Hành trình tìm bản
sắc
“Knowing yourself is the beginning of all
wisdom.”
Aristotle
|
Lễ Độc lâp 4-7 của Mỹ là một lễ lớn.
Diễn văn của các vị lãnh đạo thường nhấn mạnh đến nguồn gốc
và đóng góp của người di dân. Ngày nay những cuộc di dân vẫn
còn tiếp tục ở khắp nơi, nhưng khác với ngày xưa. Họ không
còn đến những nơi hoang địa nhưng đến những nơi mà xã hội đã
thành hình. Cho nên họ không còn tranh đấu với thiên nhiên
mà tranh đấu với chính mình với cộng đồng xa lạ. Đó là cuộc
hành trình đi tìm bản sắc của mình.
|
|
Ở Mỹ từ năm 1975, cho tới nay thầy Đỗ Ngọc
Trang và cô Nguyễn Thị Bích Thủy vẫn luôn gìn giữ bản sắc dân tộc
Việt của mình.
Bản sắc (identity) và tự thức
(self-realization) là hai thành tố nền tảng bắt buộc phải có để tạo
nên một cá nhân. Dĩ nhiên mình phải biết mình là ai, và đang ở vị
thế nào trong cộng đồng, thì mới có những liên hệ chính danh. Tuy
nhiên trong một số hoàn cảnh, có người phải sống như lữ khách lạc
đường, hoang mang đi tìm bản sắc của mình. Tôi biết ít nhất đã có ba
người như vậy. Mảnh đời vong thân của họ là chuyện thật, tuy cá
biệt, nhưng có nét biểu tượng chung cho mọi người. Tôi xin thuật lại
cuộc trải nghiệm của họ với tên giả, trừ trường hợp chuyện của cô
Vân, vì chính cô muốn nêu rõ tên mình ra.
A Muội
Có dạo tôi làm việc với một hãng điện tử ở
Milpitas, California. Nơi khu tôi làm việc, tuy tôi ít giao thiệp,
nhưng ai cũng biết tôi là người Việt. Có lẽ chỉ nhìn mặt tôi là họ
biết ngay. Một hôm, vào giờ giải lao, tôi ngồi tại chiếc bàn ở góc
phòng, lặng lẽ nhai mực khô và xem báo. Bỗng nhiên có tiếng cô gái
nói:
-- Chú đừng ăn đồ khô làm sẵn trong bịch của
“Tào”, độc lắm đó.
Ngẩng đầu lên, tôi thấy một cô da vàng mũi tẹt
khả ái đang ngồi xuống, đối diện với tôi. Tôi trả lời:
-- Ủa! cô là người Việt hả. Vậy mà hồi nào đến
giờ tôi cứ tưởng cô là người… Tàu.
-- Dạ ạ ạ… thì ba má cháu là người “Tào” mà.
-- Vậy cô là người Trung Quốc rồi.
-- Dzậy mà hổng phải! cháu sanh ra ở Bến Tre,
nhỏ tới lớn học trường “Dziệt”, giờ cháu nhớ quê Bến Tre muốn chết.
Cháu có biết gì về nước “Tào” đâu. Cháu chưa bao giờ tới đó.
Tôi ngạc nhiên trước sự khẳng định thẳng thắn
và minh bạch của cô. Thấy cô nhận mình là người Việt, tôi cảm thấy
gần gũi với cô trong tình đồng hương. Từ đó chúng tôi thỉnh thoảng
ăn cơm trưa cùng bàn. Trong những dịp ấy, cô tự nguyện “giảng” cho
tôi nghe những sản phẩm độc hại của Tàu, với những dẫn chứng ly kỳ
khó mà tin được. Tôi nghĩ thầm, “Cô này thật ngây thơ, nhưng là
người Trung Quốc mà dám nói thẳng về những lỗi lầm của con buôn bất
chính Trung Quốc, kể ra cũng là tay khí khái.”
Rồi một hôm, có anh người Việt gặp tôi, anh
nói, “Dạo này anh chơi với con Tàu hả.” Tự nhiên tôi cảm thấy bất
mãn với lời nhận định đó. Một cảm giác buồn buồn thấm vào người tôi.
Thì ra dù cô gái nhận mình là người Việt, nhưng trong mắt mọi người
ở đây, cô vẫn là người Tàu. Tôi thấy cô bị lạc lõng tới hai lần. Ở
vòng lớn bên ngoài, cô lạc lõng với cộng đồng Mỹ và ở bên trong cô
lẻ loi với cộng đồng Việt.
Một hôm tôi hỏi cô cho có chuyện để nói, “Tại
sao ba má cô qua Việt Nam?” Không ngờ tôi được biết một gia phả đầy
màu sắc văn hóa cổ Trung Hoa. Cô kể rằng, ở Quảng Đông có hai gia
đình bạn thân hứa gả con cho nhau. May mắn họ sanh ra một trai một
gái đúng với mộng ước. Cặp trai gái lớn lên, tuy biết có lời đính
ước giữa hai gia đình, nhưng không hề gần nhau. Khi người con trai
đến tuổi trưởng thành, anh bỏ xứ qua Việt Nam lập nghiệp. Thời gian
ngắn sau đó gia đình cô gái biết tin, họ hốt hoảng sợ con gái họ bị
bỏ rơi. Cô gái không muốn mình bị bội ước, bèn một mình qua Việt Nam
đi tìm. Sau bao nhiêu vất vả cô tìm được chàng trai. Rồi họ kết hôn
và lập nghiệp ở Bến Tre. Họ là ba má của cô. Qua mẩu chuyện lãng mạn
này, tôi thấy cô gái giống tính mẹ. Cả hai người đều có tâm hồn giản
dị, nhưng can trường sống thật với lương tâm, dù phải trả giá cao.
Khoảng một tháng sau, công ty giảm hàng sản
xuất, nên phải cắt bớt nhân viên. Trong số những người bị nghỉ việc
có cô. Từ đó tôi không biết A Muội Bến Tre hiền hòa đi về đâu.
Mặt đất rộng mêng mênh mông, đủ chỗ cho mọi
người cười nói đứng bên nhau. Tuy nhiên một số người chưa tìm ra chỗ
đứng, nên vẫn phải mang nỗi niềm riêng đi lang thang. Họ là những kẻ
hát dạo muốn dừng chân hát cho người nghe. Tiếc thay, đôi khi chẳng
ai nghe, họ đành độc ca cho tự mình nghe.
Vaan (*)
Tên của cô là Nguyễn Thị Hồng Vân. Chữ viết của
Âu Mỹ không có dấu nên “Vân” chỉ có thể viết là “Van”. Van trong
tiếng Anh có nghĩa là chiếc xe vận tải nhỏ. Để tránh “nhộ nhận”, Vân
được viết thành Vaan. Cha mẹ Vân vượt biên bằng đường biển và được
tàu Do Thái cứu rồi đưa về tỉnh Ashkelon, Israel. Cha mẹ Vân lập
nghiệp trên mảnh đất đó. Họ sinh được năm người con. Vân là con áp
út. Thủa nhỏ Vân sống trong sự hành hạ tâm thần vì sự kỳ thị chủng
tộc của lũ trẻ cùng xóm. Chúng thường chửi xéo “Cút về nước mày đi”,
hay mỉa mai “Nó ăn quá nhiều gạo nên mắt nó hí.” Vì là người Việt
nên bị chửi, oái oăm thay Vân lại chẳng biết tí gì về Việt Nam. Vốn
liếng văn hóa Việt của Vân chỉ là vài bài hát “sến”, nhái theo nhạc
karaoke, mà cha mẹ bắt cô hát mỗi khi gia đình có khách. Tới thời
thiếu niên, gia đình Vân khá hơn, họ di chuyển ra khỏi xóm lao động.
Từ đó Vaan sống hòa nhập với dòng mạch chính. Khi Vaan tốt nghiệp
đại học thì cô hoàn toàn quên hẳn Việt Nam. Cô là một người Do Thái
như mọi người Do Thái chính gốc, kể cả thi hành nghĩa vụ nhập ngũ.
Thấy con cái đã trưởng thành, cha mẹ Vân quyết
định trở về quê Bồng Sơn sinh sống. Họ muốn mang Vân theo. Những
người con khác không ai muốn theo họ. Vân và cha đi về quê trước để
thăm dò tình hình và để đòi lại đất đai của tổ tiên. Họ hàng ở quê
nhà đón tiếp cha con Vân rất niềm nở. Sau đó cha con Vân đi gặp
nhiều người để xúc tiến việc đòi lại đất. Mặc dù Vân rất năng nổ và
có kiến thức cao, nhưng việc đòi lại đất không thành. Chừng một tuần
sau, nhiệt khí “về quê cha đất tổ” của Vân từ từ tan loãng để lại
trong tâm cô một nỗi trống vắng và cô đơn.
Vân nhận ra mình bị mất hướng trong bản sắc hai
chiều Việt và Do Thái. Hình ảnh quê hương Việt không đúng như lời
cha kể cho cô nghe thuở nhỏ. Ngay cả những thân thích họ hàng, cô
cũng không cảm thấy một chút gắn bó nào. Vân bất lực không thể chia
sẻ với họ và với những người xung quanh cảm nghĩ của mình. Mọi cố
gắng và hoài bão về căn tính mà cha áp đặt trên cô đều thất bại. Vân
thấy mình gần gũi với quán cà phê trực tuyến nơi cô sung sướng vào
mạng liên lạc với bạn bè bên Do Thái. Vân nhớ nhà đến bật khóc.
Trong đáy lòng, cô biết mình là Vaan, một thiếu nữ Do Thái. Rồi Vaan
quyết định trở về Do Thái, nơi quê hương thật của mình.
William
(Tôi đọc chuyện này trên báo ở Sunnyvale khoảng
30 năm về trước. Tôi không còn nhớ là báo nào, nhưng đây là chuyện
thật. Tôi xin tóm lược câu chuyện này)
Bill (cách gọi tắt thân mật của tên William) và
cha mẹ đều sinh ra ở Mỹ, lớn lên ở Mỹ, nói tiếng Mỹ, suy nghĩ theo
lối Mỹ… Tất cả mọi thứ đều là Mỹ 100% trừ cái tên họ bí ẩn Yamaha.
Bill sở đắc một kiến thức học vấn cao và giữ một chức vị lớn trong
ngành thương mại. Trong những cuộc giao tế, Bill thường bị mọi người
cho là người Nhật. Nhận định của họ là phản ứng tự nhiên chứ không
có ý kỳ thị chủng tộc. Rồi đến lúc Bill tự nghĩ, “Nếu một người nói
mình là Nhật thì có thể do hiểu lầm, nhưng cả ngàn người đều nghĩ
như thế, vậy mình phải là người Nhật.” Bill quyết định về Nhật để
tìm lại bản sắc của mình.
Khi đến Nhật, Bill nhận ra mình không có một
chút liên hệ nào ở đây. Ngay cả tiếng Nhật, Bill cũng không biết. Lạ
hơn nữa, tất cả mọi người, mà Bill có dịp tiếp xúc, đều coi Bill là
người ngoại quốc. Khoe cái tên họ Yamaha ra chỉ làm họ phá lên cười.
Lúc đầu Bill dự tính sống ở Nhật một tháng, nhưng chỉ sau hai tuần
lạc lõng, Bill đành trở về Wichita, bên Mỹ.
Trên chuyến máy bay về Kansas, Bill ngồi bên
cạnh một người Mỹ da trắng. Hai người chào hỏi xã giao rồi chuyện
vãn qua lại nổ như pháo tết. Khi máy bay đáp xuống phi trường, ông
khách bắt tay Bill từ biệt và nói, “Thật thú vị, tôi chưa bao giờ
thấy một người Nhật nào nói tiếng Mỹ giỏi như ông.” Bill đớ người
định nói, “Ông bạn ơi! tôi là người Mỹ mà”, nhưng nghẹn họng cứng
lưỡi không thốt được lời nào.
Sau đó Yamaha trở thành hội trưởng Hội Người Mỹ
Gốc Nhật. Ông đưa ra lời khuyên, “Nếu bạn là dân thiểu số ở Mỹ, bạn
hãy là một người Mỹ tuyệt hảo, nhưng đồng thời bạn đừng quên cái gốc
chủng tộc của mình.”
Lời phát biểu của Yamaha nhắm vào mọi kiều bào
ở Mỹ. Lời của ông trở thành minh triết khi cái ý tưởng chính được
dùng cho bất kỳ ai chưa thích hợp với hoàn cảnh sống. Bất cứ ta là
ai và ở đâu, bản sắc không phải là một công thức tiền chế, nó cũng
không ngưng đọng trong quá khứ cưỡng ép, nhưng là một tổng hợp tài
sản do sáng tạo không ngừng giữa không-thời gian. Bầu trời đủ rộng
cho mọi cánh diều khoe sắc bay lượn bên nhau. Nhưng mỗi cánh diều
đều được giữ bằng một sợi dây rất nhỏ, nhỏ đến mức khó nhìn thấy.
Nhưng không có sợi dây nối chặt con diều với căn gốc của nó, con
diều sẽ lảo đảo rớt xuống ngay.
ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 4-7-2013)
-------
(*) Tài liệu từ phim “The Journey of Vaan
Nguyễn”. 2005. Đạo diễn Duki Dror. Vaan Nguyễn (tức Nguyễn Thị Hồng
Vân) là nhà thơ và tài tử của Do Thái. Cô hiện sống ở Tel Aviv, thủ
đô Do Thái.
|