|
Quyển vở và kỷ niệm
* Tùy bút
Bỗng dưng được nhìn lại một hình ảnh của một thời làm học trò cắp
sách; những kỷ niệm của tuổi thơ hồn nhiên chợt sống dậy.
Tôi lớn lên trong vùng quê theo hai mùa mưa nắng, sống đơn giản bên
mái nhà lá và thửa ruộng cha cày mẹ cấy. Tôi lớn lên như cây lúa đến
kỳ trỗ bông, như một sự an nhiên của cuộc đời. Tôi lớn lên bên ngôi
trường làng nhỏ, con đường đến trường trải đá đỏ quen thuộc cùng với
người phu “lục lộ” hàng ngày cần mẫn cuốc cuốc, sửa sửa…
Kỷ niệm cứ thế mà nhiều thêm theo từng mùa khai trường, niềm vui
thật lớn lúc được cha thưởng khi tôi thi đỗ vào lớp Đệ Thất, đó cũng
là lúc tôi rời xa làng quê ra ở trọ nơi nhà bà con, nơi có trường
trung học duy nhất ở ngoài quận lỵ.
Tôi được thưởng cây viết bơm mực hiệu Pilot và hai chục quyển vở
mới, bìa trước in biểu tượng Olympic, hoặc in hình vua Quang Trung
oai hùng trên lưng ngựa với chiếc roi cong cong, bìa sau in bảng cửu
chương. Cây viết thật êm và vừa tay, nét chữ càng thêm đẹp trên
trang giấy trắng tinh, tôi viết bài chính tả đầu năm của Thanh Tịnh
lên trang giấy còn thơm: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường
rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao
nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”
Thế mà đã qua đi mấy chục năm, kỷ niệm đã nhòa trong ký ức bỗng dưng
trỗi dậy. Bây giờ sách vở của học trò tuy luôn bên cạnh người thầy
cầm phấn viết bảng, nhưng có khi tôi lại chạnh lòng, sao ngày nay
người ta lại dễ dãi in lên hình bìa quyển tập học sinh đủ thứ linh
tinh từ những hình siêu nhân quái dị, rồi đến hình công chúa Trung
Hoa hay hình Hoàng đế Càn Long với chiếc đuôi sam dài thườn thượt?
Phải chăng đó là sự giao lưu văn hóa của thời mở cửa?
NGUYỄN VĂN HÒA
(TP.HCM 14-5-2011)
|
|