dnnp

 

 

 

 

 

 

MỖI TUẦN MỘT CHUYỆN

 

Tuần 4
 

 

+ đỗ xanh (elk grove):

 

Đặc tính châm biếm của dân Việt

 

 

Cách đây hơn 90 năm, cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã có lần cay cú nói, “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.” (Đông Dương Tạp chí, 1913). Khỏi phải nói, hễ thấy cái gì khác thường là dân ta hì hì. Chẳng hạn thấy một ông què vào làng, với dáng đi “chấm phết”, thế là bọn trẻ kéo theo sau nghiêng ngả cười. Cười vô hậu như thế cụ Vĩnh mắng cho là phải.

 

 

Nhưng nói cho ngay, dân ta không đến nỗi chỉ biết hì lãng xẹt như vậy. Tất nhiên ta có những tiếng cười đúng với tâm lý học hơn. Thứ nhất, cười là phương thức kẻ yếu châm biếm những thế lực chèn ép. Về vụ này dân ta có cả một kho tàng truyện Trạng và truyện Ba Giai Tú Xuất.(*) Thứ hai, cười để giải tỏa ẩn ức sinh lý. Ai là người Việt mà không biết một vài mẩu chuyện tiếu lâm. Thứ ba, cười để giải tỏa sức ép của đời sống. Hôm nay chúng ta thử tiếu đàm về đặc tính thứ ba này nhé.

 

Giải tỏa sức ép của đời sống cũng giống như xì bớt hơi áp suất của nồi xú bắp. Nó như vầy, nếu bạn là một trong các cô đang oằn lưng gieo mạ dưới nắng gắt, bỗng một anh học trò yểu điệu đi qua, bạn có ngứa mồm chọc ghẹo cho đỡ tức không? “Hỡi anh đi đường cái quan. Dừng chân đứng lại cho em đây than đôi lời. Đi đâu vội thế anh ơi...” Nhìn chung những tiếng cười này chẳng có gì sai quấy. Không những thế chính nó đã biểu lộ văn hóa tính của dân tộc Việt.

 

Một trong những phương pháp xả hơi loại này là nhái lại những lời đã có sẵn để biến chế chúng theo ý mình. Thí dụ để châm biếm lối sống cứng ngắc theo cung cách giáo điều Khổng Mạnh, xa lạ với nếp sống bình dị đời thường, dân ta cười hì rằng:

 

Vân Tiên cõng mẹ chạy ra

Đụng phải cột nhà cõng mẹ chạy vô

Vân Tiên cõng mẹ chạy vô

Đụng phải cái bồ cõng mẹ chạy ra

Vân Tiên cõng mẹ chạy ra

...

 

(cứ như vậy tiếp tục lặp đi lặp lại cho đến khi mỏi miệng)

 

Thật là cái vòng đạo đức lẩn quẩn, lối sống thiếu uyển chuyển và sáng tạo chỉ đưa người ta vào ngõ bí. 

Sau đây là một số dạng diễu cợt thông dụng khác:

 

Sửa tên:

 

Nước Mỹ                                  nước Mẽo

Nước Lào                                 nước Lèo

 

Sửa nhạc:

 

Nguyên bản                                                                            

Ai đang đi trên đường đê,

Tai lắng nghe muôn câu hò đê mê  

Vô đây em, dù trời khuya anh sẽ đưa em về

(Hoàng Thi Thơ, Gạo trắng trăng thanh)

 

Bản chế                                          

Ai đang đi trên cầu Bông

Té xuống sông ướt cái quần ni lông

Dzô đây em chờ quần khô tui sẽ đưa em dzìa
…   

    

Nguyên bản  

Ta gặp nhau trong muộn màng.

Ta gặp nhau trong lỡ làng.

(Trúc Hồ, Trái tim mùa Đông)

 

Ta gặp nhau trong tiệm dzàng

Em đòi mua cái hột xoàn

…                         

 

Thêm thắt những câu thành ngữ:


- Có tiền mua tiên cũng được, nhưng chớ mua vì bạn sẽ hết tiền.

- Một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ, nhưng nếu cười với cô gái trước mặt vợ thì là một thang thuốc độc.

- Thuận vợ thuận chồng… con đông mệt quá.

 

Sửa thơ:

 

Nguyên bản                                                    

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, 

Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn. 

Hai người sống giữa cô đơn,

Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.    

Giá đừng có giậu mùng tơi,

Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.                      

Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng...   

Có con bướm trắng thường sang bên này.

Bướm ơi! Bướm hãy vào đây!  

Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi...  

Chả bao giờ thấy nàng cười, 

Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên. 

Mắt nàng đăm đắm trông lên...    

Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!    

(Nguyễn Bính, Cô hàng xóm )

    

Bản chế

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi.
Cách nhau cái cọc để phơi áo quần.
Hai người nhầm lẫn tứ tung.
Nàng như cũng có cái quần giống tôi.
Ðể rồi có một lần phơi.
Thế nào tôi lấy nhầm ngay của nàng

Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng.
Thấy nàng hé cửa gọi sang thế này:
"Ấy ơi ấy hãy vào đây,
Cho tui đổi lại cái này chút coi".
Lần đầu tiên thấy nàng cười.
Nàng che một tấm vải dày ngang hông
"Cái quần duy nhất của em,
Hôm qua anh lấy về bên ấy rồi!”

...

 

Có lẽ chúng ta không nên quá nghiêm khắc phê bình đây là một hình thức đồi trụy hay kém văn hóa. Tác giả của những câu thơ, câu hát chế biến đa số chỉ là nhửng người còn trẻ và chỉ có tính cách đùa vui.


Thử tài châm biếm

 

Xin quí vị viết tiếp đoạn kết cho bài thơ “Cô hàng xóm” nói trên. Sau đây là đoạn kết mẫu. Tác giả châm biếm hiện tượng pê-đê đang được xã hội hiện đại công khai hóa.

 

Tui nghe rồi tủm tỉm cười,
"Cô đưa tấm vải rồi tui trả quần."

Nàng sao chẳng thấy tần ngần,
Kéo phăng tấm vải lộ thân ngọc ngà.

Làm tui vừa chạy vừa la,

"Đâu phải con gái mà là con trai."
Nàng rượt theo gọi: "Anh hai,

Sao anh hỗng chịu trả tui cái quần."

(nguồn: my.opera.com)

 

-----

(*) Ghi chú này tuy lạc đề, nhưng vẫn ghi ra đây để phụ diễn cho cái nhu cầu tâm lý của kẻ yếu. Tôi chợt nhớ Lỗ Tấn có kể câu truyện về cậu bé Aku (A Q). Tiện dân Aku bị người ta ăn hiếp đánh đập. Không thể đánh lại, nó bèn nghĩ ra một kế. Nó tự phong mình là cha thiên hạ. Nhờ thế mỗi khi bị ai đánh, nó không còn thấy bị hiếp đáp nữa, vì nó thấy cái đạo lý: “Chúng đánh bố chúng. Con đánh bố là đồ mất dạy.”


 

 

 

 

+ kiến đen (tphcm):

 

Cái cười coi vậy mà chẳng đơn giản chút nào. Cười cũng có vô số kiểu cười.

- Châm biến: phê phán, chỉ trích

- Khôi hài: hài hước, dí dỏm

- Tiếu lâm: hài nặng, có tính tếu táo

 

Cười đùa, tốt.

Bỡn cợt, xấu.

Khôi hài, hay.

Chế giễu, tệ.

 

Châm biếm hay khôi hài, tiếu lâm cho đời thêm tốt, cho người thêm vui là tích cực. Còn những kiểu cười trên sự đau khổ và bất hạnh của người khác là vô nhân tâm, tàn nhẫn.

 

Cười không đúng lúc, đúng chỗ là vô duyên.

Bạ cái gì cũng cười là man man, tâm thần.

 

Dân tộc nào cũng có cả kho tàng chuyện cười dân gian được truyền từ đời này sang đời khác, có cải biên chút đỉnh, thậm chí sai lệch với nguyên bản. Trong thể loại chuyện cười dân gian đó có hai mảng nổi bật: cười giới quan lại, cầm quyền và cười các hủ tục, lề luật gò bó của xã hội. Cả hai đều có chung một mục đích: cho đỡ tức!

 

Do sự khác biệt về văn hóa, trình độ nhận thức cũng như đặc thù lịch sử mà các dân tộc, các vùng miền có cách cười và cách cảm nhận cái cười khác nhau. Rất thường là nếu không hiểu biết được lịch sử và văn hóa của một nơi nào đó thì khó mà cười được như người ta. Với một tình huống hài, trong khi người Việt bò lê bò càng ra ôm bụng mà cười, thì người phương Tây có khí chỉ nhếch mép. Đem chuyện Bác Ba Phi của miền Tây Nam Bộ ra kể cho dân xứ Bắc thì cũng giống như kể cho dân phương Nam nghe chuyện Ba Giai - Tú Xuất của miền ngoài. Đó là lý do mà hài ở miền nam khác miền bắc.

 

Ngày nay, nhiều người được gọi hay tự nhận là nghệ sĩ hài tạo ra cái cười quá dễ dãi. Họ nhại tiếng của người miền này, miền nọ (mà quên rằng ông bà ta cảnh báo: chửi cha không bằng pha tiếng); họ khai thác những khiếm khuyết thân thể của người khác (ngọng, mù, què, câm, điếc,... đủ cả).

 

Người Anh có nghệ sĩ hài Rowan Atkinson với nhân vật Mr Bean nổi tiếng thế giới. Nhưng không phải tiểu phẩm nào của ông cũng tốt. Có những tiểu phẩm rất hài hước nhưng lại thiếu tính giáo dục, kể cả vui trên sự thiệt hại, đau khổ của người khác.

 

Hồi xưa ở phương Nam còn có những kiểu khôi hài độc chiêu. Thí dụ như: tách chữ để giải thích (hay biến cái tên nào đó thành một cụm từ viết tắt):

- Thuốc lá CAPSTAN: Con Anh Phá Sản tại Anh Ngu

- Thuốc lá BASTOS: Bà Anh Si Tình Ông Sáu

- Thuốc lá PALLMALL: Phải Anh Là Lính Mời Anh Lên Lầu

- Thuốc lá SALEM: Sao Anh Làm Em Mệt

- Xe YAMAHA: Yà Mà Ham (Vui)

 

Cũng kiểu này, người ta dùng những chữ viết tắt theo một nghĩa khác:

W.C. (Washington City: thủ đô Hoa Kỳ) thành W.C. (Water Closet: nhà vệ sinh). Đang ngồi bên nhau mà nghe nói: "Em đi thăm thủ đô Mỹ cái nghen!", là biết nàng đi đâu.

 

Hồi thập niên 1980 ở Việt Nam có sản xuất loại băng vệ sinh phụ nữ lấy hoa anh đào làm biểu tượng. Do hoa anh đào trong tiếng Nhật gọi là Sukura, nên sản phẩm này được đặt tên là Sakura. Khi đọc theo kiểu dân Việt mình thì cái tên đó quá ư là hợp... ngữ cảnh. "Sukura những ngày ấy".

 

Người ta cũng có thể đọc trại phiên âm tiếng nước ngoài. Thí dụ, bia Tiger thường được dùng (vì rẻ) trong mấy quán bia... ôm. Tiger được phát âm là "tai-gơ" và bị biến âm thành "tay-quơ". Từ đó, cánh đàn ông hễ rủ nhau đi uống bia "nhạy cảm" thì chỉ cần nói: "Đi làm mấy ve Tiger!"

 

Tới đây, Kiến Đen chợt nảy ra một ý: OK trong tiếng Anh có nghĩa là đồng ý, được rồi. Nhưng OK cũng là một thương hiệu condom. Lại có thêm một thương hiệu "áo mưa" nữa là Durex. Cái tên này na ná với từ "durable" (bền chắc) trong tiếng Anh. Dạo sau này, người ta chuộng xu thế bền chắc, an toàn nên cái gì cũng phải hai, ba lớp (dual-layer, triple-layer). Vì thế, để khẳng định hơn nữa cái sự đồng ý chắc như đinh đóng cột của mình, tại sao ta không nói: "OK-Durex" hén? Bữa rồi Kiến Đen bày cho một anh bạn sồn sồn nói như vậy. Thấy Kiến Đen thường ngao du nước ngoài, nước trong, anh bạn tin sái cổ luôn. Dĩ nhiên là anh ta "ứng dụng" búa xua luôn. Sau đó, anh bạn phone cho Kiến Đen, thiếu điều muốn đào "hầm vàng" nhà Kiến Đen lên mà rủa!

 

Kiến Đen viết tiếp cái kết bài thơ nhại của thầy Đỗ Xanh hén:

...

Nàng rượt theo gọi: "Anh hai,

Sao anh hỗng chịu trả tui cái quần."

...

Hoảng hồn tui tụt cái quần

Đưa nàng mới nhớ... cái quần của tui!

Quần nàng rồi lại quần tui

Vậy nên hai đứa tới lui cùng quần...

 

(Hình như trong tiếng Việt, cái từ "quần" không phải chỉ để chỉ cái món y phục che phần dưới cơ thể?)
 

 

 
 

+ mây hồng (michigan):

 

Mây Hồng “ chôm” được 4 câu thơ để bổ sung cho bài thơ “ Cô Hàng Xóm” của Nguyễn Bính (bản bôi bác).
Nàng rượt theo gọi: "Anh hai,
Sao anh hổng chịu trả tôi cái quần."
...
Khổ thay cái tội cầm nhầm,
Cộng thêm tội "bé cái lầm" hại thay.
Từ đây phải nhớ chuyện này,
Hàng xóm, hàng xiếc từ nay nên chừa.
 

 

 

dnnp (3-12-2010)

 

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage