Những câu chuyện của chúng ta

 

 

 

 

 

 

Xem hình họp mặt thầy trò THKT nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2010

 

Một thoáng thầy cô – bè bạn …

 

Lâu quá rồi, tôi không có cơ hội được gặp lại quý thầy cô, bè bạn của THKT ngày nào!

 

Thật may, vào dịp ngày Nhà giáo VN 20-11-2010  vừa qua, các thành viên THKT đã tổ chức được một cuộc họp mặt với một số thây cô, học trò ở vùng Saigon và phụ cận.

 

Cuộc họp mặt thật vui và đầy cảm động này đã diễn ra  tại ngôi nhà mới của thầy Nguyễn Văn Hòa và cô Nguyễn Thi Ngọc Thủy.

 

Xin được ghi thoáng qua về quý thầy cô, bè bạn trong ngày này:

 

 

Cô Hoàng Thị Cẩm Thạch

 

Cô Hoàng Thị Cẩm Thạch:

Hình như cô về dạy THKT khoảng 1970 hay 1971 thì phải. Khi thầy Nguyễn Xuân Kỳ đi thì cô về dạy Vạn vật các lớp đệ nhị cấp. Trong ký ức sơ sài của tôi, khi đó cô rất trẻ, dáng người cao, sang, quý phái nhưng hơi nghiêm. Cô đúng là một nhà mô phạm gương mẫu. Khi đó, tôi là một thầy giáo nhỏ tuổi lại xuất thân từ ngôi trường này nên tôi luôn cảm thấy mình bé nhỏ… Có thể vì vậy mà tôi ít dám gặp và nói chuyên với cô, mặc dù cô có dạy các em tôi… nhưng tôi vẫn nhớ hình ảnh nghiêm trang của cô trong vài buổi lễ Chúa nhật tại nhà thờ Mộc Hóạ. Cô thường mặc chiếc áo dài màu nhạt có điểm những chấm hoa nhỏ được may rất khéo… Em Huệ rất cảm động trước tấm lòng của cô dành cho học trò, cô đã ra tận thị trấn Tân Phú, Đồng Nai – cách xa Saigòn 125 km - tham dự đám cưới của con gái Huệ… Tôi không hiểu sao Kiến Đen lại ghẹo cô :”Khủng long Cẩm Thạch chưởng môn

 

 

Từ trái qua, các thầy: Nguyễn Xuân Kỳ, Lưu Văn Nhu, Bùi Trung Tính và Trần Văn Thới.

 

Thầy Nguyễn Xuân Kỳ:

Dù nay thầy đã lớn tuổi (thầy Trang thường trang trọng gọi là “Lão Sư”) nhưng tôi vẫn nhận ra thầy, mặc dù khi về THKT, thầy rất trẻ. Dù không thích môn Vạn vật lắm nhưng tôi vẫn chăm học môn này vì sự tận tâm, nhiệt tình của thầy khi giảng dạy, thầy đã không quản ngại mang vào lớp nhiều hình ảnh, nhiều giáo cụ trực quan và cả những con vật sống để minh họa cho bài học… Nghe một số học trò truyền miệng: thầy Kỳ rất sạch sẽ và sợ ruồi, nếu đang dùng cơm mà có con ruồi bay ngang mâm cơm thì thầy thôi không ăn nữa! Kiến Tường thì khá nhiều ruồi! Hèn chi tôi thấy lúc nào thầy cũng hơi nhẹ ký!  Nhớ lại lần cuối cùng tôi đến thăm thầy tại Biên Hòa khoảng cuối năm 1973... cách đây cũng 37 năm rồi!

 

Thầy Lưu Văn Nhu:

Được biết thầy là một trong số những thầy cao tuổi của THKT nhưng nhìn hình thầy cười trong cuộc họp mặt này, tôi thấy hình như thầy trẻ và khỏe hơn trong ngày họp mặt 26-6. Tôi nhận ra nụ cuời mím chi pha chút “hóm hỉnh” của thầy ngày xưa. Nhớ khi dạy ở THKT, thầy thường đi giầy gót hơi cao hơn bình thường! Đố mọi người biết lý do ại sao? Tuần trước tôi có đìên thoại vấn an thầy. Thầy hiện khỏe và đang sống chung với người con út tại một căn nhà ở quận Bình Thạnh (TP.HCM). Thầy Trịnh Đình Loạt là bạn học chung ba năm lớp Lý-Hóa ở Đại học Sư phạm Saigon trước đây với thầy Nhu.

