dnnp

 

 

 

 

 

 

MỖI TUẦN MỘT CHUYỆN

 

Tuần 1
 

 

+ đỗ xanh (elk grove):

 

Ca dao là thơ dân gian, truyền miệng và không có ai nhận mình là tác giả. Có lẽ ai cũng biết câu ca dao:


Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi


Câu ca dao này đi vào nền văn học Viêt Nam và nổi tiếng đến mức trong các sách nói về ca dao không bao giờ thiếu câu ấy.


Oh, girl, bailing water by the roadside,
Why pour off the moon's golden light?

(dịch bởi John Balaban. 2003. Vietnamese Folk Poetry. Copper Canyon Press. Washington, USA)


Hồi tôi học lớp đệ Tam, thầy Quốc văn của tôi là thi sĩ Bàng Bá Lân nói rằng câu đó do chính ông sáng tác ra.

 

 

 

+ kiến đen (tphcm):

 

Chuyện dịch ngược từ Việt sang ngoại ngữ luôn cực kỳ khó, nhất là khi người ta đã tổng kết rằng "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Việt". Cái khó dịch nhất là thơ, vì thường là ý tại ngôn ngoại (reading between lines) và có quá nhiều ẩn dụ. Dịch ý đã khó (phải hiểu rõ ý tác giả, đôi khi phải diễn giải rất dài dòng), còn dịch thành thơ lại càng khó vô cùng.


Có những giai thoại cười ra nước mắt trong chuyện dịch thơ ca.


Chắc không ai lại không biết câu ca dao:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương


Và nó được ai đó chuyển ngữ như sau:
A breeze stirs bamboo leaves in the low position
The bell sound of Thousand Old Women Pagoda, Tho Xuong chicken soup

Quả là một kiểu dịch mà hồi xưa dân Saigon gọi là "tiếng bồi" (cách nói tiếng Anh của những người làm bồi phòng cho người Mỹ). Nhưng thôi, chuyện "No star where" (không sao đâu), ta "No table more" (không bàn nữa) nhé.

Mới đây, trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, một nhóm bạn trẻ gọi là BSP Entertainment (thành viên là các bác sĩ, nghệ sĩ, sinh viên) sống và làm việc tại TP.HCM đã dịch ra tiếng Anh 10 bài hát nổi tiếng về Hà Nội và Saigon, rồi dthực hiện album nhạc karaoke "Tình ca 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội" gửi tới Ban tổ chức chương trình "Những tấm lòng với Thăng Long - Hà Nội". Ngoài tình yêu và tấm lòng hướng về thủ đô, các tác giả muốn CD này như món quà tặng để bạn bè thế giới nghe và thưởng thức những ca khúc hay của Việt Nam. Nhưng cách dịch và trình độ dịch tiếng Anh của nhóm thực hiện đã làm nhiều người phải nhảy nhổm. Chẳng hạn ca khúc "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa" của nhạc sĩ Trương Quý Hải, phổ thơ Bùi Thanh Tuấn rất quen thuộc với người Hà Nội, đã được chuyển ngữ như sau:

"Hanoi’s this season… absent the rains. The first cold of winter make your towel’s gently in the wind. Flower stop falling, You in side me after class on Co Ngu street in our step slowly return ...." (Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa/ Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh/ Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp/ Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về).


Khi video clip karaoke của bài hát này được public lên mạng video trực tuyến, cộng đồng mạng lập tức phản ứng.


Một bạn nhận xét: "Ngữ pháp sai, từ vựng sai, phát âm sai, hát chán, bị ép lời một cách quá đáng". Chẳng hạn, "Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh" thành "The first cold of winter make your towel’s gently in the wind" (Tạm dịch: "Cái lạnh thứ nhất của mùa đông làm khăn tắm (towel) em bay nhè nhẹ trong gió"). Lẽ ra đây phải là scarf (khăn choàng cổ).


Bạn khác phát hiện lỗi ngữ pháp thật động trời: "You in side me after class" theo nghĩa Mỹ có nghĩa là “quan hệ tình dục sau lớp học”. Lẽ ra có thể dùng động từ beside (bên cạnh).

Cũng may là họ không dịch thêm Old Fish Street (đường Cổ Ngư), Vinamilk flower (hoa sữa),…
 

 

 

 

+ đỗ xanh (elk grove):

 

Qua hai nhóm dịch giả Đỗ tôi thấy "Dịch" có hai nghĩa: 1) dịch là chuyển ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác, như chữ dịch thuật. 2) dịch là cà chớn, như chữ mắc dịch.

Nói đứng đắn một chút xin mượn lời nhà phê bình Pháp, ông Roland Barthes, trong cuốn The Empire of Sign, cho rằng thơ có những chữ phá vỡ cái nghĩa mà nó thường được dùng hằng ngày. Cấu trúc của chúng như một xây dựng mới cho một nền văn hóa đang nhạt mùi vị. Ý của Barthes là không có cách nào dịch lời thơ được một cách trọn vẹn. Nhận xét của Barthes chỉ đúng cho những dịch thuật gia thứ thiệt. Cả hai nhóm dịch "Gió đưa cành trúc" và "Hànội mùa này" không nằm trong trường hợp này.


* Nhóm "Gió đưa cành trúc" không thể dịch trọn vẹn không phải vì câu thơ quá cao siêu, nhưng vì họ không hiểu câu ca dao nói cái gì. Họ hiểu sai nên họ dịch sai.


* Nhóm "Hànội mùa này" không thể dịch được, không phải họ không hiểu câu thơ Việt, nhưng vì họ không sành tiếng Anh. Họ không có khả năng làm chuyện đó.


Tóm lại cả hai nhóm đều là "thợ" mắc dịch.. zổm.

 

 

 

 

+ kiến đen (tphcm):

 

Những người dịch thuật văn học được gọi một cách trân trọng là dịch giả. Nhưng từ dịch giả sang dịch "giả" chỉ cách nhau có 2 cái dấu ngoặc kép. Nếu dịch bậy, dịch bạ, dịch ẩu thì bị gọi là dịch "giả".

 

Dịch "giả" nếu quá tệ sẽ trở thành "dịch vật" (theo nghĩa bà con ta "rủa" những kẻ mình hỗng có ưa là "DỊCH bệnh VẬT nó đi".
 

 


dnnp (29-10-2010)

 

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage