Những câu chuyện của chúng ta

 

 

 

 

 

 

 

Mãi mãi là nỗi nhớ...

 

* Tản mạn

 

 

Những ngày tháng bắt đầu cho việc “dụ dỗ” các “vị trẻ em” đến để tập yêu tiếng nước tôi là khi trường Việt ngữ được đặt tại trường Alliance Francaise (Canberra, Úc). Mặc dù biết là rất khó khăn để tập cho các em bơi ngược dòng ngôn ngữ vì tiếng Việt ở đây chỉ được dùng đến trong những sinh hoạt hạn chế ở gia đình, nhưng vì tha thiết với tiếng Việt của mình nên các thầy cô trường Việt ngữ đã cùng nhau chia sẻ trong những vai trò của mình. Riêng tôi vì rất tha thiết với “các vị nhóc tì” nên đã chọn lớp mẫu giáo để có thể “dụ dỗ” các em bằng “bánh kẹo” hoặc những trò chơi… với ý nghĩ cứ làm sao “dụ” được các em tới trường trước đã rồi sau đó sẽ tìm cách truyền đạt những kiến thức về tiếng Việt… Điều này có thể không hài lòng một số quý vị phụ huynh… nhưng đành phải xin lỗi thôi.

 

Do hoàn cảnh kinh tế lúc đó còn dựa vào sự quan tâm của mọi người nên mỗi sáng thứ bảy, tôi thường đi xe buýt đến city rồi đi bộ trên con đường mòn từ Barry Drive đến trường. Tôi đã thực sự cảm nhận được sự hiện diện của mỗi mùa xuân, hạ, thu, đông như thế nào qua sự đổi màu của lá cây hoặc khi cây chỉ còn trơ những cành khô.

 

Trước đây khi còn ở một nơi chỉ có mưa nắng hai mùa thì những cảm nhận này chỉ được vay mượn qua thi ca cho có vẻ mơ mộng một tí để điểm tô cho lứa tuổi biết buồn thôi. Hết quãng đường dài hơn một cây số cũng đủ để ngắm cảnh thiên nhiên, nghe chim hót và được nghe thành phố thở trong một buổi sáng yên tĩnh cuối tuần … để rồi khi bước vào lớp là bận rộn với việc sắp xếp bàn ghế cho học sinh trước khi bắt đầu một buổi học.

 

Lớp tôi dạy, một lớp mẫu giáo thật ngộ nghĩnh với đủ lứa tuổi vì đa số phụ huynh đều nghĩ khi học tiếng Việt là phải bắt đầu từ lớp mẫu giáo… Do học sinh có nhiều trình độ khác nhau nên việc giảng dạy cũng khá phức tạp và vất vả với việc sắp xếp cho em nào cũng có việc làm. Tuy nhiên bên cạnh những vất vả này, tôi rất vui vì luôn luôn được các em nhớ tên vì tôi là cô giáo đầu tiên vỡ lòng tiếng Việt cho các em, do đó mỗi năm tôi đều nài nỉ xin được dạy lớp mẫu giáo!

 

Nếu học sinh nào biết hát bài “Con bướm vàng” là chắc chắn đã học qua lớp của cô Mai… Tôi vẫn nhớ một chuyện vui, trong việc gợi nhớ cho học sinh về những dấu đã học, có một lần khi hỏi một em về dấu ngã, thấy em ngập ngừng nên tôi đã nhắc em bằng điệu bộ ngã xuống. Thấy vậy, em mừng quá và trả lời: “Thưa cô, đó là dấu “té”!” Câu trả lời của em – mà gia đình có lẽ là người miền Nam – đã làm cho cô giáo phải “ngã thật sự” vì sự bất ngờ xảy ra do sự khác biệt về ngôn ngữ của từng miền Việt Nam.

 

Cô Phương Mai (giữa) và thây Phạm Doanh Môn (thứ hai từ trái) cùng một số thầy cô của trường Việt ngữ Canberra. Cô từng dạy học ở đây, còn thầy Môn từng là hiệu trưởng của trường.

 

Thêm một trường hợp khó quên khác, trong lớp có một cậu bé thuộc thành phần quậy và luôn muốn được các em khác chú ý bằng cách bày nhiều trò nghịch ngợm trong lớp làm cho cô giáo bị thử thách hơi nhiều. Sau khi áp dụng một vài cách như thưởng bánh kẹo, khen ngợi khi em ngồi yên,… mà vẫn không được, tôi đành phải nói một cách hơi phản giáo dục với em: “Con à, nếu con không thích học thì con có thể ở nhà không cần phải đến đây!”. Thật không ngờ, em đã trả lời: “Không, con thích đi học lắm, con thích đến đây mà!”. Tuy thất bại với sự thuyết phục của mình, nhưng cô giáo khá nở mũi vì học sinh nói “thích đi học”.

 

Nếu Alliance Francaise có con đường mòn thật nên thơ thì ở Merici (sau này trường dời về Merici college) với những tàn cây nhiều lá dễ thương như những lá me tỏa nhìều bóng mát vào những giờ ra chơi cũng thật khó quên …

 

Những ngày mới nghỉ dạy, mỗi sáng thứ Bảy đi ngang qua Merici, tôi vẫn cảm thấy ngậm ngùi và sợ phải nhìn thấy các em học sinh cũ vì nhìn thấy thì nhớ các em lắm!

 

Và… còn rất nhiều những gì được trải qua với các thầy cô, phụ huynh và các em trong gần mười năm dạy tại trường Việt ngữ Canberra này.

 

Mãi mãi là nỗi nhớ thôi quý vị ạ!

 

Canberra đầu thu 17-3-2012

 

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG MAI

 

***

Cô Phương Mai là phu nhân của thầy Phạm Doanh Môn

 

 

 
 


Copyright © 2010 - 2012 Trung hoc Kien Tuong Homepage