|
Văn hóa Okey
* Mạn đàm
Có lẽ trên thế giới không ai mà không
biết ngày lễ Độc lập Hoa Kỳ. Nó còn được gọi một cách bình
dân là ngày Bốn tháng Bảy (Fourth of July). Kể từ buổi tuyên
bố độc lập (4-7-1776) đến nay, lịch sử nước Mỹ mới có 236
năm. Một lịch sử quá ngắn so với những thành tích vượt thời
gian của một quốc gia trẻ trung. Mức tiến bộ của Mỹ đã nâng
nền văn minh nhân loại tiến qua thời đại mới và tạo được ảnh
hưởng trên khắp thế giới. Riêng về phần ngôn từ, không phải
chỉ có những thuật ngữ của họ được mọi người dùng mà còn có
cả những ngôn từ bình dân nữa. Nhân ngày lễ Độc Lập Hoa Kỳ
xin mạn đàm một chút về chữ Okay.
|
|
|
Từ ngữ “Okey” là một sản phẩm văn hóa
“Made in USA”. Quí vị có nghĩ rằng tôi hơi quá lố khi nói như vậy?
Có lẽ có người cho rằng ngôn ngữ truyền thông thời nay thường phát
ngôn một cách dễ dãi như thế để gây ấn tượng. Trong thực tế dấu hiệu
“Made in USA” đang từ từ mang nhiều ý nghĩa về tâm lý hơn là về kinh
tế. Nó đã chuyển từ một ký hiệu thành một khẩu hiệu đôi khi mang
tính chất văn hóa. Đó là trường hợp của “Okay”, một từ đặc sệt bình
dân “Made in USA” đang lôi cuốn thế giới. Okay (đọc là ô-kê), đọc
một cách nhõng nhẽo là Okey (ô-ki), và được viết tắt là OK. Bọn teen
lại thêm thắt vào để thành Okey doke (ô-ki-đốc) hay Okeydokey
(ô-ki-đô-ki) cho có duyên. Trước năm 1975, giới buôn bán ở vỉa hè
Saigon cũng biến hóa OK thành “OK salem”. Salem vốn là một nhãn hiệu
thuốc lá, nhưng “OK salem” chẳng liên quan gì đến thuốc lá. Ngày nay
trên thế giới có nước nào mà trong ngôn ngữ đời thường không phát
ngôn “OK” một cách thoải mái.
Hai biểu tượng của OK.
OK không cần phải dịch ra ngôn ngữ địa phương, vì nó chỉ là một giao
ước lỏng lẻo dễ dãi. Nó cũng như từ “xì trum” của dân lùn da xanh
trong xứ “Xì Trum”. Trong xứ này ngôn ngữ thiếu thốn, các chú lùn
chỉ dùng chữ “xì trum” để diễn tả những tư tưởng khó nói. Người nghe
phải tự “xì trum” ra mà hiểu.
Chính cái bản tính ấm ớ của OK mà nó chinh phục thế giới. Bởi vì nó
là một lối giao tế mà mọi người đang cần. Cũng chính vì vậy mà OK
mang tính chất văn hóa. Chúng ta đang sống trong một thời đại văn
hóa đa nguyên. Những thành kiến đầy góc cạnh tạo ra những va chạm
đôi khi mang đầy nét cực đoan. Áp lực của chúng dẫn đến chủ nghĩa
tương đối và hoài nghi. Để tránh né sự tổn thương, người ta đi tìm
một lối nhìn mang tính cách dung hòa không góc cạnh, không chống
đối, không sửa chữa, và cũng không đưa ra một hướng đi mới nào. Cái
đó chính là “quan niệm OK”. Nó xoa dịu những cú xốc, tảng lờ những
cái sôi nổi, để chào đón cái chung chung mà mọi người có thể chấp
nhận.
Khi có người hỏi ý kiến về một cuốn phim: “Theo ông/bà cuốn phim khá
hay dở?” Nếu ta không muốn đụng chạm, ta nói: “Cũng OK”. Câu trả lời
không nói phim dở, cũng không nói phim hay, nó ở mức ba phải có thể
chấp nhận được. Một bức tranh OK, một giọng hát OK, một kịch bản OK,
và ngay cả một người đẹp OK chỉ là một hiện diện được chấp nhận
không gây đình đám. Trong thang giá trị từ tàm tạm (so so) đến khá
(good); từ đúng (alright) đến chắc chắn đúng (sure thing) OK nằm ở
chỗ nào cũng được. Khi đồng ý hoàn toàn ta nói “OK”. Đồng ý nửa vời,
ta cũng nói “OK”. Có lẽ giọng nói hơi khác một chút để tạo cảm ứng
nhưng cũng là OK. Các diễn giả trước khi vào chính đề thường tóm
lược tất cả những gì đã thảo luận bằng cách nói: “OK! Bây giờ chúng
ta bàn về…” Đó là tiếng chuyển mạch tuyệt diệu và dễ dãi. Đối với
nhóm teen thì khỏi nói. Chúng tìm thấy OK là một phát ngôn ngang
tàng, lười suy nghĩ, và duyên dáng. “Tao sẽ có mặt trong vài phút.
Ô-ki-đô-ki” (I'll be there in a minute. Okeydokey). Cha mẹ khi nói
với teen cũng đành dùng chữ Okeydoke cho hợp với chúng. “Ô-ki-đốc
sấp nhỏ, đến giờ dẹp đồ chơi rồi.” (Okeydoke kids, it's time to
clean up now).
Thế là văn hóa OK tạo nên một cộng đồng dân chúng vượt biên giới,
vượt giai cấp, phi chính trị, phi lãnh thổ, và thấm vào ngôn ngữ địa
phương. Nó phá bỏ được cái giới hạn chật chội để người có cơ hội
tiến gần với người bằng một thỏa thuận chung chung, không quá đáng,
chỉ có vẻ OK.
Nhưng OK từ đâu tới? OK có nguồn gốc rất ấm ớ cũng như bản chất của
nó. Sau đây là vài nguồn tiêu biểu. Giáo sư Allen Walker Read, nhà
từ nguyên học (etymologist), bỏ công lục lọi sách báo rồi cho biết
OK đã được tạp chí Boston Morning Post sử dụng từ năm 1839. Theo đó
nhóm tòa soạn duyệt bài vở thường ghi chú chữ OK trên những bài viết
có thể chấp nhận. OK là ký hiệu của “all correct”. All correct nếu
viết tắt cho đúng phải là AC. Nhưng âm thanh AC (đọc là Ê-Xi) không
gợi ra âm thanh all correct. Vì vậy mà OK được thế vào. Một tài liệu
khác cho rằng OK là chữ viết tắt của Old Kinderhook (Ông già xứ
Kinderhood), tức Tổng thống Mỹ Martin Van Buren. Trong kỳ tranh cử
nhiệm kỳ II, vào năm 1840, ban vận động của ông dùng chữ OK để làm
khẩu hiệu tranh cử. OK vừa có nghĩa all correct (đúng hoàn toàn) vừa
ám chỉ Old Kinderhook, tức Martin Van Buren. Tuy nhiên ông ta chẳng
OK tí nào vì ông ta thất cử. Cũng còn mớ tài liệu khác nữa nói về từ
nguyên của OK, chúng đã tạo nên những cuộc tranh luận lòng thòng
trong nhiều năm. Rốt cuộc càng bàn càng rối và chẳng ai biết chắc
chắn OK từ đâu tới. Có lẽ tất cả các nguồn đều có phần đúng. Người
ta đành chấp nhận rằng dù nó bắt nguồn từ đâu thì cũng OK.
Biết đâu bạn là người chưa hề gặp hoản cảnh để thấy sự cần thiết của
một thái độ dung dị nửa chừng. Tôi xin mạn phép hỏi: “Đời bạn có
hoàn toàn tuyệt vời không? ” Nếu bạn nói “Có chứ. Đời tươi như hoa.
Hỏi vớ vẩn”. Bạn là người trên cả tuyệt vời và hiếm có trên thế
gian, nhưng cũng có thể bạn đã hơi nổ. Nếu bạn nói, “Đang chán đời
đây! Nếu không muốn lãnh thẹo thì biến”. Hẳn là có một sự thật nào
đó nên bạn mới phát ngôn như vậy. Nhưng cũng có thể bạn thuộc môn
phái coi đời là bể khổ. Nếu bạn nói “có hạnh phúc và cũng không có
hạnh phúc”, bạn phải triết lý vòng vo tam quốc một hồi. Sau khi cạn
nước miếng, bạn mới đưa ra được một kết luận ba phải “vừa có, vừa
không” để người nghe có thể hiểu. Nhưng nếu bạn nói vắn gọn, “Đời
tôi cũng OK”, thì chẳng còn ai thắc mắc gì nữa, kể cả chính bạn. Câu
trả lời chẳng hay ho gì vì nó có trả lời rõ ràng cái gì đâu. Tuy
nhiên người nghe cũng cảm thấy OK. Mà nếu họ không thấy OK thì cũng
coi như OK salem.
ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 3-7-2012)
|