dnnp - đỗ xanh

 

 

 

 

 

 

Ý thiền và thơ Haiku
 

* khảo luận

Bên cạnh dòng thơ có niêm luật là loại thơ phá luật. Phá luật không phải là muốn viết thế nào cũng được. Đã gọi là thơ, trước hết nó phải có chất thơ và gợi ra những cảm xúc nội tâm. Theo chiều hướng ấy, thơ thiền Haiku ( Bài cú) của Nhật là nổi bật hơn cả. Xin nói ngay, thiền chỉ là khái niệm minh họa cái chứng nghiệm nội tâm. Thiền không liên quan đến tôn giáo.

Khái niệm về thiền

Thiền bắt nguồn từ nền minh triết Ấn Độ và đã có trước khi Phật Thích Ca ra đời. “Thiền” theo Phạn ngữ (Sanskrit) là “dhyana”. Phật Thích Ca đọc theo âm Pali của ngài là “jhana”. Chữ jhana chuyển qua Hoa ngữ là “ch’an”. Ch’an chuyển qua Nhật ngữ là “zen” và chuyển qua Việt ngữ là “thiền”. Như vậy từ “dhyana” trở thành “thiền” là một phiên âm sai lạc qua nhiều chặng đường. Thiền tự chính nó không có bóng dáng một tôn giáo nào.

Thiền không phải là một hệ thống tư tưởng, hay một nhận thức tâm lý. Đừng rơi vào cạm bẫy tìm hiểu thiền qua những giảng giải đầy chữ nghĩa. Trong thiền có câu “Dù nói mãi về đồ ăn cũng không làm ta no bụng”. Khi ta bị đau vì đứt tay. “Đau” là một chứng nghiệm sống, không phải là khái niệm. Ai có thể kinh nghiệm đau qua suy tư giảng giải. Khi bị đứt tay, ta và đau là một.

Tuy nhiên, người ta thường không thể chấp nhận một điều gì mà không có tối thiểu một vài khái niệm về nó. Vì vậy người ta đành phải có luận bàn về thiền. Triết gia Descartes nói một câu thâm sâu: “Tôi suy tưởng, vì vậy tôi hiện hữu.” Câu này rất đúng với trí thức, nhưng đối với thiền, nó lại hoàn toàn sai. Trong thiền, càng suy nghĩ bao nhiêu, ta càng xa chân thân (true self) bấy nhiêu. 

Tại sao trí thức không thể giúp ta chứng nghiệm? Bởi vì để có một ý niệm trí thức, mỗi vật phải có một vị trí riêng trong không gian và thời gian. Chẳng hạn khi ta ngắm bông hoa, ta phải đứng ở vị trí của ta và bông hoa phải đứng ở vị trí của hoa. Ta là ta. Hoa là hoa. Nhờ có khoảng cách đối lập ấy mà con người mới có chỗ đứng để quan sát mà suy tưởng. Như vậy luôn luôn phải có hai vị thế: chủ thể và khách thể. Sự biện biệt này là cách đánh lừa rất sâu sắc của trí thức.

Trong thiền, để có “ý thức”, ta với đối tượng phải hòa làm một. Vì vậy muốn “chứng nghiệm” tâm phải trống rỗng không có một ý nào của tri thức lọt vào. Duy chỉ có kinh nghiệm về thực tại mà thôi. Thí dụ khi chơi đàn guitar, mắt ta nhìn bản nhạc. Tức thì ngón tay ta tự động bấm theo nốt. Tai tự động điều chỉnh âm thanh. Lòng vô tư rung động theo điệu nhạc. Ta và nhạc là một. Ta không suy nghĩ nốt nhạc tên gì, không suy nghĩ ngón tay bấm vào đâu. Thiền là vậy. Thiền là cái biết trực tiếp không qua khái niệm, không suy nghĩ và không giảng giải.

Ý thiền trong thơ Haiku

Hồi tôi còn là cậu học trò lớp đệ Thất, thầy dạy Quốc văn của tôi có kể rằng, một cô bé 12 tuổi, học trò của thầy, đã viết câu thơ như sau:

Hái đóa cúc vàng Thu dính tay.

Kỳ lạ, tôi không nhớ tên thầy và tên trường, cũng không biết tên cô gái, nhưng lại nhớ rất rõ câu thơ. Hoa cúc nở vào mùa Thu. Coi như cúc gắn liền với Thu. Ngón tay dính phấn hoa cũng là chạm vào tình Thu. Hoa cúc, mùa Thu, và cô bé hòa vào nhau trong một cảm nghiệm. Câu thơ không có một đặc ngữ nào của thiền. Tác giả cũng chẳng biết thiền là gì, nhưng ý thơ lại đầy thiền ý của dòng thơ haiku.

Haiku là một trường phái thi ca rất độc đáo của nền văn chương Nhật Bản. Kẻ hậu sinh gọi dòng thơ này là Haikudo (Bài cú đạo). Haiku được thăng hoa nhờ công của thiền sư Matsuo Basho (1644-1694). Basho thuộc dòng dõi hiệp sĩ, nhưng ông phục vụ dưới trướng sứ quân Yoshitada với chức thư ký văn phòng. Sau khi chủ nhân qua đời (1666, lúc đó Basho mới 22 tuổi) ông bị suy sụp tâm thần trước buổi suy tàn của thế hệ hiệp sĩ. Ông vào chùa đi tu, chuyên tâm học phép khích động tâm thức của thiền. Sau một thời gian, ông xuất chùa ngao du thiên hạ. Trong cuộc sống lữ hành, Basho thường làm thơ theo thể loại Haiku. Qua thể thơ này, thiên tài của ông được biểu lộ. Ông đã nâng thơ Haiku lên đến tuyệt đỉnh nghệ thuật của nền thi ca Nhật Bản. Đến tuổi tam thập, Basho lập riêng ra trường phái Shofu (Tiêu Phong). Shofu thiên về tĩnh lặng, đơn độc, và chiêm niệm. Có lẽ nhờ sở đắc tinh thần kiếm đạo và thiền đạo, thơ Haiku của Basho rất giàu cảm xúc, ngắn gọn và thâm sâu. 

Tượng thiền sư Matsuo Basho ở Hiraizumi, Iwate.

Thơ Haiku rất ngắn, không có đề tựa, cả bài chỉ có 3 dòng. Dòng đầu có 5 âm, dòng kế có 7 âm, và dòng chót có 5 âm. Tiếng Nhật vốn là tiếng đa âm, nên 5 hay 7 âm nhiều khi chỉ là một vài chữ.

Sau đây là bài thơ được coi như mẫu mực của Basho: 

Chiếc ao cũ!   An old pond!    古池や Furuikeya (Phư-rư-i-kê-ia) 5 âm

Cóc nhảy vào  A frog jumps in  蛙飛び込む Kawazu tobikomu (Ka-oa-dư-tô-bi-kô-mu) 7 âm

Khua  nước động.  The sound of water.  水の音 Mizu no oto (Mi-dư-nô-ô-tô) 5 âm

Cảnh cô liêu, âm thanh lẻ loi trên mặt ao càng làm nổi bật sự tĩnh lặng. Mối cảm xúc cô tịch được diễn tả hết sức giản dị. Cái ao, con cóc là những vật đơn sơ đến mức tầm thường. Chúng mang cái ấn tượng về không gian mà tác giả cảm thấy ngay lúc ấy. Khi nói ao “cũ” là đã hàm ý có sự đo lường của thời gian. Tác giả cảm nhận thân phận hạn hẹp đóng khung trong không-thời gian, như con cóc sống hạn hẹp trong cái ao cổ. Cái hiện tượng tĩnh lặng đó mở ra một cửa ngõ đi vào nội tâm. Một thế giới nội tâm vô không-thời gian. Thế gìới ấy thế nào là cõi tưởng tượng của độc giả. Tác giả kể ra vừa đủ chi tiết để độc giả cũng có thể thấy như tác giả đang thấy, nhưng không suy nghĩ giùm cho người đọc.

Về kỹ thuật, Haiku sử dụng những chữ hết sức giản dị, nhẹ nhàng. Văn từ chỉ dùng để nêu tên sự vật chứ không miêu tả nó. Những vật được nêu ra là những vật trực tiếp nhìn thấy ngay lúc ấy. Chúng tuy giản dị, nhưng thực ra lại là một chọn lọc cùng cực của ấn tượng. Nó vừa diễn tả được sự huyền bí của thực tại lại vừa diễn tả được chiều sâu trong tâm hồn.

Cảnh tĩnh không lời của Haiku là cảm nhận của thiền, vốn dĩ chiêm niệm trực tiếp về sự sống. Cũng qua đó chúng ta thấy cái đẹp của thơ Haiku. Cái đẹp không phải là những từ ngữ chau chuốt hay những đối tượng đẹp đẽ. Sự sống nằm nơi những cái thô sơ thường ngày. Chúng mang ý nghĩa cuộc sống nhờ dẫn vào cõi huyền ảo của một nội tâm phóng khoáng, hoàn toàn tự do, và giải thoát. Cái tinh túy trong lối cảm nhận này là không phủ nhận đối tượng, nhưng còn nhìn thấy đối tượng trong một chiều (dimension) khác. Con nguời chỉ có thể nhìn thấy khi đi vào cõi huyền bí của im lặng.

Cành trụi lá                On the bare branch

Con quạ bám              A crow settles

Hạt bụi Thu                Autumn dusk

(Grieg Toyomasu dịch. Nguồn: Toyomasu.com)

Nếu đây là một bài thơ bình thường, chúng ta có thể hiểu thế này. Trên cành cây khô trơ trụi lá. Một con quạ ở đâu bay tới đậu trên cành. Những hạt bụi đất rơi xuống. Đó là cảnh mùa Thu. Nhưng với thơ Haiku bài thơ được hiểu là: trên nhánh cây, bị khô héo trụi lá, vì quạ đen là bụi bặm của trời Thu bám vào. Cành khô, quạ đen, và bụi Thu là 3 chất liệu không theo thứ tự trước sau. Chúng trộn lẫn vào nhau để trở thành một cảm xúc tàn tạ của thiên nhiên, hay của kiếp người. (*)

Dịch thơ Haiku

Một bài thơ Haiku của Taniguchi (Yosi) Buson, thế kỷ 18.

Bởi vì cảnh vật được nêu ra trong thơ không phải là cái tác giả muốn nói, nên dịch thơ Haiku là một nan đề. Nhiều người cho rằng không thể dịch thơ Haiku, vì không ai có thể đi vào tầng tiềm thức và vô thức của tác giả. Đối với người đọc, nội dung của thơ cũng thay đổi tùy theo cảm nhận riêng tư. Vì vậy các học giả đành phải công nhận rằng có hai lối dịch thơ Haiku. Một là dịch nguyên văn chữ theo chữ. Hai là dịch theo cảm xúc của mình khi đọc bài thơ đó.

It would melt               Tóc mẹ tan

in my hand                  trong tay con

the Autumn frost.         sương mờ Thu.

(Robert Hass. 1994, The Essential Haiku)

Chúng ta chỉ hiểu được bài thơ trên khi biết tâm sự của tác giả. Gần cuối đời, Basho ghé thăm làng cũ. Anh của ông mở chiếc hộp đựng kỷ vật trong đựng một lọn tóc của mẹ. Người anh nói, “Chú hãy kính viếng mớ tóc trắng của mẹ. Coi kìa, lông mày của chú cũng đã bạc rồi.” Basho đã làm bài thơ trên. Khi đã biết hoàn cảnh sáng tác như thê, ai có thể lột được ý của tác giả khi dịch câu “sương mờ Thu”.

Bài thơ con quạ đã được dịch theo cảm xúc người đọc như sau:

Trên tiều tụy cành                   On a withered branch

Bóng quạ                                A crow has alighted

Rũ chiều Thu                           Nightfall in autumn.

(Nguồn tiếng Việt: Nhatban.net; nguồn tiếng Anh: oaks.nvg.org. Cả hai nguồn không thấy ghi tên tác giả)

Thơ Haiku hiện đại

Mộ của Taniguchi (Yosi) Buson.

Đến thế kỷ 18, thơ Haiku được chấp nhận khắp nơi và trở thành thơ quốc tế. Nhiều thi sĩ đã dùng thể loại này để sáng tác như Hendrik Doeff (1764-1837) của Hà Lan (Dutch), Paul Eluard (1895-1952) của Pháp, Octavio Paz (1914-1998) của Tây ban Nha, George Seferis (1900-1971) của Hylạp, và Hartmann của Mỹ. Qua đến cuối thế kỷ 19, nhiều thi sĩ theo trường phái hình tượng (imagism) đã đưa lên văn đàn một khối đồ sộ về thơ Haiku cả về lượng lẫn phẩm phổ biến trong những quốc gia nói tiếng Anh. Ba thi bá Basho (1644-1694), Taniguchi (Yosi) Buson (1716-84) và Kobayashi Issa (1763-1828) là những trường phái khuôn vàng thước ngọc của họ. Các nhà phê bình văn học cho rằng Bosha thiên về nỗi khắc khoải tìm kiếm (ascetic and seeker); Buson thiên về hội họa (artist), và Issa thiên về tình người (humanist). Từ đó các thi sĩ tuy lấy tinh thần Haiku làm công thức nhưng sáng tác theo khai phá riêng của mình. Sau đây là bài Haiku bằng Anh ngữ của thi sĩ Mỹ Nichola Anthony Virgilio (1928-1989)

Lily                             Sen

Out of water                Vươn khỏi nước

Out of itself.                Ra khỏi chính mình.

Xem thế, thơ Haiku tân thời vẫn giữ theo truyền thống cả bài chỉ có 3 dòng, nhưng số âm tiết không còn cố  định theo công thức 5-7-5. Khi tâm tư lắng đọng vào cõi không lời, 17 âm tiết đôi khi cũng quá nhiều.

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, Cali, 26-10-2010)

 

-----------

(*) Jane Reichhold, nhà phê bình người Mỹ phân tích rằng chim đậu xuống phải dùng động từ “land”. Bụi bặm bám vào thì mới dùng động từ “settle”. Ở đây tác giả nói a crow settles như vậy phải hiểu quạ chính là biểu tượng của bụi đen. Người viết tuy có nguyên bản bài thơ chữ Nhật, nhưng không biết tiếng Nhật nên phải căn cứ theo bản dịch Anh ngữ. Người viết ghi lại nhận định của Reichhold để độc giả thấy rõ từng chữ trong thơ Haiku đều có ẩn ý, rất cô đọng, và hòa nhập vào nhau theo cảm nghiệm thiền.

 

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage