du lịch "quá giang"

 

 

 

 

 

 

 

Tết ta tại Elk Grove

 

Việt kiều ở Mỹ lên tới cả triệu người. Lúc đầu họ ở rải rác khắp nơi, lang thang tận đến đảo Guam, Hawaii, và Alaska. Dần dần người này mách bảo người kia, họ di chuyển về những vùng đất ấm tạo thành những cộng đồng lớn mạnh. Truyền thống dân tộc nhờ cộng đồng mà được nuôi dưỡng và bảo tồn.

 

Phe ta ăn Tết trên đất Tây

 

Thầy đồ THKT Đỗ Ngọc Trang tại Đỗ Nguyễn Gia trang (Elk Grove) ngày 30 Tết Tân Mão.

 

Phe ta tại Mỹ chơi trội, hằng năm mọi người đều ăn cả Tết Tây lẫn Tết ta. Tết nào cũng được mừng bằng những món ăn Việt như bún chả nướng, thịt heo quay… Nhiều gia đình còn giữ nguyên si những món quốc hồn quốc túy như mắm nêm, canh chua cá bông lau. Bên đây thịt gà, heo, bò là những món ăn bình dân thường ngày. Những món hồi xưa mình cho là quê mùa ở đây lại có giá. Tôi còn nhớ hồi năm 1980, giá một quả cà pháo là 25 cent, các bà vẫn hí hửng mua. Nhà có khách quí mới dám đãi món này.

 

Nước Mỹ không ăn Tết ta, vì vậy có nhiều điều kỳ quặc phe ta phải đương đầu. Trong ngày Tết, cha mẹ vẫn đi làm, con cái vẫn đi học. Đêm ba mươi, đáng lẽ gia đình tụ lại đón giao thừa, trái lại trẻ nít vẫn cặm cụi làm bài để ngày mai nộp cho trường. Nếu có hứng đón giao thừa cũng chẳng ai dại dột vào giờ đó gọi điện thoại chúc Tết anh em. Rủi gọi nhằm người đang ngủ để sáng mai đi "cày" thì người ta chửi cho, có mà dông cả năm. Chuyện thường xảy ra như vầy: sáng mùng một Tết, bố thức dậy xách túi cơm đi làm. Mẹ bảo cậu con ra mở cửa garage. Hai bố con gặp nhau cười toe toét. Mẹ hài lòng, thế là “Đầu năm ra ngõ gặp trai.” Vừa lái xe, ông bố vừa tự an ủi, “Mồng một đi làm là điềm hên, vì được đi làm suốt năm.”

 

Dân ta vốn linh động, để giải quyết vấn đề lễ Tết nhằm ngày đi làm, phe ta tổ chức hội chợ Tết và ăn Tết vào ngày nghỉ việc cuối tuần. Ở chỗ tôi ở, hội chợ Tết đúng hơn chỉ là cơ hội để giới thiệu những sinh hoạt của cộng đồng. Vì vậy nó bao gồm những gian hàng như tôn giáo, y khoa, hãng bảo hiểm, hướng đạo… những hoạt động không liên quan gì đến Tết.

 

Tết Tân Mão tại Elk Grove

 

Elk Grove, nơi chúng tôi ở, là một tỉnh lẻ nhỏ xíu thuộc quận hạt Sacramento. Toàn thể Việt kiều trong quận hạt Sacramento là 16.400 người trên tổng số 1,5 triệu dân. Riêng ở Elk Grove chỉ có khoảng vài ngàn người Việt, coi như không đáng kể. Tết đến mọi người đổ về quận hạt dự hội chợ Tết. Ở bên nhà, sáng mồng một Tết là Xuân tiết, nhưng ở Elk Grove trời vẫn là mùa Đông (lạnh thiếu điều đông... tiết). Cây cối trụi lủi.

 

Thứ Bảy ngày 29 tháng 1, trời đất mờ mịt đầy sương mù. Tới khoảng 10 giờ sương mới tan, nhưng trời vẫn không có nắng. Tôi và nhà tôi xuất hành dự hội chợ Tết Tân Mão. Thông thường vào ngày cuối tuần, người ta chỉ thức dậy sau 9 giờ sáng.

