Chuyện
đời thường
Vì là người xa xứ, thỉnh thoảng tôi phải “lên
nét” đọc vài website bên nhà để cập nhật ngôn ngữ. Tôi muốn “chất
lượng” tiếng Việt của mình được “nâng cấp” cho hợp với cách ăn nói
thời “a còng”. Một hôm tình cờ tôi thấy mục “Những hình ảnh độc chỉ
có ở Việt Nam” kèm theo lời quảng cáo “cười bể bụng”. “Truy cập”
mạng, tôi thấy đa số chúng là những hình chụp hoạt cảnh sống thật
của đời. Xem ra thì chúng cũng có cái gì đó khác đời, nên trở thành
tức cười. Tôi chọn vài tấm hình thuộc loại độc “khó đỡ”, ít nhất đối
với tôi, để chúng ta cùng xem, nếu “không xem thì hơi phí”.
Chẳng hạn vài cảnh dưới đây với chủ đề: khóa kỹ
cho chắc ăn.
Bạn đã cười chưa? Nếu bạn chưa thấy tức cười
thì xin coi thêm một hình nữa:
Cười chưa? Nếu vẫn chưa cười thì xem thêm một
hình nữa. Hình chót à nhen:
Đến đây nếu bạn vẫn chưa cười được thì… Tôi
không dám nói là bạn có vấn đề “tâm thần”, nhưng hẳn bạn phải có lý
do nào đó khiến miệng bạn không thể nhếch ra được.
Để chắc ăn, tôi gửi ba tấm hình trên cho 2
người bạn ở bên nhà rồi hỏi họ, “Chúng có phải là cảnh độc không?”
Cả hai người đều cho biết đây là “chuyện nhỏ thường ngày ở huyện”,
chúng chả có gì đáng gọi là độc. (*)
Nhận được lời giải thích của hai bạn, tôi thấy
những hình trên hết còn tức cười. Bởi vì chúng không phải là những
“xì tai” độc hay những cái “trật đường rầy”. Chúng là cảnh đời
thường. Có nghĩa là những vật dụng ấy, khi chủ nhân vắng mặt, tất
nhiên chúng phải bị khóa như thế.
Nhưng tại sao chủ nhân của chúng lại phải kỹ
lưỡng đến mức ra “chiêu độc” như vậy? Họ quan trọng hóa vấn đề
chăng? Anh bạn tôi giải thích: “Cái khó ló cái… mó”. Những cái chẳng
đáng gì, nhưng vẫn có người “cầm nhầm” vì họ không có. Chẳng qua,
dưới nhãn quan của những người “có”, cách cố thủ tài sản chặt chẽ
như thế khiến họ tức cười. Cái gì khác với nhịp sống của họ thì bị
coi là trật đường. Điều này cũng tựa như những người to cao cười anh
chàng lùn tịt, vì hình dạng anh ta trật ly tấc. Nhưng mà, anh lùn
chẳng thấy mình tức cười chút nào.
Ngẫm lại những cảnh trên chẳng thể kết chuyện
bằng một tiếng cười xòa kèm theo một cái nhún vai. Những vật dụng
“được” khóa đã biểu lộ một tâm trạng tự vệ trong nội tâm của chủ
chúng. Đó là nỗi ám ảnh lo sợ mất mát cái tối thiểu cần phải có để
sinh tồn. Nó nảy sinh ra ý thức đề cao cảnh giác thường trực hiện
hữu từng giây từng phút suốt đêm ngày. Tâm trạng lo sợ đó đã bắt đầu
từ khi họ có ý thức sở hữu và nay đã trở nên mãn tính. Nó trở thành
nền tảng hậu trường của cuộc đời. Để rồi họ sống thuận với nó lẫn
với hơi thở hàng ngày một cách vô tư. Vô tư đến mức họ không còn
thấy điều ấy là bi đát và không bao giờ thắc mắc. Chúng chỉ là
“chuyện nhỏ” đời thường.
Tôi cũng thấy những vật dụng “được” khóa còn
biểu lộ một hy vọng thầm kín sâu xa. Đó là nhu cầu muốn được an cư.
Trên sân khấu cuộc đời, ai cũng có một vai trò để diễn, nhưng rút
vào hậu trường, ai cũng cần một khoảng không gian riêng tư và một
chút tư hữu. Người ta chỉ có thể cảm thấy an toàn khi được sống
trong khoảng không gian tư hữu nhỏ bé đó. Dù nó chỉ nhỏ bằng diện
tích đôi dép, nhưng nó là nơi ký ức họ tìm được nơi an trú. Vì vậy
có những cái người ta không thể nào mất nó, dù nó chẳng đáng gì.
Với tâm trạng đó, “người khó” oằn lưng hụt hơi
vác gánh nặng sinh tồn. Họ chỉ có thể tập trung tâm lực vào mỗi bước
đi loạng choạng từng ngày và tầm nhìn không dám vượt xa hơn một kiếp
người.
ĐỖ NGỌC
TRANG
(Elk Grove,
California, USA 19-10-2012)
----------
(*) Hai vị được hỏi ý kiến là thầy Ngô Bảo Toàn (Tân An) và em Trần
Ngọc Bách (Saigon). Coi như một người ở “huyện nhỏ” và một người ở
tỉnh lớn. Thầy Toàn giải thích thêm: “Cái khó ló cái … mó”.
|