Dư hưởng hội Tết truyền thống THKT
Thầy trò THKT gặp nhau trên sân trường xưa
ngày mùng Năm Tết Quý Tị 2013.
Mặc dù thời gian có cải biến hình thức Tết cho phù hợp với nếp sống
xã hội, nhưng nội dung của nó vẫn là Tết của gia đình. Tin tức cho
biết vào ngày cuối năm các bến xe đều chật cứng người về quê ăn Tết.
Mọi người dù ở đâu xa xôi ngàn dặm vẫn tìm cách trở về sum họp với
dòng họ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Gia đình THKT trở về mái trường
xưa ăn Tết. Khoảng 180 thành viên làm cuộc hành hương để được tản bộ
trên mảnh đất mà thuở thiếu niên mình đã ôm tập vở đứng trên đó.
Ngày Tết gia đình đã được mở rộng qua tình thầy trò và tình bạn hữu
đồng môn. Không những thế, đối với riêng Gia đình THKT, tình liên hệ
này còn được suy tôn là nền tảng đạo đức nhằm duy trì phong hóa tôn
sư trọng đạo.
Phải nói ngay điểm son của website THKT là sự cập nhật mau lẹ và
phong phú về buổi hội Tết nóng sốt này. Là người ở hải ngoại, tôi
hoàn toàn phụ thuộc vào tin tức trên website. Về mặt này tài năng
của Kiến Đen nổi bật hơn bao giờ. Kiến Đen tận dụng kỹ thuật hiện
đại để hiện thực hóa các tin tức tĩnh thành hình ảnh và âm thanh
năng động. Video thu hình từ vị trí bên trong nhìn ra ngoài khiến
tôi có cảm giác như đang ngồi trên chuyến xe đi vào tỉnh Mộc Hóa.
Lúc hàng chữ “Về tới cửa Đông” hiện ra trên màn hình và giọng ai đó
la lên “Chuẩn bị nhe e e e”, cả người tôi háo hức reo vui. Rồi tôi
ngỡ ngàng thấy cửa ngõ rộng thênh thang chẳng còn chút nào là cửa
Đông ngày xưa. Tôi quên thế nào được cửa Đông, nơi ngăn đôi hai thế
giới cách biệt. Tôi đã nhiều lần khi chiều về, tay đút túi quần,
đứng ở đây nhìn về thế giới phía xa xa.
Cũng nhờ các video mà tôi thấy Phong Xẹp và Kiến Già Bách năng nổ
như thế nào. Hai em chạy tới chạy lui lo toan công việc. Mỗi lần gặp
ai hai em đều bật ra một câu khôi hài. Âm thanh của video nghe không
rõ, nhưng tôi đoán những câu nói của hai em thuộc loại chọc quê
thiên hạ. Có lẽ chúng cũng có duyên vì văng vẳng có tiếng cười đáp
trả. Tôi trộm nghĩ có người chả cần nói lòng thòng, chỉ cần thấy mặt
mình là người ta đã phì cười rồi.
Có 30 quí vị thầy cô tham dự hội Tết truyền thống. Đối với trường ta
như vậy là gần 90% ban giảng huấn của ngày xưa rồi, một con số rất
lớn. Tính cách đại diện của các vị cũng rất cao vì trong đó bao gồm
từ vị chánh sở, các vị hiệu trưởng, đến vị giáo viên trẻ nhất vốn là
học trò của trường. Điều đáng nói là 30 thầy cô ở những nơi khác
nhau mà chỉ cần một chuyến xe bus để đưa đón. Điều này xảy ra được
vì mọi người đều phải hối hả đến những điểm hẹn trong những giờ ấn
định khác nhau để chờ xe qua. Tôi thật xúc động khi thấy nhiều vị
trọng tuổi đứng ở góc đường từ tờ mờ sáng như chờ đợi tình nhân.
Về nhận xét riêng từng vị, tôi thấy giá mà buổi đó thầy Hòa đạo sĩ
nên ngâm thơ và thầy Toàn nên đọc sớ táo quân thì tuyệt. Chúng tôi
đặc biệt cám ơn thầy Thành đã đại diện cho chúng tôi, những người ở
hải ngoại, để chúc Tết bà con bên nhà. Thầy cô Thành Thọ khôn quá
trời vì 2 vị trốn được cơn bão tuyết. Ở bên đây tôi và nhà tôi bị
cúm mùa đông nằm liệt giường cả tuần lễ.
Các em cựu học sinh THKT thì khỏi cần phải nói. Chẳng ai màng đến vụ
“cái già sòng sộc nó thì theo sau”. Người nào cũng linh hoạt và tươi
cười mặc dù có “em gái” đã là bà ngoại và có “em trai” đã là ông
nội. Đối với tất cả mọi người xuân đi xuân tới xuân còn hoài (xuân
khứ xuân lai xuân bất tận). Bước vào sân vào sân trường là tự nhiên
lột da rắn người lớn thành con nít hết. Các em học sinh còn xuân này
đã tự xếp đặt chương trình và phối hợp mọi thứ cho ăn khớp hoàn mỹ
từ việc đưa rước, đến vấn đề an ninh, ẩm thực, văn nghệ, lễ nghi…
Thầy có một đề nghị về tường thuật: các em nên nói chi tiết hơn một
chút về mọi chuyện. Chẳng hạn rượu hột chuối là cái gì. Thực đơn kỳ
này là loại đặc sản nào do ai sáng tạo. Phần trình diễn văn nghệ gồm
có những tiết mục nào. Thầy thấy ở bên nhà các em ít khi mặc áo dài.
Ở bên đây người ta thường mượn cớ để được mặc áo dài. Điểm tâm lý
của người ở xa là muốn bám víu vào bản sắc quê hương để thấy mình là
người Việt.
Sau hội Tết truyền thống, những tấm hình được ngắm lại và với tâm
hồn chưa già người ngắm ghi vào những chú giải mới. Đa số là những
lời chọc quê nhau rồi tuyền bá trên email. Cuộc chơi này coi như là
gầy lại hội Tết hàm thụ cho những người còn nuối tiếc. Như vậy chúng
ta khởi đi từ một điểm trong nội tâm để hướng đến một tập thể, một
gia đình, để nhận ra sự chiếm hữu của mỗi người trong lòng của nhau.
ĐỖ NGỌC
TRANG
(Elk Grove,
California, USA 22-2-2013)
|