Các ảnh của Trần Ngọc Bách và Phạm Văn Định.
Cô Thu quí mến,
Nếu tôi không lầm cô không có computer, không có “i-meo” và cũng
chưa bao giờ biết “lên nét”. Đối với tôi đó là nét đẹp thuần khiết
phúc hậu “Bến Tre” của cô. Tôi viết ít hàng thăm cô nhờ “Từ Đường”
cất giữ. Rồi ắt có trò ngoan nào đó sẽ bắn tiếng cho cô biết, để
khi quởn, cô thong thả vào Từ Đường đọc cười chơi. Hơn nữa tôi cũng
muốn tâm sự với Gia đình THKT tình bạn của chúng ta.
Em Phạm Văn Định mở đầu bài tường thuật về Bến Tre thăm cô Phạm Thị
Thu bằng câu: “Một sớm đầu thu…” khiến tôi cảm thấy một chút trùng
hợp: “Mùa thu nào đưa người đi biền biệt. Mùa thu nào đưa người về
thăm Bến Tre”. (*) Vợ chồng chúng tôi xa cô kể ra cũng đã 40 mùa
thu, thời gian tuy dài mà vẫn ngắn như mới hôm qua.
Có thể nói, nhờ ký sự của hai em Trần Ngọc Bách và Phạm Văn Định,
chúng tôi cảm thấy rất gần với cô, vì thấy rõ cảnh sống hiền hòa của
cô. Không những thế, nhìn tấm hình chụp cô và các bạn trước thềm
nhà, tôi thấy tất cả chúng ta rất gần nhau. Các vị thầy cô đến sau
chúng ta như thầy Nguyễn Văn Hòa, thầy Ngô Bảo Toàn, thầy Trần Văn
Thới, thầy Ngô Văn Rí,… tôi chẳng thấy một chút xa lạ nào. Tôi có
thể đọc tên từng người trong hình vanh vách chẳng cần lời chú thích
dưới hình. Em Định cho biết các thầy cô đều vui vẻ và tươi trẻ hơn
cách đây vài năm. Tôi tin là tình bạn và tình sư đệ THKT đã chuyển
hóa tâm hồn mọi người. Nó xóa tan sự vụn vặt của thời gian và cuộc
thăng trầm của dòng đời. Khoảng cách 40 năm hay nhiều hơn thì cũng
chẳng nhằm nhò gì, vì tình bạn và nghĩa thầy trò nằm bên ngoài thời
gian. Trong thoáng mơ mộng tôi nghĩ thầm, chúng ta đã họp mặt đủ,
giá mà chúng ta mở lại một trường học, rồi các em học sinh cụ này
đều vào lớp như xưa, chắc mọi người đều trẻ lại và ngây thơ thật
tình chứ không giỡn.
Tôi nhìn căn nhà của cô trong những tàng cây, tôi nghĩ thầm “té ra
miệt vườn là như vầy. Thích quá! Chỗ này để sống trong cảnh hưu thì
thật là lý tưởng.” Thế là cả một cảnh phương Nam hiện ra trong trí
tôi. Con đường nhỏ xi-măng dẫn đến nhà cô trước kia hẳn là con đường
đất. Chiều chiều có ông Tư tay cầm chai “rụ” đi loạng choạng chân
nam đá chân xiêu (**) ca vọng cổ om xòm. Hai bên đường đi có những
cây, mà tên của chúng nghe ra thì quen tai, nhưng nghĩa thì rất lạ
như cây cọ, cây chà, cây sả, cây bí, cây bần… Tối tối có bọn trẻ nít
chơi trong sân hát đồng dao: “ Kỳ nhông là ông kỳ đà/ Kỳ đà là cha
cắc ké/ Cắc ké là mẹ kỳ nhông/ Kỳ nhông là ông ...” Mà ban đêm nhà
cô có tiếng tắc kè kêu không? Ôi cái cảnh chim trời cá nước rau
vườn mới êm đềm và thanh bình làm sao.
Các thầy cô và các trò hẹn nhau đi viếng thăm cô là một lương duyên
mùa Thu. Cuộc họp mặt này so với cuộc họp tân niên hàng năm tuy có
khác nhau về hình thức nhưng số người qui tụ và ý nghĩa cũng như
nhau. Cũng do duyên Thu, trong chuyến xe hôm đó chở mọi người về
Bến Tre, em Bách chuyển phone di động của em cho quí thầy cô để đàm
thoại với vợ chồng tôi. Tôi đã được dịp cười với các thầy Đoàn Văn
Nhiêu, Lưu Văn Nhu, Bùi Trung Tính, Nguyễn Trọng Hòa và thầy Nguyễn
Văn Hòa. Tôi cũng được dịp nói chuyện với cô Hoàng Tthị Cẩm Thạch và
cô Tô Ngọc Thạnh. Như vậy đến thăm cô kỳ này coi như cũng có mặt vợ
chồng chúng tôi đấy nhé. Riêng tôi, tôi muốn đề cao cô Thạnh vì cô
nói, “Bên phía các thầy, Trang là người hiền nhất.” Chả biết có ai
té ngửa khi nghe lời phán này không. Xin lỗi, chính tôi cũng mới
được nghe lần đầu. Tôi muốn thêm vào câu nói của cô Thạnh, “Bên các
thầy và các cô, cô Phạm Thị Thu là người chất phác phúc hậu nhất.”
Bạn của cô
Trang và Thủy.
ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 6-9-2012)
---------
(*) Nguyên văn lời nhạc bài “Thu hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển:
Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt.
Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa.
(**) theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, nguyên văn câu
thành ngữ là “chân đăm đá chân chiêu”. Đăm, tiếng Việt cổ, nghĩa là
bên phải. Chiêu, tiếng Việt cổ, nghĩa là bên trái. Câu thành ngữ mỉa
mai người say rượu đi vẹo vọ chân phải đá chân trái.
Thu hát cho người. Sáng tác: Vũ Đức
Sao Biển. Ca sĩ: Lệ Thu