Thầy Đỗ Ngọc Trang giữa chợ Tết Tân Mão ở Elk Grove.

 

Chợ Tết Tân Mão là bãi đậu xe của siêu thị Smart Sam. Người ta dựng mấy tấm lều làm gian hàng Tết. Đây là toàn cảnh hội chợ. Đúng vậy, nó có vẻ thô sơ, tạm bợ, và mong manh.

 

Giữa sân là một rạp lớn dùng làm rạp hát. Gần 11 giờ rồi mà người tham dự vẫn thưa thớt.

 

 

Trên sân khấu, tôi thấy 3 cụ có lẽ tượng trưng cho ba giá trị không thể thiếu cho đời sống là phúc lộc thọ. Các cụ đang sửa soạn lễ dâng hương khai xuân

 

 

Bên cạnh sân khấu là đội múa lân sẵn sàng đợi giờ khai hội.

 

 

Đây là cây hoa mai duy nhất trong hội chợ. Nhưng nó lại là cây giả, cành cây khô gắn hoa giấy. (Chỉ có người mẫu Nguyễn Thị Bích Thủy là người thật!)

 

 

Có nhiều gian hàng của các hội đoàn, chẳng hạn hội Hướng đạo

 

 

À há! Tôi gặp ông bạn thiền sư trong gian hàng của Phật giáo.

 

Đó là hội chợ Tết nơi tôi ở. Nó có vẻ chắp nối, sơ sài, và nhỏ bé giới hạn.

 

Tuy nhiên trong gió lạnh vẫn có hoa xuân. Vẫn có bánh chưng, bánh tét, có văn nghệ mừng Xuân, có thi hoa hậu, thi trẻ em nói tiếng Việt. Tất cả mọi tiết mục đều biểu lộ lòng tự hào dân tộc, và lòng can đảm chiến đấu trong cõi văn hóa hỏa mù để bảo tồn văn hóa Việt. Những mục này tà tà kéo dài suốt 2 ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Chúng tôi rất tiếc không thể ở lại để đọi xem những mục hấp dẫn ấy.

 

Sẽ rất khiên cưỡng khi cho rằng hội chợ Tết biểu lộ sắc thái của cộng đồng. Nó chỉ có thể phô bày phần nào hiện trạng kinh tế mà thôi. Sự tinh túy của truyền thống Tết nằm trong tư gia của người Việt. Nó ẩn trong cành hoa đào, trong mâm ngũ quả, trong chiếc áo cổ truyền, trong những lời chúc nhau, và trong tâm hồn của người tha hương.

 

Thầy Đỗ Ngọc Trang, cô Nguyễn Thị Bích Thủy, Hoàng Teresa Kim Thư - vị hôn thê của Duẫn, và "sư tử" Đỗ Duẫn Martin, con trai thầy cô. 

 

Nhân dịp này, gia đình chúng tôi chân thành hướng về Gia đình THKT.

Chúng tôi biết thời gian không gian và con người đều là vô thường. Tuy nhiên trong sự biến dịch vẫn còn tấm lòng chính đạo không thay đổi.

 

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. (Thiền sư Mãn Giác)

 

Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai. (Thượng tọa Thanh Từ dịch)

 

Chúng tôi xin kính chúc quí thầy cô, quí bạn hữu và các em học sinh, tất cả là thành viên của Gia đình THKT một năm Tân Mão tràn đầy ơn phúc. Dồi dào sức mạnh vượt qua mọi trở ngại, và một tâm hồn tràn đầy niềm vui.

 

 

"Sư tử" Đỗ Duẫn Martin, con trai thầy cô, và em Hoàng Teresa Kim Thư - vị hôn thê của Duẫn.

 

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, California ngày 30 Tết Tân Mão, 2-2-2011, tức ngày mùng 1 Tết ở Việt Nam)

 

 

 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage