CHUYỆN NHIỀU TẬP CỦA GIA ĐÌNH BÀ TÁM TÀNG:
Chuyện trời ơi ở "Góc phố
quán"
* Tạp bút
Quán ồn ào vì ẩm khách bắt đầu mỗi lúc một
đông thêm. Dì Hai Lành tíu tít bưng cà phê chạy tới chạy lui từng
bàn giao cho khách. Cảnh sinh hoạt náo nhiệt buổi sáng nay ồn ào
cũng vẫn như mọi ngày hôm trước vậy thôi. Đây "Góc phố quán" - nơi
hội tụ của những người bình dân trong làng xóm thân quen.
Nhân vật để mở màn cho buổi sáng vui vẻ hôm
nay, chủ chốt cũng vẫn lại là… bà Tám Miền [người được mọi người
phong danh là Sương Gió Bà bà!].
Bà Tám một tay vừa nâng ly phé nại nóng hổi đưa
lên miệng thổi phù phù, một tay giơ lên cao vẫy vẫy để báo hiệu các
ẩm khách trong quán trật tự cho bà tuyên bồ điều gì đó. Chú Tư Cự vỗ
tay bôm bốp hô to:
- Yên lặng. Tất cả hãy... nín thinh để cho bà
Tám nói gì đó bây ơi.
Cả quán đồng... nín thinh cái rụp để vâng theo
khẩu lịnh của chú Tư vừa ban.
Nguồn minh họa: Internet.
Bà Tám nhìn quanh quất đó đây như để kiểm soát
xem còn ai chưa tuân lệnh hay không. Bà gật đầu hài lòng và nhoẻn
chiếc miệng móm sọm cười phô hàm răng cái còn cái mất của mụ để hiển
thị sự thống khoái của một người đang có uy thế.
Bà cất giọng nữ cao [mà nhão nhoẹt ] của mình:
- Bà con yêu mến. Hôm nay, qua muốn được nghe
ai đó trong quán này giải thích rõ ràng về một vấn đề mà qua "u tư"
từ lâu! Ai giải thích mà lọt lỗ nhĩ của qua đây, qua hứa sẽ thưởng
cho người ấy một cái...
Bà bỏ lửng câu nói giữa chừng làm ai nấy đều
nhìn nhau… e thẹn!
Dì Hai Lành vỗ vai bà Tám Miền và cười sằng
sặc:
- Thưởng cái giống gì thì bà nói lẹ ra đi, lấp
la lấp lửng làm người ta cứ tưởng bà...
Bà Tám trợn mắt nhìn dì Hai Lành rồi gắt giọng;
- Tưởng cái gì hả bà nội?
Dì Hai Lành cười dịu giọng:
- Thì tưởng bà nói... tầm bậy tầm bạ chớ cái
gì!
Bà Tám Miền bỗng bật cười ha hả:
- Tụi bây "chiên môn" nghĩ bậy thì có! Ý qua
đây là thưởng một cái chầu phé nại hôm nay mà thôi.
Mọi người đồng thở phào như vừa mới được ai gỡ
giùm cục đá xanh đang đeo trước ngực nãy giờ. Tiếng cười ầm ầm vang
lẫn trong tiếng độp độp vỗ tay hoan nghênh. Thằng Sáu Rơm nôn nóng
lên tiếng hỏi:
- Bà Tám ơi. Bà hỏi gì thì lẹ lên. Tụi tui sốt
ruột lãnh thưởng của bà rồi đó.
Tám Miền nghiêm giọng cố cho ra vẻ oai phong vì
mình là giám khảo cuộc thi ứng xử này:
-Hỏi: Ông bà mình từ xưa đã có câu: "Huynh đệ
như thủ túc, phu thê như y phục". Vậy, cái nào đích thực là cần
thiết cho mình nhất. Yêu cầu chứng minh sao cho thuyết phục được mọi
người ở đây. Hết.
Thằng Hai Lúa là người giơ tay đầu tiên xin
được phát biểu:
- Kính thưa quí giám khảo "Phong Sương Bà bà",
kính thưa toàn thể quí khán giả có mặt hôm nay. Tui là Hai Lúa. Tui
mạn phép xin được trả lời câu hỏi như sau: Theo tui, huynh đệ là
quan trọng nhất vì anh em là cùng chung cha mẹ sinh ra và liền lạc
với nhau như tay với chân. Nếu mình mà thiếu tay hay thiếu chân sẽ
bị người ta gọi là... "xi cà que" thì coi sao đặng! Quí vị thấy tui
nói có đúng hông nè?
Khán giả vỗ tay khen thưởng cái thằng nhỏ tuổi
nói chuyện sao mà trúng ý đạo lý xưa nay quá chừng. Đợi thiên hạ
ngừng tiếng vỗ tay cổ vũ, thằng Ba Mạ tiếp lời:
- Thưa bà con. Tui là Ba Mạ, em ruột Hai Lúa
xin được bổ sung thêm phần "phu thê như y phục" thế này: Vợ chồng
thì cũng giống như quần áo, nếu chẳng may quần áo có bị rách te tua
không vá được hay quá sá cũ thì ta có thể thay cái khác được. Nếu
như con vợ nhà mà nó có lỡ "cà chua, cà chớn" thì ta có quyền thay
con vợ khác cái rụp. Quá sá dễ bà con hén?
Lần này thì có tiếng vỗ tay nhưng có phần thưa
thớt. Hình như có kẻ ưa người không với ý kiến nó. Nhưng dường như
phần đông là người ta cảnh giác, dè chừng với cái chuyện quá ư là
“nhạy cảm” này. Mặt thằng Ba Mạ có vẻ không vui lắm.
Bà Tám Miền tằng hắng vài tiếng. Không vội
vàng, bà ta đĩnh đạc đưa ly phé nại lên nhấp điệu đàng một chút. Bà
ta rít một hơi dài khói thuốc Hero rồi khoan thai ngửa mặt lên trần
nhà nhả khói hình chữ o. Xem nét mặt bà ta có vẻ như chưa vừa ý lắm
với lối giải nghĩa cũ rích không có gì mới lạ của hai anh em nhà
ruộng đồng này.
Bỗng có tiếng hô to:
- Khoan khoan, tui có ý kiến khác hai anh em
thằng cha Lúa Mạ này.
Mọi người dồn mắt nhìn vào thằng Sáu Xạo, người
vừa lên tiếng. Bà Tám Miền sáng mắt lên và hỏi dồn: - Sao Sáu Xạo?
Sáu sẵn sàng sung sức sỗ sàng xem sao?
Mọi người được dịp cười ồ vui vẻ cho câu nói
rất là có "diên" của bà Tám Miền. Được thể, thằng Sáu Xạo vào đề
không một chút màu mè, rào đón hầu thiên hạ được dịp biết ngay ý nó:
- Theo tui, huynh đệ như thủ túc tức là anh em
không có liên quan gì với nhau hết! Mỗi tay mỗi chân có quyền làm
việc riêng mình, cụt chân thì đi xe lăn, cụt tay thì dùng tay giả có
cù móc muốn móc vật chi cũng đặng. Bằng chứng là bà con có thấy
hằng ngày trên đường phố biết bao người khuyết tật tay chân vẫn đi
lại sinh hoạt bình thường chớ? [Tiếng vỗ tay bôm bốp hoan nghênh].
Còn phu thê như y phục tức là vợ chồng như quần áo mới là cần thiết
nhất.
Có tiếng ai đó thắc mắc:
- Sao quần áo lại quan trọng hơn chântay vậy?
Thằng Sáu Xạo hướng nụ cười bằng cái miệng trề
trề về phía người vừa thắc mắc đó. Nó không trả lời mà trở lại chất
vấn người kia:
- Thế thì ông có thấy người bình thường nào
không mặc quần áo mà nhong nhong đi nhẩm cà phê góc phố này chưa?
Như bầy ong vỡ tổ, tiếng huýt sáo, vỗ bàn, cười
ầm ầm lên cả quán. Rồi vô tình mọi người đồng loạt tất cả hô to:
- Trúng quá, trúng quá. Phu thê như y phục.
Không y phục là người phàm tục. Trúng quá, trúng quá....
Ông giáo Út già ngồi cuối quán không nói gì,
người ta thấy ông chỉ gật gù cái đầu, miệng cười cười lẩm bẩm gì đó!
Nếu quí vị nằm trong ban giám khảo thì không
biết quí vị sẽ cho ai đúng ai sai đây?
Câu hỏi còn để ngỏ.
ngô bảo toàn
(Tân An 18-6-2012 )
|