dnnp - đỗ xanh

 

 

 

Kiêng với cữ

 

 

Thời gian cứ tà tà đi thẳng một đường, nhưng đời sống lại theo chu kỳ bốn mùa, vì vậy chúng ta thấy thời gian đi tới đi lui. Người nhìn về phía trước thì thấy “Tết về”. Người nhìn về phía sau thì thấy “Tết đến”. Người ngây thơ thấy Tết chợt hiện ra, “Ô hay! Tết rồi à”. Tuy nhiên những lời nói này không có ý đo lường thời gian. Ý nghĩa của chúng tùy ở người phát ngôn đang cười hay đang mếu. Theo tục lệ, Tết “đến” nó dắt “tới” một con thú gọi là con giáp. Tết này nó cưỡi ngựa về với tên chữ là Giáp Ngọ.

Thế là mọi người ùn ùn dựa hơi vào tính khí của ngựa để đánh bóng cho vận mạng của mình. Ai cũng muốn mình mang danh thiên lý mã, ngựa sắt của thánh Gióng … Ai cũng tránh mang chút ít đầu trâu mặt ngựa, làm thân trâu ngựa…. Muốn vậy, đành phải kiêng cữ thôi.

Theo truyền thống Việt, những gì xảy ra trong ba ngày “mùng” đầu năm sẽ tạo ra vận mệnh cho cả năm. Ai mà chẳng muốn có một năm mới thịnh vượng hoành tráng. Vì vậy người ta uốn nắn số mệnh bằng cách “gò” ba ngày mùng cho thật hoàn hảo. Đạo diễn của kịch bản thường là các bà chủ nhà. Vào ngày 30 cuối năm các bà lên kế hoạch với một bản liệt kê những gì phải kiêng cữ. Khi đồng hồ gõ đúng giờ giao thừa, chủ gia đình đốt một phong pháo chào mừng. Tức thì mọi người trong nhà bắt đầu diễn xuất. Ai cũng ra vẻ hiền như cừu, ngây thơ như nai, và tao nhã như hạc. Dĩ nhiên cũng có người miễn cưỡng nhập vai, nhưng các bà chủ chẳng thèm để ý. Đối với các bà “có kiêng có lành”.

Sau đây là những điều kiêng cữ tổng quát trong 3 ngày “mùng”. Vào đêm giao thừa tối thui, nhưng nhà ai bị tắt điện phải ráng chịu. Qua hàng xóm xin lửa là vi phạm một lỗi lầm cực kỳ lớn. Bởi vì không ai mang sự ấm áp của nhà mình ra cho người ngoài. Nếu ai đầu năm mà đi mượn tiền thì chắc chắn không phải là người Việt. Mà dù có thiếu nợ cũng phải ăn mặc đẹp như ta đây ngon lành.

Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa.

(Nguyễn Công Trứ)

Nói về món ăn, nếu bạn không muốn cả năm công danh xuống cấp thì chớ dại ăn tôm, vì tôm là tổ sư đi giật lùi. Cũng phải kiêng ăn vịt xiêm hay hột vịt lộn. Bởi vì vịt (dịch) là “mắc dịch” hay “ôn hoàng dịch lộn”, hơn nữa vịt là hình ảnh của chậm chạp ì ạch. Nếu muốn mọi việc thông suốt thì chớ ăn bí. Các cô ghiền ăn sầu riêng bắt buộc phải nhịn. Mâm ngũ quả cũng nên tránh những trái cam (cam chịu), trái lê (lê lết), trái chôm (chôm chỉa)… Tuy nhiên, trộm nghĩ nếu cứ kiêng cữ theo kiểu “tán” như thế này thì còn gì là tết. Này nhá, chả lẽ chậu kim quất là điềm quất ngựa truy phong; cành đào là đào tẩu; cây mai là mai một; bánh tét là bị tét đầu... Ôi thôi chả dám nói thêm.

Về mặt giao tiếp, người ta kiêng nói tục. Mỗi lần bàn đến chuyện nói tục là người ta chỉ nhắm vào đàn ông. Nghĩ như vậy là lầm to, vì ai cũng phải có một trình độ văn hóa tối thiểu. Chẳng hạn không được chửi ai là chó. Nhưng nếu muốn gọi con chó thì phải làm sao. Người ta phải gọi tránh đi là con cầy (không có chữ “tơ” đi kèm). Những tiếng gợi ý nhơ bẩn như “đi …” thì phải nói vòng vo là “đi ngoài”, hay “ra sông mừng tuổi cá tra”.

Ngoài ra còn phải giữ những thứ lặt vặt như kiêng làm vỡ chén dĩa đồ đạc, vì gia đình sẽ bị đổ vỡ. Kiêng mặc áo trắng vì đó là điềm tang chế. Kiêng đổ rác vì ông thần tiền núp trong rác sẽ bị rơi vào thùng rác. Bạn đừng cười, nhiều người rất nghiêm túc tin vào những điều này.. như cụ bà nhà tôi.

Trên đây là nói chung chung, tùy theo đặc tính con giáp, mỗi năm lại có thêm một số kiêng cữ riêng. Năm mới đây là năm ngựa, vậy trước hết chúng ta cũng cần biết chút đỉnh đặc tính của ngựa để dễ bề hành xử. Theo ngũ hành, ngọ thuộc hỏa. Vì vậy giờ ngọ là giờ nóng nhất trong ngày, tức giữa trưa. Ngựa chạy nhanh, người xưa ví thời gian qua mau như “bóng câu qua cửa sổ”. Ngựa khỏe mạnh nên người ta nói “chạy như ngựa”. Động lực xe ôtô được tính bằng “mã lực”. Thánh Gióng có ngựa sắt nhờ đó mà đánh thắng giặc Ân. Ngựa là biểu tượng của sức mạnh trấn giữ. Ở Hà Nội có đền Bạch Mã do Lý Thái Tổ dựng. Đền này là một trong tứ trấn của thành Thăng Long xưa, nên rất được kính trọng.

Người ta dựa vào những ưu điểm của ngựa mà ăn ké, vì họ tin rằng nếu vận mạng thuận với đặc tính của con giáp thì sẽ hưng phát. Chẳng hạn trong vụ đặt tên cho con cái, các vị thâm Nho lý luận rằng ngựa ưa ăn ngũ cốc vậy nên đặt tên cho có bộ hòa ( lúa) hay bộ mễ (đậu). Chẳng hạn đặt tên là: Tô, Khoa, Nhu … Người khác nói ngựa ăn cỏ vậy nên đặt tên con có bộ thảo (cỏ) như: Chi, Phương, Uyên... Nếu chuyện này mà đúng thì quí thầy Nhu, Hòa chắc chắn phát tài trong năm nay. Hình như ngựa hạng sang được ăn ngô và đỗ. Nếu vậy hai người có tên nôm na là Ngô vàng và Đỗ xanh cũng quá hợp với năm Giáp Ngọ. Biết đâu năm nay họ trúng số cá ngựa 10 cặp.

Kế đó ta phải né những gì ngựa không thích. Ngựa không thích kéo xe. Vậy nên tránh đặt tên con là kiệu. Ngựa kỵ bị ăn roi nên tránh đặt tên con là tiên (kỵ nhất là nhuyễn tiên). Dĩ nhiên cứ cái đà “khảo cứu” kiểu này người ta còn nhiều thứ kiêng nữa như “sụm bà chè”, “sùi bọt mép”.v.v và v.v…

Người nhà quê tính tình vốn chất phác. Họ có thói quen đẻ con vào năm nào thì cứ lấy con giáp năm đó mà đặt tên cho con. Thật là tiện lợi và cũng dễ nhớ tuổi của đứa con. Không may năm nay là năm ngựa, đặt tên con là ngựa sao đặng. Theo ngôn ngữ lục tỉnh Nam kỳ, ngựa có nghĩa xấu. Người ta thường chê kẻ không ra gì là “đồ ngựa” hay “con này ngựa lắm”. Tuy nhiên, nếu dùng chữ “ngọ” thì họ lại không cảm thấy có tí ngựa nào hết. Chúng ta đã chẳng có bản nhạc phổ thơ nổi tiếng cả nước “Đường mưa nho nhỏ, anh theo Ngọ về” là gì. Cứ tin đi, trong năm nay thế nào cũng có vài em bé mang tên “Ngọ”. Nói cho ngay, trong vụ đặt tên, những người khôn ngoan vẫn đứng hàng đầu. Họ đặt tên con theo giá trị kinh tế vượt kiêng cữ. Chẳng hạn tên con là “Tiền” hay văn hoa là “kim ngân”. Dĩ nhiên người khôn không ít, vì vậy những tên như: Ngọc, Ngà, Châu, Báu, Kim, Ngân, Hạnh, Phúc, Huy, Hoàng, Đồng, Đô (Đô-la), Rô (Euro)… đã có người mang tên từ khuya rồi.

Khổ cho các ông bợm nhậu vì ngọ khắc với dậu, nên tiệc Tết phải tránh có thịt gà. Có ông kia bị vợ bắt kiêng ăn gà bèn nổi cáu. Ông nói, “Mụ không biết 12 con giáp là do bọn bợm nhậu đặt ra sao? Tui hỏi mụ con gà con heo con rắn… con nào mà không là món nhậu.” Bà vợ bẻ lại, “Hui cái miệng! vậy con rồng ăn được không?” Ông chồng đáp, “Mụ nhắc làm tui thèm. Đúng tên của nó là ‘rồng co’ tức con ‘cò rông’ chứ đâu.” Bà vợ sợ ông nói bậy xúc phạm thần thánh, vả lại cũng phải kiêng cãi nhau, nên nén bụng dúi cho ông ít tiền để ổng đi khuất mắt cho yên nhà. Nhờ vậy mà tại quán cóc của Tư Miền, ở đầu xóm, vào đầu năm bao giờ cũng đầy khách. Họ toàn là các ông chồng bạo mồm to miệng. Tại đây mấy ông này có thể nói thẳng như ruột ngựa, “Chết cha! Tui hết tiền rồi. Chú Tư nè, cho qua thiếu nợ được không…”

Dĩ nhiên mỗi năm đều có những kỳ tích mang dấu ấn con giáp. Nhân năm ngựa tôi cũng xin kể vài giai thoại về ngựa cho vui. Mùng một tết, ông chồng đang ngồi trong phòng khách mắt lim dim mơ mộng. Cô vợ hùng hổ bước vào cố nén giận ném vào ông một mảnh giấy rồi nói, “Tóc Tiên là con nào. Tôi lục thấy mảnh giấy này trong túi áo của ông.” Anh chồng nhanh trí đáp, “Đang mùng một vui lên em. Nó là tên con ngựa. Em không nhớ tuần trước anh đi đánh cá ngựa à?” Cô vợ bẽn lẽn đi vào bếp. Hôm sau ông đi làm về thấy bà vợ đang ngồi khóc. Ông hỏi, “Chuyện gì thế?” Bà vợ rống lên, “Hôm nay con ngựa Tóc Tiên nó gọi điện thoại cho ông. Hu hu…” Ông chồng này mắc nạn là phải, bởi vì như trên đã nói, ngựa kỵ với người có tên là “tiên”.

Chắc quí bạn còn nhớ năm 2001 có ông Dôn Ke-ri (John Kerry) đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống Mỹ với ông Bút con (George W. Bush). Dân Mỹ gốc Việt không bầu cho Ke-ri. Họ nói, “Mặt chả dài như mặt ngựa, khá sao đặng”. Rồi Ke-ri bị thất cử thật, chẳng biết có vì dấu ấn “mặt ngựa” hay không. Con ngựa không nghĩ như vậy. Cổ văn của ta có chuyện “Lục súc tranh công” trong đó có đoạn con ngựa khoe mình mặt dài. Chuyện kể rằng một hôm ngựa bị các con vật khác chê là vô tích sự, nó cáu giận nói:

Ngựa nghe nói tím gan nổ phổi

Này này tao bảo chúng bay

Đố mặt ai dài bằng mặt ngựa.

Mượn danh ngựa để tiến thân có lẽ kim cổ chưa ai qua mặt được ông Quách Ngỗi. Vào thời Chiến quốc, vua nước Yên là Chiêu vương muốn tuyển nhân tài giúp nước. Vua tâm sự với Quách Ngỗi, Quách tâu, “Thần xin kể hầu bệ hạ câu chuyện. Ngày xửa ngày xưa có vị vua trao cho ông quan 1000 nén vàng để đi mua con thiên lý mã, tức con ngựa đi ngàn dặm một ngày mà không mệt. Dọc đường ông quan thấy có đám người bu xung quanh một xác ngựa. Hỏi ra mới biết nó là con thiên lý mã bị chết. Ông quan bèn mua lại bộ xương ngựa với giá 500 nén vàng, rồi mang về dâng vua. Vua tức giận mắng ông là đồ vô dụng, ông bèn thưa, ‘Thần cố tình làm như vậy để tin đồn lan ra rằng vua quí ngựa đến nỗi chỉ bộ xương mà cũng mua với giá 500 nén vàng huống chi ngựa sống còn cao giá đến thế nào. Rồi bệ hạ sẽ thấy người ta tự động dắt ngựa đến cho bệ hạ tha hồ mà lựa’. Quả nhiên chuyện ấy xảy ra y hệt như vậy.”

Kể chuyện xong, Quách Ngỗi bèn cười cầu tài nói, “Như thần đây nếu được bệ hạ trọng đãi thì thiên hạ sẽ đồn ầm lên rằng, kẻ bất tài như thần mà còn được biệt đãi đến thế thì người tài chắn chắn còn được ưu đãi hơn.” Chiêu vương nghe lời, vua đãi ngộ Quách rất hậu và còn xây cho một dinh thự hoành tráng. Thế là tiếng đồn vua Chiêu vương trọng hiền sĩ vang ra khắp nơi. Nhân tài tứ phương đều tụ về với Yên.

Từ câu chuyện trẻ con, Chiêu vương nhìn ra đạo lớn. Như vậy tính cho kỹ, ngựa là biểu tượng của nhiều giá trị tốt hơn là xấu. Trong nghệ thuật dân gian có tranh tết vẽ hình bầy ngựa đang phi nước đại. Tranh dựa theo thành ngữ “mã đáo thành công” (ngựa tiến đến mức thành công) ý nói ra tay là đạt thắng lợi. Ngựa sống có tình nghĩa, thành ngữ có câu “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”.

(National Geographic, hình chụp bởi Marco Carmassi)

Cả hai ý niệm trên đều đúng với Gia đình THKT. Chúng ta là những người của mọi thế hệ tụ lại với nhau như “ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”. Chúng ta dù có tản mát khắp nơi nhưng như “ngựa quen đường cũ” chúng ta rồi cũng gặp nhau trong từ đường (website THKT).

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, California, 27-1-2014)

_____

Nguồn hình minh họa: Internet.

 

 


Copyright © 2010 - 2013 Trung hoc Kien Tuong Homepage