|
Thầy còn nhớ em không?
* Tản văn
Hồi còn nhỏ, tôi được học với sách Quốc văn
Giáo khoa thư. Trong đó có chuyện ông Carnot là quan lớn nước Pháp.(1)
Một hôm ông về thăm quê, đi ngang qua trường học cũ, ông thấy vị
thầy hồi nhỏ của mình nay râu tóc bạc phơ. Ông chạy vào lớp học chào
thầy, “Tôi là
Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?”
Rồi ông nói với các em nhỏ trong lớp, “Ta bình sinh, thứ nhất là nhớ
ơn cha mẹ, sau là nhớ ơn thầy. Nhờ thầy ta mới có sự nghiệp ngày
nay.” Câu chuyện chấm dứt ở đó. Hồi ấy tôi nghĩ câu chuyện còn thiếu
câu trả lời của thầy, vì tôi cứ thắc mắc ông thầy có nhớ trò Carnot
không. Bây giờ về già, tôi lại thấy câu trả lời của thầy, nhớ hay
không nhớ, cũng chẳng cần kể ra. Điều quan trọng là trò còn nhớ
thầy.
Chuyện ông
Carnot không nằm im trong quá khứ như một cổ tích ngụ ngôn. Dù
ở thời nào, khi trò gặp lại thầy cũ, câu hỏi
“Thầy còn nhớ tôi không?” vẫn
được lặp lại. Bởi vì lúc ấy thầy và trò đang đứng ở hai bên bờ, chia
cắt bởi giòng sông thời gian, mờ mịt sương mù. Chỗ đứng cách nhau xa
quá hình ảnh chỉ thấy lờ mờ. Cho nên
trò phải cất tiếng gọi để nhận diện. Đáng tiếc đa số quí thầy không
thể nhớ, bởi vì hình dáng của trò đã thay đổi quá nhiều và trí
nhớ của thầy đã suy thoái.
Điều tất nhiên này đôi khi đã đẩy thầy trò vào
một trạng huống rất trẻ con. Bạn tôi kể rằng chị của anh là cô giáo
về hưu. Một hôm cô đi chợ, bỗng có một chàng thanh niên lạng xe
Honda kề sát bên rồi hỏi, “Cô còn nhớ em không?” Linh cảm cho biết
đây là học trò cũ nhưng không thể nhận ra, chị thành thật trả lời,
“Xin lỗi, tôi không nhớ.” Chàng thanh niên nói, “Tưởng cô còn nhớ…,
nếu không nhớ thì thôi.” Nói xong cậu vòng xe lại ngược chiều rồi
phóng đi. Cô giáo chưng hửng nhìn theo.(2) Tình thầy trò
cũng thường mong manh như sợi tơ nhện.
Một anh bạn khác của tôi lúc về già bắt được
tin tức của thầy sau 40 năm xa cách. Anh gọi điện thoại cho thầy xin
phép đến thăm. Khi thầy mở cửa, anh hỏi ngay, "Thưa, thầy còn nhớ em
không ạ?” (3) Cậu học trò này hồi nhỏ tóc rậm như lá
rừng, nay cái đầu hói bóng láng, thử hỏi thầy nào còn nhận ra. Rất
may thầy biết anh là người vừa gọi điện thoại nên trả lời dễ dàng.
Anh bạn tôi ôm vai thầy cười đắc chí. Dĩ nhiên là như thế. Anh vượt
hơn 10.000 cây số, cố công đến thăm thầy, việc đâu phải dễ. Tình
thầy trò mong manh như sợi tơ nhện, nhưng nhiều khi sợi tơ đọng
những hạt sương đẹp lóng lánh như kim cương. Điều này chẳng phải chỉ
dành riêng cho quan lớn Carnot thời xưa.
Nhưng cũng có trò không nhận ra thầy, kể cũng
lạ, trí nhớ tùy người có nguyên tắc riêng. Nhân dịp tết hội ngộ đầu
tiên của một trường trung học sau 40 năm tan trường, một anh cựu học
trò hồ hởi hỏi bạn, “Nghe nói có thầy vạn vật đến, thầy đâu mậy?”
Người bạn nổi máu tếu bèn chỉ vào một bạn già đồng môn đứng gần đó
trả lời, “Thầy dạy vạn vật nè.” Anh cựu học trò vội đến cúi đầu rất
lễ phép chào thầy. Ông “thày” nín cười đáp, “Khỏe không con?” Vẫn
chưa hết, anh học trò ngoan còn gọi chị mình vốn cũng là cựu học trò
đến chào thầy. Bà chị chạy đến, nhìn ông “thầy”, rồi nạt em, “Nó đâu
phải là thầy…” Tuy không nhận ra thầy, nhưng lòng mến thầy của trò
này ai cũng nhận thấy.(4)
Anh cựu học trò đóng vai thầy gọi bạn là “con”
để đùa, nhưng vào thời của tôi, học trò xưng con với thầy rất nghiêm
chỉnh chứ không phải chuyện đùa. Từ nhỏ tới lớn tôi vẫn quen xưng
con với thầy. Có điều ngẫu nhiên, các thầy của tôi ai cũng lớn tuổi.
Khi lên đại học, tôi có một thầy chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, nhưng tôi
vẫn xưng con, và thầy vẫn chấp nhận. Chúng tôi đều thuộc thế hệ cũ
nên quen với nếp phong hóa xưa. Lão sư Nguyễn Đức Hiếu (hiệu trưởng
trường Hồ Ngọc Cẩn trước năm 1975) lúc 80 tuổi gặp lại thầy cũ là
đại sư Nguyễn Khắc Kham, lúc ấy đã 100 tuổi, cụ Hiếu vẫn xưng con
với thầy. Có cái gì sâu xa trong lối xưng hô ấy. Đại sư Nguyễn Khắc
Kham cũng là thầy cũ của tôi, còn cụ Nguyễn Đức Hiếu là sui gia của
ba mẹ tôi. Đối với những vị này, dù chẳng phải là thầy, cứ kể về
tuổi tác, tôi xưng con với họ cũng là phải đạo.
Nguồn minh họa: Internet. Thanks.
Những vị thầy của tôi chẳng những già vì tuổi
đời, mà còn già bởi vác nặng một quá khứ. Hồi đó đất nước đang trong
thời chiến tranh, thầy nào cũng trải qua một cuộc sống khó khăn, gia
đình ly tán, cộng thêm nỗi vất vả cố vươn lên. Vì vậy, quí thầy
không những có kiến thức, có nghị lực, mà còn nặng về tình cảm.
Ngoài việc truyền thụ kiến thức thỉnh thoảng thầy còn kể cho chúng
tôi nghe những trải nghiệm của đời thầy. Những tâm tình ấy tạo cho
thầy trò “thời tôi” một cái tình sư đệ rất Đông Phương.
Thầy dạy hóa học của tôi thay vì dạy những công
thức hóa học thuần túy, thầy để cả giờ say sưa kể về cặp vợ chồng
Marie và Pierre Curie. Họ “sống” bên nhau trong phòng thí nghiệm.
Thầy dạy lịch sử của tôi lại thường kể chuyện cổ tích. Những kiến
thức chủ quan này không có trong học trình, chúng được đưa vào lớp
từ một lý do tâm lý. Thầy muốn chia sẻ cảm nghĩ và như một người anh
tỉ tê kể chuyện đời cho em nghe. Tâm tình của thầy thường hé lộ một
tâm trạng cô đơn, hiền lành, và một mộng ước rất đơn sơ.
Nhân đây, tôi muốn nói thêm rằng thời nay trò
xưng con với thầy không còn thích hợp nữa. Một phần vì tuổi tác giữa
thầy trò không cách xa nhau bao nhiêu. Phần khác vì tinh thần bình
đẳng đã đổi mới xã hội. Học trò xưng em với thầy sẽ tự nhiên hơn.
Tôi cũng nghĩ rằng, học trò thời nay không thể nào cảm thấy được
tình thầy trò như thời xưa. Bởi vì trong tâm trí của giới trẻ hiện
đại luôn luôn ngổn ngang những mối xung đột, ít nhiều bất mãn, và
một chút đả phá. Đó là cái bệnh văn hóa duy lý và duy vật của thời
đại. Thầy bây giờ chỉ chú trọng về kiến thức chuyên ngành. Vì vậy
tình thầy trò dễ thân thiện, bình đẳng và tự nhiên chứ không trang
trọng như xưa.
Thầy Nguyễn Khắc Kham cả đời là thầy, vì thầy
dạy học từ thời thanh niên cho đến quá tuổi về hưu. Bên cạnh đó tôi
lại có thầy không may mắn như vậy. Sau khi tôi tốt nghiệp đại học,
như ông Carnot, tôi rời trường học để vào đời. Vào lúc cuộc chiến
lên cao điểm, tôi bị gọi theo học khóa quân sự. Khi còn ở trong quân
trường, một hôm tiểu tổ 5 người của tôi bị một vị đại úy nổi tiếng
hắc ám đến kiểm soát. Khi thấy ông bước ra khỏi chiếc xe jeep, lừng
khừng đi về phía chúng tôi, anh tổ trưởng đang nằm trên bãi cỏ tung
mình bật dậy hô lớn “Nghiêm". Chúng tôi như cái máy đứng vào hàng.
Thấy ông, tôi choáng người, đây là thầy dạy toán đại số của tôi năm
đệ lục. Tuy hình dáng thư sinh của ông ngày xưa đã thay đổi nhưng
tôi vẫn nhận ra. Đại úy lầm lì chỉ tay vào anh tổ trưởng cất giọng
trọ trẹ miền trung, “Ai cho phép anh nằm ngủ trong giờ học. Bước ra
khỏi hàng! Bò từ góc này qua góc kia. Mau!” Anh tổ trưởng vội nằm
xuống đất oằn người bò như con thằn lằn. Sau đó đại úy đột nhiên hất
hàm hỏi chúng tôi, “Anh ta bò sai ở chỗ nào?” Cả tiểu tổ nín khe.
Tôi buột miệng nói, “Xin đại úy cho anh ta bò lại, nãy giờ chúng tôi
tưởng anh bị phạt nên không để ý.” Vừa nói xong tôi nhận ra ngay
mình đã lỡ lời. Bắt anh ta bò lại có khác gì phạt anh ta thêm một
lần nữa. Ông đại úy quát, “Bò như vậy là tiêu rồi! còn mạng đâu mà
bò lại. Hừm! Anh ra đây. Hít đất 10 cái.” Tôi cụt hứng bước ra khỏi
hàng thi hành lệnh phạt. Tuy bị phạt nhưng nhờ vậy mà tôi đứng cách
xa tiểu tổ và ở kế bên thầy. Hít đất xong, tôi đứng lên giơ tay
chào, rồi khe khẽ hỏi, “Thầy còn nhớ con không?” Vị đại úy khựng
người lại trố mắt nhìn sững tôi. Óc tôi bật ra hình ảnh đôi mắt đầy
bóng tối trong câu thơ của Quang Dũng: “Đôi mắt người Sơn Tây.
U uẩn chiều lưu lạc. Buồn viễn xứ khôn khuây.” Không một lời phán
đoán, thầy quay lưng bỏ đi. Chỗ đứng của tôi ở bờ sông bên này đã
nhận ra, nhưng chỗ đứng của thầy thì chưa. Khi vị đại úy dứt khoát
bước đi, tôi biết ngay đây là lúc từ biệt thầy.
Thầy bỏ nghề, xa trường học, xa quê hương… Chỉ
cần 10 năm trời trôi nổi, cuộc sống đổi đời méo mó, bật gốc đứt rễ,
con người thay đổi cả tâm tình. Thầy trò vô tình gặp lại, câu hỏi,
“Thầy còn nhớ con không” thấm thía nỗi u uẩn vang bóng một thời cho
cả hai. Câu hỏi giản dị, nhưng có những trường hợp chẳng dễ gì mà
hỏi và cũng chẳng dễ để trả lời, rồi thầy trò đứt gánh.
Có lẽ quí bạn cũng đồng ý với tôi công trình
nào cũng phải có điểm khởi đầu. Thầy có nhớ mình hay không chưa phải
là vấn đề. Điều quan trọng là trò có nhớ thầy hay không. Bởi vì
những gì cần làm cho điểm khởi đầu thì thầy đã làm rồi.
ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 19-11-2013)
-----------
1
Ông Nicoles Leonard Carnot (1837-1894) sau này là Tổng thống
Cộng hòa Pháp vào năm 1887.
2
Dựa theo lời kể của thầy Ngô Bảo Toàn về bà chị của thầy.
3
Lời thầy Phạm Doanh Môn nói với thầy cũ là thầy Trần Ba.
4 Chuyện bên lề của buổi họp mặt đầu
tiên của nhóm cựu học sinh Trung học Kiến Tường năm 2010.
|