
Ngủ đi em, ngoài kia chiều sắp tối
Và ngoài kia hồng lắm những mùa xuân.
(
Giấc ngủ Xuân - Bùi Trung Tính)

 

Có điều gì đó chạnh lòng, thậm chí còn buồn hơn một điệu ru “ngủ đi em mộng vẫn bình thường” mà ta đã quen thuộc. Rồi ta lại thấy một chút gợi nhớ về những yêu thương xưa cũ, có thể đó là phong cách của thi nhân “ tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”, hay nói theo cách của một nhạc sĩ lừng danh: “ấy là cái thú đau thương” khi nghĩ về nhau:

 

Em hãy vui áo Xuân xưa mặc lại
Đường xuân xưa hoa nắng trải dài
Ngất ngây mùi xuân mới
Đừng nhớ gì ngày tháng cũ nghe em.

(Thư Xuân - nh.seattle)

 

Và đây là lời của  người “phía bên kia”:

 

Anh phương trời ấy – ly men đắng,
Em nuốt vào tim  - giọt lệ nhòa.
Xuân về bừng nở vàng hoa cúc
Em xếp ru tình áo xuân phai.

(Thư tình 2 - nguyễn thị vânhồng)

 

Bốn mùa nối tiếp nhau đến rồi đi, điều chúng ta thường bâng khuâng sao ngày tháng qua nhanh, cũng chính là vì nghĩ về kiếp nhân sinh, mới đó mà đã đến mùa Thu của cuộc đời:

 

Bao ngổn ngang nửa đời bỏ lửng

Dòng tử sinh đâu cũng hững hờ !

(Ly rượu chiều cuối năm - nh.seattle)

 

Xin hãy để lòng thanh tịnh ngồi ngắm cuộc đời, không bi quan cũng không quá hồ hởi. Bởi vì chúng ta hiện diện trên cõi đời này: găp gỡ - chia tay là do nhân duyên tuần hoàn nối tiếp nhau. Đời người trên con đường phát triển; khi bé thơ ta chập chững tập đi; thời thanh niên ta chạy, bây giờ ta lại tập khẳng định mình. Đến một lúc nào đó ta sẽ không đi mà ngồi ngắm dòng người ngược xuôi:

 

Tân niên ngày mới hồng hào
Đất trời giao hội, mai đào kết duyên

Thời gian nhanh tựa vó câu
Gối chồn, chân mỏi, bạc đầu, tả tơi
Áo cơm đâu phải đùa chơi
Ngược xuôi vắt sức xứ người xứ ta

Nhưng ta vẫn mãi là ta
Chẳng giàu tiền bạc nhưng là hiền nhân.

(Xuân mới - Phạm Hồng Phước)


Hãy là hiền nhân! Thật vậy, chúng ta đã có cuộc sống của một hiền nhân và đã qua bao nhiêu thăng trầm nổi trôi theo đời người, theo vận nước. Ngày nay còn có cơ hội tìm lại nhau, điều ấy là một sự kỳ diệu, kỳ diệu như kiếp nhân sinh trong vũ trụ bao la này.

 

Chúng ta hạnh phúc vì cuộc sống tuy không giàu có, nhưng đồng tiền ta kiếm được  bằng một cách chính đáng. Chúng ta biết dùng đồng tiền mang lợi ích cho ta và cho tha nhân. Chúng ta hạnh phúc vì không bị nợ nần “oan trái”. Ta vui theo bốn mùa Xuân Hạ… và khi bừng mắt ra: kìa ánh dương hồng đã lên, một ngày mới bắt đầu một mùa Xuân mới lại bắt đầu, một niềm vui lại mới chớm…

 

Ngày cuối năm Canh Dần02-02-2011


NGUYỄN VĂN HÒA
(TP.HCM)
 

 
 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage