dnnp - ngô vàng

 

 

CHUYỆN NHIỀU TẬP CỦA GIA ĐÌNH BÀ TÁM TÀNG:

 

Cô dâu bị "ma dắt"

 

* Tạp bút

 

Cũng vẫn ở quán cà phê của dì Hai Lành, nhưng thời điểm lần này là xảy ra lại là vào một buổi chiều 29 Tết năm nọ. Cũng vẫn lại là những khuôn mặt thân quen đến độ… ghiền nhau: Bà chủ xị cho mọi chuyện trên mặt đất dưới bầu trời: mụ Tám Miền. Tiếp đến là chú Năm Cự quạu quọ, lúc nào khuôn mặt chú cũng đằm đằm như sẵn sàng để cự cãi với bất cứ những ai có ý xa gần muốn trêu con ngươi của chú. Rồi đầy đủ những nhân vật quần chúng chuyên môn nói chuyện lanh chanh, quanh quẹo như thằng Hai Rơm, Ba Rạ, Tư Bừa, Sáu Cày, Bảy Liềm, Chín Mạ v.v.. Dĩ nhiên là ông giáo Út già, lúc nào cũng có mặt và luôn luôn ngồi ở chiếc bàn khuất trong góc quán với khuôn mặt cố hữu trầm ngâm như… củ sâm Cao Ly chính hiệu!

Lại cũng thằng Hai Rơm làm MC mở hàng cho quán dì Hai Lành trong buổi chiều chập choạng tối này. Sau khi ngó nghiêng, ngó ngửa khắp quán và cuối cùng cặp mắt bên vui bên  buồn [bên to bên hí!] của nó dừng lại nơi góc quán: Ông giáo Út già. Nó cất giọng ồm ồm lên tiếng:

- Ông giáo Út ơi, chiều  tối nay có chuyện gì lâm ly, bi đát, ông làm ơn kể lại cho lớp hậu sanh tụi tui nghe với.

Ông giáo già nở nụ cười hiền lành, rồi từ tốn cất giọng:

- Hôm nay quí vị muốn nghe tôi kể lại những chuyện gì đây? Vui hay buồn? Tình yêu hay xã hội? Hoặc giả… chuyện ma chăng?

Như cây pháo được châm ngòi, như dòng suối bị ứ đầy ắp nước lâu ngày vừa được khơi nguồn, cả quán ào ào lao nhao, mạnh ai nấy nói lên ý kiến riêng mình. Tựu trung lại thì cũng vẫn là... chuyện ma! Chuyện muôn đời ai cũng biết là chuyện lấy không làm có, cứ hễ mỗi lần nghe là mỗi lần ốc át họ nổi đầy mình. Thế mà người nào cũng như người nấy, vẫn cứ  ham nghe! Rõ đúng là… thiên hạ!

Rồi câu chuyện ma của ông giáo già được bắt đầu bằng giọng kể trầm trầm. Chừng như ông cố ý tạo âm thanh nền để tăng thêm phần rùng rợn cho hòa hợp với khung cảnh ánh sáng chiều mờ mờ, đang ẻo lả và phủ lãng đãng khắp quán dì Hai Lành.

 

Nguồn minh họa: Internet.

Ông giáo Út già bắt đầu vào chuyện:

Anh Chín Hữu Trớt quen cô Út Kim Quớt trong một bữa tiệc cưới người bạn mà hai người cùng quen. Không phải do hai người ngồi gần bàn nhau hay được người quen giới thiệu mà họ được hội ngộ cùng nhau là ở chỗ... phòng cấp cứu bệnh viện huyện: Cả hai đều bị ngộ độc do thức ăn trong bữa tiệc cưới! Ấy thế vậy mà hay! Từ khi hai người quen nhau trong tình cảm bình thường rối dẫn đến yêu nhau trong thời gian chóng vánh và họ cũng chưa kịp tìm hiểu nhau nhiều hơn nữa. Vậy mà hai người đã quyết định vội vàng cưới nhau. Đêm tân hôn diễn ra trong khung cảnh trăng rằm tháng tám. Trời trong thanh, mây bàng bạc cùng gió nhè nhẹ mùa thu. Lãng mạn lắm nhưng không hiểu vì sao lúc hai người sắp sửa ráp hai nửa tìm nhau đã gặp lại thì cô dâu Kim Quớt lại bị đau bụng [Có lẽ lúc chiều, cô dâu mới này ăn nhằm cái đầu tôm xương cá gì đó cho nên đến giờ phút quan trọng trong tình yêu của hai người thì cái bụng dở chứng không đúng chỗ, nó sôi ùng ục]. Cô dâu e thẹn xin phép tân lang được ra ngoài nhà sau để giải quyết chuyện riêng tư. Dù không vui, nhưng chú rể cũng phải làm mặt ân cần mà cho phép cô dâu ra ngoài để thực hiện chuyện tế nhị này. Và... chờ hoài, chờ mãi mà vẫn không thấy bóng dáng của cô dâu trở vào, chú rể hô hoán lên ầm ĩ. Mọi người xôn xao đèn đuốc đi tìm. Dưới ánh trăng 16 sáng vằng vặc tợ ban ngày, người ta tìm thấy ở gần bờ sông sau nhà chú rể vật chứng cũa cô dâu còn để lại là một đôi dép da mới tinh! Bỗng một ai đó dại miệng la lên: "Ô hô, nó đi đồng rồi bị té sông chết rồi!” Bà già chồng lớn tiếng nạt người vừa buông lời xui xẻo đó và bà lầm bầm: Có lẽ nó bị ma dắt không chừng? Một bầu không khí ảm đạm đậm màu tang tóc bao trùm lên xóm nhỏ vùng quê xa vắng. Mọi người tỏa ra nhiều hướng để tiếp tục đi tìm cô dâu nhưng hình bóng cô dâu cũng vẫn biền biệt nơi nào?! Một ngày rồi hai ngày sau, có tin một "thằng chõng" trôi ngoài ngã ba sông cái. Người nhà chú rể đùng đùng chạy đến để nhận diện con dâu nhà họ. Nhưng rồi họ cũng lại thất vọng vì "thằng chõng" ấy chỉ là một người đàn ông lớn tuổi nào đó lạ hoắc lạ hươ không biết vì sao mà bị chết trôi! Và chú rể tuyệt vọng nhiều hơn khi ngày này sang ngày khác mà tin tức về người vợ mình không còn nghe ai nói ở đâu, sống chết thế nào!

Sau khi Hữu Trớt chung thủy chờ vợ suốt 3 năm trời mà không thấy tin tức gì, gia đình anh ta quyết định cưới vợ lần thứ 2 cho con trai họ vì Hữu Trớt là con trai trưởng trong gia đình. Họ nóng ruột có cháu nội đích tôn để truyền nòi. Ngày 15 âm lịch tháng tám năm nay là lễ cưới cho Hữu Trớt được cử hành theo đúng ngày giờ hoàng đạo mà ông thầy cúng xóm trên cho phép. Buổi tối trước ngày rước dâu, như lệ thường vùng quê hay làm: một bữa tiệc cháo khuya để đãi bà con, bạn bè đến phụ giúp lễ cưới. Tiếng cười nói, ly cốc chạm nhau côm cốp. Tiếng hô đồng vang dzô dzô của đám trai trẻ rùm trời. Thật là vui vẻ làm sao. Bỗng… mọi người chợt khựng lại cuộc vui khi họ nghe trước cổng thành hôn có tiếng của người con gái nào đó cười hăng hắc rồi tiếng khóc nỉ non nghe thán oán ghê rợn. Mọi người đổ dồn mắt nhìn ra phía cổng: một cô gái mặc bộ đồ toàn trắng, tóc tai rũ rượi đang nhe răng nhìn mọi người. Mấy cô gái đang có mặt dự đám hoảng hồn, ríu co người lại ôm nhau sợ hãi. Mấy anh trai làng lực lưỡng thì trố mắt nhìn nhưng cũng không giấu được trong bụng họ cũng đang… rờn rợn: Kim Quớt, cô dâu mất tích năm nào hiện hồn về trong ngày cưới của chồng mình?

Quán cà phê dì Hai Lành tuy lúc ấy đông người như vậy nhưng khi nghe ông giáo Út kể đến đây thì hình như ai ai cũng tự cảm thấy trong da của mình như có con gì chạy tới chạy lui rầm rập: sợ quá đi chứ!

Thằng Hai Rơm run run hỏi nhỏ:

- Ông giáo ơi, bộ cô Kim Quớt hiện hồn về để trả thù chồng mình về tội phụ rẫy cô ấy mà đi lấy vợ khác hả?

Chú Năm Cự nạt to [cho bớt sợ chăng?]:

- Cái thằng, để từ từ ông giáo kể. Mày sao mà…, chú bỏ lửng câu nói.

Bà Tám Miền dày dạn sương gió trần ai vậy mà lúc này hai chân của bà cũng đã rút lên ghế ngồi hồi nào không biết, bà nhỏ nhẹ cất tiếng:

- Rồi sao nữa ông giáo?

Ông giáo Út già nhìn quanh khắp quán, miệng ông cười tủm tim:

- Có ma cỏ gì đâu, chẳng qua là cô Kim Quớt này bị bệnh tâm thần từ lâu. Lúc sắp sửa chuẩn bị vào chuyện "ấy", tâm thần cô bị bấn loạn vì vừa ham thích, vừa hồi hộp nên sinh trạng thái bụng nôn nao, đầu óc quay cuồng cho nên khi đi đồng xong cô không còn phân định chuyện gì là chuyện gì. Cô đi lang thang và lạc đường về. Tình cờ 3 năm sau đó, run rủi thế nào mà lúc cô quay trở lại đường về nhà chồng thì lại nhằm ngay vào lúc anh chồng mình đang ngày làm đám cưới.

Ông giáo già chép miệng như cảm thương giùm cho ai đó. Ông hớp vội ly "phé nại" đã nguội ngắt nguội ngơ từ hồi nào rồi ông kết luận cho câu chuyện ma của mình:

- Họ có duyên mà không có nợ!

Cả quán đều yên lặng. Có tiếng ai như thút thít tợ thương vay:

- Tội nghiệp hai người quá hén bà con!

Không ai trả lời, rồi từ người lặng lẽ ra về khi ánh đèn đường bắt đầu rực sáng khắp xóm thôn. Người ta ra về để chuẩn bị cho đêm giao thừa đầm ấm, hạnh phúc của họ.

Chuyện Hữu Trớt với Kim Quớt đã khép lại như cái nhót điếu thuốc hút xong và người ta quẳng đi!

 

ngô bảo toàn

(Tân An 21-1-2012 )

 

 


Copyright © 2010 - 2012 Trung hoc Kien Tuong Homepage