|
Nghề nghiệp
* tùy bút
Ông bà ta thường hay nói: "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" quả
là đúng. Có ai biết được sau này mình làm nghề gì, và nghề đó như
thế nào, nhưng bậc làm cha mẹ luôn mong muốn con mình học hành thật
giỏi, đỗ đạt, và lớn lên có một nghề nghiệp thật tốt, và lương
thiện.
Nhớ lại năm tôi học lớp nhất (lớp năm sau này), giờ tập làm văn,
thầy cho bình giảng câu: "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", tôi loay
hoay mãi với bài làm vì khó ơi là khó! Cuối cùng tôi cũng làm được
hai trang giấy học trò, tôi cứ lặp đi lặp lại "nghề nào cũng được,
miễn ta đừng làm những nghề xấu xa, để xã hội chê cười, buồn lòng
cha mẹ, và mình không được thân vinh..." Một bài luận văn thật đơn
điệu, chẳng phân tích được thế nào là nhất nghệ tinh và thế nào là
nhất thân vinh, vì lúc đó đề tài quá lớn lao cho độ tuổi lớp năm.
Từ lúc bập bẹ nói, ba mẹ tôi luôn dạy tôi như thế này:
- Dạ con!
- Dạ!
- Giỏi! Con mấy tuổi?
- Dạ hai tuổi.
- Giỏi! Lớn lên con làm gì?
- Dạ, lớn lên con làm cô giáo!
- Giỏi!
....
Cứ như vậy, ba mẹ gieo vào đầu óc non nớt của tôi một nghề nghiệp
thật là cao quý, nhưng tôi không hiểu gì hết, trở thành thói quen,
nên hễ có ai hỏi thì tôi trả lời ngay như "cái máy", và tin chắc
rằng sau này tôi sẽ đi dạy học. Cho đến khi tôi học trung học đệ
nhất cấp, tôi rất thích ngành giáo, thần tượng của tôi là những thầy
cô, khi tôi gặp thầy cô, tôi cúi đầu chào, các bạn tôi cũng vậy. Ôi,
tôi vui sướng làm sao khi nghĩ mình cũng sẽ có đàn học sinh chúng
thật lễ phép, và chúng hết mực thương cô giáo, và dĩ nhiên cô giáo
rất là thương yêu học trò của mình. Khi tôi học trung hoc đệ nhị cấp
thì cái nhìn về nghề nghiệp khác đi tôi và các bạn không thích nghề
giáo nữa, mà lại mơ được lên đại học với những ngành nghề khác, được
đi đây đi đó, được làm những công việc từ thiện, giúp đỡ những người
nghèo khó, rồi lại thích làm y tá ở những bệnh viện thật xa, trong
đầu tôi không còn "lớn lên làm cô giáo nữa",giờ có những ước mơ mà
không muốn nói cho ai nghe. Nhỏ Thủy bảo:
- Tao khoái học trường Chính trị - Kinh doanh Đà Lạt. Còn mày?
- Tao thích ngành y vì tao muốn chăm sóc những người bệnh.
- Bộ mày muốn "lương y như từ mẫu hả"? Thôi đi mày ơi, "lương y như
kế mẫu" thì có.
Rồi chúng tôi cười, mỗi đứa đều có ước mơ, cũng như giấc mơ riêng
của mình, hình ảnh một cô giáo với đàn trò nhỏ biến đâu mất tiêu. Và
tôi cũng không nghe ba mẹ nhắc đến nữa.
Nhưng rồi như một định mệnh, sau khi xong trung học tôi lại vào sư
phạm và trở thành một cô giáo như sự mong muốn của ba mẹ tôi, như
một sự ràng buộc với ước mơ từ lúc mới vừa biết nói mà được hỏi đi
hỏi lại, và lúc nào cũng là câu trả lời thật tự nhiên: "lớn lên con
đi dạy học!".
Tôi rất yêu thích nghề giáo của mình.
Nhớ lúc học lớp bốn, thầy tôi bảo:
- Sau này các em đừng làm nghề dạy học, vì nghề này bạc bẽo lắm!
Chúng tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì, nhưng cảm nhận được điều gì đó đã
xảy ra, nên thầy mới nói như vậy. Chúng tôi nhìn thầy như ngầm bảo:
tội nghiệp thầy quá! Chúng tôi rất thương thầy, nhìn tóc thầy có
điểm hoa râm ngỡ như những hạt bụi phấn vương đầy trên tóc chúng tôi
tự hứa cố gắng học hành thật giỏi, luôn nghe lời dạy dỗ của thầy để
không phụ công ơn thầy, và cha mẹ nữa.
Nguồn: Internet.
Thế là tôi cũng có học trò, thế là tôi cũng là cô giáo, tôi "đi dạy
học!". Nhiều lúc nhớ lại hồi còn bé, tôi mỉm cười một mình. Cám ơn
ba mẹ đã dạy cho con biết lựa chọn một nghề nghiệp thật thanh cao.
Tôi thường lẩm nhẩm như vậy. Tôi hăng say với công việc, lúc nào
cũng vì học sinh thân yêu, hết mực thương đàn hoc trò của mình, đem
hết những kiến thức hiểu biết của mình ra để giảng dạy. Những khi đi
"tham quan, ngoại khóa", thầy trò rất gần gũi, vui vẻ chuyện trò bên
nhau thân thiết, không làm sao tôi quên được, mỗi khi nghĩ đến thấy
nao nao trong lòng, bao kỷ niệm êm đềm trong quãng đời làm nghề dạy
học của mình.
Ngày đầu tiên đi nhận nhiệm sở, ba tôi đã đưa tôi đi vì ba tôi muốn
vậy, ba muốn nhìn thấy đứa con đã trưởng thành, và đang có một nghề
dù sẽ không giàu có như bao người khác, nhưng cũng làm ba hãnh diện.
Tôi e thẹn khi thấy đàn học sinh chăm chăm nhìn mình như tò mò, như
ngầm bảo: Cô giáo đây sao?
Thế mà tôi cũng đã hai mươi năm trong nghề giáo!
* * *
Ngày nay, sống nơi xứ người vật lộn với cuộc sống hàng ngày, tôi
không còn nhớ mình là ai? Không còn nhớ ngày xưa tôi làm nghề gì? Có
thể nói quên mất tên tuổi của mình luôn. Không có thời gian để mà
suy nghĩ để mà suy gẫm. Tôi là một công nhân làm trong một xí nghiệp
của người Mỹ, bao khó khăn buổi đầu mà tôi gặp phải, về cách sống,
về cách làm việc, về thời tiết, về giờ giấc..., quan trọng là về
ngôn ngữ, không đơn giản chút nào! Ngày đi làm, tối phải đến trường
để học ngôn ngữ của quốc gia mình hiện trú ngụ. Rồi cũng vượt qua.
Thỉnh thoảng tôi viết thư cho bạn bè kể về cuộc sống hiện tại, sáng
đến sở làm, chiều về nhà tối mịt, xung quanh chỗ làm là bốn bức
tường không hề thấy ánh mặt trời, không hề thấy "thế giới bên
ngoài”. Tụi bạn tôi thường chọc:
- Mày ra đi khi gà chưa gọi sáng, khi về thì phố đã lên đèn, hỡi ơi,
cái đường đời... đi cày nơi xứ lạ!
Chúng tôi cùng nhau cười nhưng thật là chua xót.
Rồi, kinh tế xuống, hãng phải đóng cửa. Không có gì lo sợ bằng không
có việc làm. Tôi và các bạn làm chung sở mỗi người phải chạy đi kiếm
việc khác, nhưng đâu có dễ dàng, "đời không như là mơ, nên đời
thường giết chết mộng mơ", tôi thường kêu ca như thế như để tự an ủi
lấy mình.
Như một định mệnh nữa lại đến với tôi, tôi chuyển sang nghề tóc, bây
giờ tôi là thợ cắt tóc! Sau chín tháng đến trường, tôi lại có một
nghề nghiệp mới nghề này trong tiềm thức tôi không thấy chứa trong
ngăn nào, dù nhỏ xíu. Sáng đi làm mong được nhiều khách, được chuyện
trò với khách, bàn về những trận đá banh, hay foot ball... để có
niềm vui, xong việc về nhà, không bận tâm lo lắng gì. Ngày này,
tháng nọ, năm kia như thế, như thế... với thời gian, tôi chỉ biết
yêu nghề của mình và cũng trau dồi nghề nghiệp "luyện tay nghề nhanh
hơn, cắt tóc đẹp hơn", để mình có được nhiều khách hơn, và thực tế
để có rủng rỉnh ít tiền, không màng "thế sự", ít ra ta cũng có một
nghề dù nghề này không có tên tuổi trong xã hội phồn hoa này. Tôi
thật sự yêu nghề của tôi, tôi biết đây mới là nghề nghiệp chính của
mình, nó sẽ đeo đuổi tôi cho đến khi xuôi tay, nhắm mắt. Tình cờ tôi
đọc bài thơ của ai đó, tự nhiên tôi cảm thấy vui vui, dù biết rằng
không phải viết cho tôi, nhưng ít ra cũng có người biết đến người
thợ cắt tóc lúc nào cũng gắn liền với tông-đơ, với kéo, và chiếc
lược:
Nguồn: Internet.
Ước mơ thành chiếc tông đơ,
Được em e ấp hằng giờ trong tay.
Tóc ai trong gió bay bay,
Đôi mình khắng khít bao ngày bên nhau.
Mai sau, ai tóc trắng phau,
Vẫn tha thiết nhớ ngày đầu quen em.
Dẫu đời có lúc lấm lem,
Vẫn yêu tay nhỏ thon, mềm đón đưa.
(C.V.H)
Một cảm xúc khi đọc bài thơ này, một niềm an ủi cho đám thợ tóc
chúng tôi. Tôi xin lặp lại câu nói của ông bà ta ngày xưa: "Nhất
nghệ tinh, nhất thân vinh", tôi vui là mình có một nghề nghiệp hẳn
hoi để mỗi ngày vui vẻ bên công việc, tối về có được giấc ngủ thật
thoải mái không suy nghĩ hay lo âu.
Nghĩ lại thương ba mẹ tôi vô cùng, mơ ước con mình là một giáo viên
để truyền đạt những kiến thức học được ở trường cho đàn học trò nhỏ,
để sau này chúng là những người giúp ích cho nhân quần, xã hội. Còn
đâu ước mơ ngày xưa còn thơ dại.
- Lớn lên con làm nghề gì?
- Lớn lên con đi dạy học!
Trong một giấc mơ, tôi đã gặp ba mẹ tôi. Người nhìn tôi mỉm cười âu
yếm cho dù bây giờ tôi làm cái nghề mà ngày xưa chắc chắn người
không bao giờ nghĩ tới! Có lẽ ba mẹ tôi vui vì dù gì đi nữa tôi cũng
có được một nghề nghiệp mà tôi yêu nó và nó nuôi sống được tôi và
con cái tôi!
LÊ THỊ HẠ ANH
(Maryland 14-4-2011)
|
|