dnnp - ngô vàng

 

 

 

 

 

 

CHUYỆN NHIỀU TẬP CỦA GIA ĐÌNH BÀ TÁM TÀNG:

Thằng con nào có hiếu nhất?

 

 

* tạp bút 

 

 

Nhân đọc blog của Kiến Đen có nói về chuyện "Áo mặc sao qua khỏi đầu: Áo pull", Ngô Vàng tôi chợt nhớ đến chuyện gia đình của ông Mười Lạ ở cùng khu phố. Đáng lý ra chuyện gia đình của người khác thì chúng ta không nên và không được quyền đan xen vào. Nhưng với tư cách là bạn già với nhau lâu năm, cộng thêm vào tư cách Ngô Vàng tôi là… tổ viên tổ dân phố nên mỗi khi trong khu phố có việc gì liên quan đến chòm xóm thì mỗi kỳ họp tổ hàng tháng đều được đưa ra công khai để cùng nhau phê bình, đóng góp với thiện ý tình làng nghĩa xóm được an vui hơn.


Gia đình ông Mười Lạ gồm có 10 thành viên vừa trai, vừa gái, vừa dâu rể và 1 con nuôi (Ngô Vàng tôi nhiều con nuôi hơn). Cuộc sống gia đình của ông phải nói là khá giả nhất trong xóm tôi. Nhà 3 tầng có sân ao, vườn kiểng đàng hoàng. Ông làm nghề "chạy cò" nhà đất, nên thỉnh thoảng ông cũng có trúng những quả khá đậm. Con cái trong nhà ông Mười Lạ đều ăn nên làm ra, nhưng hình như chúng nó sống với nhau không được đoàn kết lắm. Lâu lâu, bà con hàng xóm chúng tôi thường phải nghe tạp âm hợp xướng từ căn nhà 3 tầng kia ồn ào, hỗn loạn: thì ra đứa nào cũng muốn giành nhau tài sản. Thậm chí có lúc cao trào, chúng nó gấu ó suốt cả ngày đêm.


Bà Mười Lạ vốn tính hiền lành nên những lúc đó bà chỉ biết chạy ra ngoài hiên ngồi khóc hay qua nhà chị Tám Nhiều hàng xóm tâm sự để cho vơi đi nỗi buồn gia đạo về chiều. Ông Mười Lạ thì oang oang giọng đầy bí hiểm: “Lũ bây nít ranh biết gì mà giành giựt, "áo mặc sao qua khỏi đầu"? Không nghe lời tao thì hãy mà liệu hồn, sau này đừng có trách “đa đa” nghe!” Nhưng… có đứa nào chịu bỏ vào tai lời ông cảnh báo đâu!


Rồi bỗng dưng có một hôm trời kéo mây đen vần vũ kia, ông Mười Lạ bỏ nhà đi đâu suốt cả tuần, khi ông về lại nhà, ai cũng ngạc nhiên cho sự thay đổi của ông đến lạ lùng: quần jean Levi's, áo thun cá sấu, giầy Italia bóng lưỡng. Tóc ông nhuộm suộm đen và nhất là người ông sực nức mùi oải hương nồng nàn có gốc gác bên trời Tây. Bà Mười Lạ hoảng hồn chạy qua nhà chị Tám Nhiều để xin tư vấn về vụ việc này. Chị Tám tuy tên Nhiều nhưng cũng cẩn thận lời với bà:


- Từ từ để tôi tìm hiểu sự việc. Bà yên tâm đi. Tôi có nhiều cộng tác viên trong vấn đề này lắm.


Tuy nói như vậy chứ bộ nhớ trong bụng chị đã có đáp số sẵn rồi: Chém chết, ổng cũng có… gì ta?

 


Từ sau đó, ông Mười Lạ tiếp tuc đi mải miết. Khi có mặt ở nhà thì người ta thường thấy ông ta hay ra ngồi sau hè chỗ bụi kiểng um tùm rồi điên thoại với ai đó bằng giọng nói thì thầm, có lúc ông tự làm duyên vuốt vuốt tóc, miệng cười cười làm như có vẻ… ham lắm! [Báo cáo của chị Tám Nhiều sau nhiều lần rình mò tác nghiệp!]


Thấy sự việc của ông Mười Lạ càng ngày càng có phần tăng tốc thêm cho nguy cơ… tuột dốc trong gia đình, tôi tìm dịp gặp gỡ riêng ông để tìm hiểu cho ra nguyên cớ, hầu có ý định đóng góp mà xây dựng cho ông tốt hơn [tôi là tổ viên tổ dân phố kiêm thư ký tổ mà].