 

Thầy Bùi Trung Tính:

Thầy về trường năm 1966, dù không được hân hạnh học với thầy, nhưng tôi có hai đứa em được thầy hướng dẫn. Thời dạy THKT, thầy hơi nổi tiếng hào hoa… Bây giờ, dù thầy đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, đã có cháu ngoại… nhưng thầy vẫn còn phong độ lắm lắm, vẫn còn lái xe đi dạy và đi thăm bạn bè, học trò (thầy Nhu thì không dám cỡi xe gắn máy lâu rồi). Tôi rất tâm đắc về hai câu thơ mà Kiến Đen tặng thầy:

“Già gân rất ngọt Bùi Trung
Tính tình lãng mạn sánh cùng Tú Uyên”

 

Thầy Nguyễn Văn Hòa và cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy.

 

Thầy Nguyễn Văn Hòa & cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy:

Đây là thầy cô chủ căn nhà xinh đẹp mới xây ở quận Thủ Đức, đã xung phong nhận làm nơi họp mặt ngày 20-11 đầu tiên của Gia đình THKT. Căn nhà khang trang, đẹp, rộng rãi và tiện nghi quá. Ngay ở đất Úc, với đồng lương “ba cọc ba đồng” thì căn nhà này cũng còn nằm trong giấc mơ của chúng em đó thầy cô ạ!

Thời gian dạy ở THKT, tôi không biết thầy Hòa vì khi thầy về THKT năm 1973 (cùng năm với thầy Ngô Văn Rí) thì gia đình tôi cũng vừa rời Kiến Tường về Biên Hòa. Tôi có nói chuyện với thầy Hòa và cô Thủy vài lần qua điện thoại. Thầy cô rất vui tính và đề nghị chúng tôi không xưng hô thầy cô cho đỡ khách sáo. Tuy vậy tôi hơi sờ sợ thầy Hòa vì thầy đọc được cả “hồn” của tôi nữa. Warning cô Ngọc Thủy đó nghe!

 

Cô Ngọc Thủy thì tôi biết cô và em trai cô (bạn Bình) hồi còn học ở THKT. Cô học trên tôi một lớp, còn Bình – em cô – thì học sau tôi một lớp. Ngày xưa, cô Ngọc Thủy là một nữ sinh đẹp và học xuất sắc. Có thời gian, nhà tôi ở đối diện với dãy cư xá mà gia đình cô ở. Mỗi buổi sáng nhìn cô tha thướt trong chiếc áo dài trắng mới, khoan thai nhẹ bước dọc theo hành lang cư xá tới trường … Bây giờ cô vẫn còn nét đẹp quý phái của ngày nào. Thật đúng là một trong “tứ đại mỹ nhân” của THKT!

 

Thầy Lê Công Phúc, thầy Bùi Trung Tính và thầy Đinh Quý Bản.

 

Thầy Lê Công Phúc:

Ngay từ lần đầu tiên nhìn hình thầy trên THKT thấy quen quen nhưng không dám nhận (vì thầy làm lớn mà lại làm quan lớn về phápluật nữa!). Tôi nhớ khi về dạy ở THKT thì đã có một số thầy cô rất trẻ đang giảng dạy ở đó, trong đó có thầy Ngô Bảo Toàn, thầy Lê Công Phúc … Tôi nhận ra thầy Phúc ở nét “bụ bẫm” trên khuôn mặt “điển trai” của thầy!

 

Thầy Nguyễn Văn To.

 

Thầy Nguyễn Văn To:

Lần cuối, tôi gặp thầy To tại Sở Giáo dục TP.HCM năm 1980 khi tôi đến đó xin thuyên chuyển từ Long Thành (Đồng Nai) về quận 11.

Thầy To, thầy Rí và tôi cùng học chung lớp Toán ở Đại học Sư phạm Saigon. Sau đó, thầy To và tôi cùng về dạy tại THKT. Thời gian đầu, thầy To ở nhà tôi, sau đó chuyển sang ở chung với quý thầy khác. Nhìn hình thầy To làm tôi nhớ lại nụ cười duyên pha chút “lém lỉnh” của thầy ngày nào. Khi còn học chung ở Đại học Sư phạm, lớp chúng tôi cũng thuộc loại phá và tôi cũng có lần là nạn nhân của một số bạn, trong đó có cả thầy To nữa. Chuyện như thế này: Thời gian học ở Saigon, cuối tuần, tôi thường chạy xe Honda về nhà anh tôi ở Biên Hòa chơi và sáng sớm thứ Hai lại chạy xe từ Biên Hòa thẳng tới trường cho kịp giờ học. Một buổi sáng thứ Hai, tôi đến lớp sớm khoảng 20 phút và để túi xách trong đó có một số đồ dùng cá nhân, sách vở vào chỗ ngồi trong lớp rồi ra ngoài hành lang nói chuyện với bạn bè. Gần tới giờ học, trở lại lớp thì thấy các bạn nhìn tôi cười và chỉ lên cái quạt trần trong lớp. Trời đất ơi! Cái quần lót của tôi đang treo lủng lẳng trên đó! Thủ phạm là Huỳnh Khánh Nhiều (trưởng lớp – nay đang làm hiệu trưởng trường Bồi dưỡng Giáo viên cấp 2, quận 8). Tôi lại nhìn thấy sự đồng lõa qua nụ cười duyên “lém lỉnh” của thầy To.

Thầy To cao lớn và đẹp trai. Thời gian học ở Đại học Sư phạm, giờ ra chơi ít khi thấy thầy To ở lớp. Muốn tìm thầy To thì sang lớp Vạn vật (lớp bạn Trần Văn Ngỡi học). Lớp Vạn vật có nhiều cô xinh đẹp, còn lớp Toán chỉ có đúng bốn bông hoa mà thôi!

 

Thật rất tiếc, một số thầy cô khác hiện diện trong ngày họp mặt này nhưng tôi chưa được hân hạnh biết như quý thầy Lê Văn Thới, Hà Ngôn Hạnh, Đinh Quý Bản. Tôi nhớ có lần, bạn tôi - Trần Hữu Đức – nói thầy Lê Văn Thới trước khi dạy cũng là dân Kiến Tường và cũng học ở THKT một thời gian. Hy vọng sẽ được gặp quý thầy một ngày gần đây.

 

Bạn Trần Văn Ngỡi.

 

Bạn Trần Văn Ngỡi:

Ngỡi là bạn thân của tôi. Ngỡi và tôi học bằng lớp, cùng trường THKT, Trung học Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho) rồi Đại học Sư phạm Saigon … nhưng chưa bao giờ học chung với nhau. Khi học trung học đệ nhất cấp thì Ngỡi học lớp Anh văn, còn tôi học lớp Pháp Văn. Lên đệ nhị cấp, Ngỡi học ban A (Vạn vật) còn tôi học ban B (Toán). Lên Đại học Sư phạm, Ngỡi học lớp Vạn vật trong khi tôi học lớp Toán.

Ngỡi dáng người dong dỏng cao, hơi gầy, một chút “serious” nhưng Ngỡi nói chuyện rất có duyên pha chút khôi hài. Đôi lúc Ngỡi cũng chọc nói lái tên của tôi (thường ân cần dặn dò tôi khi viết bài “Môn nhớ chừa lề nhé) Ngỡi rất quý mến và đối xử tốt với bạn bè.

 

Cách đây ít tuần, khi em Trần Ngọc Bách tìm được và cho tôi biết số điện thoại của Ngỡi, chúng tôi đã trò chuyện và thư từ qua lại. Ngỡi gửi cho tôi một số hình ảnh của gia đình Ngỡi, đặc biệt Ngỡi còn giữ cuốn sách “Sinh học - Thực vật” của giáo sư Phạm Hoàng Hộ mà tôi tặng Ngỡi cách đây hơn 38 năm.

 

 

 

 

Nhìn hình gia đình Ngỡi, thấy phu nhân của Ngỡi hơi quen quen nhưng tôi vẫn không nhớ được… đành phải hỏi Ngỡi, thì ra đó là người đẹp phụ trách phòng thí nghiệm của Đại học Sư phạm Saigon năm xưa. Hèn chi hồi học ở đây, khi tôi sang lớp Vạn vật tìm Ngỡi thì các bạn lại chỉ tôi xuống phòng thí nghiệm. Tôi xuống đó, chẳng thấy Ngỡi thực hành thí nghiêm gì mà chỉ thấy Ngỡi đang tán tỉnh người đẹp phụ trách ở đó… và rồi sau này khi ra trường Ngỡi đã lẳng lặng “đưa nàng về dinh”.

Ngỡi học giỏi lắm, nhưng không được THKT xếp vào ngồi ở chiếu “Thầy”. Ai biểu không chịu về THKT dạy thì ráng chịu nghe Ngỡi!

 

Thầy Lưu Văn Nhu và 4 cô học trò xưa: từ trái qua: Bích Trân, Lê Thị Mãnh, Lê Thị Ry và Ngọc Thủy.

 

Bạn Lê Thị Ry:

Ry là bạn học chung lớp với tôi 6 năm ở THKT. Ry là em của chị Lê Thị Mãnh. Ry là một trong số những học sinh giỏi, ngoan và thùy mị của lớp tôi. Tôi không được gặp lại Ry kể từ ngày tôi rời THKT lên Nguyễn Đình Chiểu học. Cách đây vài tháng, tôi nhận được e-mail của Ry gửi cho tôi với tên người gửi ghi là “LeRy” làm tôi cứ tưởng một ông Tây nào gửi cho tôi. Tôi không hiểu sao e-mail này Ry gửi cho tôi mãi sau hai tháng mới tới hộp thư của tôi. Tôi rất mừng và đã vội vàng trả lời cho Ry ngay… nhưng chắc Ry “giận” tôi chăng vì cho đến nay đã mấy tháng trông chờ mà tôi chẳng nhận được hồi âm của Ry. Nghe “báo” đăng là Ry qua Melbourne (Úc) cũng thường xuyên lắm. Nếu rảnh thì e-mail cho biết tin bạn Ry nhé.

Nhìn hình Ry trong ngày họp mặt 20-11, qua ánh mắt, nụ cười… thấy Ry vui, trẻ trung nhiều.

Tôi cũng thầy hình chị Lê Thị Mãnh (chị của Ry) vẫn còn nét đẹp thanh lịch, quý phái như ngày xưa. Cùng với các chị Nguyễn Thị Ngọc Thủy, Trần Thị Hồng Huệ, chị Mãnh là một học sinh xuất sắc của THKT ngày xưa. Các chị đã một thời là niềm hãnh diện của THKT.

 

Bạn Phạm Văn Định.

 

Em Phạm Văn Định:

Định thường gọi tôi là cậu, tôi hỏi Định có phải trông tôi già trước tuổi nên gọi tôi bằng cậu phải không? Định phân trần không phải vậy mà vì ông cụ thân sinh tôi cũng ngang tuổi với bà ngoại của Định và gia đình tôi và gia đình Định rất thân, đã ở cạnh nhau mấy năm khi ở KT. Hồi học ở THKT Định thường qua nhà tôi chơi đàn guitar với Khuê (em của tôi). Định nói Khuê là người dạy vỡ lòng guitar cho Định. Khoảng mùa hè năm 1972 hình như bà ngoại của Định có gửi Định lên Saigon ở nhà tôi để học thêm Toán trong mấy tháng hè.

Định bây giờ trông vẫn đẹp trai như ngày nào pha chút nét phong sương và trông hơi “ngầu”. Định là một nhạc sĩ đa tài, một người hoạt bát, năng nổ và rất tích cực trong việc kết nối những cựu học sinh THKT.

 

Từ trái qua: bạn Lê Thị Ry, cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy, thầy Lưu Văn Nhu, thầy Bùi Trung Tính, thầy Nguyễn Xuân Kỳ, thầy Trần Văn Thới, bạn Bích Trân, cô Hoàng Thị Cẩm Thạch, bạn Trần Ngọc Bách và bạn Nguyễn Thanh Phong (Xẹp).

 

Em Trần Ngọc Bách:

Một học sinh giỏi, hoạt bát và đã tích cực cùng các bạn khác tổ chức được những ngày họp mặt lớn, đầy ý nghĩa của THKT. Bách không hề quản ngại thời giờ, công sức, kể cả tiền bạc để đi tìm quý thầy cô và bạn bè THKT và Bách đã tìm được rất nhiều thầy cô, bạn bè. Gần đây nhất là tìm được hai thầy Nguyễn Hữu Hệ và Trịnh Đình Lọat làm cho Gia đình THKT đông vui thêm. Đề nghị THKT trao tặng “mề đay” tìm người cho Bách nhé. Bách thường gọi điện thoại cho tôi khi có tin tức gì mới của THKT. Cám ơn Bách nhiều lắm đó!

Hình như Bách học cùng lớp với em tôi - Phạm Thị Huệ.

 

Bạn Kiến Đen (đứng thứ hai từ phải qua).

 

Em Phạm Hồng Phước:

Phạm Hồng Phước, ngoại hiệu do thầy Đỗ Ngọc Trang đặt cho đệ tử mình là Kiến Đen, một học sinh của Tư thục Thánh Gioan và THKT ngày trước.

 

Phước đẹp trai pha chút đạo mạo. Bây gìờ Phước vẫn là một nhà báo (nghe Phước nói vào nghề báo từ năm 1976 ở Tân An) và có bài viết thường xuyên trên các báo ở Việt Nam. Những bài Phước viết có pha chút khôi hài để cho người ta dễ đọc hơn. Phước tiết lộ khi viết báo, dù là báo xã hội hay báo tin học, Phước đều giở thuật phân thân: vào vai người đọc để tìm hiểu xem họ cần biết những gì về đề tài đó, rồi vào vai nhà báo để đáp ứng các nhu cầu đó của người đọc. Hiện nay Phước lại đang là ông từ giữ ngôi Từ đường THKT trên Web, mỗi ngày phải dành khá nhiều thời giờ cho công việc này. Trong công việc làm dâu trăm họ này, Phước làm việc một cách cẩn trọng, do đó đã tránh được nhiều sai sót. Các cụ xưa thường nói: “siêng như con ong, chăm như con kiến”. Kiến Đen chăm thật! Thực sự tôi cũng không hiểu Phước làm việc bao nhiêu giờ mỗi ngày để có thể hoàn thành tốt một khối lượng công việc quá nhiều như thế (điều hành một công ty, chủ biên nhiều tờ báo, viết báo, admin cho trang Web của mình và của THKT,…)! Viết về Phước thì còn phải viết nhiều, nhiều lắm mới đủ.

Một thắc mắc nhỏ: Kiến mà sao bò đi xa được vậy, bò đi vòng quanh thế giới hết nước này tới nước khác như đi chợ vậy. Tôi nghĩ chắc phải đổi là “Kiến Cánh” mới đúng đó!

 

 

Thầy Phạm Doanh Môn và phu nhân (thứ ba và tư từ trái qua) trong chuyến thăm lại bạn học Trương Văn Nghĩa và phu nhân (hai người bìa trái) tại Sydney (Úc) tháng 7-2010. Hai người bạn này cách biệt nhau 39 năm rồi mới gặp được nhau, nhờ sự "mai mối" của Gia đình THKT.

 

Trong ngày họp mặt này, tôi cũng thầy một số cựu học sinh khác nhưng thú thật, dù có ghi tên dưới hình nhưng tôi cũng chưa nhớ ra. Hy vọng từ từ rồi miền ký ức của tôi sẽ hoạt động tốt hơn. Mong được thông cảm và thứ lỗi.

 

 

Lướt qua hình quý thầy cô, bè bạn, cựu học sinh THKT thấy vui lắm… nhưng rồi sau đó nghĩ lại cũng “buồn 5 phút” vì thấy ai cũng còn tóc khá đầy đủ… còn mình thì tóc tai có vẻ “hơi khiêm tốn!”… Chẳng trách mà Kiến Đen đã tặng cho tôi hai câu thơ, trong đó mô tả tế nhị cái đầu của tôi:

- Nhong nhong chuột túi Phạm Doanh
Môn nào cũng giỏi thênh thang cái đầu…

 

 

MAI KHÁNH THƯ - PHẠM DOANH MÔN

(Viết xong tại Canberra 14-12-2010, hoàn chỉnh 23-12-2010)

 

 
 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage