|
Mẹ bồng con
Có lẽ không có biểu tượng nào mang ý nghĩa chứa
chan niềm hy vọng, trọn vẹn sự che chở, và sâu đậm tình thương cho
bằng hình ảnh mẹ bồng con. Khi ẵm con vào lòng, cả
con người của mẹ chuyển đổi qua một thế giới khác. Trong óc của mẹ,
mọi viễn ảnh đều phai mờ để chỉ có cận ảnh là đứa con. Tự nhiên tay
mẹ đưa qua đưa lại như ru võng, hay vỗ vỗ vào mình con như ru ngủ.
Giọng nói với con âm thanh tự nhiên đổi thành giọng nói dớt như
tiếng trẻ con tập nói, vì mẹ muốn hòa nhập vào tuổi thơ của con.
Ngôn ngữ loài người chỉ có thể diễn tả cảnh giới siêu thoát ấy bằng
một câu ngắn gọn “tình mẫu tử”. Gọi như thế là đầy đủ trọn vẹn, bởi
vì không còn mỹ từ nào khác có thể làm đẹp thêm.
Mẹ không bao giờ muốn rời xa
con thơ. Nhà xã hội học Deborah Fallows có một nhận xét độc đáo về
các bà mẹ Nhật Bản. “Mẹ Nhật Bản luôn luôn đưa con đến trường. Khi
con ở nhà, bàn học của con có cái còi, cần gì con chỉ việc thổi còi
là mẹ, đang ở đâu đó, chạy đến ngay.” (*) Deborah quên kể ra, ngay
cả ban đêm, mẹ Á Đông cũng ngủ với con chứ không màng ngủ với chồng.
Trong khi đang ngủ, chỉ cần con cựa mình là mẹ, như có con mắt thứ
ba thức trong đêm, tự động kéo chăn đắp cho con và miệng thì bật ra
tiếng ru nho nhỏ. Trong đáy tâm hồn của người con nào mà không lưu
giữ phảng phất giọng ru của mẹ. Người khô cằn tình cảm lắm thì cũng
mập mờ nhớ một hai câu.
Tuy nhiên chẳng phải lúc nào mẹ
cũng có thể ở trong căn phòng ấm áp, nên thơ, để bế con. Bản chất
cuộc đời không có nơi nào bình an lý tưởng như vậy. Đời luôn luôn
tiềm ẩn những nỗi niềm cay đắng. Dù đẹp như tình mẫu tử, vẫn phải có
những ngang trái, bởi vậy có rất nhiều hoàn cảnh mẹ bồng con.
Mẹ bồng
con ở y viện Mokhotlong, châu Phi (nguồn Jon Hrusa –
Jonhrusaphotos.com)
Có hoàn cảnh mẹ ôm con đi khám
bệnh. Dáng điệu mẹ ôm con phản ánh tâm trạng lo lắng của mẹ. Hình
dáng mẹ bồng con toát ra sự nâng niu, lòng yêu thương vô bờ, ý chí
bảo vệ, đối nghịch với sự êm ấm an toàn của con.
Có hoàn cảnh mẹ ôm con trong
lúc vẫn phải lao động đầu tắt mặt tối. Nhà nhân chủng học
Richard B. Lee khi khảo sát bộ lạc Kung ở châu Phi, cho biết dân
làng rất nghèo. Tất cả mọi người đều phải lao động vất vả để mưu
sinh, kể cả các bà mẹ. Mặc dù khổ cực như vậy, các bà mẹ vẫn không
rời xa con.
Mẹ Kung
vừa đeo hai con nhỏ vừa làm việc ngoài đồng.
(nguồn
Richard B. Lee - Kung women)
Mẹ vác hai con, một trên lưng, một trên vai, ai
có thể nói là không nặng nề, cử động không khó khăn, và đời sống
không vất vả. Con có áo mặc nhưng mẹ thì ở trần trong nắng gắt cháy
da. Tuy nhiên dù nặng nề mẹ vẫn chịu đựng được. Còn hơn là tâm trí
mẹ phải lo lắng khi bỏ con một mình trong một thời gian lâu. Ông Lee
còn kể rằng, các mẹ của bộ lạc Kung phải băng rừng hằng 3 cây số để
xách nước về nhà. Tuy hai tay xách bình nước nhưng trên lưng họ vẫn
còn phải vác đứa con. Tổng cộng khối nặng bà phải đeo là khoảng
50kg.
Bà mẹ Nepal cõng
con băng đồi đi lấy nước (Bhoj – MountainTime)
Con sanh
ra đã tật nguyền, mẹ nên cõng con đi học. (nguồn bocau.net)
Có hoàn cảnh con sanh ra đã tật nguyền. Nguyễn
Chung Tú sanh ra đã bị bệnh liệt chân. Khi Tú còn nhỏ, mẹ Chung Thị
Do hằng ngày bế con đi học. Khi Tú lớn khôn, mẹ bế không nổi nên
phải cõng con đến trường. Thời gian mẹ cõng con đi học từ nhỏ đến
nay đã 20 năm. Có lần Tú hỏi, “Sao mẹ không bỏ con đi?” Mẹ trả lời,
“Tại vì con là con của mẹ.”
Mẹ không bỏ con, vì trách nhiệm xã hội ràng
buộc, hay do thành quả của nền giáo dục đạo đức, hay do sự khôn
ngoan minh triết? Câu trả lời của mẹ, “Tại vì con là con mẹ.” Lý do
giản dị này vượt trên tất cả những lý luận của trí óc, của những
ràng buộc luân lý và những thang giá trị của định chế xã hội. Từ
thuở ban đầu Thượng đế gửi xuống cho con người những mầu nhiệm siêu
việt về sự sống, mà tình mẫu tử là một trong những mầu nhiệm đó,
nhưng chỉ những ai có tình yêu mới cảm nhận được.
Đã có rất nhiều bài văn, bản nhạc, tranh vẽ nói
về mẹ, nhưng làm sao có thể nói được những gì mẹ đã làm. Vì con mà
mẹ phải mang nặng đẻ đau, thay tã, tắm rửa, dọn dẹp phòng, giặt quần
áo, nấu nướng, săn sóc khi con ốm đau… kể ra sao hết trong bao nhiêu
năm. Đã bao nhiêu năm vì con mà mẹ phải đầu bù tóc rối, mắt thâm
quầng, và bao đêm khóc thầm. Cho đến tận cùng, con chỉ có thể nói ra
một câu nông cạn “cám ơn mẹ”. Nhưng dù nói ra câu nhỏ bé ấy với tất
cả tấm lòng, con cũng biết, mẹ chẳng đòi hỏi con phải cám ơn. Mẹ yêu
con ngay từ lúc con còn là bào thai trong bụng mẹ, “Tại vì con là
con của mẹ.”
Thưa Mẹ, cho con viết hoa chữ Mẹ vậy, “cám ơn
Mẹ.”
ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 12-5-2012)
____________
(*) Deborah Fallows, National
Geographic, April 1990
|