ĐNNP họp mặt tất niên
* Tiểu phẩm
Ngày 26 cuối năm là ngày Hoàng Đạo. Lịch có ghi “Công danh thành
đạt, thuận lợi cho việc nhậm chức, nhập học, khai mương và xây cất”.
Chủ gánh xiệc chữ ĐNNP Đỗ Xanh hí hửng đến cổng Từ đường THKT, nhìn
trước nhìn sau, rồi móc túi lấy cục phấn vẽ lên góc cửa một quả lựu
đạn tóe khói. Đó là mật hiệu mời họp của nhóm Đạo Nổ Ngàn Phương. Xong việc, Đỗ
đi vào quán bếp của Từ đường. Có người ví Từ đường như một tiệm tạp
hóa, kể ra cũng đúng. Ở đây có bán đủ thứ. Đỗ tôi thấy trên vách
quán có tấm bảng: “Khách hàng là vua. Vua không trả giá”. Đỗ chọn
một cái bàn bên bếp lửa, cởi áo gió máng vào thành ghế, ngồi chờ
đợi.
Thời gian chừng tàn nửa cây nhang, có khách quan ăn mặc kiểu Việt
kiều về làng, khệnh khạng đi vào.
Khách quan: Hao-a-du? Ngô Vàng xin chào. Mèng đéc ôi, Đỗ huynh đợi
lâu chưa?
Đỗ Xanh: Qua mới đếm đến con kiến thứ một triệu thì đệ tới.
Rồi một bóng đen khác “lừ đừ như ông từ vào đền” bước tới vòng tay
đảnh lễ.
Bóng đen: Đệ tử Kiến Đen xin có mặt. Đệ tử đang công tác ở nước
ngoài, nghe tin, vội bám máy bay tàng hình RQ-170 Sentinel đi ké mới
về kịp.
Đỗ Xanh: Xin chào tất cả. (Xé cho mỗi người một râu cá mực). Quí vị
có biết câu: “Cành lê trắng điểm một vài bông huê” chăng?
Kiến Đen: Biết chớ, thơ của thi sĩ học trò đang lên, cậu Hồ Xuân
Hương, lấy bút danh theo tên một cái hồ ở Đà Lạt mộng mơ..
Ngô Vàng: Không phải! Nó là ca dao bút tre miệt vườn… Tui nghe câu
này hoài ở quán Tám Miền.
Đỗ Xanh: Tất cả đều trật lất. Nó là tên của cô đào mới tuyển, cô Lê
Trắng.
Đỗ vỗ tay cái bốp. Một cô gái ăn mặc áo váy tứ thân kiểu Thị Mầu lên
chùa, tóc cài bông lê trắng bằng nhựa, núp sẵn trong bếp chạy ra. Cô
cười cầu tài rồi móc túi lấy ra con dao cạo. Cô cầm con mực trên bàn
tung lên không rồi vung tay dao. Tiếng gió rít vụt vụt, con mực bị
cắt thành 3 phần bằng nhau, rớt xuống trước mặt 3 người. Mọi người
xanh mặt nhìn nhau.
Lê Trắng: Kính chào quí vị trưởng thượng. Đệ tử mới đi dự thi hát
Xoan ở Bali về. Nhờ có Lê Trắng này mà UNESCO đã công nhận hát Xoan
là di sản văn hóa của nhân loại.
Ngô Vàng: Thì ra thế. Chắc cô Lê Trắng đây là vũ công chánh của
đoàn.
Lê Trắng: Ấy ấy tiểu muội có biết múa máy gì đâu. Công của muội chỉ
là nấu cho cả đoàn vũ một nồi chè đỗ xanh trộn bắp vàng trước khi đi
thi.
Đỗ Xanh: Thì ra thế. (Quay qua nhìn mọi người). Thưa quí vị, năm cũ
hết, năm mới tới, Đỗ tôi muốn nâng cấp cho mọi người, nhưng ai cũng
đã lên tới đỉnh cao ráo trọi rồi. Vậy thôi ta vẫn giữ y như cũ nhá.
Ngô Vàng giữ chức phát ngôn viên, kiêm soạn giả tuồng tích, và giáo
sư viết tuyên ngôn. Công tử Kiến Đen là kép độc, kiêm hề, kiêm kéo
màn, kiêm họa sĩ. Lê Trắng nhỏ nhất nên đương nhiên là tiểu muội.
