"Ầu ơ... Con rắn không chân đi năm rừng bảy rú,
con gà không vú nuôi chín mười con..."
"Ầu ơ... Lên non mới biết non cao.
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ"...
"Ầu ơ... Có con mới rõ sự tình.
Xưa kia thầy mẹ thương mình thế nao!"...
Đó là những câu hát ru mà ngày xưa mẹ tôi thường hát ru cho chị em
tôi ngủ trưa hòa với tiếng kẽo kẹt võng đưa và tiếng xào xạc từ khóm
tre sau hè vọng lại. Những câu hát ru đã theo tôi suốt quãng đời từ
ấu thơ đến trưởng thành, nuôi tôi lớn khôn mãi mãi tôi không bao giờ
quên được.
Nhiều và nhiều lắm, có khi tôi hỏi mẹ ý nghĩa của những câu hát "ru
em" thì mẹ vừa trả lời, vừa mắng yêu: “Hỏi để làm gì? Ngủ ngoan đi,
sau này lớn lên là con hiểu hết.” Thế là tôi chìm vào giấc
ngủ êm đềm.
Nhắc đến những câu ca dao đó, tôi nhớ đến Huệ, bạn của tôi đã
không được may mắn trong hạnh phúc lứa đôi, chồng Huệ mất sớm để lại
cho Huệ một đứa con trai gần một tuổi, lúc bấy giờ Huệ đang tuổi
thanh xuân còn rất trẻ, vừa đi dạy, vừa nuôi con một mình, sống lặng
lẽ cô đơn trong căn nhà quạnh vắng. Hôm ấy từ Cần Giuộc tôi về thăm
nhà, gặp chị Ba của Huệ, chị hỏi tôi:
-
Em mới về hả? Hay gì không? Trung chồng Huệ chết rồi! Nó bị tai nạn
xe em ơi!
Tôi điếng người yên lặng không biết nói gì, chị Ba lên tiếng:
-
Em đi lên thăm Huệ đi, nó buồn lắm tội nghiệp quá, an ủi Huệ nghe
em.
Tôi vẫn chết lặng, không hỏi gì, chị Ba cũng đang khóc! Tôi ra đón
xe để đến nhà Huệ, thương bạn quá, ngày cưới, bạn bè đứa nào cũng
vui, cũng mừng chúc tụng cho vợ chồng Huệ trăm năm hạnh phúc, nay...
sao lại thế này? Có bất công cho cô bạn dễ thương của tôi không?
Nước mắt lăn dài trên má, thương Huệ làm sao!
Huệ của tôi đây sao? Bơ phờ xanh xao, gầy rạc! Thấy tôi, Huệ
khóc òa, tôi ôm chầm lấy Huệ chẳng biết là bao lâu, khi nghe tiếng
trẻ khóc, hai đứa mới giật mình, bé Thái thật kháu khỉnh, giống ba
như đúc, rất bụ bẩm, trông như trẻ lên hai. Tôi lại thắp nhang cho
anh Trung và cầu nguyện anh phù hộ mẹ con Huệ được bình an, và cho
Huệ nhiều nghị lực để vượt qua sự buồn khổ trong mất mát lớn lao
này. Ra về mà lòng tôi nặng trĩu, lo lắng cho bạn tôi làm sao sống
nỗi và nuôi con khôn lớn, thương bạn tôi nhiều lắm!
Bây giờ Thái đã xong sáu năm đại học và có việc làm, Huệ của tôi vẫn
là cô giáo, vẫn sống một mình chờ đến cuối tuần Thái về thăm mẹ và
hai mẹ con bên nhau vui vẻ cho đến đầu tuần Thái trở lại thành phố.
Hơn hai mươi năm Huệ một mình nuôi con,dạy con, chỉ biết sống cho
con không hề nghĩ đến bản thân mình, ước mơ con học hành đỗ đạt trở
thành người hữu dụng, có việc làm tốt để còn giúp được mẹ lúc già
yếu ốm đau. Thỉnh thoảng tôi ghé thăm Huệ, hai đứa đi lòng vòng thị
xã nhắc lại chuyện ngày xưa mà "ôn cố tri tân", và cùng cười khi nhớ
lại những lúc bọn tôi sống chung nhau ở Cần Giuộc.
Sau mười mấy năm tha hương, tôi trở về, gặp Huệ vẫn như xưa, vẫn
gầy, vẫn dáng dấp của thuở nào và vẫn cô đơn.Tôi mừng khi biết
Thái đã có việc làm và rất có hiếu với mẹ, như vậy cũng an ủi cho sự
hy sinh gần cả cuộc đời của Huệ. Huệ nói với tôi:
-
Có nuôi con mới biết hồi đó cha mẹ mình nuôi mình ra sao đó mày,
thân mình ra sao cũng được miễn con mình được ấm no sung sướng. Tao
giờ không cần gì cả, với đồng lương đủ sống qua ngày, giờ mong Thái
lập gia đình là tao yên tâm. Cái vòng lẩn quẩn phải không?
Tôi nắm tay Huệ mà chẳng biết nói gì, thương bạn tôi làm sao,
tôi đứng nhìn Huệ dắt xe ra về mà tôi không sao ngăn được dòng lệ,
tôi khóc òa như chưa bao giờ được khóc!
* Nguồn minh họa: Internet.
Sáng nay, đang lang thang trên đường, tôi gặp Thu - cô bạn mới
quen ở xứ người, thấy tôi, Thu mừng rỡ kêu:
-
Bồ đi bộ đấy à, siêng vậy? Quái sắp hè mà vẫn còn lạnh.
-
Chào, Thu cũng đi bộ hả? Ừ lạnh thật.
- Đâu có đi bộ, nhà gần chợ mà, mình đi lại Safeway để mua thịt về
nấu cháo cho thằng con.
-
Cháu bệnh à? Có sao không?
Thu buồn buồn:
-
Nó chơi thể thao bị té gãy chân nằm viện mấy bữa mới xuất viện sáng
nay.
Tôi giật mình:
-
Nặng vậy sao? Bây giờ tình trạng cháu ra sao?
-
Băng bó tùm lum, vì gãy lìa nên phải mổ sắp xương lại chắc lâu lắm
mới lành, bác sĩ bảo từ sáu tháng đến một năm mới bình thường.
-
Trời! Nặng vậy sao? Nhưng nó còn nhỏ mau lành lắm không sao đâu. Vậy
việc học hành cháu ra sao?
-
Chắc phải xin nghỉ chờ khi lành đi được mới xin học lại.
-
Tội cháu quá, cho mình chia buồn Thu nhé.
-
Cám ơn Hạ.
Tôi cứ suy nghĩ hoài tại sao chơi thể thao mà lại gãy chân mà gãy
lìa cơ chứ? Nguy hiểm thật! Đâu phải ai chơi cũng bị như vậy, thật
tội nghiệp cho con trai của Thu phải chịu sự xui rủi này.
Gặp Thu, tôi hỏi thăm về con trai của cô ấy, Thu tâm sự với tôi thật
chân tình.
-
Hạ biết không, mình nuôi con tới chừng này tuổi không ngờ nó lại bị
như vầy. Cầu xin Trời Phật phù hộ cho thằng nhỏ không bị tật nguyền.
Hồi nó biết đi chập chững, mỗi lần nó bị té, mình thấy xót xa, con
muỗi mà đốt nó có mụn đỏ, mình cũng đau lòng xót dạ huống gì bây giờ
nó phải ngồi một chỗ, làm gì phải có người phụ giúp. Mình đau lắm
bạn ơi, thà mình gánh hết mọi đớn đau chứ nhìn thấy con cái như vậy
mình chịu không nỗi.
Thu khóc.
Tôi tìm lời an ủi Thu, và cũng thường xuyên gọi hỏi thăm hoặc ghé
nhà để an ủi trong lúc bạn đang buồn lo.
Một hôm Thu gọi tôi với giọng thật vui, khiến tôi cũng vui lây:
-
Hạ ơi, hôm nay con mình đã đi lại được rồi, dù chưa bình thường
nhưng nó đã bỏ nạng, ôi Thu mừng quá, hiện giờ nó đi tập vật lý trị
liệu tuần lễ ba lần, sau hai tháng đi tái khám.
Cám ơn Trời Phật đã thương mà ban phước lành cho gia đình Thu, cho
con trai của Thu.
Tôi thấy vui với niềm vui của Thu, cũng như niềm vui của Huệ, tấm
lòng người mẹ nào cũng bao la rộng lớn. Tôi chợt nhớ đến mấy câu hát
ru của mẹ khi xưa:
"Thương con tần tảo sớm hôm
Cơm đùm chéo áo, cháo đùm lá môn"
"Một đời vốn liếng mẹ trao
Cho con tất cả, mẹ nào giữ riêng"...
Tôi ngồi bên bình hoa hồng mà nước mắt tuôn trào, đây là bình hoa mà
con tôi vừa trao tặng, dù có sớm hơn ngày lễ Hiền mẫu vì con tôi bận
học thi nên order quà đến sớm, với lời lẽ ngô nghê trong cánh thiệp
tự con làm lấy: "Con cám ơn mẹ đã nuôi con lớn, nấu ngon cho con ăn.
Con muốn mẹ cười hoài," Tôi cảm động đến nghẹn ngào không nói được
lời nào trong niềm sung sướng vô biên
Hôm nay, ngày Hiền mẫu, tôi nhớ đến những câu ca dao mà mẹ thường ru
tôi ngủ lúc nhỏ, tôi nhớ đến mẹ vô cùng. Tim tôi nhói đau với nỗi
nhớ không bờ bến, mẹ giờ ở tận nơi đâu? Có bình an không? Tôi muốn
tặng mẹ đóa hồng nhung đỏ thắm để nói với mẹ là tôi yêu mẹ lắm, tôi
nhớ thương mẹ lắm. Tôi lại đi ra vườn thăm những luống hoa, gió sớm
nhè nhẹ nghe thật mát, trong làn gió, tôi như nghe tiếng mẹ giục ăn
cơm kẻo đói, dĩ vãng hiện về.
Lúc ấy tôi mới vào lớp một, những ngày đầu tôi đi học với ba, sau
vài tuần lễ, ba cho tôi đi với các bạn trong xóm để tập tính dạn dĩ
và làm quen với môi trường mới. Ngày đầu tôi đi học không có ba, mẹ
lo lắm ở nhà ngồi đứng không yên, mẹ bảo có cái cầu dù không lớn
nhưng xe chạy nhiều không biết tôi làm sao đi qua cầu, ai dẫn băng
qua lộ, rồi sợ chạy giỡn ngoài đường bị té u đầu chảy máu... rồi sợ
bị ăn hiếp vì mẹ thấy tôi nhỏ hơn các bạn cùng trang lứa. Làm sao
quên được hình ảnh mẹ tôi đã đứng ở đầu bìa làng đón tôi đi học về,
mẹ đỡ lấy chiếc cặp của tôi, một tay dắt tôi và hỏi học được gì, có
ai ăn hiếp không. Mẹ hỏi nhiều, tôi không sao trả lời kịp. Vào nhà,
mẹ rửa mặt cho tôi và bảo ăn cơm, mẹ đã hâm thật nóng và ngồi bên
cạnh để nhìn tối ăn mà nhắc nhở. Cho tới bây giờ tôi không làm sao
quên được ánh mắt của mẹ nhìn tôi lúc đó, bao nhiêu sự thương yêu
dành cho cái nhìn đó của mẹ tôi. Biết tôi thích hoa phượng, đến hè,
mẹ thường cắt cành phượng cho tôi cắm vào bình, hay để tôi chơi ép
hoa bướm, hoặc chơi đá gà với các bạn. Còn đâu những ngày
tháng êm đềm bên mẹ, còn đâu cái vuốt tóc nhẹ nhàng của mẹ, còn đâu
cái nhìn âu yếm của mẹ, còn đâu và còn đâu, vĩnh viễn con đã mất
mẹ.Tôi ngâm nga mấy câu ca dao:
-
Vẳng nghe chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau!
-
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương.
-
Thương thay chín chữ cù lao
Tam niên nhũ bộ biết bao nhiêu tình.
-
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau...
Trong nỗi nhớ nghẹn ngào, tôi như nhìn thấy mẹ tôi đang mỉm cười
nhìn tôi và như lúc nào cũng dang rộng vòng tay chở che cho đứa con
của mẹ. Tôi ngước nhìn bầu trời trong xanh mà thì thầm: Mẹ ơi, con
nhớ và thương mẹ nhiều lắm, giờ đây con đã là mẹ, con hiểu thế nào
là tình thương của người mẹ dành cho con. Tôi mân mê mấy cành hồng
và đọc lại cái thiệp xinh xinh của con tôi tặng cho ngày Hiền mẫu,
tôi mỉm cười trong ngấn lệ. Tôi khẽ kêu lên: Mẹ ơi! Con đã hiểu.
Chiều buồn viễn xứ hồn rưng rức
Nhớ dáng mẹ xưa lệ đẫm tròng!
lêthị hạanh
(Maryland ngày Hiền mẫu 13-5-2012)