|
Nơi
cầu vồng mọc
* Hồi ức
Trong cảm xúc của tuần lễ kính thầy, tôi nhớ
tới những vị thầy của tôi thời thơ ấu. Thuở tôi còn nhỏ, ba tôi là
quân nhân nên thường phải di chuyển nay đây mai đó. Đi đâu ba tôi
cũng mang gia đình theo nên chúng tôi chẳng khác gì dân du mục. Điều
này khiến việc học hành của tôi không được bình thường vì tôi phải
đổi trường thường xuyên. Nhưng nhờ vậy mà tôi có nhiều thầy và nhiều
bạn mới hơn những cậu bé bình thường cùng tuổi. Nhớ về thầy, tôi
cũng thấy hình bóng bạn học liên hệ đồng thời. Hẳn nhiên là như vậy.
Hồi nhỏ, sống trong thời ly loạn, tôi phải bỏ
rơi quá khứ để tận lực hướng về tương lai. Qua thời hậu chiến, xã
hội tiến hóa mau lẹ quá. Cuộc biến dịch hối hả lật nhào xã hội, rồi
đẩy cảnh cũ vào bóng tối của quá khứ. Vì vậy một nửa lịch sử đời tôi
là đống xà bần chìm sâu trong hố đen. Tất cả mọi cảnh vật trong thời
thơ ấu của tôi đều không còn dấu vết. Nay tuổi đã cao, hồi tưởng về
thầy xưa bạn cũ, tôi thấy họ bằng tâm hồn nhiều hơn là thấy bằng trí
nhớ khô cạn và lẫn lộn.
Thầy Đỗ Ngọc Trang - ông đồ THKT
Trong tâm hồn tôi, có vài mảnh vụn ký ức mập
mờ, mà đầu mối dẫn dắt thường khởi đầu bằng tiếng cảm khái: “Hồi
đó”… Hồi đó tôi ở Khánh Hội. Hồi đó Khánh Hội có những con kinh chạy
xuyên qua xóm. Hồi đó mỗi lần mẹ tôi “lên” Sài Gòn, mẹ đều đi xe
ngựa. Hồi đó tôi học lớp Nhất tại một trường công lập ở Khánh Hội.
Tôi không còn nhớ tên trường, nhưng tôi nhớ trường rất lớn và học
trò toàn là con trai. Hồi đó tôi phải đi bộ đến trường, dù trường
cách nhà rất xa. Hồi đó mỗi sáng đi học mẹ bắt đi xăng-đan. Đến nửa
đường, tôi gửi xăng-đan ở nhà bạn, để đi chân đất vào lớp cho giống
với các bạn học…
Hồi đó hệ thống giáo dục bắt phải có bằng tiểu
học mới cho lên trung học. Ba mẹ tôi sợ tôi không vượt qua nổi cửa
ải đó, nên cho tôi học lớp luyện thi tiểu học của một thầy dạy tư.
Thế là tôi được gặp thầy. Thời gian đã quá xa đến nỗi tôi không còn
nhớ tên trường. Hình như trường của thầy không có tên thì phải. Còn
tên của thầy, hồi đó có học trò nào biết tên thầy. Gọi thầy là
“Thầy” đã là quá đầy đủ. Dù có biết tên thầy cũng chẳng có “đứa” nào
dám nêu ra vì như vậy là hỗn láo. Lễ phép hồi đó là thế.
Trường học tư chính là căn nhà của thầy. Phòng
trong nhà được ngăn đôi. Gian lớn phía trước dùng làm lớp học. Gia
đình thầy ở gian buồng nhỏ phía sau, tuy nhiên muốn đi vào phòng đó
phải băng qua lớp học. Miếng đất vuông nho nhỏ trước nhà là sân
trường. Sân chơi quá bé nên chúng tôi, các anh lớp Nhất, thường phải
nhường cho các em lớp nhỏ. Chúng tôi thường ngồi chồm hổm ngoài bìa
sân ngó bọn “nít ranh” đùa nghịch trong sân. Trường học tuy chỉ có
một gian phòng nhưng có tới 3 lớp: lớp Nhất, lớp Nhì, và lớp Ba học
cùng giờ với nhau. Bàn thầy kê sát bên cửa ra vào. Sau lưng thầy là
sân trường. Bên trái thầy là chiếc cửa sổ duy nhất của phòng học.
Học trò lớp Nhất ngồi ở những dẫy ghế đầu, kế bàn của thầy. Lớp Nhì
ngồi sau lớp Nhất. Lớp Ba ngồi sau chót ở cuối phòng. Bây giờ nghĩ
lại, có lẽ các em lớp Ba đã phải ngồi trong bóng tối và chịu nóng
suốt cả niên học. Thầy tôi không già nhưng chắc cũng hơi “già già”
vì thầy phải đeo kính để chấm bài. Mỗi lần cần nhìn chúng tôi, thầy
không lấy kính ra, nhưng cúi mặt ngước mắt nhìn học trò qua trán
mình. Vì vậy kính thầy luôn luôn nằm trễ trên sống mũi. Thầy hầu như
ngồi ở bàn suốt ngày trừ trường hợp bất thường thầy cầm thước kẻ
xuống lớp đánh vào mông hay khẻ tay tên học trò có lỗi. Ngoài ra
thầy chỉ rời ghế nhằm ngày phải xuống cuối phòng đọc chính tả cho
lớp Ba.
Tôi học với thầy mới được ít lâu thì thầy nhìn
ra khả năng của tôi. Thầy chất vấn về tôi với anh học trò ngồi bàn
đầu kế bàn của thầy. Anh này học cùng lớp với tôi ở trường công,
nhưng là trưởng lớp nên được mọi người nể trọng. Tư cách của anh
chững chạc hợp rơ y chang với chức vụ nên tôi cũng ngài ngại khi gần
anh. Không ngờ anh học cùng lớp luyện thi với tôi. Sau khi nói
chuyện với anh, thầy kéo kính trễ xuống nhìn tôi, rồi nói to ngay
giữa lớp: “Trang, thầy biết luận văn mày khá, mày học lớp Nhứt,
nhưng toán mày kém quá, mày phải xuống lớp Nhì.” Tôi đỏ mặt đáp lí
nhí, “Dạ”. Chuyện này dĩ nhiên tôi không nói cho ba mẹ tôi biết. Tôi
quên không nói rõ, lớp luyện thi tiểu học chỉ có 2 môn: toán và luận
văn. Tôi cũng phải nói ngay, xin đừng hiểu lầm cách xưng hô của thầy
tôi. Thầy gọi tôi là “mày” nhưng đó là ngôn ngữ thân mật của người
miền Nam. Tiếng gọi gần gũi và thân thương như tiếng cha gọi con.
Từ đó cứ đến giờ toán là tôi “xuống” lớp Nhì.
Lúc đầu tôi cũng thấy êu mặt, nhưng sau thì quen đi. Tôi không nhớ
rõ đã học như vậy trong bao lâu, tôi chỉ nhớ tự nhiên tôi trở thành
giỏi về hai loại toán đố. Một loại là tính giờ hai xe chạy ngược
chiều gặp nhau. Loại toán thứ hai là tính giờ của các vòi nước chảy
vào hồ. Dĩ nhiên là hễ nhiều vòi chảy thì thời gian đầy hồ ngắn đi.
Ấy thế mà nhiều bạn tính không ra. Ngoài hai loại toán này bắt làm
loại toán khác, tôi cũng xoàng như các bạn cùng lớp. Rồi một hôm
thầy lại kéo kính trễ xuống, kêu tên tôi giữa lớp học: “Trang, bây
giờ mày mầng toán khá rồi, mày lên lớp Nhứt học mày.” Tôi lại đỏ mặt
lí nhí thưa: “Dạ”. Lên lớp Nhất, tôi vẫn tiếp tục là tay giỏi về hai
loại toán trên. Lạ thay, thầy rất ưa ra toán hai vòi nước và hai xe
chạy ngược chiều, vì vậy tôi luôn luôn là một trong vài bạn nộp bài
trước. Mỗi lần như thế, thầy cho chúng tôi ra sân chơi chờ các bạn
khác chưa làm bài xong, cho hết giờ toán.
Những lúc được ra chơi sớm như vậy, tôi thường
thấy mấy em gái lớp Nhì đang nhảy dây. Thế nào trong số ấy cũng có
em Mộng Lan. Mộng Lan là người lý lắc và có cá tính đặc biệt khiến
tôi không thể quên. Một hôm thầy gọi Mộng Lan lên bàn thầy. Vì ngồi
ở trong kẹt kế vách tường nên Mộng Lan phải chui xuống dưới gầm
chiếc bàn dài mà bò ra. Đợi lâu sốt ruột, thầy la to: “Cái con
‘Lang’ này nó mọc ‘Mộng’ rồi hay sao mà chậm quá zậy.” Cả lớp cười
ầm lên. Mộng Lan chui ra khỏi bàn, rồi tới bàn thầy, em dõng dạc
nói: “Tên con là Lan không phải Lang. Mộng Lan…” Cả lớp càng cười
lớn hơn vì em nói chữ Lan nhái theo giọng Bắc. Sau này mỗi khi viết
văn, nếu có một nhân vật nữ nào trong chuyện, trí tôi đều bật ra tên
Mộng Lan.
Về anh bạn trưởng lớp mà tôi nhắc tới ở trên,
anh có một cá tính đặc biệt là dùng tiếng “trò và tui” khi nói
chuyện với chúng tôi. Trong khi đó chúng tôi đều xưng hô “mày tao”
với nhau. Trên đường từ trường về nhà, tôi phải đi ngang qua một sân
vận động. Đó là nơi tôi thường tụ lại với bạn bè để đá banh. Một
hôm, tôi bị vướng vào cuộc đánh lộn với đội banh thua trận, bỗng anh
trưởng lớp ở đâu lại gần nghiêm nghị nói: “Nếu mấy trò không ngừng
đánh lộn, tui sẽ méc thầy.” Mọi người đều ngưng tay. Ai cũng hiểu
ngầm ông thầy anh nhắc tới là thầy dạy lớp luyện thi vì thầy ưa đánh
học trò bằng thước kẻ. Riêng tôi, tôi thấy mọi người ngừng tay vì
anh có cái uy ra lệnh cho người khác thì đúng hơn. Tôi đứng lên lẽo
đẽo đi theo anh, thấy anh im lặng, tôi hỏi: “Trò đang nghĩ gì thế?”
anh đáp: “Tui đang nghĩ đến đề luận thầy mới ra.” Tôi không còn nhớ
đề luận văn thầy ra là gì. Tuy nhiên, thông thường chẳng có ai như
anh, tan học rồi trên đường về nhà mà còn bận tâm về cái đề luận văn
chưa tới ngày nộp bài.
Cuối niên khóa đó, tôi thi đậu tiểu học. Bài
toán của kỳ thi không những tôi làm trúng phóc mà còn dư giờ. Bây
giờ hồi tưởng lại chuyện xưa, tôi thấy công của thầy kể sao cho hết.
Thầy đã cúi xuống đặt tay vào điểm yếu đuối của tôi để nâng tôi dậy.
Cuối năm đó, gia đình tôi từ biệt Khánh Hội để di chuyển lên Đà Lạt.
Từ đó cho đến nay tôi chưa có lần nào trở về Khánh Hội. Tôi cũng
muốn cám ơn Mộng Lan, tuy chưa bao giờ tôi dám làm quen, nhưng tôi
đã mượn tên cô rất nhiều lần. Cô đã cho tôi kinh nghiệm về sự tôn
trọng phẩm giá của mình. Nó là điểm khởi đầu để con người vượt thân
phận phàm tục của mình. Tui cũng cám ơn trò trưởng lớp đứng đắn. Trò
đã cho tui thấy những ký hiệu đầu tiên về kẻ sĩ. Kinh nghiệm đơn sơ
về nét thiện mỹ nhân văn đã từ thầy và hai bạn trao cho tôi từ thuở
ấu thơ.
Nguồn minh họa: Internet
Tất cả những xô đẩy của cuộc sống không nhận
chìm nhân phẩm của một số người đã qua trong đời tôi. Những vị đã
tạo cho tôi một cơ bản khởi đầu để từ đó phẩm giá của tôi nên khuôn
hình. Đức của các vị sáng như hào quang của chiếc cầu vồng trong bầu
trời đầy mây xám. Ấn tượng này dội vào tiềm thức của tôi. Cầu vồng
đẹp nhưng huyền ảo, tưởng gần nhưng rất xa. Ấn tượng của ký ức cũng
vậy, rất thật nhưng mơ hồ như sương khói. Tuy nhiên mối cảm nghiệm
thì rất rõ ràng.
Hôm nay, với số tuổi của thầy, hẳn là thầy đã
đến ở nơi cầu vồng mọc. Trong ngày tôn sư trọng đạo, tôi muốn thưa
với thầy của tôi rằng: “Thưa thầy, dù lớp học của chúng ta không còn
trên thế gian này nữa, con mãi mãi vẫn là học trò của thầy”.
ĐỖ NGỌC
TRANG
(Elk Grove,
California, USA 19-11-2012)
|