Tôi nhân danh chủ gánh long trọng phong cho cô chức thủ quĩ.
Lê mừng rỡ nhảy tưng tưng và mắt rớm rớm tính khóc. Ngô Vàng thương
hại ghé tai nói nhỏ “Chức này chỉ để nổ thôi. Có xu teng nào đâu mà
giữ.”
Đỗ Xanh: (vuốt râu) Chúng ta đã đầy đủ. (Xoay qua Ngô Vàng) Vậy xin
mời giáo sư tiến sĩ mở lời sấm sét khai mạc buổi họp mặt và tuyên bố
chủ trương cho năm tới.
Ngô Vàng: (tằng hắng: À hem, à hem) Thưa anh em, bổn bang vốn là
gánh xiệc chữ. Suốt năm qua mỗi người hẳn đã chín mùi suy nghiệm cái
đạo lý thâm sâu của chữ nghĩa. Vậy chúng ta hãy lần lượt nói ra cái
tâm đắc của mình cho anh em nghe. Rồi ta cứ theo đó mà bồi dưỡng
thêm cho năm tới.
Đỗ Xanh: Cám ơn giáo sư. Đỗ tôi xin khởi đầu. Nay là năm Rồng. (Lên
giọng triết gia). Rồng chính là linh vật do vua Hùng nuôi. (Đập tay
xuống bàn). Bằng cớ là không đâu có nhiều rồng bằng nước ta. Này
nhá, ta có nhà rồng, cầu Hàm Rồng, cây Xương Rồng. Còn nếu nói chữ,
gọi rồng là long thì ta cũng có khối ra đấy. Nào thành Thăng Long,
vịnh Hạ Long, tỉnh Long An, tỉnh Long Xuyên, sông Cửu Long, và.. à..
à…
Kiến Đen: (tiếp ngang) và long đầu gối, long răng, long ốc, long
tong, long não, rồi long nhong…
Đỗ Xanh: À à! Ấy đấy, thì ra long ở khắp mọi nơi, cứ như là sở thú.
Cám ơn công tử.
Ngô Vàng: (a hèm) Còn Ngô mỗ thường ngồi nướng bắp nên cũng nghiệm
ra cái ý nghĩa của củi lửa. Này nhá, nếu quá lửa bắp cháy, mùi khét
lẹt xông ra tứ phía và còn vươn tới tận thiên tào, không gì ngăn cản
được. Vì vậy nếu ai nổi danh ta kêu là “khét tiếng”. Có tin quan
trọng ta nói “tin nóng bỏng”. Hàng quá giá đụng vào là “cháy phỏng
tay”. Nếu bị tổ trác, ta nói “cháy túi”. Nếu bị hố, ta nói “cháy
mặt”. Nếu xấu hổ, ta nói “trát tro vào mặt”… Tất cả đều do lửa nướng
mà ra.
Nói xong Ngô thọc tay vào cạp quần móc ra 4 trái bắp “cháy tới” bồi
dưỡng cho mỗi người một quả.
Kiến Đen: Thế còn “khét trích” và “cháy nắng” thì sao.
Ngô Vàng: Đệ tử giữ mục “chữ đá nghĩa” nên ưa nói ngang và lý sự
cùn. Thế còn đệ tử có mục gì?
Kiến Đen: Dạ, đệ tử tuổi gà nên suy ngẫm về gà là phải lẽ. Cô nào
chân khẳng khiu thì gọi là “cẳng gà”. Tay nào nhát gan thì gọi là
“lạnh cẳng gà”. Còn “gà mắc toi” là anh chàng trúng gió. Anh này cần
tập tành võ nghệ để thành “gà nòi”. Cùng phe thì gọi là “gà nhà”. Bà
nào nhiều con thì mang danh “đẻ như gà”. Kẻ hung hăng thì gọi là “gà
chọi”. Người thất thế thì là “gà què”. Gã nào cục mịch thì gọi là
“gà tồ”. Nhìn không rõ thì gọi là “quáng gà”. Mới chập tối đã đi ngủ
là “gà lên chuồng”…
“Gà” còn được dùng để miêu tả trạng thái của hoàn cảnh, chẳng hạn
như “gà nuốt dây thun” là cái cảnh nghẹn họng nói không ra lời. Gặp
lúc lúng túng thì là “lửa cháy đuôi gà”. (Thấy ai cũng đờ người ra,
KĐ phân trần). Dám hỏi quí vị nếu có ai bị lửa dí vào mông thì có
nhảy quáng lên không? Còn nếu cụ nào vào lầm phòng người ta thì bị
mỉa là “gà lộn chuồng”.
Ngô Vàng: (Được dịp trả đũa) Thế còn “gà bài”, “gà móng đỏ” thì là
gì?
Kiến Đen: (nói chống chế) Ui mấy thứ đó coi như là những câu “chửi
mất gà” vu vơ ấy mà. Giờ tới phiên Út Trắng.
Thấy im lặng, Mọi người đưa mắt nhìn Lê Trắng. Đỗ Xanh tằng hắng: “À
hem!”
Lê Trắng: (giật mình tỉnh ngủ) Úy… ý… ý ! Dạ… ạ… ạ… Tới giờ ăn chưa?
Dạ… đệ tử thấy quan trọng hơn cả là chữ “ăn”. Đây nhé, không ai nói
Tết mà phải nói “ăn Tết”. Không ăn làm gì có Tết. Ngay cả việc học
hành cũng phải nói là “ăn học” vì có ăn mới có sức mà học. Ôi! đời
người kể từ lúc “ăn thôi nôi” đến lúc “ăn cưới” rồi “ăn giun”, cuối
cùng chỉ còn là “ăn giỗ”… trải qua biết bao cảnh ăn… Tóm lại cái
quái gì của dân ta cũng phải lấy ăn làm đầu. Chu choa ơi: ăn cướp,
ăn trộm, ăn mày, ăn ở, ăn mặc… đều có lý. Nếu ăn mà không làm thì
gọi là “ăn ké” hay “ăn bám” hay “ăn gian”. Còn kẻ dữ “ăn hiếp” người
hiền thì gọi là “ăn trên đầu trên cổ”. Những tên này thường bị rủa
là “ăn đất” có nghĩa là đi vào nghĩa địa.
Kiến Đen: Thế còn “ăn nằm”, “ăn vạ”... Chẳng lẽ ăn rồi mới…
Lê Trắng: (chận lời) À! đó là trường hợp “ăn chay nằm mộng”. Có
nghĩa là nằm xuống nhưng chả ăn gì cả. Ăn chay là không ăn gì cả.
Kiến Đen: Không ăn sao lại có chữ ăn. Kỳ lạ rứa.
Đỗ Xanh: Cám ơn quí vị. Vậy là ta đã nhìn ra cái đạo lý xiệc chữ.
Phát triển cái đạo lý này là tôn chỉ năm tới của hội ta. Phí tổn bữa
tiệc hôm nay, cô thủ quĩ thanh toán.
Lê Trắng: (giật mình lắp bắp) Nhưng… nhưng… tiền… tiền…
Đỗ Xanh xua tay rồi mỉm cười trao cho mỗi người một bao lì xì. Hai
người khác biết ý đều móc hầu bao moi lì xì ra. Theo tục lệ, người
lớn phải tặng người nhỏ, nên Lê Trắng nhận được 3 cái phong bì dày
cộm. Cô mở hé ra nhìn một chút rồi toét miệng cười. Cô nói thầm,
“Bữa nay gặp cá mập…” Chợt có tiếng pháo nổ đùng một tiếng, ngay
dưới gầm bàn, âm thanh nghe điếc ráy, khói bay mù mịt. Sau khi khói
tan, nhìn lại thì thấy chiếc bàn trống, mọi người đều bỏ chạy mất
tăm.
Hôm sau, ngoài cửa Từ đường người ta thấy có dán một cái bố cáo:
“Bớ làng trên xóm dưới. Tối qua Kiến Nhà bếp có lượm được môt chiếc
áo gió bung phẹc-ma-tuya, một chiếc giày Nike nhái kiểu Air Jordan
há mõm, một chiếc vớ lủng, một chiếc hài Xoan Phú Thọ sút đế. Ai mất
xin tới nhận lại. Hết mùng ra mền mà không có ai nhận, chúng sẽ bị
bán ve chai.”
ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 14-1-2012)
|