CHUYỆN NHIỀU TẬP CỦA GIA ĐÌNH BÀ TÁM TÀNG:
Để mai sau sờ sờ... mà nhớ!
* tạp bút
Không có cái
ngông của thi sĩ nào đụng hàng với thi sĩ nào! Điều đó là nghiễm
nhiên và hầu hết được nhiều người công nhận. Để tiện việc phân loại
chuyện ngông này, tôi thử sắp xếp thứ tự theo từng hạng mục! Nói cụ
thể để cho phổ thông và dễ hiểu hơn, tôi bỏ công gần mấy tháng trời
để ngồi phân tích từng cấp độ ngông trong giới "mơ màng thế sự" này
để gom lại bằng cách tính đơn vị đo lườmg rất ư là bình dân và dung
dị. Chẳng hạn: ngông ngông làm chuyện khác đời, ngày ngông vài ba
lần gọi là “ngông tiểu”. Ngày ngông ngông 5, 6 lần thì gọi là “ngông
trung”. Và cấp độ ngông không còn quan tâm đến thời gian, không gian
và bất chấp mọi chuyện lành dữ gì ở trên đời nữa thì gọi là “đại
ngông”.
Theo tiêu
chí phân loại này, Tống Duyệt Kiếm, bạn hiền của tôi chính danh là
“đại ngông”. Ở hắn, tôi tin chắc là quí vị sẽ không còn chỗ nào mà
tiếc lời xuýt xoa tán thán: Ngông đáng nể, đáng ngưỡng mộ, và
đáng…phúng điếu không tiếc tiền!
Hãy nhìn xem
nhà thơ Tống Duyệt Kiếm này ngông ra sao nhé.
Ngày chúng
tôi còn ngồi chung học dưới mái trường, trong lúc bạn bè đứa nào
cũng dồn hết tâm trí vào chuyện thi cử cho khóa Tú tài 1 sắp đến
[1968]. Hắn không thèm học hành chi cả mà hắn lại cố gắng dồn hết
sức mình vào thế giới… làm thơ. Thơ của hắn xem ra cũng có hồn có
vía lắm đó chớ. Trong tờ báo Xuân năm 1968 của trường tôi còn đăng
bài thơ lạ lùng của hắn và mãi đến bây giờ, tôi cũng còn nhớ lại bài
thơ hắn viết như sau:
...
Thằng Mỹ trắng bước vào,
Mụ tào kê cười đón.
Thằng Mỹ trắng bước ra,
Con quỉ già nhăn mặt:
Đồ da trắng mà đểu.
Thằng Mỹ đen bước vào,
Mụ tào kê nguýt háy.
Thằng Mỹ đen bước ra,
Cả động rộn cười vui:
Đồng đô la nó trắng.
Thế đấy, thơ của hắn, ai đọc rồi muốn nghĩ sao cũng được.
Mãi lan man
chuyện thơ văn của thằng bạn thi sĩ Tống Duyệt Kiếm của mình mà quên
đi chuyện kể lại cái “đại ngông” của hắn đến mức độ nào. Chắc hẳn
nãy giờ cũng có ít nhiều người đang sốt ruột chờ đợi xem cái đại
ngông của hắn đến mực nào rồi chứ gì? Xin lỗi quí vị, tôi xin dẫn
chứng liền ngay đây:
Số là trong lớp tôi có nhiều bạn nữ học chung. Mà đặc biệt hơn nữa
là bạn nào cũng xinh gái, cũng con nhà giàu hoặc con quan chức trong
tỉnh. Con trai trong lớp tôi thì ngược lại, toàn là con dân lao động
nhà nghèo, làm ruộng hoặc buôn bán nhỏ. Thế cho nên chuyện mơ ước
"chiều chiều thả diều cùng ai" với một em chung lớp mình, chúng tôi
tự giác xem như là... ảo mộng,Tám ơi! Và bọn chúng tôi vì biết phận
mình nên qui ước cùng nhau: từ nay, trâu nào có muốn gặm cỏ ngon thì
hãy rủ nhau qua đồng làng bên mà kiếm! Tống Duyệt Kiếm không có ý
kiến gì với chúng tôi. Mặt hắn ghìm ghìm, mày châu lại như đang suy
nghĩ một điều gì đó ghê gớm lắm. Một hôm hắn tuyên bố trước mặt bá
quan văn võ trong lớp thế này: Các huynh đệ muốn biết ta sẽ chiếm
hồn nàng Quỳnh Hoa bằng cách nào, xin hồi sau sẽ rõ.
Và điều hồi sau sẽ rõ của hắn là như vầy:
Sáng chủ
nhật tuần đó, sau chầu cà phê khao quân cho nhà thơ Tống Duyệt Kiếm
lên đường sang Tần làm sứ mệnh [lời của nhà thơ Duyệt Kiếm], trước
khi cất bước ra ngoài lộ, hắn còn toe toét cười, cất giọng rất ư là
bi tráng:
- Tráng sĩ
hề, chiến bại thề không trở lại.
Rồi hắn cong
lưng trên chiếc xe đạp cà tàng mà thẳng tiến về hướng nhà ông phó
tỉnh đương thời [Quỳnh Hoa là người hắn mê đắm và Quỳnh Hoa là ái nữ
độc nhất của ông quan tỉnh bấy giờ].
Khi hắn đi
rồi, bọn tôi cũng hết chuyện tán khào nên chia tay và cùng đợi ngày
mai để xem tin tức của nhà thơ khùng khùng thành bại ra sao để mà
hoan hô hay cười chọc quê hắn.
Ngày mai đã
đến, lớp trưởng điểm danh thấy vắng mặt Tống Duyệt Kiếm. Ai nấy đều
lo ngại không biết chuyện thách đố hôm qua lành dữ ra sao với bạn
hiền mình. Ngó sang bàn con gái, Quỳnh Hoa vẫn ngồi thản nhiên như
không có chút gì bận tâm xung quanh mấy chàng khố rách áo ôm chung
lớp học. Giờ học trong âu lo cũng qua. Tan trường, cả bọn chúng tôi
hối hả đến nhà trọ của Duyệt Kiếm để hỏi cho ra sự tình. Hắn cũng
không có mặt ở đó. Bà chủ nhà trọ trong nhà chạy ra cho chúng tôi
hay:
- Hôm qua
cậu Kiếm đi đâu ngang qua nhà ông Phó tỉnh rồi rắn mắt thế nào mà
thò chân vô rào để bị con chó bẹc-giê của ổng táp một phát sâu tệ à!
Bữa nay cậu ta đi nhà thương chích ngừa chó dại nên nghỉ học.

Bà chủ nhà
trọ nói chưa dứt câu thì bỗng đâu nhà thơ chúng ta lù lù xuất hiện.
Hằn cười với chúng tôi mà cái mặt thì méo xệch:
- Chó
bẹc-giê cạp đau thấy tía!
Chúng tôi
nhao nhao lên, mạnh đứa nào đứa nấy hỏi :
- Mày làm
cái giống gì mà bị chó nhà Quỳnh Hoa táp bị thương vậy?
- Sao sáng
nay tao thấy con Quỳnh Hoa chảnh chẹ không nói năng gì trong lớp hết
vậy?
- Sao...
Tống Duyệt
Kiếm nghiêm mặt tỏ lời:
- Tao thọt
chân vô hàng rào nhà nàng Quỳnh Hoa tao yêu là cố ý cho con chó nhà
nàng bập chân tao đó.
Cả bọn la
trời:
- Mày khùng
hả?
Tống Duyệt
Kiếm mơ màng dõi mắt nhìn theo đám mây trắng đang lờ lững trên trời
cao, hắn lẩm bẩm một mình và không cần ai nghe hiểu:
- Rồi thời
gian dần trôi, rồi vết thương cũng thành vết sẹo đáng yêu. Và vết
sẹo này để mai sau tao sờ sờ nó mà nhớ đến Quỳnh Hoa...!
Kết chuyện
thật buồn: Tống Duyệt Kiếm, bạn hiền của tôi, đã anh dũng hi sinh ở
chiến trường Tây Nam vào đầu năm 1979 trên đất Campuchia.
ngô bảo toàn - dnnp
(Tân An 13-12-2010)
|