dnnp - kiến đen

 

 

ĂN THEO NGÀY NHÀ BÁO VIỆT NAM (21-6-2012):

 

Tản mạn về nhà báo thời đại
 

 

 

Bữa nay là ngày Nhà báo Việt Nam, ngày mà anh em trong nghề hay nói đùa là ngày “giỗ kị nhà báo”. Từng có thời người ta kháo nhau rằng: nghề nào có ngày của mình thường là nghề… chết đói! Có công thức: Nhà giáo + Nhà văn + Nhà báo = Nhà nghèo.

 


Nhà báo là người đưa tin của thời đại. Trong tiếng Anh, nhà báo là reporter (có nghĩa là người báo cáo, người tường trình) hay journalist (người ghi chép tin tức hàng ngày). Đó không chỉ là công việc của người làm báo, mà còn là sứ mạng, nói cao hơn là thiên chức của những người chọn nghề viết là cái nghiệp của đời mình.


Tôi bắt đầu đi làm báo chính thức (thời đi học từng làm báo tường, đặc san của trường) từ năm 1976, ở cái tuổi 18, 19 vừa rời ghế trường phổ thông vào đời, tới nay đã hơn 36 năm. Nghĩa là tôi đã nếm trải đầy đủ mọi cung bậc của nghề báo từ sau khi đất nước nối liền một dải hình chữ S ngó ra Thái Bình Dương. Gần 30 năm viết về mảng thời sự quốc tế và hơn 10 năm viết về công nghệ đã cho tôi nhiều trải nghiệm với làng báo quốc tế. Và những trải nghiệm này giúp cho tôi có một số ý niệm về người làm báo thời hiện đại.


Có thể nói ngay rằng làm báo thời nay sướng hơn cách đây 20, 30 năm rất nhiều. Các quy định pháp luật đầy đủ hơn, hành lang pháp lý cho người làm nghề báo cũng rõ ràng hơn, nhận thức của xã hội và môi trường làm báo cũng tốt hơn. Nhưng điều đáng nói hơn cả là phương tiện, công cụ làm báo chưa bao giờ tuyệt vời hơn bây giờ.


Tác giả tại trung tâm báo chí của hãng Intel ở Mỹ tháng 9-2011.

Một trong những tiêu chuẩn nghề nghiệp của nhà báo thời này là phải biết sử dụng công nghệ, cụ thể là công nghệ thông tin. Kinh nghiệm cho thấy, càng nắm vững về công nghệ bao nhiêu, người làm báo càng khỏe khoắn và thành công hơn bấy nhiêu. Nhà báo ngày nay không thể “mù tin học”. Quy trình làm báo mới buộc tòa soạn ngày nay không thể chấp nhận các bài viết trên giấy hay ảnh in trên giấy – ngoại trừ đó là tư liệu và chứng cứ (và chúng cuối cùng cũng phải được chuyển sang định dạng số). Tất cả đều phải được số hóa khi đưa vào quy trình tòa soạn.


Hồi xưa chúng tôi thật sự là làm “báo viết”. Các bản thảo được viết trên giấy, sau khi xử lý biên tập xong mới được đánh máy chữ cho sạch sẽ và rõ ràng để chuyển sang nhà in sắp chữ. Thời những năm nửa cuối thập niên 1970, giấy viết báo thuộc loại tái sinh màu xám đen đầy những xác mía, bụi bặm, viết xong một bài báo, tay cũng bị dơ theo. Bút bi thì sau khi viết hết mực, chúng tôi phải chạy ra chợ Tân An nhờ mấy ông chuyên bơm mưc viết để bơm mực mới và nếu cần thì thay cả viên bi. Tình trạng mực rò rỉ, chảy tèm lem cả tay thuộc loại “chuyện thường ngày ở… tòa soạn”. Viết bơm thì sang lắm mới có được một cây Hồng Hà nắp kim loại, còn loại Hero của Trung Quốc thì là ngoại hạng rồi. Tôi nhớ mãi một lần đi khám bệnh ở Bệnh viện Long An nằm ở góc đường Nguyễn Huệ xeo xéo tòa soạn, thấy ông bác sĩ ghi toa bằng cây viết bơm rỉ mực dây đầy tay.


Cái khó nó ló ra nhiều cái khôn… ranh. Hễ có dịp đi ra nhà in Phan Văn Mãng là chúng tôi lại tìm cách xin những rẻo giấy in thừa hay giấy in hư còn trắng một mặt về cắt ra làm giấy viết hay đóng thành sổ tay công tác. Giấy in báo tốt hơn giấy chúng tôi viết bản thảo nhiều. Tôi cũng tự “bào chế” mực viết bơm bằng cách mua những viên mực học trò về pha với nước rồi dùng bông gòn lọc để bơm xài.


Còn ngày nay từ khâu lấy tư liệu cho tới viết bài đều được thực hiện trên máy tính. Từ sau khi iPad lên ngôi, máy tính bảng trở thành một công cụ bất ly thân của nhiều nhà báo. Người ta vẫn thường nhìn thấy cảnh trong các cuộc họp báo, nhiều nhà báo ghi chép ngay trên máy tính – thậm chí viết thành bài luôn để gửi ngay về tòa soạn.

 


Sôi động nhất là giới làm báo điện tử. Để chạy đua thông tin, các nhà báo phải liên tục cập nhật thông tin bám theo diễn biến sự kiện, nghĩa là diễn ra tới đâu, đưa thông tin lên tới đó. Làm báo kiểu này có cái thú riêng “không đụng hàng” của nó. Tôi nhớ lần dự Diễn đàn Nhà phát triển Intel (IDF) ở San Francisco (Mỹ), ngồi bên tôi là hai phóng viên của trang tin công nghệ trực tuyến Hexus. Anh chàng phóng viên ảnh chạy đi chụp hình một lát quay lại đưa thẻ nhớ cho anh bạn biên tập viên chép vào máy tính, xử lý rồi post ngay lên Internet. Tôi ngồi mở máy tính vào trang Web đó để tận mắt nhìn thấy tác phẩm của hai anh bạn được chiềng làng cho người đọc khắp thế giới. Mình không phải là người của trang tin đó mà còn cảm thấy “phê”, quả là “tin nóng hổi, vừa thổi vừa coi”.

Người làm báo đều nằm lòng công thức là phần chuẩn bị tư liệu chiếm 50% trở lên trong quy trình một bài báo. Thời xưa viết mảng quốc tế gian nan lắm. Internet chưa có, truyền hình chỉ có mấy kênh trong nước, ngon lắm thì có mấy kênh Liên Xô. Anh em phải tìm cách bắt mấy đài radio của nước ngoài để có thêm thông tin tham khảo. Các báo ở Saigon thường phải đặt mua báo chí nước ngoài về cho ban quốc tế làm việc. Giá báo nước ngoài không rẻ, chỉ có tòa soạn mới kham nổi. May mắn là tôi quen thân với một chị bán báo trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, mổi sáng khi có báo chí nước ngoài mới, chị cho tôi mượn chạy đi photo những bài mình cần. Tất nhiên thông tin trên báo nước ngoài khi tới tay ta là thông tin nguội ngắt. Mỗi lần viết bài bình luận quốc tế, tôi phải đánh vật với cả chồng báo chí. Tôi đã phải nhiều lần ngồi lỳ suốt cả ngày trong phòng tư liệu của báo Sài Gòn Giải phóng và báo Tuổi Trẻ để tìm kiếm tư liệu viết các bài quốc tế cho các báo này. Cực khổ thì khỏi nói rồi, nhưng nỗi khổ tâm nhất là không đủ các dữ liệu mà mình cần. Thôi thì đành liệu cơm mà gắp mắm.


Còn bây giờ thì thông tin sốt dẻo ngồn ngộn trên Internet. Cần tra cứu gì cũng chỉ việc search là có. Nhưng giữa cái ma hồn trận thông tin báo chí trực tuyến đó, người làm báo phải có bản lĩnh, có óc phán đoán để có thể phân biệt đâu là tin chính xác. Cách tốt nhất là dùng thông tin của các tờ báo mạng có tên tuổi và vẫn phải tra cứu chéo nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng. Người làm báo quốc tế không phải là nhà dịch thuật đơn giản làm cái công việc chuyển ngữ cho các thông tin báo chí quốc tế. Báo người ta có quan điểm, cách nhìn riêng của họ. Vì thế, ta chỉ có thể dùng các thông tin của họ làm tư liệu, dữ liệu để phục vụ cho các bài viết của chính mình. Nói nôm na là ta như một biên tập viên ngồi tại tòa soạn, còn các nguồn tin khác là các phóng viên, thông tín viên lấy thông tin, tư liệu cho ta.

 


Cái khâu hình ảnh cũng vậy. Hồi xưa, nhà báo xài máy ảnh cơ, chụp phim đen trắng. Trong thời kỳ khó khăn, phim và giấy ảnh cũng được phân phát cho phóng viên theo định mức. Cứ mỗi sự kiện hay mỗi chuyến công tác, phóng viên được cấp bao nhiều pô phim, khi về phải báo cáo sử dụng ra sao. Tôi đã từng chịu nhiều sự cố đau thương, gọi mỹ miều là “tai nạn nghề nghiệp” với chiếc máy ảnh. Có lần đi công tác ở Vĩnh Hưng giữa mùa nước lũ và khi đang căng thẳng chiến tranh biên giới chống Pôn Pốt, tôi đang đi qua một cây cầu khỉ thì anh bạn ở báo Quân khu 7 trợt tay đẩy luôn tôi rơi xuống nước, nhận chìm luôn chiếc máy ảnh. Tôi đã gỡ phim ra, rảy cho ráo nước rồi sáng sớm hôm sau đón tắc-ráng từ Vĩnh Hưng về Mộc Hóa lên xe đò chạy lên Saigon sửa máy ảnh (ở đường Nguyễn Huệ). Xế trưa sửa máy xong, hết xe về Mộc Hóa, tôi phải đón xe về Mỹ Tho (lúc đó Mộc Hóa lên Tân An hay Saigon phải đi ngã Cai Lậy). Ở Mỹ Tho cũng hết xe về Mộc Hóa, tôi đang định vô đồn công an xin ngủ nhờ thì gặp anh bạn học có người thân ở Mỹ Tho, rủ về nhà ngủ. Mờ sáng, tôi lên xe đò về Mộc Hóa rồi xuống tắc-ráng trở lại Vĩnh Hưng tiếp tục chuyến công tác vùng biên giới.

 

Một lần khác, tôi tham gia một cuộc diễn tập hành quân của bộ đội Long An từ Đức Hòa đi lên miền Đông vào ban đêm. Chụp cả cuộn phim, tới sáng về lại tòa soạn đưa máy cho anh bạn làm phòng tối tráng phim. Kết quả là cuộn phim trắng nhách vì khi gài phim vào máy, cuộn phim đã bị trượt răng, báo hại tôi thả sức bấm máy… không có phim. Hồi đó tòa soạn thường xài phim Foto của Rumani hay Liên Xô, sang lắm mới được xài phim Orwo của CHDC Đức. Có lần, hãng Orwo đổi công thức chế tạo phim mà không ai biết nên cứ xài công thức pha thuốc tráng phim như cũ, hậu quả là mấy anh em phòng viên bị chảy phim nhão nhẹt như khuôn mặt của họ lúc được báo hung tin từ phòng tối.


Thời đó, anh em nhà báo Việt Nam đi tác nghiệp ở nước ngoài cũng rất gian nan. Để có thể gởi ảnh về tòa soạn cho kịp, họ phải cõng theo cả máy quét ảnh (scanner), laptop. Sau khi chụp ảnh xong, họ phải đi tráng phim và phóng ảnh rồi scan ảnh vào máy tính để gởi về nhà qua Internet. Anh em truyền hình phải vác máy chuyên dùng to đùng, quay xong phải có đường truyền thuê rất đắt mới có thể chuyển phim về đài.

 


Hai bạn phóng viên đài truyền hình VTV tác nghiệp trên đường phố Mỹ với chiếc máy quay kỹ thuật số nhỏ gọn. (Ảnh: PHP)

Bây giờ các công cụ ghi hình cực kỳ tiện dụng và lợi hại. Tất cả đều là kỹ thuật số. Mấy anh bạn truyền hình chỉ cần máy quay loại nhỏ, quay xong dựng thành tin ngay trên máy tính rồi truyền qua đường Internet bình thường về nhà. Khỏe hơn hồi trước phải è cổ khuân chiếc máy quay chuyên dụng to đùng xài băng Betacam, quay xong, dựng xong phải cần tới đường truyền thuê riêng mới truyền về đài được. Còn phóng viên với chiếc máy ảnh số xài thẻ nhớ trong tay thì thỏa sức mà tác nghiệp. Chẳng còn lo cái chuyện “đốt phim” nữa, chụp đầy thẻ nhớ chỉ cần copy ảnh vào máy tính hay ổ lưu trữ rồi lại chụp tiếp. Thậm chí bây giờ khi điện thoại đã được tích hợp máy ảnh chất lượng cao, phóng viên sử dụng luôn điện thoại làm máy ghi âm, chụp ảnh hay quay phim. Chụp xong chỉ việc kết nối Internet là có thể chuyển ảnh về tòa soạn ngay lập tức.

Bên cạnh công nghệ, nhà báo thời nay không thể thiếu được khả năng ngoại ngữ - nhất là với các nhà báo quốc tế và phải tác nghiệp ở nước ngoài. Ngoại ngữ ở đây cụ thể là tiếng Anh, ngôn ngữ chính của các sự kiện quốc tế. Nhiều lần dự những hội nghị quốc tế, tôi thường thích thú khi nhìn cảnh người ta từ khắp các nước trên thế giới tụ hội về sống và làm việc cùng nhau bằng ngôn ngữ chung: tiếng Anh. Mỗi lần tới làm việc tại nhà máy Intel lớn nhất thế giới ở Khu Công nghệ cao quận 9 (TP.HCM), tôi luôn có cái cảm giác bồi hồi, choáng ngợp trước một môi trường quốc tế, nơi người lao động từ nhiều nước cùng làm việc bên nhau trên đất Việt với ngôn ngữ giao tiếp chung tiếng Anh.
Có thể hình dung thế này: một nhà báo thời đại có cái đầu minh mẫn, cặp mắt nhìn xa trông rộng, đôi tai tinh tường, đôi tay tháo vát, đứng trên đôi chân trụ vững – một bên là công nghệ và một bên là ngoại ngữ.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

* Bài đăng trên đặc san Nhà báo & Sự kiện Long An của Hội Nhà báo Long An, số Ngày Nhà báo Việt Nam 21-6-2012.
 

 

 

 

Sau 36 năm làm báo, nay tự vấn lại, tôi rất mừng vì mình chưa bao giờ làm gì để phải hổ thẹn với cây bút. Cho dù không ít lần tôi đã phải trả giá rất đắt, bị đạp tới tận cùng địa ngục vì những nhỏ nhen, đố kị, hẹp hòi của những người trong và ngoài nghề. Tôi luôn tâm niệm: thà làm báo nhà chớ không bao giờ báo đời. Mọi chức vụ trong nghề báo chỉ là phù du, làm sao để khi mình xuôi tay, người ta vẫn nhớ mình là một NHÀ BÁO (viết hoa).


Sáng nay, lật lại đống tài liệu cũ, tôi tìm được một số ảnh thời làm báo Long An.

 


- Ảnh chụp tôi đi công tác Tân Thạnh (Long An) hồi tháng 4-1983. Hồi đó tòa soạn có 1 chiếc honda 67 cũ, ai đi công tác xa thì xin cấp xăng đi. Ảnh này chụp trên Tỉnh lộ 49, khúc Thủy Đông, nay là Quốc lộ 62 dẫn về Mộc Hóa – Vĩnh Hưng.

 


- Ảnh chụp tôi đi công tác tại tập đoàn sản xuất số 5, xã Mỹ Yên (huyện Bến Thủ, nay là Bến Lức) ngày 26-5-1981. Người đứng bên cạnh là nhà báo Hoàng Hùng, người bị vợ đốt chết trong vụ án chấn động vừa qua. Lúc đó, tôi phụ trách bộ phận biên tập kinh tế của báo Long An, còn Hoàng Hùng vừa từ đài truyền thanh Bến Thủ về làm phóng viên kinh tế. Hai anh em rất tâm đầu ý hợp, thường đi công tác chung với nhau trên từng cây số.

 

 

Hồi năm 1981, chẳng biết ăn nhầm cái giống bobo gì mà tôi dửng mỡ gầy ra cái gánh văn nghệ của báo Long An tham gia Hội diễn văn nghệ Công nhân viên chức tỉnh Long An. Dịp Tết, đài phát thanh Long An phát một chương trình văn nghệ quần chúng dài gần 60 phút "tra tấn" bà con Long An với các bài hát do tôi tự biên và đội văn nghệ báo Long An trình diễn. Nói chung cũng có tác dụng. Nhờ vậy, sau đó bà con Long An không còn sợ đạn pháo 122 ly của quân Pon Pot nữa, bởi nó chẳng xi nhê gì với "tiếng nhạc át tiếng bom" của tôi.

 


 

Trong ảnh là đội văn nghệ báo Long An năm 1981. Võ Hồng Khanh, Ngô Thị Ngọc Mai, Kim Huyền, Trần Thị Vẹn, Kim Hoàng và tôi. Hai bạn Hồng Khanh và Ngọc Mai đang định cư ở Hoa Kỳ. Còn nhớ hồi đó, Hồng Khanh ra Hà Nội mua được cây violon về tập chơi. Buổi trưa, trong khi anh em đang mỏi mắt chờ tới giờ bếp tập thể báo có cơm trưa mà Khanh lôi cây đàn "cò Tây" ra kéo thì thiếu điều mọi người chạy ra sông Vàm Cỏ Tây đâm đầu xuống còn sướng hơn. Quý vị nào từng nghe người ta tập kéo violon hay thổi kèn thì ắt sẽ thông cảm cho tụi tôi.

 

 

 


PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 21-6-2012)

 

 


Copyright © 2010 - 2012 Trung hoc Kien Tuong Homepage