Vu lan báo hiếu
Hôm nay là Rằm tháng 7. Đây là một trong những
ngày rằm lớn và quan trọng nhất trong năm của Phật tử. Rằm tháng 7
là chính nhật của mùa lễ hội Vu lan báo hiếu mẹ cha.
Thiệp Vu lan 2012 của Thanh Hà.
Lễ Vu lan có xuất xứ từ truyền thuyết về Bồ tát
Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu
Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói
chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.
Từ điển bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia
giải thích: Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện
thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua
đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt
phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác
nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem
cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên
mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho
các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã
hóa thành lửa đỏ.
Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ,
Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ
sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp
mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích
hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải
thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ
cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu-lan ra đời.
Theo tập quán lâu năm, khi dự lễ báo hiếu tại
chùa, thập nam tín nữ được cài lên ngực mình một đóa hoa hồng: ai
mất mẹ cài hoa màu trắng, người còn mẹ cài hoa màu đỏ. Đây cũng là
một cách để nhắc nhở những ai có may mắn và hạnh phúc cài hoa hồng
màu đỏ hãy tận tâm báo hiếu mẹ mình khi người vẫn còn sống bên mình
trên thế gian này.
Năm 1962, Thiền sư Nhất Hạnh đã viết bài “Bông
hồng cài áo” thuyết giảng về đạo Hiếu và trở thành một áng văn
chương Vu lan nổi tiếng. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã từ tác phẩm này viết
nên bài hát “Bông hồng cài áo” bất hủ.
Rằm tháng 7 cũng là ngày Xá tội vong nhân của
phong tục Á Đông. Theo truyền thuyết, vào ngày này, mọi tù nhân ở
Địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an
lành. Theo tín ngưỡng dân gian, đây là ngày mở cửa ngục, ân xá cho
vong nhân nên có lễ cúng Cô hồn (vào buổi chiều ngày 16) cho các
vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên
Dương thế thờ cúng.
Thật ra, ngày Vu lan không chỉ dành riêng cho
mẹ. Đây là ngày để mọi người được nhắc nhở và có cơ hội để thể hiện
lòng hiếu thảo, sự báo đáp ân nghĩa của tứ thân phụ mẫu.
Thiệp Vu lan 2012 của Thanh Hà.
Xin chúc mừng và chung vui với các bạn vẫn còn
được hạnh phúc cài trên ngực áo bông hồng màu đỏ. Xin các bạn hãy
nhớ cho: những kẻ phải cài bông hồng màu trắng như tôi đang nhìn các
bạn với nỗi ân hận day dứt trong tận cùng tâm khảm vì mình đã không
phụng dưỡng, chăm sóc báo hiếu hết mức có thể được khi mẹ còn sinh
thời. Có thể viện cớ vì quá bận bịu với công danh sự nghiệp hay món
nợ cơm áo gạo tiền; cũng có thể do thờ ơ, xem nhẹ, hoặc nghĩ rằng mẹ
có thể sống đời với mình hay không biết trân quý hồng ân Trời ban
cho mình được có mẹ sống lâu hơn bên mình. Để rồi khi mẹ xuôi tay về
Trời, ta mới giật mình nhận ra rằng mình đã mất đi người mà mình yêu
nhất trong kiếp người này – một mất mát không có gì so sánh được.
Với tôi, nỗi ân hận này sẽ bám theo tôi trong suốt phần đời còn lại.
Xin đừng ai để bị như tôi…
phạm hồng phước
(Saigon ngày rằm tháng 7 Vu Lan, 31-8-2012)
●
Tác phẩm “Bông hồng cài áo” của Thiền sư Nhất Hạnh
● Bài hát "Bông hồng cài áo" của nhạc sĩ
Phạm Thế Mỹ
Ca sĩ Đông Đào
hát tại chùa Hoằng Pháp.
●
Bài hát "Bông hồng cài áo" (tân cổ giao
duyên)
Tân
nhạc: Phạm Thế Mỹ. Cổ nhạc: Thượng tọa Thích Huệ Thông. Ca sĩ: Thanh
Ngân. Vũ đoàn Hoa Mặt Trời.
|