|
Chuyện dịch thơ văn
* phiếm đàm
Mây Hồng mặc dù ở hải ngoại chưa bao lâu, nhưng
cũng xin đóng góp một chút về suy nghĩ của mình về dịch, dịch thuật,
phiên dịch...
Thật ra, dịch là một công việc đòi hỏi sự chính xác, nhất là dịch
cho một phiên tòa, bịnh viện, công việc, ngoại giao… thì đòi hỏi
phải đúng 100% (vì dịch sai một ly đi tới mấy ngàn dặm, có khi còn ở
tù hoặc mất job). Nhưng dịch một áng văn, bài thơ mà dịch quá sát
nghĩa - dù đúng, đọc lên nghe không hay, nghe gượng gạo, có khi còn
ngây ngô, huống hồ nếu không thấu đáo về câu, về nghĩa, về tượng
thanh hay tượng hình như “Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”
hay “Biển dâu” thì càng tai hại.
Vì thế, những người dịch mà khiến người đọc mê say là họ dịch thoáng
một cách lả lướt, nhưng vẫn sát nghĩa. Dịch như vậy gọi là “phỏng
dịch” - Những người dịch một cách "tuyệt vời" như thế tại VN chỉ đếm
trên đầu ngón tay mà thôi. Một trong số đó có thi sĩ Bùi Giáng, điển
hình là tác phẩm Hoàng tử Bé của Saint Exupéry. Ngoài ra, ông
còn dịch rất nhiều thơ bản tiếng Pháp. Chúng ta thử đọc những lời
tâm sự của ông và những bài thơ được ông dịch thật lãng mạn trong
cuốn Đi vào cõi thơ do Ca Dao xuất bản lần thứ nhất tại
Saigon năm 1969 và An Tiêm tái bản tại Pháp năm 1998…

Mùa thu Paris.
"Apollinaire
Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
L’Adieu
J’ai cueilli ce brin de bruyère
L’automme est morte souviens-t’en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t’attends.
Và nhớ nhé! Ta đợi chờ em đó,
Bài thơ chỉ vẽn vẹn chỉ có 5 câu. Năm câu phiêu hốt mang thiên nhiên
nằm giữa nền thi ca Tây phương hiện đại – 5 câu cũng đồ sộ như toàn
khối Đường thi Trung Hoa hay mấy vần tứ tuyệt của một Thôi Hộ.
Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó…
Dịch ra làm sáu câu, tôi có phần áy náy. Nhưng không biết phải làm
sao. Cái chất đạm nhiên bát ngát trong bài thơ Apollinaire
đang trừ khử hết mọi lối dịch diễn, dịch di, dịch tinh, dịch thể.
Cứ thử liều một trận xem sao.
Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ chẳng nhìn nhau trên đất nữa
Hương thời gian nhành thạch thảo tí hon
Và nhớ nhé ta đợi chờ em nhé…
Cũng tạm gọi là được.
Nếu ta đem bài thơ bát ngát kia đặt vào giữa nguồn thơ mênh mông của
Apollinaire ắt ta dám dịch nó ra làm lục bát Huy Cận, lục bát
Nguyễn Du hoặc làm thất ngôn Du Nguyễn.
Đã hái nhành kia một buổi nào
Ngậm ngùi thạch thảo chết từ bao
Thu còn sống sót đâu chăng nữa
Người sẽ xa nhau suốt điệu chào
Em nhớ anh quên và em cũng
Quên rồi khoảnh khắc rộng xuân xanh
Thời gian đất nhạt mờ năm tháng
Tuế nguyệt ta đà nhị hoán tam.
Dịch như thế là diễn giải một mùi hương ẩn tàng trong nếp gấp. Nhưng
đâu có cần gì.
Nếu như cần, thì tớ cứ buông bừa bút mực viết bừa thơ.
Mùa thu chết liễu nhớ chăng em?
Đã chết xuân xanh suốt bóng thềm
Đất lạnh quy hồi thôi hết dịp
Chờ nhau trong Vĩnh Viễn Nguôi Quên
Thấp thoáng thiều quang mỏng mảnh dường
Nhành hoang thạch thảo ngậm ngùi vương
Chờ nhau chín kiếp tam sinh tại
Thạch thượng khê đầu nguyệt điểu mang
Xa nhau trùng điệp quan san
Một lần ly biệt nhuộm vàng cỏ cây
Mùi hương tuế nguyệt bên ngày
Phù du như mộng liễu dài như mơ
Nét my sầu tỏa hai bờ
Ai về cố quận ai ngờ ai đi
Tôi hồi tưởng lại thanh kỳ
Tuổi thơ giọt nước lương thì ngủ yên."
……………………………………………………….
(Hết đoạn trích)
Thời gian sau này, tại Saigon chúng ta thấy nhan nhản 2 câu thơ
thường xuyên xuất hiện trên lịch, trên những bức tranh, những bức
thư pháp…
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta được thêm ngày nữa để yêu thương”
Đó chính là hai câu nguyên bản tiếng Anh của nhà thơ tên Kahlid
Gibran, người Ả Rập: “Wake at dawn with winged heart and give thanks
for another day of loving” được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tài hoa dịch
một cách bay bướm “thần sầu”.
Nói về phỏng dịch khiến chúng ta cũng nhớ lại dịch giả Hàn Giang
Nhạn đã khiến hàng triệu người say mê khi ông dịch những bộ kiếm
hiệp của Kim Dung sang tiếng Việt thật tài tình, đã một thời làm mưa
làm gió trên báo giới. Và những bộ sách của Quỳnh Dao do Liêu Quốc
Nhỉ đã không làm các bà các cô đọc rồi sụt sịt cho tới bây giờ đó
sao?
Nhắc đến thơ văn tiếng nước ngoài, THKT của chúng ta cũng vinh dự có
một Nguyễn Văn Nhân đoạt giải thơ bằng tiếng Anh tại Hoa Kỳ mấy năm
về trước.
Riêng Mây hồng "nghe nói mà ham" định dịch một số bài viết của mình
cho các cháu khi chúng lớn lên các cháu đọc, mà ngại thầy Đỗ Xanh
gọi là “ ịch zổm” hoặc Kiến Đen kêu là “dịch "giả” hay “ dịch vật”
nên thôi.
Có người nói bước vào văn chương, nghệ thuật để chơi, có lẽ họ nói
chơi cho vui. Nhà văn lão thành 83 tuổi lẫy lừng Võ Phiến trong tạp
bút Cuối cùng xuất bản năm 2009 nói “Tôi vẫn còn đọc, còn
học"… nghe ghê chưa?
mây hồng
(Hầm Nắng Michigan, mùa thu 2010)
|
|