CẢM XÚC NHÂN NGÀY CỦA MẸ (11-5-2014):
Bố tôi là một người
bình thường
(Nguồn minh họa: Internet. Thanks.)
Lễ hội “Ngày của bố” là một ngày vui. Đã đành
con cái vốn thương bố, nhưng cũng cần có một ngày vinh danh bố như
một ghi dấu cụ thể. Đáng tiếc có những hoàn cảnh bố chỉ còn là một
hình bóng của quá khứ, vì bố đã khuất núi. Tuy nhiên, đối với nhiều
người con, hình ảnh ấy không phải là một kỷ niệm, nhưng vẫn thầm
lặng sống với họ. Và người con vinh danh bố trong tâm khảm về những
gì bố để lại cho mình.
Mối liên hệ khởi đầu và quan trọng bậc nhất của
con người là cuộc sống với bố mẹ trong thời thơ ấu. Mối liên hệ này
có căn tính là tình yêu. Tuy nhiên tình yêu giữa bố và con là môt
liên hệ đặc thù. Khi con còn nhỏ, con thấy sự hiện diện của bố là
toàn diện của sự chống đỡ vững vàng cho mọi hiểm họa. Con đối với bố
trong tâm trạng vừa yêu, vừa kính, vừa sợ, và vừa tin tưởng. “Mẹ
đánh một trăm không bằng cha hăm một tiếng.” Uy thế của bố đã tạo ra
một khoảng cách tâm lý giữa bố và con. Con không thể ôm bố như ôm
mẹ, không thể làm nũng với bố như với mẹ. Con có đầy tình cảm với
bố, nhưng không dễ biểu lộ. Ngay cả khi ngồi một mình nhớ về bố,
nhiều người vẫn chỉ cảm thấy thoải mái khi dùng thứ ngôn ngữ nửa
vời, với những hình ảnh ẩn ý, để mô phỏng chiều sâu của tim. Bình
dân như ca dao mà cũng ví von: “Con
có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi.” Bố có
địa vị cao nhất trong gia đình, vì bố là cái mái nhà che chở. Nhưng
bố cũng là động lực ở phía sau để định hướng và đẩy con tới trước.
Mất động lực này, như nòng nọc đứt đuôi, làm sao bơi. Sự so sánh
thật dí dỏm. Bố thật là vĩ đại.
Tuy nhiên cũng đến lúc nòng nọc bỏ đuôi, bỏ
nhà, một mình nhảy lên bờ cao. Khi chúng ta trưởng thành, bố có còn
vĩ đại không? Khách quan mà nói, đa số chúng ta chỉ thấy bố mình là
một người bình thường. Nhưng phải chăng người vĩ đại là người có tài
sản to, sự nghiệp lớn, bằng cấp cao? Thi sĩ Luis Omar Salinas gợi ý
cho chúng ta nhìn sâu hơn một chút, để thấy một chân dung khác của
ông bố bình thường.
Luis mồ côi bố từ thuở nhỏ. Vào thời trung
niên, ông hồi tưởng về bố qua bài thơ “My father is a simple man”.
Thi khúc này nổi tiếng trong văn học Mỹ vào những năm 1969-1996. Bạn
sẽ lầm to khi nghĩ đây là một áng văn chương tuyệt tác. Trái lại lời
thơ mộc mạc như lời nói bình thường hằng ngày. Về hình thức nó là
một bài thơ không vần điệu làm theo thể thơ tự do (free-verse poem).
Mẩu chuyện kể ra cũng rất thô sơ không có tình tiết gây ấn tượng.
Luis không dùng những mỹ từ cao siêu gán cho bố, để đánh bóng một
người mà trình độ học vấn mới tới lớp sáu. Tuy nhiên chính nhờ tôn
trọng cái nét bình thường của bố mà bài thơ nổi tiếng, vì nhờ đó nội
dung của bài thơ được nổi bật. Một thời, nhiều vị thầy giáo đã đưa
bài thơ vào trường học để làm chủ đề cho những bài luận văn (essay).
Người ta nhận ra cảm nghĩ về bố, mặc dù ít ai nói ra, nhưng ai cũng
thấy như Luis minh họa. Luis đã nói ra tâm trạng chung của nhiều
người con.
Luis kể rằng hồi còn nhỏ, ông và bố lên phố mua
tờ báo. Bố đi khó khăn nên bé Luis phải bước chậm lại để được đi kế
bên bố. Luis không nói ra lý do bố đi chậm. Độc giả nhận ra nỗi
thương cảm thầm kín của Luis vì ông bố có khuyết tật. Trên đường
đi, bố con thảo luận về giá cả thị trường của trái lựu. Nhân cơ hội
bố nói cho Luis nghe đủ mọi chuyện liên quan đến lựu. Sự hiểu biết
của bố rút ra từ những va chạm với thực tế của kiếp mưu sinh. Đối
với Luis, bố thông thái như một học giả. Rồi bố qua đời, Luis đau
khổ coi tai họa này là một án phạt từ tên ác quỉ xa lạ giáng xuống.
Lớn lên, hồi tưởng về bố, Luis thành thật xác nhận bố chỉ là một
người chất phác bình thường (a simple man). Nhưng bản sắc đáng quí
của bố chính là ở sự đơn giản như thế. Với một lối nhìn đời đơn
thuần, bố sống chân thật, hết lòng với những thành quả nhỏ bé do sức
mình tạo ra. Bố không sống giả hình khoe khoang để nhận lời khen
ngợi hão về những gì mình thật sự không có. Bản tính của bố là lòng
nhân từ, tính kiên nhẫn, và ý chí cố gắng lao động để nuôi sống gia
đình.
Tôi xin nhường lời cho Luis Omar Salinas:
Bố tôi là một người bình thường
Tôi theo Bố ra tỉnh để mua tờ báo
Bố đi chậm hơn tôi nên tôi phải chậm bước
Đường phố đầy trẻ con
Chúng tôi bàn về giá cả của lựu
Tôi biện minh với bố đó là trái cây của bậc
học giả
Bố đã dẫn tôi vào cuộc hành trình dài suốt
đời
Và người chỉ vững lòng khi tôi khỏe mạnh
miễn tôi ăn nhiều cam
Bố bảo những trái cam có hột mang sự vĩnh
cửu
Chúng ta rồi cũng được lưu truyền như cây
cam
Tôi hỏi Bố nghĩ gì về cái chết
Bố nói sẵn lòng đối mặt khi nó tới
nhưng không vội nhảy vào mũi chiếc xe đang
chạy
Tôi sung sướng được hy sinh đời mình
cho người đàn ông trình độ lớp sáu này
Người thật sự có thiện tâm và lòng kiên nhẫn
Đúng ra ông là một học giả
Rồi thực tại cay đắng đến với tôi
như một trừng phạt từ tên ác quỉ xa lạ
Nhưng tôi đã có thể luôn luôn nhớ rằng
ở đây có một người đàn ông
là công nhân và là người cung cấp
Người hiểu biết những điều thật đơn giản
trong cuộc đời và sống thật với chúng
Người không sống giả hình
Và khi ra đi người không mang theo
danh giá
từ sự phô trương hay những lời ngợi khen
Tôi sẽ học được từ đó những điều bé nhỏ
nhưng mang điều vĩ đại.
Con đường ra phố mua báo không dài, cậu bé con
đi bộ cũng tới. Vậy mà con đường ngắn ấy trở thành cuộc hành trình
cả đời. Bởi vì, sau khi bố chết, hình ảnh của bố trên con đường ấy
ảnh hưởng suốt đời của con. Biết giá cả trái lựu lên xuống chỉ là
chuyện nhỏ. Vậy mà con thấy kiến thức của bố như của một vị học giả.
Bởi vì cuộc hàn huyên vụn vặt về sự sống còn ấy, đã biểu lộ bản tính
của bố, và đã tạo nên nền tảng nhân sinh quan cho đứa con. Ăn cam bổ
cho sức khoẻ là điều bình thường ai cũng biết. Cây cam có trái, trái
cam có hạt, hạt cam đem trồng sẽ sinh ra cây cam. Bảo rằng từ bố qua
con, mình cũng được lưu truyền như cam. Vậy là bố đã mộc mạc nói ra
cái nguyên lý cốt tủy của sự sống là sự tiếp nối. Nhưng đây còn là
sự tiếp nối những kỳ vọng bố đặt trên con và con đón nhận như một
cuộc bàn giao tâm huyết. Những tiềm ảnh này giúp con khi gặp cảnh
không may, con nhớ ra rằng đã có một người tầm thường và gặp cảnh
khó khăn hơn, mà vẫn cố gắng vượt qua. Rồi người ấy hài lòng qua
đời, trong âm thầm, chẳng có ai đề cao hay vỗ tay. Đó mới thật là
lối sống cao cả vĩ đại.
Hình ảnh về bố của Luis cũng là hình ảnh về bố
của mọi người. Chúng ta, ai cũng có ông bố bình thường. Trong khả
năng hạn hẹp, bố chỉ làm được những việc tầm thường. Những hiểm họa
hay đau khổ bố phải gánh vác chỉ làm tăng thêm khuôn mặt cố gắng của
bố. Bố đã giữ gìn sự sống, với lòng yêu thương, hy sinh, và kiên
nhẫn, đúng với phẩm giá con người. Vì vậy chân dung thật của bố là
một nhà thông thái.
Bây giờ chúng ta đã có thể trả lời cho câu hỏi
“Thế nào là ông bố vĩ đại”. Giá trị vĩ đại không đến từ những công
trình vật chất ngoại hạng, nhưng đến từ phẩm giá con người. Mặc dù
chính cuộc đời của chúng ta bình thường, nhưng phẩm giá và hạnh phúc
vẫn có khi chúng ta xây dựng cuộc đời, theo trình độ sáng tạo của
mình, trong một nhân tính sáng suốt. Người bố bình thường của chúng
ta đã sống như vậy, nên bố là một nhà thông thái vĩ đại. Đối với
nhiều người, sự vĩ đại còn ở chỗ bố đã dạy họ những điều này, kịp
giờ, trước khi bố qua đời. “Tôi sẽ học từ đó những điều bé nhỏ nhưng
mang điều vĩ đại.” (I shall have learned what little there is about
greatness.)
ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California, Ngày của Bố 15-6-2014)
|