dnnp - đỗ xanh

 

 

 

Các biểu tượng văn hóa Hy Lạp

 

+ Sưu khảo

 

Ngọn lửa Olympic đã được rước từ Olympia, Hy Lạp (Greece), tới London ngày 27-7-2012 để khai mạc Olympic mùa Hè. Nơi đây các thành tích mới sẽ được ghi nhận để vinh danh thể lực con người. Biến cố Olympic bắt nguồn từ huyền sử Hy Lạp, nay đã được quốc tế hóa thành thế vận hội. Để vinh danh Hy Lạp, trong lễ khai mạc và bế mạc Olympic, phái đoàn lực sĩ Hy Lạp luôn luôn được vinh dự dẫn đầu phái đoàn các nước. Văn hóa Hy Lạp, điển hình là hiện tượng Olympic, đã có tầm ảnh hưởng bao trùm thế giới. Nhân dịp này chúng ta nên nhận diện sơ qua về biểu tượng văn hóa Hy Lạp.

 

Nghi thức lấy lửa từ Olympia cho Olympics London 2012.

 

Hy Lạp cũng có một lịch sử dài hơn 4.000 năm như nước ta. Từ thời lập quốc, Hy Lạp là quốc mẫu của Âu Châu về phương diện chủng tộc và ngôn ngữ. Các nhánh ngôn ngữ Đức, Pháp, và Anh đều có gốc chung là tiếng Hy Lạp. Ngay cả thuật ngữ myth (thần thoại) và mythology (thần thoại học) của Tây phương cũng là chữ Hy Lạp. Đến thời kỳ đồ đồng, văn minh Hy Lạp bao trùm khắp Âu Châu về triết học, toán học, kiến trúc, mỹ thuật, văn chương, và chính trị.

 

Riêng về các biểu tượng văn hóa Hy Lạp, chúng đều bắt nguồn từ kho tàng thần thoại của thời lập quốc. Có thể nói không nơi nào có một phả hệ thần linh phong phú bằng thần thoại Hy Lạp. Nét đặc thù của nó là mỗi thần đều tượng trưng cho một khái niệm suy tư triết học. Ở đây, tôi xin lược qua vài biểu tượng văn hóa nổi bật mà chúng ta thường thấy trong xã hội hôm nay, và xin xếp đặt theo thứ tự aphabeta. Hầu như ai cũng thường thấy những biểu tượng này, nhưng có lẽ ít ai để ý chúng là của văn hóa Hy lạp.

 

Alphabet: hầu hết các mẫu tự của Hy Lạp đều được sử dụng làm ký hiệu toán học. Chẳng hạn alpha ( α ), omega (Ω, ω), pi (Π, π) tức hằng số 3.1416…

 

Amazons: tên một bộ lạc nữ. Theo truyền thuyết bộ lạc này ở vùng Tiểu Á (Asia Minor) và ở phía Đông bờ Biển Đen (Black Sea). Họ là những nữ chiến sĩ mặc áo da thú, cưỡi ngựa, bắn cung. Theo từ nguyên: a = không có, mazons = vú. Những người đàn bà này cắt vú để dễ dàng bắn cung. Theo mùa, họ làm tình với những người đàn ông bên ngoài bộ lạc. Khi sanh con, họ chỉ giữ con gái, còn con trai bị họ giết bỏ.  Amazon sau này được đặt tên cho con sông ở vùng Nam Mỹ vì sông chảy qua những vùng sâu trong rừng với những bộ lạc sơ khai đầy huyền bí. Amazon là biểu tượng của tự do tình dục, đề cao thể lực phụ nữ (khoảng năm 750 BC, dân tộc Hy Lạp rất chuộng thể thao), và khuynh hướng giải phóng phụ nữ.

 

Echo: ai cũng biết trong tiếng Anh, echo nghĩa là tiếng vang. Thực ra Echo là tên của một nữ thần Hy Lạp. Nàng có tật là nói quá nhiều. Chính tật nói nhiều này đã khiến bà chúa thần Hera bực mình đưa ra lời nguyền khiến cho Echo không thể tự nói, mà chỉ có thể lặp lại câu chót những gì người ta nói. Từ đó Echo  là tiếng vang vọng lại của âm thanh. Echo là bài học khôn ngoan dành cho kẻ nói ba hoa nhiều lời.

 

Narcissus: nói đến Echo thì không thể nào bỏ quên Narcissus. Trong Anh ngữ, narcissus nghĩa là hoa thủy tiên, nhưng nguyên thủy nó là tên của một nam thần. Narcissus là một thanh niên rất đẹp trai. Một hôm chàng đi vào rừng là nơi trú ngụ của Echo. Echo gặp chàng là yêu ngay, nên cứ lẽo đẽo theo sau. Narcissus cảm thấy có người đi theo bèn hỏi “Ai đó?” nàng Echo trả lời “Ai đó?” Narcissus tưởng là bị chế nhạo nên không để ý tới nữa. Tới một hồ nước, Narcissus thấy bóng mình quá đẹp nên say mê chính cái bóng của mình. Chàng ngã xuống nước ôm chiếc bóng, nhưng nó tan thành ngàn mảnh rồi chàng bị chết đuối. Sau khi chết, chàng hóa thân thành bông hoa trắng mang tên chàng, tức hoa thủy tiên. Narcissus tượng trưng cho thái độ ái ngã và hậu quả tai hại cho kẻ chỉ biết đề cao chính mình.

 

Atlas: chúng ta thường thấy ngoài bìa những tập bản đồ thế giới có hình một người lực lưỡng vai vác quả địa cầu. Đó là hình thần Atlas, ông là con của thần linh và mẹ là người trần. Vì ông chống lại sự cai trị hà khắc của chúa tể các thần là Zeus, nên ông bị Zeus phạt phải vác Trái đất trên vai cho đến muôn đời. Vùng đất đặt trên vai ông là phía Bắc Phi Châu. Vùng biển đó được gọi là biển Atlantic (nghĩa là biển của thần Atlas). Atlantic cũng là một lục địa của huyền thoại, nơi có nền văn minh ngoại hạng đã bị mất. Vì Atlas nâng đỡ Trái đất đứng trong vũ trụ nên ông là thần đỡ đầu cho các nhà thiên văn học tìm hiểu về vũ trụ.

 

Apollo: chắc chúng ta còn nhớ phi thuyền Apollo của Mỹ. Apollo là con của thần Zeus. Apollo có dạng một thanh niên 17 tuổi, đẹp trai, lực lưỡng. Thần có khả năng nhìn thấu tới nhiều viễn ảnh văn minh nhân loại, vì vậy thần có thể hướng dẫn nhân loại đi vào con đường tiến hóa tốt đẹp. Cơ quan không gian NASA của Mỹ đặt tên cho phi thuyền thám hiểm mặt trăng (1960) của mình là Apollo với ý nghĩa này.

 

 

Olympic: tên gọi lễ hội tranh tài thể thao được tổ chức 4 năm một lần tại đền Olympia, trên đỉnh núi Olympus, để vinh danh tổ phụ các thần là Zeus. Olympus là ngọn núi cao nhất ở Hy Lạp, theo huyền thoại đó là nơi ở của thần Zues. Lễ hội gắn liền với tôn giáo dân gian thờ thần Zues. Theo truyền thuyết cuộc thi đấu được Heracles (Hercule) sáng lập năm 776 TCN. Từ thuở khởi đầu, các cuộc thi đấu chỉ có quyền thuật (boxing), đánh vật, và chạy đua. Olympic được quốc tế hóa vào năm 1800. Ngày nay đại hội Olympic được mọi quốc gia trên Trái đất tham dự với nhiều bộ môn khác nhau. Lễ hội không chỉ nhắm vào cuộc tranh tài thể lực mà còn là nơi phô diễn những kiến trúc tân kỳ và màn trình diễn văn nghệ biểu lộ niềm kiêu hãnh của nước chủ hội.

 

 

Heracle (người Việt thường biết với tên Hercule):  tượng trưng cho thể lực dũng mãnh, gương can đảm, lòng đại lượng, và ý chí khắc phục trở ngại. Theo thần thoại, thần tiên tri cho biết Olympic sẽ bị các phản thần khổng lồ (Gigantos) xâm chiếm mà chỉ có một người trần mới có thể cứu được. Chúa thần Zues bèn xuống trần, ông giả dạng là chồng của người đẹp Alcmene để ân ái cùng nàng. Alcmene sau đó đã sinh ra Heracle. Heracle đã lập được 12 kỳ công để cứu Olympic, cùng nghĩa là với cứu vớt thế gian và nhân loại.

 

Pan:  Thần có hình dạng nửa thân trên là người, nửa thân dưới là dê. Đầu có sừng và tai dê. Vì hình dạng dị thường như vậy nên Pan bị mẹ bỏ rơi. Người yêu của Pan là nàng Nymph (tên gọi chung một giòng nữ thần) muốn tránh sự quấy rầy quá đáng của Pan nên bỏ đi rồi hóa thân thành cây sậy để trốn. Vì thương nhớ người yêu, Pan chế ra một nhạc cụ gồm nhiều ống sậy gắn liền nhau. Pan tượng trưng cho thú tánh tình dục, tuy nhiên cũng có nơi cho Pan là thần âm nhạc và là thần phù hộ nghề chăn nuôi dê cừu.

 

 

 

Nymphs: theo thần thoại, Nymphs là những người con gái xinh đẹp sống trong rừng hoang. Vào khoảng năm 300BC, họ trở thành đề tài cho các nghệ sĩ ca tụng những mối tình lãng mạn. Trong lãnh vực y khoa tâm thần, Nymphs là danh xưng để chỉ hiện tượng các cô gái trưởng thành trước tuổi, những cô gái tảo hôn, và những cô gái có bệnh ham muốn tình dục quá sớm.

 

 

Siren: siren là các nàng tiên có nửa thân trên là người, nửa thân dưới là cá. Người Việt gọi siren là ngư nữ. Theo thần thoại, các nàng siren có giọng hát rất mê hoặc. Người đi biển nếu nghe thấy tiếng hát của ngư nữ thì hoặc là mất óc định hướng khiến tàu đi lạc hoặc nhảy xuống biển với mỹ nhân rồi bị chết đuối. Chuyện siren rất phổ biến trong văn học dân gian, vì vậy chuyện đã được thêm thắt chi tiết tùy theo địa phương. Không những thế, cho đến thời nay vẫn còn nhiều người tin ngư nữ siren có thật. Nổi bật nhất là vào năm 2010, dân chúng tỉnh Kiryat, Do Thái, phao tin là họ thấy ngư nữ ngồi trên bờ biển. Sự việc ồn ào đến mức ông thị trưởng Kiryat phải trấn an dư luận bằng cách treo giải thưởng 1 triệu dollar cho ai đưa ra được bằng chứng về siren.

 

Helen thành Troy: nàng Helen là vợ vua Menelaus xứ Spartan. Sắc đẹp của cô đã khiến hoàng tử Paris thành Troy ở Hy Lạp say mê. Paris đã cướp cô rồi mang về Troy. Vua Menelaus tức giận tấn công Troy để đòi lại vợ. Chuyện của cô Helen tượng trưng cho những mối tình bi thảm trong nền văn chương cổ điển, nổi bật là đại tác phẩm Iliad của thi sĩ Homer. Cuộc chiến thành Troy (Trojan War) kéo dài trong 10 năm với hàng ngàn chiến thuyền và hàng ngàn anh hùng tử chiến. Cuối cùng thành Troy bị phá hủy và Paris bị giết. Sự dũng mãnh của những chiến sĩ trong trân chiến cũng tạo nên hằng ngàn kỳ tích trong văn chương. Ở đây chúng ta chỉ chú ý đến 3 điểm. Helen tượng trưng cho sắc đẹp làm đổ thành. Helen là nguồn gốc tạo ra phiên bản mới là nàng Venus, tức nữ thần ái tình, của La Mã. Gần đây trong giới tin học có con virus phá hoại được đặt tên là Trojan cũng bởi chuyện tích này.

 

 

Orpheus: tượng trưng cho mãnh lực của âm nhạc và nỗi đau thương của tình tuyệt vọng. Orpheus là dân xứ Thrace, chàng có giọng hát và tiếng đàn lia (lyre) mê hồn. Giọng hát không những quyến rũ con người mà còn làm mê mẩn cả chim muông, cây cối, và đá. Vợ của Orpheus chết vì bị rắn cắn. Chàng hát những bài quá sầu não đến độ rừng núi xúc động chỉ đường cho chàng xuống âm phủ tìm vợ. Tại đây tiếng hát rên siết của chàng lại khiến thần Hades (Diêm Vương) mủi lòng cho vợ chàng trở về dương thế. Diêm vương ra điều kiện trên đường đi, chàng không được ngó ra sau nhìn vợ cho tới khi tới mặt đất. Orpheus giữ lời hứa được ít lâu, rồi chàng không nghe thấy tiếng chân vợ theo sau nên hồ nghi quay lại nhìn. Thế là vợ chàng tan biến ra như làn khói vĩnh viễn cách biệt.

 

Themis: chúng ta thường thấy trước cửa tòa án có bức tượng hoặc tranh vẽ nữ thần Themis, vị thần tượng trưng cho công lý. Theo truyền thuyết, Themis thường chủ tọa để phán xét các thỏa hiệp của dân chúng. Biểu tượng của thần Themis là mắt che kín để không thiên vị, một tay cầm cái cân để giữ luật công chính, một tay cầm kiếm để giữ uy quyền.

 

 

 

Thần thoại Hy Lạp còn có rất nhiều thần với những ý nghĩa biểu tượng rất phong phú. Những câu chuyện giữa các thần vẫn còn là đề tài ăn khách cho giới điện ảnh Hollywood khai thác. Hiện tại Hy Lạp đang lâm vào cảnh khủng hoảng kinh tế. Tình trạng suy thoái đến nỗi nếu không có Liên minh châu Âu cứu giúp, chính phủ Hy Lạp có thể sụp đổ vì phá sản. Dù thế nào, văn hóa Hy Lạp đã và vẫn còn đóng góp rất nhiều cho nền văn hóa của nhân loại.

 

ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 1-8-2012)

 

Ghi chú: các hình minh họa trong bài đều có nguồn từ Internet nhưng không thể xác định nguồn gốc chính.

------

Tham khảo:

David Sacks. 1995. Ancient Greek World. Oxford University Press, New York.

Sean Sheehan. 2002. Ancient Greece. Publisher the J. Paul Getty Museum, Los Angeles, California.

Về tin nàng siren xuất hiện ở tỉnh Kiryat, xin coi thêm tại trang Web:

http://israel21c.org/culture/is-there-a-mermaid-in-kiryat-yam/

 

 


Copyright © 2010 - 2012 Trung hoc Kien Tuong Homepage