dnnp - kiến đen

 

 

Tri ân người khai sáng

 

 

Người thầy còn được gọi là người khai sáng. Chẳng cần phải giải thích theo nghĩa Hán Nôm, chỉ bình dân học vụ cũng hiểu đó là người giúp cho đầu óc ta hết u tối. Loài người cần được khai hóa để văn minh, và cần được khai sáng để làm người.

 

Ta có vô số những lời hay ý đẹp về giá trị của người thầy và cái sự học hành.

Từ kiểu nói dân giã của người Việt như:

- Không thầy đố mày làm nên.

 

Cho tới văn vẻ hơn như:

- Ngọc kia không giũa, không mài

Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi.

 

Hay xổ nho chùm:

- Ngọc bất trác, bất thành khí.

Nhân bất học, bất tri lý

(Trước 1975 ở Saigon có kẻ tào lao đã thêm câu thứ ba: “Nhỏ không học lớn làm đại úy”. Mà đại úy đâu tôi không biết chớ tôi từng quen biết một vị chuẩn úy già chỉ biết có cái chữ ký với hình con chim bồ câu.)

 

Có người tạt ngang: “Thiếu gì kỹ sư, cử nhân đang bị thất nghiệp kìa!” Mà đâu phải chỉ có dân tốt nghiệp đại học mới lâm vào cảnh không tìm được việc, ở Singapore từng có một tiến sĩ phải chạy taxi.

 

Nhưng đó là vì người ta có thói quen gán ghép chuyện học với kiếm tiền: học để kiếm tiền. Trong thời buổi kinh doanh cả giáo dục (một trong những lĩnh vực dễ hốt bạc) và khi xã hội dựa trên tiền bạc, học được coi như một phương tiện để kiếm tiền và để có vị thế xã hội. Để câu học trò, hầu hết các cơ sở giáo dục đều quảng cáo nhấn mạnh tới chi tiết: học xong sẽ làm được chức này, việc nọ rủng rỉnh tiền bạc.

 

Trong khi đó, bản chất và mục đích chính của giáo dục là trang bị tri thức. Còn chuyện nhờ có tri thức tốt mà kiếm được nhiều tiền lại là khía cạnh khác. Nó đơn thuần chỉ là một kết quả của việc dày công học hành.

Một người bạn trên Facebook lấn cấn với chuyện một số bạn bè sinh viên của mình bỏ học nửa chừng trước thực tế phũ phàng là có những người tốt nghiệp đại học ra làm việc lương thấp hơn công nhân. Bạn hỏi một câu xốn xang: “Cháu có nên tiếp tục học hay không?”

Từ kinh nghiệm máu xương của đời mình, mà không thể quay lại để sửa chữa, tôi chỉ có thể nói rằng: HỌC, CẦN PHẢI HỌC BẰNG MỌI GIÁ. Không có điều kiện thì cố xoay xở để có điều kiện tối thiểu đủ để học, không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội học tập nào. Chuyện lương thấp, luơng cao, chỗ tốt, chỗ xấu nó thuộc phạm trù xã hội, là khía cạnh khác. Mà không chỉ xứ ta hay đời nay mới có đâu. Suy cho cùng, lương là sự trả công nên nó tùy theo công sức và năng lực của từng người trong một môi trường nào đó. Các bạn trẻ cứ an tâm mà học tới nơi tới chốn, học cho thật nhiều, học tới lúc chẳng biết gì để học thêm nữa. Vốn tri thức đó sẽ đem lại nhiều lợi ích cho ta cả đời đó. Học cũng giống như của để dành, tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn, tích chữ phòng thân. Đừng vì những cái ổ gà trước mắt (thậm chí ổ voi) mà bỏ cuộc không tới được high-way thênh thang ở phía trước.

Nếu không được học hành đàng hoàng, ít nhất là đạt các chuẩn của xã hội, ta sẽ bị thiệt thòi cả đời. Có thâm niên lắm, giỏi lắm thì cũng chỉ tới level “chiến sĩ trưởng” là đội plafond (trần nhà); không thể lên được “sĩ quan” đâu.
 

John Adams (1735 - 1826), luật sư, chính khách, nhà ngoại giao, nhà lý luận chính trị và tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ, nói rằng: “Có hai kiểu giáo dục. Một kiểu dạy chúng ta làm thế nào để sống, và kiểu còn lại dạy chúng ta phải sống như thế nào.”

 

Sứ mạng cốt lõi của giáo dục vẫn phải là dạy cho con người làm người. Giáo dục bao gồm 2 vế: trang bị tri thức để người ta có thể sống và dạy cho người ta biết cách sử dụng các tri thức đó để sống. Càng sống lâu, tôi càng nghiệm ra tầm quan trọng của sự học cho cuộc sống của mình. Người có học sẽ có đủ tri thức và kỹ năng để xử lý những vấn đề của cuộc sống. Ngay chính bản thân tôi, do hoàn cảnh nên không được học tới nơi tới chốn, chủ yếu tự học kiểu “ba rọi”, nhiều khi thấy rõ là mình bị “đuối”. Tôi hiểu rằng nếu được học đàng hoàng, bài bản, tôi có thể tự mình giải quyết nhiều trường hợp nan giải. Kinh nghiệm cho thấy, người ta có thể tự học để có một trình độ tri thức phổ thông nào đó, nhưng không thể tự mày mò để có được một tay nghề ra tấm ra cám – nghề càng tinh vi, càng phức tạp, càng cần phải được học có bài bản.

 

Không kể một số ít những kẻ thuộc loại “chó nhảy bàn độc” hay “gặp thời thế”, người ta có được một vị thế xã hội, có được một nghề nghiệp chuyên môn đều là nhờ được học hành đàng hoàng. Kỹ sư, bác sĩ, kiến trúc sư, thạc sĩ, tiến sĩ,… đâu có từ lỗ nẻ chui ra.

 

Nguồn minh họa: Internet.

 

Trong sách Quốc văn giáo khoa thư ngày xưa có kể giai thoại Tổng thống Pháp Marie François Sadi Carnot thăm thầy giáo cũ của mình. Một lần về thăm quê nhà, khi đi ngang qua trường học ở làng, trông thấy ông thầy dạy mình lúc bé, bây giờ đã đầu tóc bạc phơ, đang ngồi trong lớp dạy học, ông bèn ghé vào thăm trường và chạy ngay lại trước mặt thầy giáo, chào hỏi lễ phép mà nói rằng: “Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?”. Rồi ông ngoảnh lại khuyên bảo học trò rằng: “Ta bình sinh, nhất là ơn cha, ơn mẹ, sau ơn thầy ta đây, vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay”.

 

Cha mẹ có công sinh ra ta LA NGƯỜI. Thầy cô có công dạy dỗ ta THÀNH NGƯỜI. Ở chế độ phong kiến ngày xưa, xã hội đặt người thầy lên vị trí số 2, chỉ sau vua (quân sư phụ). Dân gian từ cổ chí kim vẫn khẳng định: công SINH không bằng công DƯỠNG (bao gồm cả nuôi và dạy).

 

Tất nhiên, có thầy, ta vừa kính, vừa yêu; có thầy, ta kính nhưng không yêu; thậm chí có thầy, ta gọi là thầy chỉ vì thầy có thân phận như thế. Nhưng có hề gì. Thầy không dạy ta thì dạy bạn ta, thậm chí dạy đồng hương, đồng loại của ta. Hơn nữa, thầy cũng chỉ là con người, mà con người thì có đủ hỉ nộ ái ố, nhân vô thập toàn.

 

Hôm nay, tôi ngồi ở đây viết được những dòng tâm tình này cũng là nhờ được học từ biết bao thế hệ thầy cô – kể từ chập chững vỡ lòng… Và cuộc sống bắt buộc tôi phải tiếp tục học cho tới cuối đời – kể cả học làm sao để khi mình rũ bụi trần ai vẫn còn có người nhớ tới mà thắp một nén hương và học làm sao để có thể an nhiên tự tại về trình diện Đấng Tối cao.

 

Tôi tri ân không chỉ các thầy cô dạy dỗ mình, mà còn tri ân cả các thầy cô của các con cháu mình. Không có biết bao công lao tâm huyết của các THẦY CÔ, chúng tôi chẳng thể THÀNH NGƯỜI.

 

phạm hồng phước

(Saigon, ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2012)


 

 


Copyright © 2010 - 2012 Trung hoc Kien Tuong Homepage