|
(Bắt đầu trích dẫn)
(*)
“Con người có cái mặt
là quan trọng nhứt. Thật vậy, nếu
lấy cái mặt bỏ đi, tất cả những gì
còn lại trên thân thể sẽ không dùng
vào đâu được hết và cũng không còn
tồn tại được nữa. Không có mũi để
thở, không có miệng để ăn… con người
không có cái mặt là kể như “tiêu
tùng”!
Trước khi “đào sâu”
cái mặt, xin mở dấu ngoặc ở đây để
“vinh danh” tiếng Việt: phần lớn
những gì nằm trên cái mặt đều bắt
đầu bằng chữ “m”,
trên thế giới chưa có thứ tiếng nào
như vậy hết!
Đây, nhìn coi: trên mặt có mắt, mũi, miệng (mồm),
má.
Ở “mắt” có mày, có mi,
có mí mắt, rồi mắt mụp, mắt
mọng nước, mắt mơ màng, mắt mơ mộng,
mắt mờ, mắt mù…
Qua tới “mũi”, ngoài “mùi” ra không
thấy chữ “m” nào khác dính vào. Có
lẽ tại vì cái mũi nó… cứng khư,
không… linh hoạt. Ấy vậy mà nó – cái
mũi – và “chân mày” (cũng kém linh
hoạt như cái mũi!) lại được đi kèm
với cái mặt để… hỗ trợ cho tiếng
“mặt”, trong từ ngữ thông thường:
“mặt mũi, “mặt mày”, làm như nếu nói
“mặt” không, phát âm nghe… trơn lùi,
nhẹ hểu không lọt lỗ tai! Cho nên
người ta nói “mặt mũi bơ phờ”, “mặt
mày hốc hác”, chớ ít nghe “mặt bơ
phờ, mặt hốc hác”.
Bây giờ tới “miệng”, thì có môi, có
mép, rồi mồm mép, môi miếng, miệng
méo, miệng móm, mím môi, mếu máo,
mấp máy, mớm, mút mấp…
Đến “má” thì ngoài “mụt mụn” chỉ có
“mi một cái ” là còn thấy chữ “m”
nhè nhẹ phất phơ…
Tiếng Việt hay quá!
Trở về với cái mặt. Ông Trời, khi
tạo ra con người, ban cho cái mặt là
một ân huệ lớn. Nhờ có cái mặt mà
con người nhận ra nhau, chồng nhận
ra vợ, con nhận ra cha, biết ai là
bạn ai là thù…
Thử tưởng tượng một ngày nào đó bỗng
nhiên không ai còn cái mặt nữa. Nếu
có sống được nhờ một sự nhiệm mầu
nào đó, thử hỏi con người lấy gì để
nhận diện nhau? Chồng vợ, cha con,
bạn thù gì đều… xà ngầu. Vậy là loạn
đứt!
Cho nên xưa nay, người ta coi trọng
cái mặt lắm. Có người còn nói: “Thà
chịu mất mạng chớ không bao giờ để
cho mất mặt”! Vì vậy, rủi có ai lỡ
lời chạm tự ái một người nào thì
người đó thấy bị… mất mặt, liền đưa
một nắm tay lên hăm he: “Thằng đó,
bộ nó giỡn mặt tao hả? Tao phải dằn
mặt nó một lần cho nó biết mặt tao”.
Rồi, bởi vì cái mặt nó… nặng ký như
vậy cho nên khi nói về một người
nào, người ta chỉ nhắm ngay vào cái
mặt của người đó để mà nói.
Nếu ghét thì gọi “cái bản mặt”. [Cái
mặt mà bẹt thì thiệt tình thấy chán
quá! Thường nghe nói: “Cái bản mặt
thằng đó tao coi hổng vô!” ]. Nếu
hơi khinh miệt thì gọi “cái bộ mặt”.
(“Thằng này có bộ mặt ăn cướp!”).
Còn khi thương thì cái mặt trở thành
“cái gương mặt”. (“Em có
gương mặt đẹp như trăng rằm!”). Chưa
hết! Khi nổi giận muốn… hộc máu,
người ta cũng chỉ nhắm vào cái mặt
của đối thủ chớ không chỗ nào khác
để “dộng một đạp” hay “cho
một dao” hay “phơ một phát” hay…
“tạt một lon a-xít”!
Con người, khi nhìn người khác, lúc
nào cũng bắt đầu ở cái mặt. (Chỉ có
người không… bình thường mới nhìn
người khác bắt đầu ở cái chân hay
cái bụng hay cái lưng!). Ở đó - ở
cái mặt – ngoài cái đẹp cái xấu ra,
còn hiện lên “cái mặt bên trong” của
con người. Các nhà văn gọi là “nét
mặt”, nghe… trừu tượng nhưng suy cho
kỹ nó rất đúng. Bởi vì chỉ có cái
mặt là… vẽ được cái nội tâm của con
người thật đầy đủ. Cho nên mới có
câu “Xem mặt mà bắt hình dong”. Hình
dong ở đây là cái hình dong giấu kín
bên trong con người, cho nên, trên
sòng bài, các con bạc thường “bắt
gân mặt” nhau để đoán nước bài của
đối thủ, cho nên mấy “giáo sư chiêm
tinh gia” lúc nào cũng liếc sơ cái
mặt của thân chủ trước khi nâng bàn
tay lên xem chỉ tay, để… định mức
coi “thằng cha này nó sẽ tin mấy
phần trăm những gì mình nói”!
Bởi cái mặt nó phản ánh con người
nên hát bội mới “dặm mặt” sao cho
đúng với cái “vai”.. Để khi bước ra
sân khấu, khán giả nhận ra ngay
“thằng trung, thằng nịnh, thằng
hiền, thằng dữ”… Ngoài đời, không
có ai dặm mặt, nhưng vẫn được người
khác “nhận diện” là: thằng mặt gà
mái, thằng mặt có cô hồn, thằng mặt…
mẹt, mặt mâm, mặt thớt, mặt hãm tài,
mặt đưa đám, mặt trù cha hại mẹ,
mặt… mo...”
(Hết trích dẫn)
|