thkt chat! chit!

 

 

 

 

 

 

Chat với cô Hoàng Thị Cẩm Thạch

 

 

Cô Hoàng Thị Cẩm Thạch học song song cả hai trường Đại học Sư phạm Saigon và Đại học Khoa học Saigon, và đã tốt nghiệp Cử nhân môn Vạn vật học của cả hai trường này. Cô về THKT từ niên khóa 1970-1971, dạy môn Vạn vật. Vào tháng 4 năm 1975, cô đang là hiệu trưởng THKT và tiến hành bàn giao cho ban giám hiệu mới. Như vậy cô là vị hiệu trưởng cuối cùng của phiên hiệu Trung học Kiến Tường. Cô tiếp tục dạy tới năm 1976 thì chuyển về dạy tại trường Cấp 3 Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An). Năm 1978, cô chuyển về TP.HCM, làm ở Phòng Giáo dục Quận 5 rồi năm 1988 chuyển về dạy ở Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai cho tới khi về hưu năm 2001.

 

Gia đình THKT tìm lại được cô Cẩm Thạch hồi đầu năm 2010, và mới té ngửa ra khi nhà cô chỉ cách nhà Kiến Đen chừng 500m, trên cùng một con đường mà ngày nào Kiến Đen cũng đi làm về. Có lẽ tại Kiến Đen chỉ về nhà lúc trời đã gần khuya nên chẳng thể gặp cô. Mà có gặp, chưa chắc thầy trò đã nhận ra nhau sau hơn 40 năm xa cách. Hình như nhờ kiếp trước khéo tu nên Kiến Đen được bà độ, chạy xe ngang qua nhà cô ròng rã suốt hơn 20 năm mà vẫn không một lần "tin" trúng cô!

 

 

Gia đình THKT đã phong cô Cẩm Thạch ngoại hiệu Nữ Trang chủ Khủng long vì cô dạy Vạn vật và vì khủng long là loài động vật mà con nít bây giờ đứa nào cũng rất khoái. (Cô Cẩm Thạch bật mí là ở nhà, cô được gọi là "Gấu Mẹ".)

 

Đây là ảnh Kiến Đen chụp cô Hoàng Thị Cẩm Thạch vào ngày cô trả lời phỏng vấn 5-12-2010. Chính cậu cháu tên Long vừa từ Úc về thăm cô đã trở thành "thư ký riêng bất đắc dĩ" của cô trong cái đận "qua truông" (cô Thạch gọi là "bị quay") này.

 

● 1. Có khi nào cô thắc mắc vì sao cha mẹ mình không đặt tên mình là Kim Cương, Ngọc Bích, Hồng Ngọc,... mà lại là Cẩm Thạch? Kim cương bao giờ cũng có giá cao hơn Cẩm thạch mà.

 

- Không có. Vì cha mẹ cô không có tham vọng đạt đến đỉnh cao của những chất có giá trị cao, sợ sẽ có hại cho con mình sau này. Nếu cao quá không ai với tới!

 

(Kiến Đen: Hèn gì con gái ở đồng quê, nhờ cha mẹ đặt cho mấy cái tên quê mùa mà chưa kịp tới tuổi cập kê đã có thể xách tụng bàng theo chồng!)

 

● 2. Cơ duyên nào đẩy đưa cô tới nghề giáo và chọn môn Vạn vật?


- Cô cũng không học giỏi lắm, cô có tham vọng làm ngành y. Nhưng vào năm 1958 sinh viên biểu tình xé mất thẻ dự thi nên cô phải đành vào SPCN (*), sau đó là vào Đại học Sư phạm Saigon, Ban Vạn vật.

 

● 3. Là giáo viên Vạn vật giàu kinh nghiệm, cô sẽ làm gì khi đứng trước một con khủng long?


- Vấn đề là đứng trước khủng long bự hay khủng long nhí? Nếu đó là khủng long nhí thì cô sẽ hù nó, còn nếu gặp khủng long bự thì cô chọn bài “tẩu vi thượng sách”. Ông bà mình dạy tránh… khủng long chẳng xấu mặt nào mà!

 

● 4. Dạy Vạn vật, vậy cô nhận ra rằng có gì khác và có gì giống giữa loài người và loài vật?


- Giống: Đều được cấu tạo từ vật chất (các nguyên tố hóa học).
Khác: Người có tư duy trừu tượng (imagination), loài vật chỉ hành động theo bản năng (instinctive) thôi.

 

5. Những khi làm cá, làm thịt gà vịt, cô có méo mó nghề nghiệp là cô giáo Vạn vật có nhiều chục năm đứng lớp?


- Cô chỉ mổ gà vịt… trong phòng thí nghiệm lúc đi học. Sau này cô tu nên không sát sanh.

 

6. Ngày đầu tiên cô về Kiến Tường như thế nào ạ?


- Rất sợ!!!

 

7. Cô nhớ mình đã sống ra sao với mùa nước nổi đầu tiên ở Kiến Tường?


- Rất thích!!! Được lấy mùng lưới cá ở sân trường :)

 

8. Ngày xưa các thầy cô thường sống chung với nhau thành từng nhóm, gọi là Gia trang. Vì sao có tên Hoàng Gia trang và nó gồm những thầy cô nào?


- Hoàng gia trang là nơi ở của các cô giáo, gồm cô, cô Lã nè, cô Xum, cô Hường,…

 

Ảnh chụp trước Hoàng Gia trang. Từ trái qua: thầy Nguyễn Văn Hòa, thầy Nguyễn Hữu Thành, thầy Ngô Văn Rí, cô Huỳnh Anh, cô Xum, cô Tạ Thị Kiêm Hường, cô Huỳnh Thị Lã, cô Hoàng Thị Cẩm Thạch, thầy Trần Văn Thới. (Ảnh do cô Hoàng Thị Cẩm Thạch cung cấp ngày 17-4-2010).

 

 

9. Một phút nói thật nhé. Hồi xưa ở Kiến Tường, cô ghét nhất ai? (Xin được nói nhỏ: Mặc dù Kiến Đen từng là học trò trực tiếp của cô, nhưng theo phép lịch sự và sự khôn ngoan, không ai gây sự với người đang phỏng vấn mình.)


- Cô không ghét ai, chỉ có thương mà thôi.

 

(Kiến Đen: Một câu trả lời rất ư là... huề vốn. Hình như cô Cẩm Thạch cũng có khiếu làm nhà... ngoại giao! Nhưng do ai cũng thương nên rút cục lại chẳng... thương ai!)

 

10. Có ai đã từng làm cô mất ngủ khi ở THKT không?


- Có, nhưng mà không phải là người của THKT, đó là một con Khủng long thật bự!

 

(Kiến Đen: Vậy là người làm cô mất ngủ rất đô con!)

 

11. Cô từng là Hiệu trưởng của THKT (thậm chí là vị hiệu trưởng THKT cuối cùng). Có khi nào cô dùng chức quyền này để "đì" những thầy cô hồi trước không có thiện cảm với mình?


- Cô đều có thiện cảm với các thầy cô, nên cô không có “đì” ai hết! Mà không biết chừng còn bị thầy cô nào đó “dí” lại nữa kìa!

 

12. Cô có thể kể gì cho THKT nghe về cuộc sống hiện nay của mình?


- Cô đã nghỉ hưu, ở nhà làm việc nhà.

 

13. Cô nhớ nhất điều gì khi lần đầu tiên gặp lại bạn đồng nghiệp của mình sau gần 40 năm xa cách?


- Gặp lại đồng nghiệp, cô mừng quá nên quên hết mọi thứ!

 

14. Thông điệp mà cô muốn gửi tới Gia đình THKT?


- THKT là một cơ thể duy nhất. Mọi thành viên có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và phát triển Gia đình THKT của mình. Riêng với hãng tin THKT, cô xin thêm cho rõ: THKT - Tin Hay Không Tin “là quyền của mọi thành viên trong Gia đình THKT”.

 

15. Chân thành cảm ơn cô Hoàng Thị Cẩm Thạch đã trả lời.



CÂU HỎI QUÁ GIANG:

* Từ thầy Nguyễn Đức Nhuận (Seattle):


1. Chúng ta hiện đang có trang THKT trên mạng. Chúng ta rất vui - như cách nói của các bạn THKT là "ngôi từ đường của chúng ta". Là một cựu Hiệu trưởng THKT, xin chị cho biêt suy nghĩ của mình về trang THKT?


- Đúng là một tiệm tạp hóa, các thành viên Gia đình THKT cần gì cũng đều có cả.


2. 40 năm rồi, mọi bí mật quốc gia đều đã tới hạn phải công khai rồi. Xin chị bật mí chút ít về "ngày xưa Hoàng Thị...." thuở mà "Em tan trường về...", chị nhé!


- Chị xin không được trả lời câu hỏi này, Nhuận nhé.


(Về câu hỏi “nhạy cảm… lạnh” này, Kiến Đen xin tường trình một cách khách quan: Hôm 5-12-2010 trên đường về Tân An thăm nhà thầy Ngô Bảo Toàn, khi nghe Kiến Đen nói thầy Nguyễn Đức Nhuận từ Seattle muốn “khui hầm” bà chị Cẩm Thạch và đọc câu hỏi, đám học trò THKT của cô Thạch có mặt trên xe cười rần rần rất hả lòng hả dạ. Cô Cẩm Thạch nói: “Câu này thì cô xin từ chối trả lời.” Nguyễn Thanh Phong ra vẻ bênh cô mình: “Đây là chuyện sống để bụng, chết mang theo, cô hén!” Cô Thạch khen: “Chỉ có em Phong là hiểu cô nhất!” Kiến Đen vọt miệng: “Cô sụp hầm Phong Xẹp rồi cô ơi. Như vậy là cô mặc nhiên thừa nhận mình có hầm nhưng không chịu khui!” Cô Thạch: “Cô thách ai khui được đó!” Thanh Phong: “Vậy kêu gọi bà con THKT nào biết thì khui hầm cô Cẩm Thạch đi nhé!” Cô Thạch phân bua: “Cô nói thách là vì có hầm đâu mà khui!” Kiến Đen chợt nhớ tới thầy Ngô Vàng, bèn ngoáy râu cười bí hiểm: “Thôi ta tạm gác vụ này lại. Cứ truy riết, cuối cùng cô lại khui hầm một cách miễn cưỡng thì mất vui. Cứ để hồi sau sẽ rõ. Wait and see!”


Đề nghị của cô Cẩm Thạch:
1) Hãng tin THKT phỏng vấn tiếp cô Huỳnh Trung Dung.
2) Các thành viên THKT muốn biết gì thêm thì cứ đặt câu hỏi gửi về tham gia phỏng vấn cô Trung Dung.
 

KIẾN ĐEN

(Hãng tin THKT - Tin Hay Không Tin 10-12-2010)

 

(*) Trước 1975, trước khi vào học Ban Vạn vật của Đại học Sư phạm Saigon, sinh viên phải có chứng chỉ SPCN (viết tắt từ tiếng Pháp: Sciences Physique Chimie et Naturelles; có nghĩa là môn khoa học vật lý, hóa học, vạn vật).

 


Các trang Chat chit THKT được Google thể hiện trong công cụ Search hôm 30-12-2010.

 


 

Xin đọc thêm hồi ức của cô Hoàng Thị Cẩm Thạch:

Ước mơ đã thành hiện thực (23-4-2010)


 

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage