dnnp - đỗ xanh

 

 

 

Im lặng nghe tiếng Thu

 

 

* Tản văn



Tiếng động đã chiếm đoạt cuộc sống và dìm tâm hồn tĩnh lặng vào cõi lãng quên. Dần dần mình quên cả chân thân, như kẻ đánh mất chìa khóa mở cửa vào nhà. Tiếng động bên ngoài tràn ngập những ngôn từ, tiếng va chạm, điện thoại reo, khoa tay múa chân, gào thét… Lúc có thì giờ rảnh thì lấp đầy bằng phim ảnh và ca nhạc với cường độ âm thanh chói tai. Tối về hòa mình với những tiếng lao xao của TV. Im lặng trở nên một thứ xa xỉ khó kiếm. Nội tâm tĩnh lặng càng ngày càng thu nhỏ như con ốc trốn trong vỏ. Ngày đêm càng ồn ào, con ốc nhỏ càng không dám ló đầu ra, rồi mặc cho số mệnh định đoạt.


Trên bàn đọc sách trong thư viện thường có tấm bảng “Xin giữ im lặng”. Sự im lặng như là một phẩm chất của suy tư. Bởi vì trong thế giới tư tưởng không cần có tiếng nói. Vào một buổi lễ quan trọng, ban tổ chức yêu cầu hội trường, “Xin một phút im lặng để tưởng niệm…” Sự im lặng như một cái gì linh thiêng. Bởi vì chỉ trong im lặng, người ta mới nối kết được với nội tâm hay với mối hoài niệm nào đó.


Âm thanh ồn ào là đời sống bên ngoài. Im lặng là đời sống bên trong. Náo động là bề mặt nổi bên trên. Im lặng là cửa đi vào chiều sâu của mình. Làm sao mình có thể là mình nếu chỉ có bề mặt hời hợt ồn ào mà không có chiều sâu. Chẳng nên trốn tiếng động bằng cách chạy vào phòng đóng kín cửa lại. Hãy mở cửa ra, để nghe tiếng gió Thu từ phương Bắc thổi về, để thấy những con chim bồ câu co ro dưới mái ngói.


Tác giả đi tìm tiếng Thu trong mùa thu Cali.


Đi tìm im lặng là trở thành ngọn bông lau ngả nghiêng theo gió, là sống trong khoảng trời trên con đường đầy lá Thu, để thấy mình hiện hữu đang đi trên mặt đất. Trong im lặng, bông hoa, ngọn cỏ, ánh trăng, làn nước gợn sóng… tất cả đều lên tiếng nói. Mình là người đón nhận và tôn trọng chúng chứ không phải là kẻ chiếm đoạt hay cai trị chúng. Trong đơn sơ, mình nghe vạn vật cộng hưởng hòa tấu bản nhạc ca tụng Đấng Tạo hóa. Nếu mình có thể nghe được bản nhạc thầm lặng của chúng, mình cũng đủ nhạy cảm nghe thấy tiếng nói của lương tâm.


Có những người muốn xem giọt sương lăn trên màng nhện và nghe tiếng con sâu gặm lá, nhưng họ không chịu nổi cuộc hành trình trong im lặng. Để xem giọt sương lăn, họ dùng kỹ thuật thu hình cho nó chạy với tốc độ nhanh kèm theo nhạc đệm. Để nghe tiếng con sâu gặm lá, họ dùng dụng cụ khuếch đại âm thanh lớn gấp trăm lần. Đối với họ, tiếng động và hình ảnh chuyển động là sự thật khách quan của hiện hữu. Nếu không có tiếng động và sự di động thì họ ngờ vực cho rằng “Hỏng rồi! ta bị rơi vào hố thẳm của cõi chết.” Đó có phải là sự bất lực của tỉnh thức hay phản ảnh mối sợ hãi khi đối diện với tĩnh lặng nội tâm.


(Nguồn minh họa: Internet)


Im lặng không phải là khoảng trống vắng tan rã của cõi chết. Trái lại im lặng đầy tiếng nói, nhưng là cái trong sạch lên tiếng, trong khi cái ồn ào im tiếng. Chẳng phải trong im lặng, mình thấy thương mẹ, thương cha, thương bạn, nhớ nhà… thắm thiết hơn hay sao. Bởi vì im lặng là phẩm chất của sự trong sạch tinh tuyền. Im lặng là để tâm hồn ôm ấp tất cả những âm thanh nhỏ bé, và những tiếng vô thanh của thiên nhiên, trong vẻ đẹp của chúng. Chỉ những người tri kỷ mới ngồi bên nhau cả giờ mà không nói câu nào. Cảm thấy một tiếng đập của con tim còn quí hơn hằng ngàn lời nói. Trong im lặng, hai tâm hồn tỏa sáng những nốt nhạc làm tiếng nói thành thừa thãi. Những người yêu nhau hiểu rõ điều này.


Thiên nhiên vốn tĩnh lặng, nhưng vào tiết Thu, thiên nhiên để lộ ra chân dung huyền diệu của tĩnh lặng. Trăng Thu rủ mình đi dạo rừng phong. Lá thu nhắc mình vẻ đẹp của nửa hồn lãng quên. Cảnh Thu khiến mình nhận ra mình đang cư ngụ trong một thiền viện. Tại sao thiền viện luôn luôn phải được duy trì sự tĩnh lặng. Vì tĩnh lặng là kho tàng của nó. Khi nào nơi này không còn sự tĩnh lặng để hiến tặng thì nó không còn ý nghĩa gì nữa. Thu tĩnh lặng để mình chiêm niệm và tâm sự với chính mình.


Tâm sự mùa Thu thì nhiều lắm, nhưng ẩn tàng mơ hồ. Hình như những gì mình cảm thấy, các thi sĩ và thiền sư đã nói ra, nhưng họ cũng chỉ ấp úng cô đọng trong vài lời. Cô đọng rõ nét nhất không gì bằng thơ Haiku và những thơ ít lời cùng loại. Thi sĩ chợt thấy một hình ảnh đánh động tâm tư, ông buột miệng thốt ra vài âm thanh. Âm thanh của thơ trở thành tiếng gõ trên cánh cửa của tâm hồn, nhưng mình chỉ nghe thấy trong im lặng. Thi sĩ Basho trên đường phiêu bạt, chợt gặp làn gió, tâm hồn ông nhập vào mối tương quan với gió.


Gió mùa Thu
Thổi niềm cô tịch
Bay đi khắp nơi.


Cái lạnh của gió Thu cũng là cái lạnh buồn tênh ở trong lòng, Basho đã nói thay cho những người cô đơn.


Thiền sư Ryokan sống một mình trong chiếc am cỏ dưới chân núi. Một đêm kia có tên trộm vào am. Hắn thất vọng vì chẳng thấy có gì để lấy. Hắn chửi thề bỏ đi. Thiền sư vội cởi chiếc áo độc nhất đang mặc trên người đưa cho hắn. Ông nói, “Bạn có công đến thăm, chẳng lẽ về tay không.” Tên ăn trộm chộp chiếc áo rồi biến vào rừng đêm. Thiền sư Ryokan trần truồng nhìn mặt trăng thở dài, “Thật khốn khổ, ước gì ta tặng được cho hắn vầng trăng này.”


Bàn tay của tên trộm phải ghì chặt món đồ đến nổi gân. Bàn tay của thiền sư hòa nhã mở ra buông món đồ rơi xuống. Tặng được vầng trăng tĩnh lặng cho một gã miệng đầy tiếng gầm gừ và bàn tay giữ chặt của tham, mãi mãi chỉ là một ước mơ. Dù có ép hắn phải nhận, hắn cũng sẽ ném ánh trăng ở ngoài cửa. Hắn chỉ muốn mang lợi vật vào nhà mình. Vì vậy lời nhắn của Ryokan vẫn còn bỏ ngỏ.


Thi sĩ Lưu Trọng Lư may mắn hơn Ryokan vì ông đối thoại với cô gái ngây thơ. Lưu gợi ra vài tiếng động của im lặng, rồi gởi đi một thông điệp: em có nghe thấy những tiếng vô thanh ấy không?


Em không nghe mùa Thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ.
Em không nghe rừng Thu
Lá Thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.


Không cần phải là triết gia, ai cũng đồng ý với thi sĩ và thiền sư. Phẩm chất của cuộc sống, như một thế giới mới, chỉ mở ra trong im lặng.


Gió Thu của Basho vẫn còn muốn vuốt mái tóc. Vầng trăng Thu của Ryokan vẫn còn ở đấy chờ đợi. Rừng Thu của Lưu vẫn còn lên tiếng hỏi. Mình chỉ việc im lặng mở bàn tay để thảnh thởi mở cửa lòng đón nhận.
 

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, California 8-10-2013)

 

 

 


Copyright © 2010 - 2013 Trung hoc Kien Tuong Homepage