dnnp - ngô vàng

 

 

 

 

 

 

CHUYỆN NHIỀU TẬP CỦA GIA ĐÌNH BÀ TÁM TÀNG:

Ai buồn hơn ai?

 

 

* tạp bút 

 

Nhân sự kiện ầm ĩ sau khi tác phẩm Cánh đồng bất tận của nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư được đưa lên thành phim và được nhiều người nhiệt tình tán thưởng, tôi chợt nhớ đến một chi tiết thật buồn trong câu chuyện! Do cái buồn cho hoàn cảnh lúc đất nước ta còn nhiều khó khăn nên buồn vay cho những kiếp người tận đáy xã hội, lấy nhân phẩm của mình để làm vốn tự có mà sinh nhai. Biết bao hệ lụy buồn hiu tiếp đến do đám theo đóm ăn tàn rỉa rói vây quanh?! Rồi cuộc đời của họ về đâu khi tuổi xuân trôi đi và cái già quẩn quanh xuất hiện?

Trong câu chuyển kể hôm nay, tôi không dám đưa ra một lời bình luận nào hay cao cấp hơn là làm thầy đời để được dạy dỗ lại cho một ai cả. Đơn giản như đang giỡn là vậy. Thật thà hơn, tôi chỉ xin được làm người… hóng chuyện bên đường, rồi nóng lòng học lại cho mọi người được nghe một chút vậy thôi!

Chuyện kể rằng:

Một hôm rỗi việc, tôi thả ra đầu ngõ có quán cà phê cóc của dì Hai Lành. Ngồi chờ chưa nhỏ hết giọt đắng trong phin cà phê thì đã nghe bên đường tiếng mụ Tám Miền oang oang: “Một tháng nữa là tao lộc phát niên rồi, còn sợ nghèo gì nữa mà giấu chuyện tụi bay.” Mụ ta mở đầu buổi chuyện bù khú ở quán cà phê như vậy. Rồi sau đó tiếp lời:

- Một cái phé nại ví lại 2 điếu hê-rô.

Như chiếc truyền hình đen trắng lâu đời, tiếng nghe trước đến một  lúc sau hình mụ Miền mới từ từ xuất hiện. Bà ta cười toe toét bước vào với bộ y phục quen thuộc từ thuở mụ ta bỏ phố về đồng: chiếc áo hoa vàng khoét cổ rộng đi đôi với chiếc quần saten trắng bóng lưỡng. “Năm tới là tao lộc phát. Hết sợ nghèo rồi. Đứa nào muốn hỏi gì thì hỏi?” 

Thằng Hai Rơm lên tiếng:

- Bà Tám kể cho tụi tui nghe chuyện thời chăn dắt mấy con "ghệ" ở Sài Gòn của bà đi bà Tám?

Rít một hơi dài khói thuốc Hero thơm lừng trong tư thế ngồi tránh nước lụt, tay gảy gảy tàn thuốc bay tùm lum theo làn gió sớm, mụ Tám trầm giọng để chuyện kể của mình thêm phần quan trọng:

- Từ từ rồi sẽ đến. Tụi bây có biết nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư nào đó ở Cà Mau nổi tiếng với cuốn "chiện" Cánh đồng bất tận hông?

Cả quán lặng thinh vì chưa ai biết đến! Mụ rít tiếp một hơi thuốc dài rồi chiêu thêm một ngụm phé nại còn nóng hổi ngon lành. Mụ nghếch mặt về hướng tôi ngồi rồi hỏi:

- Thầy Út mày biết hông?

Tôi se sẽ gật đầu. Mụ hớn hở ra mặt vì cho mình đã gặp tri kỷ:

- Ít ra cũng phải có người thấu hiểu hoàn cảnh mà thông cảm tụi tao chớ. Khổ lắm mới làm nghề bậy bạ này chứ ai ham hả tụi bây?

Rồi như để chứng tỏ mình cũng là tay biết đọc sách, mụ lên tiếng phân tích tác phẩm nổi đình nổi đám một thời này:

- Cái cô nhà văn Ngọc Tư này tả cảnh chiều chiều trên bờ đê cả bầy gái ăn "sương sa hột lựu" chạy cồng cồng ngoắc mấy thằng chạy ghe chở lúa dưới sông thấy mà ham!? Tụi nó giàu cha đời rồi mà than thở nổi gì? Chứ hồi tụi tao ở trên Sài Gòn núp mấy gốc cây ngoắc khách mà bụng sợ công an bắt thấy bà nội!

Tôi thắc mắc liền hỏi:

- Cớ gì mà dì Tám nói "ấy"miền tây giàu có hơn Sài Gòn?

Mụ Tám cười ha hả đắc chí nói to:

- Sao hỗng giàu có mậy? Mỗi lần mấy thằng chạy ghe chở lúa "ấy", mấy con “sương sa hột lựu" miền Tây tụi nó được cả thúng lúa. Hồi đó ỏ chỗ tụi tao làm ăn khó nhiều, phần bị phú lít quần tới quần lui, phần khách phong lưu hồi nẳm eo hẹp tiền bạc nên có khi phải hạ giá xuống chỉ còn bằng... một ổ bánh mì thịt thôi.

Tôi lè lưởi rồi chắc lưỡi xót xa:

- Thiệt chơi dì Tám?

Mụ Tám trợn mắt nhìn tôi:

- Tao già rồi mà nói láo với tụi bây à?

Rồi mắt mụ chợt trầm xuống, giọng như ai oán hối tiếc cho điều lầm lỗi khi xưa:

- Nói tội lỗi, hồi đó đói quá nên khôn sống mống chết. Tụi bây biết hôn, có hôm quá vả, khách cho có một ổ bánh mì thịt. Tao làm tào kê nên giữ phần huê lợi. Lúc chia phần theo tỉ lệ 5/5, tao phải dùng mánh lới mới giành phần hơn mấy con quỉ cái đó.

Thằng Hai Rơm há hốc miệng nghe chuyện nãy giờ tới đây nôn nóng lên tiếng:

- Mánh gì vậy bà Tám?

- Có gì khó đâu mậy, tay mặt tao cầm thật chặt ổ bánh ngay chính giữa, tay kia tao tao bóp phần còn lại nhẹ hơn. Thế là bẻ đôi cái ổ bánh ra chia hai dễ dàng.

Thằng Hai Rơm tiếp tục thắc mắc:

- Tay chặt tay lỏng để làm gì bà Tám?

Mụ Tám Miền cười ha hả:

- Mày ngu quá! Làm như vậy thì hồi chia ổ bánh làm hai, phần tay mặt của tao được lời thêm miếng dưa leo cắt dọc...

Mọi người ồ lên khen hay cho kế độc của bà già đã một thời làm nghề hạ lưu trong xã hội.

Ở nhà quê cũng có nhiều cái hay. Nhất là tình cảm dễ dàng hòa nhập và tha thứ lỗi lầm cho nhau, chỉ một thời gian ngắn là người ta không còn phê phán chia phân giai cấp nhau một khi người phạm lỗi biết quay về cuộc sống bình thường như mọi người khác. Nhưng sự đời có hoàn toàn đúng thế hay không? Hãy xem tập chót:

Một thằng choai choai bán vé số lợi dụng lúc mụ Miền say sưa nói chuyện, nó nhè nhẹ với tay nhón lấy điếu thuốc mồ côi của mụ. Thiên bất dung gian, đúng lúc mụ quay lại tìm cái hộp quẹt để đốt lại điếu thuốc bị tắt ngúm bởi mãi lo tám chuyện.

Mụ nắm chặt tay thằng nhỏ và gầm lên:

- Tổ cha mày,ăn cắp đồ cảo dược của bà hả? Tao đập mày chết ngắt nè…

Thằng nhỏ mặt xanh hơn tàu lá chuối. Nó vái lạy bà Tám lung tung.

Dì Hai Lành chủ quán thấy vậy ra can thiệp:

- Thôi, dì Tám bớt giận. Để tui bắt nó xin lỗi dì.

- Ờ, con Hai mày nói nghe được đó.

Quay sang thằng nhỏ trộm thuốc lá, dì Hai bảo:

- Xin lỗi bà Tám đi con rồi bà Tám tha cho mày.

Thằng bé mừng rỡ ra mặt. Nó lăng xăng liếng thoắng van lạy:

- Con xin lỗi bà Tám... “đĩ”. Ngàn lần con hỗng dám ăn cắp của bà Tám “đĩ” nữa. Lạy bà...

Cả quán bỗng lặng như tờ. Nhạc đang trỗi bản gì đó buồn nẫu ruột: Đàn thiên thu đứt giây tơ rồi…

Liệu lâu dần rồi đời có quên?


ngô bảo toàn - dnnp
(Tân An 8-11-2010)

 


 

 

+ Thứ Ba 9-11-2010:

- Thầy Đỗ Ngọc Trang - cô Nguyễn Thị Bích Thủy (California):

Lời phụ thêm sau khi đọc tạp bút Ai buồn hơn ai? của thầy Ngô Bảo Toàn. Tôi phỏng định rằng chúng ta đều đã biết truyện Cánh Đồng Bất Tận của Nguyễn Ngọc Tư, nên xin không nhắc lại câu truyện ở đây.


Có những cái tên như một định mệnh. Một kẻ “Võ” biền và một cô gái ăn “Sương” bị đẩy vào cùng một đáy vực. Họ bắt buộc phải sống đày đọa bên nhau vì họ không có một chọn nào khác để thoát thân.


Đó là bối cảnh cho dòng tư tưởng mới trên nền văn học hiện đại. Nó có cái vỏ bề ngoài như tận dụng triết lý hiện sinh để trình bày cái vô lý và bi thảm của đời sống. Nhưng cốt tủy của mối suy tư lại là niềm tin vào cái phẩm (quality) của sự sống. Như hoa sen vươn khỏi bùn hôi, con người dù bị nhận chìm trong xã hội băng hoại vẫn có khả năng vươn khỏi chính mình để lộ ra những giá trị nhân bản. Trái cam bị giẫm nát, nó vẫn chảy ra chất nước ngọt. Bởi vì đó là tất cả những gì nó có ở bên trong. Con người luôn luôn là nạn nhân của xã hội, nhưng con người cũng luôn luôn là một thực thể tự do. Cốt tủy của bản tính tự do là lòng yêu thương. Chỉ có tự do mới có yêu thương đích thực. Không thể có tình yêu khi bị bắt ép buộc hay bị lường gạt phải yêu. Chỉ có yêu thương mới mang lại ý nghĩa cho mọi hành động, dù xấu cũng trở nên cao cả. Dù là điếm, Sương cũng biết yêu Võ. Nhưng nghịch đời, Sương phải “đi khách” để có tiền giúp Võ. Không thể có một mối tình kỳ dị như vậy ở nơi khác. Ở đây nó rất thật và đẹp.


Một điểm đặc biệt trên nền văn học thế giới, xã hội Việt Nam là nơi được dùng để trình bày quan điểm ấy. Nguyễn Ngọc Tư nói về miền Tây Việt Nam là một điều hiển nhiên, vì cô sinh trưởng ở Cà Mau. Ở một nơi xa lạ, Jay Wurt viết quyển When Heaven and Earth Change Places (1989), dựa theo hồi ký của Lệ Lý Hayslip. Truyện kể về chính cuộc đời của Lệ Lý bị hiếp dâm, bị đẩy vào đường làm điếm từ khi chưa tới 15 tuổi. Sách được tái bản đến 3 lần (1990, 1993, 2003). Năm 1993, đạo diễn Oliver Stone, Hollywood, chuyển truyện thành phim với tựa đề Heaven and Earth. Cả sách và phim đều thành công vượt bực. Câu truyện thứ ba là vở nhạc kịch Miss Saigon của Claude-Michel Schonberg và Alain Boublil. Truyện kể về một cô gái điếm sống với một anh lính Mỹ. Họ có với nhau một đứa con. Sau khi Saigon sụp đổ, người lính trở về Mỹ, còn cô gái bị bỏ lại. Cô gái tìm đủ mọi cách, kể cả hy sinh mạng sống của mình, để hai cha con gặp nhau. Kịch được trình diễn ở đại hý viện West End, London, từ năm 1989 đến năm 1999, liên tục gồm 4.264 lần. Sau đó kịch được trình diễn tại đại hý viện Broadway, New York, 4.092 lần, từ năm 1991 đến 2001. Năm 2009 nhà sản xuất Paula Wager cho dựng thành phim với đạo diễn Lee Daniels. Wager cho biết vào năm 2011 phim mới hoàn tất.


Nhiều người có thể ngạc nhiên khó chịu thắc mắc, tại sao cứ phải nói tới gái điếm. Theo tôi nghĩ, chỉ có họ mới có thể tiêu biểu cho lớp tiện dân bất lực nhất. Có lẽ không nhất thiết phải trả lời câu hỏi “Ai khổ hơn ai?”. Bởi vì hình như nó không phải là một câu hỏi, nhưng là một lời an ủi cho những tâm hồn đang đi tìm một niềm tin.

 

 

 

 

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage