dnnp - đỗ xanh

 

 

 

Huyền sử Rồng Tiên



* Khảo luận

Sinh khí linh thiêng của những ngày khởi đầu năm Rồng, gợi chúng ta nhớ đến mối tình huyền sử giữa vua rồng Lạc Long Quân và nàng tiên Âu Cơ. Tiên rồng xuất hiện một lần rồi bỏ đi vào cõi mịt mờ. Chuyện xưa trải qua đã 5.000 năm.

 

Sử liệu

 

Vào năm 2879 trước Công nguyên (BC), Kinh Dương Vương, cháu ba đời vua Thần Nông, tuần du đến Động Đình Hồ. Tại đây, vua gặp giai nhân Long Nữ. Hai người kết hôn rồi sinh ra Lạc Long Quân. Vị Lạc vương này giống mẹ nên thuộc giống rồng. Lạc Long Quân kết hôn với tiên Âu Cơ. Âu Cơ sinh ra một cái bọc 100 trứng. Trứng nở ra 100 người con trai. Một hôm Lạc Long Quân nói với Âu Cơ, “Ta dòng rồng, nàng dòng tiên, chung hợp lâu không được đâu. Vậy nàng đem 50 con lên núi. Còn ta đem 50 con về miền biển.” Lạc Long Quân dặn các con mỗi năm sẽ gặp nhau một lần ở cánh đồng Tương. Rồi ông lặn xuống thủy cung ở Nam Hải. Thế là họ chia tay nhau.

 

Những người con của Rồng Tiên sau này lập ra nước Văn Lang. Họ phong con trưởng làm vua. Các vua của Văn Lang đều lấy quốc hiệu là Hùng Vương. Đến đời Hùng Vương thứ 18, năm 258 BC, thì chấm dứt. Văn Lang chuyển qua đời nhà Thục.

 

Di tích về nguồn gốc rồng tiên còn lưu lại rất nhiều, cổ nhất là hình chạm trổ trên mặt trống đồng và lời sớ của Tiết Tôn, đời Tam Quốc (220 – 280 BC). Tiết Tôn khi làm quan ở Giao Châu có báo cáo rằng dân Lạc Việt có tục lệ xăm mình vì họ tin mình là con cháu của rồng mà họ gọi là Lạc Long Quân.

 

Vào thời Lạc Long Quân nước Trung Hoa chưa có. Cả một đại lục Đông Nam Á mênh mông là những lãnh thổ của các vị vua nhỏ với hằng ngàn bộ tộc khác nhau. Trong số đó có nước Văn Lang của bộ tộc Lạc Việt. Mỗi nước đều có ngôn ngữ và văn hóa riêng. Tuy nhiên ngày nay chúng ta thấy các danh xưng thời Văn Lang đều bằng chữ Hán. Chẳng phải tổ tiên ta đã đặt tên theo chữ ngoại quốc. Sự thật chỉ là các sử gia, cả ngàn năm sau, phải tìm chữ để ghi lại một ý niệm mà thôi. Chẳng hạn Lạc Long Quân chỉ có nghĩa là vị chúa rồng của bộ tộc Lạc. Âu Cơ là nàng chim âu xinh đẹp (cơ = cô gái đẹp). Văn Lang là chàng xăm mình. (1)

 

Huyền thoại Rồng Tiên là nhân thoại

 

Đã có nhiều dẫn giải về ý nghĩa huyền sử rồng tiên và triều đại lập quốc của vua Hùng. Những dẫn giải dựa theo khảo cổ, sử học duy lý, cổ học Trung Hoa... Chúng tôi không muốn lặp lại những hướng đi này. Nói một cách cụ thể hơn, chúng tôi không bàn về thuyết thần linh theo kiểu thần thoại Hy Lạp, hay dẫn giải theo nhân chủng học miền bán đảo Đông Nam Á, hay cổ triết Trung Hoa.v.v... Tuy tôn trọng những ý kiến trên, nhưng chúng tôi e rằng gọt tỉa hay thêm thắt vào truyền thuyết rồng tiên cho phù hợp với những phạm trù của những khuynh hướng đó, e rằng có vẻ gán ghép quá đáng. (2)

 

Vấn đề đặt ra là nếu có một cậu học trò nhỏ hỏi chúng ta, “Làm sao rồng tiên lấy nhau được? Tại sao người lại đẻ ra trứng? Thật là vô lý.” Chúng ta trả lời làm sao. Đã có rất nhiều người trả lời rằng, “Đó chỉ là truyện thần thoại hoang đường biểu lộ niềm kiêu hãnh dân tộc.” Trả lời như vậy rất thiếu sót và mù mờ. Nếu cho là truyện thần thoại hoang đường sao chúng ta không bỏ nó đi. Ai cũng biết chúng ta không thể loại bỏ đoạn sử mở đầu đó. Bởi vì toàn thể văn hiến nước ta đặt trên nền tảng Rồng Tiên này.(3)

 

Vấn đề đúng lý là chúng ta thiếu một hệ thống tư tưởng để nhìn ra ý nghĩa của huyền sử. Trước hết chúng ta nên phân biệt truyền thuyết Rồng Tiên không phải là thần thoại, mà là nhân thoại. Thần thoại là chuyện những vị thần có quyền phép xuống thế cứu đời như trường hợp các vị thần Hy Lạp. Nhân thoại là người trần được tôn vinh lên là thần, như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Phù Đổng Thiên Vương... Vào thời cổ, người ta thường giải thích những sức mạnh huyền bí trong thiên nhiên bằng cách tin vào thần linh. Chẳng hạn, dân Hán thấy sấm sét thì tin rằng thần Thiên Lôi tạo ra. Trong khi đó nhân thoại tin vào khả năng con người tạo ra. Dân Việt giải thích bão lụt bằng nhân thoại Thủy Tinh dâng nước đi tìm Mị Nương. Thần thoại vẽ ra một khung cảnh xã hội không có lịch sử. Nhân thoại vừa là huyền thoại vừa có tính lịch sử. Vì vậy huyền sử Rồng Tiên là một tổng hợp giữa văn hóa, thiên nhiên, và cảm ứng xã hội bộ tộc (nền tảng totemism). (4)

 

Chúng ta hãy quan sát một hình chạm tiêu biểu, căn cứ theo trống đồng Ngọc Lũ.

 

Đây là hình thuyền rồng. Thuyền cong theo hình cung. Giữa thuyền có một cột trụ trang trí hình chim. Trên thuyền có 5 người đội mão hóa trang chim âu. Gần cuối thuyền có chiếc ghế (?) hình hươu, trên có một vị mặc áo bào lông chim, tay cầm cái khiên và một cây giáo. Có lẽ đó là vị chỉ huy thuyền. Đầu thuyền là đầu rồng há miệng ngậm con chim âu. Hoạt cảnh này là bằng chứng tôn vinh vật tổ (totem). Ở đây là lưỡng tổ Rồng Tiên.

 

Khởi đầu con người chưa có chữ viết. Lịch sử được lưu lại qua ngôn thoại và hình tượng. Vì vậy chúng ta phải để ý đến cấu trúc ngôn ngữ dân thoại và biểu tượng hơn là chữ viết. Huyền sử Rồng Tiên giải thích nguồn gốc dân Việt ta với lòng tri ân và kiêu hãnh dân tộc. Chúng ta là ai, từ đâu tới, và tại sao?

 

Khả năng niệm tưởng về thực tại

 

Niệm tưởng là nhớ về một hình ảnh mang ý nghĩa nào đó. Công dụng của niệm tưởng là đặt ra những biểu tượng để cụ thể hóa cõi siêu việt của lãnh vực tư tưởng siêu hình. Lãnh thổ Văn Lang một bên là sông biển mênh mông vô bờ bến, một bên là núi rừng hùng vĩ bất tận. Huyền sử lập quốc của Văn Lang bắt buộc phải có niệm tưởng của hai yếu tố đó. Vì vậy mà có rồng là biểu tượng linh khí của nước, tiên là biểu tượng linh khí của núi rừng. Người cổ thời chỉ có thể diễn tả mối cảm thức huyền bí thiên nhiên này bằng thi ca và bằng huyền thoại. Trong cấu trúc đó tất cả những hình ảnh chỉ là những biểu tượng nhằm ý tỷ dụ (analogies) và chuyển hóa (transformations) đến một hệ thống tư tưởng siêu việt. Nếu câu chuyện đứng một mình chúng chỉ là một tập hợp những hình ảnh (images). Nếu chỉ nhìn vào hình ảnh, chúng ta sẽ thất bại và chỉ có thể đi đến kết luận: “chuyện hoang đường của mộng tưởng”. Theo A. G. Lehmana biểu tượng là điểm chuyển hóa của lịch sử về ý thức siêu việt. Huyền sử ( huyền = lý lẽ sâu xa) không đưa ra một sự thật bởi chính nó, nhưng chỉ là niệm tưởng để trình bày một linh ảnh cảm quan (perspective). Cái nói ra chỉ là thể (form) cái không thể nói ra mới là dụng (function) và chỉ có thể được trình bày bằng một hình thức thi vị hóa. Huyền sử chỉ có giá trị khi chúng ta thấy chúng là những khái niệm của nguồn giải mã (references). Vì vậy khi đọc huyền sử chúng ta phải chuyển từ cảnh giới hoang đường qua cảnh giới nội dung thông điệp của nó.

 

Về hình thức, Âu Cơ đẻ ra một cái bọc có 100 trứng là điều hợp đạo lý. Chim, rồng (rắn, cá sấu) là loài đều đẻ ra trứng. Niệm tưởng cùng một nguồn được thi vị hóa bằng biểu tượng cái bọc. Nhờ có cái bọc mà chúng ta có thể gọi nhau là “đồng bào” (cùng ở trong một bọc). Niệm tưởng cộng đồng là biểu tượng  100 trứng. Tất cả chúng ta đều là anh em. Tuyệt diệu hơn nữa 100 con đều nở ra một lượt. Ý của tiền nhân muốn nói mọi công dân đều bình đẳng như nhau. Thật vậy xã hội Việt Nam là một xã hội không có giai cấp đối chọi nghiệt ngã như xã hội Trung Hoa hay Ấn Độ. Về con số 100, sử gia thường diễn giải là “bách Việt”, tức bao gồm các nhóm thuộc bộ tộc Lạc Việt. Về ý chính sử, ta có thể hiểu như vậy, nhưng về ngôn ngữ bình dân, số 100 chỉ là ngữ vựng biểu tượng chỉ số nhiều. Nó không phải số đếm. Chúng ta thường nói: con cãi cha mẹ trăm đường con hư, trăm sự nhờ thầy, trăm thứ bà giằn, trăm công nghìn việc… Trăm trứng có nghĩa là nhiều trứng, tức trọn vẹn tất cả mọi người.

 

+ Nguồn minh họa: Internet.

 

Về mặt xã hội, cha Rồng bỏ đi để lại các con ở với mẹ là biểu tượng của chế độ mẫu hệ. Lạc Long Quân thuộc giống rồng của mẹ cũng là cách chỉ về mẫu hệ. Từ ngữ dân gian “tổ tiên” cũng có ý nói mẫu hệ vì chỉ là chim mới có tổ. Chim đây là biểu tượng của tiên. Sự kiện các con tách ra hai nhóm nhiều người bi quan vội vàng cho rằng đó là dấu hiệu xã hội chia rẽ đã có từ thời lập quốc. Trái lại sự tách biệt không hề có ý chia rẽ, nhưng đã đưa ra một lối thoát đạo đức cho một ức chế xã hội. Hình ảnh phân chia này chỉ nhằm giải thích tại sao trong một quốc gia mà có nhóm dân sống ở cao nguyên và nhóm dân sống ở đồng bằng ven biển. Huyền sử Rồng Tiên ghi lại sự khác biệt theo địa dư nhưng không đào sâu sự xung khắc. Vì có hai nhóm dân khác nhau nên mới có lưỡng tổ Rồng Tiên. Rồng Tiên là một đôi uyên ương. Tổ tiên Việt đã có công gom toàn dân lại thành một nguồn. “Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” (Ca dao). Tất cả đều là anh em đồng bào ruột thịt. (5)

 

Về mặt siêu việt, niệm tưởng hoàn mỹ là biểu tượng của lượng số. Đó là con số 18. Nếu tính theo số đếm thì triều đại vua Hùng gồm 18 đời, vậy mỗi đời dài 146 năm. Điều này không thể là sự thật. Do đó con số 18 chỉ là huyền số. Trên mặt trống đồng cũng có 18 con chim. Đào sâu vào văn hóa Đông Phương, con số 18 cũng xuất hiện rất nhiều. Theo truyền thuyết Trung Hoa, ông tổ loài người là ông Bàn Cổ. Ông ta ngủ trong quả trứng 18 ngàn năm mới chui ra ngoài. Phật môn được bảo vệ bởi 18 vị La Hán. Võ học có thập bát ban võ nghệ. Như vậy theo lý học Đông Phương con số 18 chỉ là thuật ngữ chỉ sự hoàn mỹ vẹn toàn.

 

Nhưng tại sao các vua Văn Lang đều lấy tên là Hùng Vương. Lối đặt danh hiệu dựa vào người đã qua đời là niệm tưởng của sự trường tồn. Giá trị của người đời sau là giá trị tiếp nối công trình của người đi trước. Đời này tiếp đời kia, tất cả chỉ là một triều đại vua Hùng, một bản thể trường tồn trong thời gian.

 

Kết luận

 

 

Một số người có khuynh hướng loại bỏ huyền sử Rồng Tiên hoặc cắt bỏ những chi tiết mà họ cho là hoang đường để đưa vào mạch chính sử. Vô tình họ đã từ chối đoạn lịch sử siêu việt giải thích nguồn gốc và sự thâm sâu của đời sống nội tâm. Nhà dân tộc học trứ danh Levi Strauss đã phê bình tật quá chú trọng đến lịch sử khiến có một cái nhìn rất hạn chế. Qua thuyết cấu trúc (Structuralism) Strauss cho rằng nhờ có huyền thoại mà thế giới huyền bí xa lạ trở thành thế giới gần gũi thân thiện của con người. Truyền thuyết Rồng Tiên mời mọc chúng ta tiến xa hơn không ngừng tra cứu một sứ điệp cần được tiếp nối. Chúng ta đi tìm cái hương vị, cảm xúc, và ý nghĩa của nó hơn là những sự kiện hiện tượng. Vượt ra khỏi cái ranh giới huyền sử, truyền thuyết Rồng Tiên diễn tả chính xác về tất cả những gì của thời lập quốc và kỳ vọng của tổ tiên nước ta.

 

ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 18-1-2012)

 

_____  

(1) “Lạc” nghĩa là gì? Nó có phải là tên họ hay không? Chúng ta chưa hề thấy người Việt nào có họ Lạc. Giáo sư Kim Định căn cứ vào Hán tự từ cổ sử Trung Hoa truy nguyên chữ Lạc có bộ chuy . Chuy là loai chim mỏ dài, đuôi dài. Ông suy ra Lạc là một loại chim. (Sứ Điệp Trống Đồng. 1984. San Jose, 52-7). Theo khuynh hướng nghiên cứu ngữ học, Giáo sư Vũ Thế Ngọc cho rằng “Lạc” là phiên âm chữ lak hay nak mà thành. Lak (hay nak) tiếng Việt cổ nghĩa là “nước”, ngụ ý nói ruộng nước. Ruộng nước là nét đặc thù của lãnh thổ Việt khác với miền Bắc của người Hán trồng lúa trên ruộng khô. Lạc tộc là giống dân canh tác lúa trên ruộng nước. (Đặc san Đền Hùng – Xuân Kỷ Tỵ 1989, San Jose, California.) Chúng tôi nêu ra hai ý kiến trái nghịch để cho thấy sự đa dạng của những hướng giải thích khác nhau.

 

(2) Một thí dụ điển hình, năm 1916, nhà Hán học (Sinologist) Henri Maspéro căn cứ vào cổ thư Tàu lập luận rằng chữ Lạc bị sử gia Việt sao chép lầm thành Hùng vì hai chữ giống nhau. Vậy phải loại bỏ chữ Hùng Vương đi cho đúng với chính sử. Một số học giả Việt, như Đào Duy Anh đã ngả theo lập luận đó khi viết quyển Cổ Sử Việt Nam (Hà Nội, 1955). Tuy nhiên nhiều sử gia và triết gia khác đã phản bác kịch liệt ý kiến này. Đối với họ chữ Lạc và chữ Hùng rất khác nhau. Hùng Vương là vương hiệu không phải là tên. Lạc vương lên ngôi lấy hiệu là Hùng Vương không có gì là sai. Chúng tôi không muốn bị vướng mắc vào căn “bệnh khảo chứng” này.

 

(3) Sách sử đầu tiên của nước ta là bộ Đại Việt Sử Ký (1272) do sử gia Lê Văn Hưu soạn. Sách không nhắc đến chuyện Rồng Tiên. Đến cuối thế kỷ 15, một danh sĩ nhà Trần (không rõ tên) soạn ra sách Lĩnh Nam Trích Quái (gom nhặt những tích lạ ở đất Lĩnh Nam) trong đó có ghi chuyện Rồng Tiên. Cũng khoảng thời gian đó (1479) Ngô Sĩ Liên soạn bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư tuy có ghi chuyện Rồng Tiên nhưng cho vào phần ngoại kỷ. Đến năm 1916, Trần Trọng Kim soạn bộ Việt Nam Sử Lược lại mang chuyện Rồng Tiên vào chính sử. Từ đó truyền thuyết Rồng Tiên trở thành chính sử của nước Việt.

 

(4) Trần Văn Đoàn (giáo sư Triết học - Đại học Đài Loan) đặt nhân thoại trong triết lý tam tài: thiên địa nhân. Trong đó tam tài nối kết nhau theo hàng ngang. Con người ngang hàng với thần thánh. Cổ nhân đã dùng khả năng của con người để giải thích ngoại lực. Đó là lối suy tư của những người về những giá trị tuyệt đối. Bản tính tuyệt đối là một cảm thức kỳ vọng về một thế giới tốt đẹp. Theo Trần Văn Đoàn,  nguồn cảm thức của cổ nhân, người đời sau chỉ có thể thấy xuyên qua huyền thoại và Việt thoại. (Xin xem thêm “Mạt thế luận trong ca dao tục ngữ”. Trần Văn Đoàn. Website Diễn đàn Ca dao Tục ngữ).

Xin nói thêm, ý tam tài cũng thấy rõ qua những hình khắc trên mặt trồng đồng. Ở trung tâm là mặt trời tỏa ánh sáng theo hình sao, tượng trưng cho “thiên”. Kế đó là hai vòng người, tức “nhân”. Ngoài cùng là vòng hình thú và chim, tượng trưng cho thiên nhiên, tức “địa”.

 

(5) Triết gia Kim Định (1915-1997), tác giả tủ sách Việt Triết (gồm 32 cuốn, tương đương 7000 trang), phát triển thành tố Rồng Tiên trong động lực lưỡng nghi Âm Dương. Qua cuộc khảo cứu huyền sử Rồng Tiên và ngôn ngữ dân gian, ông nhận ra sự tương đồng giữa khái niệm tương khắc trong văn hóa Việt và trong Dịch lý. Từ đó ông thận trọng đưa ra giả thuyết Kinh Dịch là tác phẩm của dân Việt, không phải của dân Hán như người ta lầm tưởng. Luận cứ của ông không phải là không có cơ sở. Vào thời đó nước Trung Hoa chưa ra đời. Xét về lãnh thổ, nước Văn Lang ở tận sâu trong lục địa cổ. Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam) Nam giáp nước Hồ Tôn. Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên và Vân Nam). Đông giáp Nam Hải. Do đó tuy dân Việt ở trong lục địa cổ nhưng thể nói là thuộc Trung Hoa. Về thời gian, truyền thuyết Rồng Tiên có cách đây 5.000 năm, trong khi Kinh Dịch có cách đây 2.500 năm. Vì vậy không thể nói chuyện Rồng Tiên nằm trong những phạm trù của Kinh Dịch, mà phải nói ngược lại. Về sự kiện các con ở với mẹ Âu Cơ cũng rất phù hợp với chủ trương mẫu tính của Kim Định mà ông gọi là triết lý mẹ.

 

Một chút về triết gia Kim Định. Cụ tên là Lương Kim Định, người Nam Định. Tốt nghiệp Triết tại Institut Catholique de Paris và Nho học tại Institut des Hautes Etudes Chinoises. Cụ là linh mục, triết gia, và giáo sư các trường: Đại học Văn khoa Saigòn, Đại học Vạn Hạnh, Đại học Đà Lạt, trước năm 1975. Cụ là người sáng lập ra ngành Triết Đông tại các viện đại học trên. Theo Bách khoa Từ điển Wikipedia, “ông có công lớn trong việc xây dựng nền tảng cho triết học Việt Nam (mà ông gọi là Việt Triết hay Việt Nho). Ngày nay, tổ chức An Vi (An Việt, nghiên cứu triết học Việt Nam) xem ông như tổ sư triết học.”

 

Tài liệu tham khảo:

Claude Lévi-Strauss. 1966. The Savage Mind. Nguyên bản tiếng Pháp “La Pensée Sauvage”. George Weidenfeld và Nicolson Ttd dịch ra Anh ngữ. The University of Chicago Press, Chicago

Evelyn Underhill. 1920. The essentials of Mysticism. J.M. Dent & Sons LTD. New York.

James A. Boon. 1972. From Symbolism to Structuralism: Lévi-Strauss in a Literary Tradition. Harper & Row, Publishers. New York.

Kim Định. 1984. Hùng Việt Sử Ca. Nhà xuất bản Thằng Mõ, San Jose, California.

Phạm Văn Sơn. Việt Sử Toàn Thư. 1960. Nhà xuất bản Thư Lâm Ấn Thư Quán. Saigòn.

 

 

 


Copyright © 2010 - 2012 Trung hoc Kien Tuong Homepage