Một thoáng Kuala Lumpur
Ngày thứ Tư 3-11-2010, sau 1g30ph bay từ
Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) bằng máy bay
Airbus A321 của hãng hàng không Vietnam Airlines, Kiến Đen đã tới
Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur
- KLIA (Malaysia) hồi 18g05 (giờ địa phương là 19g05).
Kiến Đen
đã sang đây cả chục lần rồi, nhưng lần này sân bay KLIA
mở rộng hơn và có sự sắp xếp lại. Máy bay của
Vietnam Airlines đậu ở ga đi đến nên mọi người phải lội bộ rã giò tới cửa đi
xe bus sang nơi làm thủ tục nhập cảnh và lấy hành lý, xa tít mù.
(Khi xuất cảnh cũng vậy, khách check-in lấy
boarding pass và làm thủ tục xuất cảnh tại tòa nhà chính sau đó mới
lên xe bus đi tới tòa nhà có các cổng lên máy bay.) Họ
đang xây dở hệ thống xe điện monorail nối các khu vực
sân bay, mai mốt hệ thống này hoàn tất rồi, khách sẽ
dùng xe điện thay cho xe bus. Sân bay KLIA rộng minh mông và bố trí rối
rắm như canh hẹ.
Một gian bán các món đặc sản
Malaysia nằm trong sân bay dành cho khách đi và quá
cảnh. Nói là hàng miễn thuế (Duty Free) nhưng mấy cửa
hàng trong sân bay luôn bán giá đắt gấp rưỡi hay gấp đôi
bên ngoài.
Từ sân bay về trung tâm thành phố xa
gần 50km. Khách có thể đi bằng xe điện Express Train, xe
bus, xe taxi. Nếu muốn đi taxi thì phải mua vé tại quầy
với 3 hạng: luxury giá 199 ringgit (1 ringgit - RM ăn
khoảng 6.500 đồng hay 0,3 USD); premier (hành lý cỡ lớn)
giá 102RM; và budget (hành lý cỡ trung) giá 87RM. Đi vào
thành phố mất 40 phút. Nếu muốn đỡ tốn tiền, khách có
thể dùng dịch vụ xe Coach, giá 10RM từ sân bay về khu KL
Sentral ở gần China Town.
Điều làm Kiến Đen bất ngờ là quầy
đổi tiền của ngân hàng ở sân bay chấp nhận cả tiền đồng
Việt Nam. Nên đổi tiền ở sân bay để có tiền trả taxi về
khách sạn. Nhớ yêu cầu cho một ít tiền lẻ, loại 5RM và
10RM. Đi xe công cộng và mua sắm lặt vặt mà đưa tiền
mệnh giá cao nhất 100RM ra là dễ bị từ chối (do không có
tiền thối). Cũng chỉ nên xài thẻ tín dụng (credit card)
ở các cửa hàng lớn, đáng tin cậy. Malaysia vốn khét
tiếng là một trong những thiên đường của bọn tội phạm
thẻ tín dụng, chuyên ăn cắp thông tin, mã số của thẻ tín
dụng để mua hàng hóa. Một số ngân hàng ở Việt Nam khi
phát hiện khách hàng sử dụng thẻ tín dụng ở Malaysia
thường thông báo cho khách đổi thẻ mới!
Kiến Đen ở khách sạn trong khu
China Town đang khuyến mãi giảm 50% giá. Quảng cáo có
Internet Wi-Fi trong phòng miễn phí. Nhưng của cho
thường là của ôi. Tín hiệu sóng báo "poor", chỉ có 1
gạch. Hy vọng nửa khuya có cải thiện chút nào không. Với
mức tín hiệu này thì vô phương vào Internet. Kiểu này có
khả năng phải ôm laptop xuống Business Center để xài
Internet có tính tiền. Đúng là sảy nhà ra là thất
nghiệp!
Ở Kuala Lumpur, xe taxi có nhiều,
nhưng rất ít xe chịu tính bằng đồng hồ. Hầu hết taxi thu
tiền theo giá thỏa thuận với khách vì thế khách phải
biết trả giá, nếu không là "dính chấu". Muốn đi đâu bằng
taxi thì phải coi bản đồ xem gần xa để liệu bề mà trả
giá với tài xế. Họ hét giá kinh hoàng luôn. Có lần Kiến
Đen đi taxi ở khách sạn, khi buộc tài xế phải bấm đồng
hồ tính cước, ông ta bèn giở trò tính thêm tùm lum phụ
phí như: chờ ở khách sạn, vào cổng khách sạn,... Trong
khi đó, theo bảng
giá chính thức của taxi trên Bán đảo Malaysia hiện nay
là 3RM cho km đầu tiên và 0,10RM cho mỗi 115m sau đó. Từ
12g khuya tới 6g sáng, khách phải trả thêm phụ phí ban
đêm bằng 50% tổng tiến cước theo đồng hồ. Nếu đi tới sân
bay, khách phải trả thêm khoản phụ thu 12RM (cho sân bay
quốc tế KLIA) và 7RM (sân bay nội địa Penang). Hành
khách phải trả các khoản phí xa lộ (highway toll). Nếu
gọi taxi bằng điện thoại, khách phải trả thêm 2RM.
Vì thế, nếu tiện ở gần trạm xe bus
hay monorail, du khách đi 1-2 người nên sử dụng hai
phương tiện vận tải công cộng rẻ tiền này. Monorail (còn
gọi là Light Rail Transit - LRT là
loại xe điện 2 toa chạy trên một đường ray (ở vùng ven
thì chạy trên cao, còn trong trung tâm thành phố thì
chạy ngầm). Kuala Lumpur hiện có 3 tuyến LRT của các
hãng RapidKL (www.rapidkl.com.my),
KL Monorail (www.monorail.com.my)
và KTM Komuter (www.ktmb.com.my).
Giá vé từ 1,2RM trở lên, suốt tuyến chừng 2,6RM. Khách phải mua
vé từ buồng vé ở từng trạm, nói tên trạm muốn tới cho
nhân viên bán vé. Phía trước ghisê có bản đồ lộ trình
với giá cước cụ thể từng chặng. Cứ khoảng 4-5 phút là có một
chuyến.
Bản đồ các tuyến xe điện ở Kuala
Lumpur.
Trạm xe điện Maharajalela gần khu
China Town.
Bên trong trạm xe điện Maharajalela. Mỗi trạm
có 2 boong, gọi là Platform 1 và 2, mỗi cái cho một chiều đường.
Khách phải để ý bảng hướng dẫn để khỏi đi nhầm chiều.
Tại các trạm xe điện đều có những bảng thông
tin công cộng. Trên bảng này đang có thông báo tìm trẻ lạc và hướng
dẫn cách phòng ngừa cúm H1N1. Trên bảng có gắn một bình đựng nước
rửa tay có tính sát trùng. Khách chỉ việc đưa tay xuống bên dưới là
cảm biến điện tử sẽ tự động xịt ra một dung dịch cho khách rửa tay
không cần nước.
Trạm xe điện Bukit Bintang ở khu shoping lớn
giữa Kuala Lumpur.
Trạm xe điện Dang Wangi là một trạm trung
chuyển (transfer) cho khách đổi tuyến đi và ở đây bắt đầu tuyến xe
monorail chạy ngầm.
Một cầu vượt cho khách bộ hành băng qua đường.
Có tấm biển ghi rõ, nếu vượt ẩu qua đường, người vi phạm sẽ bị phạt
500RM.
Đây là bãi xe cũ của cảnh sát. Các xe ôtô và
gắn máy bị bắt giữ vì vi phạm này không có chủ nhận nên thành phế
liệu.
Ngoài biển số đằng sau, xe gắn máy ở Malaysia còn phải sơn
hay gắn biển số hai bên vè trước.
Ở Malaysia có sự cố rớt hay bể số xe (Kiến Đen
đã chứng kiến). Bởi lẽ, biển số xe ở đây là một tấm nhựa đen có dán
các chữ số nổi bằng nhựa hay mica trắng, chứ không phải dùng biển số
kim loại dập nổi như những nước khác.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Kuala Lumpur, Malaysia 3-6/11/2010)
TRANG 1 |
TRANG 2
| TRANG 3 |