dnnp - đỗ xanh

 

 

 

Năm Tỵ thử tìm hiểu về "biểu tượng rắn"

 

Con vật cầm tinh cho năm nay, tiếng Việt gọi là rắn, tiếng Hán Việt gọi là xà, vậy “tỵ” là cái gì và ở đâu “chui” ra? Các học giả cho rằng “tỵ” xâm nhập vào nước ta vào thời Đường Tống, do phát âm theo ngôn ngữ Môn-Khờme gọi rắn là “si” hay “zi”. Mới nói đến cái tên gọi, rắn/tỵ/xà đã biểu lộ cái bản sắc đa văn hóa phức tạp của nó. Đúng thế, rắn có mặt trong tất cả các nền văn hóa từ Đông qua Tây, nhưng đã vượt khỏi hữu thể vật lý, để chuyển qua những biểu tượng đầy sáng tạo của thế giới huyền thoại. Mỗi địa bàn bộ tộc, mỗi nền văn hóa, đều có một cảm nhận riêng về rắn. Một điểm chung nơi các nền văn hóa là sự xác nhận rắn đã góp mặt ngay từ buổi sáng thế, trước khi có loài người. Từ đó rắn đồng hành với con người trong suốt dòng lịch sử nhân loại. Tôi xin giới thiệu một số biểu tượng phức tạp của rắn.

 

Biểu tượng xấu ác

 

Theo sách Sáng Thế của Kitô giáo, quỉ dữ Satan dưới dạng con rắn quyến rũ bà Eva ăn trái cây mà Thiên Chúa cấm ăn. Chúa phạt đuổi vợ chồng Adam và Eva ra khỏi vườn địa đàng. Còn rắn bị phạt khi di chuyển phải bò lết bằng bụng. Từ sự tích đó, người ta dùng hình ảnh con rắn bên trái táo làm biểu tượng cho sự cám dỗ. Phật giáo cũng cho rắn là xấu, nên có câu “khẩu Phật tâm xà” (Phật ngoài miệng, rắn trong lòng). Trong văn chương có câu, “xà hiết tâm trường” (lòng dạ độc như rắn và bò cạp). Người hay xúi xiểm thì gọi là “xà thiệt” (lưỡi rắn). Người Việt mình nói rắn mặt, hay rắn mắt, cõng rắn về cắn gà nhà… đều có ý xấu.

 

Biểu tượng tốt thiện

 

Đối với một số nền y học sơ khai, rắn có khả năng chữa bệnh. Theo sách Xuất Hành của Kitô giáo, khi dân Do Thái bị bắt làm nô lệ ở Ai Cập. Thủ lãnh dân Do Thái là ông Mô Sen, nhân danh Thiên Chúa, yêu cầu vua Pharaoh tha cho dân Do Thái về nước. Để biểu lộ uy quyền Thiên Chúa, Mô Sen ném cây gậy xuống trước ngai Pharaoh. Cây gậy biến thành con rắn. Về sau Pharaoh cho dân Do Thái ra đi tự do. Khi họ vượt sa mạc, một số người bị thiệt mạng vì bị rắn cắn. Thiên Chúa bảo ông Mô Sen làm con rắn bằng đồng treo lên cây gậy, hễ ai nhìn vào con rắn sẽ khỏi bệnh. Hình ảnh con rắn quấn trên cây gậy là thủy tổ của biệu tượng y khoa ngày nay.

 

Đối với Phật giáo rắn là biểu tượng của bảo vệ. Ý tưởng này bắt nguồn từ sự tích Đức Phật Thích Ca khi ngồi nhập định có rắn Naga phùng mang như cây dù che mưa nắng cho ngài. Naga tiếng phạn nghĩa là rắn lớn. Các chùa ở Cambodia và Thái Lan đều có tượng rắn Naga như một hình thức vị la hán bảo vệ chùa. Naga là rắn 5 đầu, nhưng có nơi Naga có nhiều hơn 5 đầu.

 

 

Biểu tượng triết lý

 

Theo văn hóa Ai Cập và Hy Lạp, khái niệm vĩnh cửu được gọi là ouroboros. Biểu tượng ouroboros là con rắn cắn đuôi làm thành một vòng tròn. Cái chấm dứt (đuôi rắn) lại trở lại cái bắt đầu (đầu rắn). Vĩnh cửu không phải là một đường thẳng kéo dài mà là một vòng tròn. Nơi đó không có điểm khởi đầu và diểm tận cùng. Toàn thể là cuộc tái hoàn vô lượng kiếp.   

 

Sau này người ta phối hợp ý tưởng vĩnh cửu với  ký hiệu vô hạn (infinity) của toán học để tạo thành rắn số tám nằm ngang.

 

 

Biểu tượng tôn giáo

 

Lòng nguyện ước an trú trong thiên nhiên và thăng tiến nhân cách đã tạo nên đời sống tâm linh. Dựa vào sự kiện rắn lột xác, các dân Ai Cập, Trung Hoa, và Aztecs (một giống thổ dân ở Mexico) cho rắn là thần ban sự sống (Giver of Life). Đặc biệt dân Aztecs thờ rắn Quetzalcoatl (đọc là quét-gia-cốt-tần) là rắn có lông chim, một biểu tượng mang 3 ý niệm về đất đai, mưa gió, và sự sống.

 

 

Cùng một ý niệm đấng ban sự sống, người cổ Maya cho vũ trụ được thành lập bởi vị rắn thần. Rắn này cũng gọi là quetzalcoatl nhưng không có lông chim mà có 2 đầu. Một đầu là thần sao mai, đầu kia là thần sao hôm. Tất cả các tinh tú trên bầu trời vận chuyển theo những con đường trên thân rắn.

 

Description: http://2.bp.blogspot.com/-v4v7Qx6ydbE/TeyrpFGTf2I/AAAAAAAAAGo/iFhAjQxTpxU/s1600/aztec+serpent+with+two+heads.jpg

 

Biểu tượng huyền thoại

 

Nhiều người cho huyền thoại là những chuyện không thật do mê tín dị đoan tạo ra. Các nhà nhân chủng học và dân tộc học không nghĩ như vậy. Họ nhận định rằng huyền thoại biểu lộ ước vọng con người muốn kết hợp với vũ trụ. Khi vũ trụ chuyển động bằng những lực thần bí như tinh tú, sấm sét, v.v… thì người thời cổ thấy đó là những vị thần. Vì không thể diễn tả thần linh bằng ngôn ngữ minh bạch nên họ phải cô đọng những ý niệm trong biểu tượng. Do đó huyền thoại là loại kiến thức do cảm nhận (knowledge by acquaitance) khác với khoa học là kiến thức do giảng giải (knowledge by description). Thuyết chức năng (Functionalist theory) cho rằng huyền thoại là công trình giải thích vũ trụ nhằm cung ứng kiến thức cho đòi hỏi sinh tồn của con người. Vì vậy đối với huyền thoại không có vấn đề đúng hay sai. Chẳng hạn người Việt mình đâu có ai phê bình huyền thoại Rồng Tiên là đúng hay sai.

 

Huyền thoại về rắn có rất nhiều sự tích. Chúng là những hình ảnh chuyển hóa từ tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử, và truyền thống dân tộc mà thành nên rất phức tạp. Vì mỗi hình ảnh mang một sắc thái riêng, nên tôi phải nói riêng từng biểu tượng một.

 

Rắn Wadjet

 

Vương niệm của các pharaoh (vua Ai Cậy) có tượng rắn hổ mang gọi là Wadjet (đấng màu xanh). Wadjet là thần hộ mạng cho vua được sống trường cửu, khỏe mạnh, và quí phái. Wadjet trở thành biểu tượng cho vương quyền, cũng giống như dân Đông Nam Á dùng rồng để tượng trưng cho vua.

 

Description: http://1.bp.blogspot.com/-lb-9lldR4-Q/T3iRso7qIhI/AAAAAAAAA7E/YVJlTAW04uU/s1600/images-7.jpg

 

Rắn Naga

 

Ở đoạn trên, chúng ta đã biết về mặt tôn giáo, rắn Naga có 5 đầu và được coi như vị thần bảo vệ Phật pháp. Tuy nhiên về mặt huyền thoại ở Thái Lan và Cambodia rắn Naga còn là vị tiên nữ xinh đẹp. Hai vị vua khai sáng của hai quốc gia này đều có hoàng hậu là Naga. Vì vậy tất cả các vua ở hai quốc gia này đều là con của tiên nữ Naga.

 

Description: Image

 

Rắn Ananta

 

Theo đạo Bà la môn, Ấn Độ, có 3 vị thần tối cao sáng tạo ra vũ trụ. Tam thần sáng thế gồm có thần Brahma là đấng ban sự sống, thần Shiva là thần hủy diệt, và thần Vishnu là thần cân bằng hai đối lực sinh/diệt để duy trì và bảo vệ sự sinh tồn. Thần Vishnu da màu xanh, có 4 tay. Thần Vishnu thường hóa thân thành một dạng khác là rắn Ananta có nhiều đầu. Rắn Ananta tạo những kỳ công vĩ đại nên người ta nhắc đến Ananta như một vị thần độc lập với Vishnu.

 

Description: Tập tin:Vishnu1.jpg

 

Thần Vishnu và vợ là Lakshmi nằm trên rắn Ananta bơi trong biển sữa để tạo ra vũ trụ.  Ngồi trên tòa sen phía trên là thần Brahma bốn đầu.

 

Apep

 

Theo huyền thoại Ai Cập, thần cai trị cõi tối là rắn Apep. Apep là diêm vương, chúa của những ác quỉ.  Apep tạo những hỗn loạn như nhật thực, bão tố, động đất, bệnh dịch… Sau đó rắn Apep bị thần Atum, còn gọi là thần mặt trời, giết chết. Nhờ vậy vũ trụ chấm dứt thời kỳ hỗn loạn và trở nên có trật tự như ngày nay.

 

Description: http://phaistosgame.com/SethSpearingApepOnSunBoat.jpg

Thần Atum giết rắn Apep

 

Bà Oa Nữ

 

Theo truyền thuyết Trung Hoa thần Oa Nữ và anh là thần Phục Hy có dạng đầu người mình rắn. Một truyền thuyết khác nói Phục Hy có dạng con rùa. Thuở đó loài người chưa có. Hai thần được Thượng Đế cho phép thành vợ chồng. Ba Oa Nữ sau đó lấy bùn Hoàng Hà nặn ra những người nam và nữ để sinh sản ra loài người.

 

 

Oa Nữ và Phục Hi (ảnh trái). Huyền Vũ và rắn thần

           

Huyền Vũ

 

Huyền vũ nghĩa là con rùa đen. Huyền vũ luôn luôn kết hợp với thần xà, vì vậy Huyền vũ là rùa đen cõng rắn. Theo truyền thuyết của đạo Lão, đây là biểu tượng của trường tồn (rùa) và trí tuệ (rắn). Một thuyết khác cho rằng đó là biểu tượng tổ phụ mẫu Oa Nữ (rắn) và Phục Hy (rùa). Nói chung Huyền vũ là biểu tượng bao gồm những khái niệm về thiên văn học, phong thủy, và triết học của người Trung Hoa.

 

Rắn trong văn học

 

Trong văn học rắn vẫn là một biểu tượng huyền bí nhưng lẫn lộn giữa ác và thiện. Tiêu biểu về độc ác có sự tích rắn báo oán trong truyền thuyết dân gian Việt. Chuyện kể rằng Nguyễn Trãi khi làm vườn có giết một ổ rắn con. Rắn mẹ muốn trả thù nên biến hóa thành nàng Thị Lộ rồi trở thành thiếp yêu của Nguyễn Trãi. Một hôm Vua Lê Thái Tôn tuần du, vua dừng chân ở nhà Nguyễn Trãi. Thi Lộ được sai hầu hạ vua. Đêm đó vua băng hà. Triều đình đổ tội lên đầu Nguyễn Trãi với hình phạt tru di tam tộc. Thế là rắn mẹ trả được mối thù. 

 

Tiêu biểu cho sự hiền lành là chuyện Bạch xà Thanh xà trong văn học Trung Hoa. Bạch xà là con rắn trắng tu luyện ngàn năm trở thành cô gái xinh đẹp gọi là Bạch nương tử. Cô có người em kết nghĩa là Thanh xà. Bạch xà có duyên số với chàng Hứa Tiên, một người trần. Vào lúc Bạch xà có thai thì có Pháp Hải hòa thượng, vốn là con rùa tu luyện thành người, thù ghét tới bắt và nhốt trong tháp Lôi Phong, bên Tây Hồ. Thanh xà tới cứu nhưng thua tài nên phải rút lui. Thanh Xà về núi Nga Mi khổ luyện võ nghệ rồi trở lại đánh bại Pháp Hải cứu được Bạch xà. Sư Pháp Hải chạy trốn vào bụng con cua. Vì vậy ngày nay gạch cua màu vàng vì nhiễm màu áo của nhà sư. Hai vợ chồng Hứa Tiên Bạch Nương đoàn tụ như xưa. Con trai của họ đỗ trạng nguyên. Cả nhà sau đó sống hạnh phúc vinh hiển.

 

Rắn trong mỹ nghệ

 

Đối với mỹ thuật, những công trình sáng tác chỉ chú trọng đến cái đẹp và tinh thần lạc quan. Nghệ thuật thường xóa đi những nét buồn bã hay sợ hãi. Những công ty sáng tạo nữ trang đã dùng rắn làm biểu tượng cho sự quyến rũ và ranh mãnh. Xin giới thiệu vài tác phẩm sau.

 

Description: Ileana Makri Snake 18-karat rose gold diamond ring      Description: Sidney Garber Brown Diamond Bronzed Snake Ring             Description: Lanvin Maria Felix Line Snake Choker 

Nhẫn, giá 7.505 USD     Nhẫn, giá 7.600 USD         Vòng đeo cổ tay, giá 1.565 USD

 

Không biết bạn nghĩ sao về rắn, nhưng nếu bạn sinh vào một trong những năm 1917, 1929, 1941, 1953, 1965, 1977, 1989, 2001 bạn thuộc tuổi Tỵ. Theo Âm lịch, giờ tỵ ứng với 9-11giờ sáng, tháng tỵ là tháng tư âm lịch, hướng tỵ là hướng Đông Nam. Chúc tất cả quí bạn tìm được nơi rắn một biểu tượng nào đó làm hứng khởi niềm vui trong năm mới.

 

ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California, USA 7-2-2013)

-------

Hình minh họa: Internet.

Sách tham khảo:

Jonathan Z. Smith. 1995. Dictionary of Religion. Harper Collins Publishers, San Francisco.

Roy Willis. 1995. Dictionary of World Myth. Duncan Baird Publishers, London.

Wikipedia. Tự điển bách khoa trực tuyến.

 

 


Copyright © 2010 - 2013 Trung hoc Kien Tuong Homepage