Rồi dịp may cũng đến. Một chiều tháng bảy, trời ray rứt mưa ngâu. Nơi quán nhỏ ven sông ở bến đò Bà Nhỏ, tôi và ông Mười Lạ tình cờ gặp nhau trong lúc lỡ chuyến đò ngang. Ngồi bên ly cà phê đen "kho" nguội ngắt, chưa kịp hỏi gì thì ông Mười Lạ đã lên tiếng:


- Thầy Út à, tui biết gần đây thầy cũng thắc mắc về chuyện tui nhiều. Sẵn hôm nay có duyên gặp thầy, tui tâm sự để giải bày luôn cho thầy hiểu thêm lý do, cái lý do chính đáng của tui mà ít ai chịu hiểu cho.


Tôi thở phào khoan khoái: trên đời còn gì vui hơn khi được nghe chuyện "thâm cung bí sử" của người khác! Tôi hối hả nên lời:


- Chí phải đa nghe. Anh mau kể lại cho tôi nghe lý do vì sau lúc này anh thay đổi quá sá vậy?


Ông Mười Lạ chậm rãi giọng:


- Thầy Út à, tôi suy nghĩ kỹ lắm rồi. Sở dĩ lúc sau này tôi có phần dáng dẻ, phong lưu, chẳng qua là tôi đã nghiệm ra một chơn lý đạo hiếu trong gia đình rồi.


Bệnh nôn nóng và ham hóng chuyện nổi dậy cuồn cuộn, tôi lắp bắp:


- Sao, sao, mau nói nghe chơi anh Mười.


- Thầy từ từ để tui trình bày cho có đầu đuôi chứ.


Bằng giọng trầm tông "Rề" trong thanh nhạc, ông Mười Lạ rủ rỉ:


- Thầy Út à, tui tính như vầy thầy thấy có tận cùng chí lý không? Trong các con mình dù ruột, dù dâu rể hay con nuôi, thầy Út thấy đứa nào có hiếu nhất?


Không hiểu ý đồ ông lắm, tôi dè dặt:


- Ừ, thì đứa nào biết lo cho mình thì đứa đó có hiếu chứ sao.


Ông Mười Lạ bật cười hô hố:


- Thôi đi thầy ơi, không có đứa nào nhà tui được như thầy nói đâu! Đứa nào cũng cho mình khôn lanh, chúng nó chỉ chăm chăm vào tiền bạc tài sản của tui có sẵn. Có đứa nào biết chăm lo săn sóc cho tui đâu, toàn là thứ chờ sẵn tui… "đai men sình" là nhào vô giành giựt của nả mà thôi! Tui nhiều đêm thức trằng để cân đo đong đếm, cuối cùng tui thấy chỉ có một thằng con là có hiếu thôi. Vì thế lúc sau này tui dồn hết công sức tiền bạc vào nó. Mong muốn nó được vui vẻ, đầy đủ với cha nó đến chừng nào tụi tui bye bye trần thế mà thôi.


Tôi không hiểu gì hết! Thực sự lời ông Mười Lạ nói... lạ quá!


- Ông có thể giải thích cho tôi được rõ hơn không?


Ông Mười Lạ chợt nhỏ giọng đầy u ẩn:


- Thầy ơi, thầy nghĩ xem, liệu lúc tui nhắm mắt lìa nhân thế đi rồi thì trai, gái, dâu, rể, nuôi thì có thằng nào, con nào dám… lăn ra chết theo tui không?


Chợt ông gằn giọng hỏi tôi:


- Thế thì tui hỏi thầy: đứa nào có hiếu nhất hả thầy Út?


Suy nghĩ một hồi lâu cho câu hỏi quá bí hiểm, tôi chợt ngộ ra: nhưng hỗng lẽ… cho là chí phải đến như vậy sao ta?


Đò đã sang sông và đang cập bến Bà Nhỏ, cô Bảy Lãng lái đò vọng tiếng lên bờ:


- Bà con ơi mau xuống cho kịp chuyến đò chót nghe.


Gió sông thổi rầm rì cho sóng vỗ mạn đò kêu oàm oạp! Chiều quê nhà buồn quá! Buồn như chuyện "Đứa con nào có hiếu" của ông Mười Lạ làng tôi.


Ai biết thằng con nào là có hiếu nhất của ông Mười Lạ, xin vui lòng chỉ giùm. Đa tạ.


Hết chuyện nói rồi quí vị ơi!
 

ngô bảo toàn - dnnp
(Tân An 29-12-2010)

 

 


Kiến Đen: Đâu phải chỉ có mình ông Mười Lạ mới nhận ra "chân lý" đó. Vấn đề là có ai dám bắt chước ông ấy không mà thôi. Đừng nói là thầy Ngô Vàng cũng tí tởn xách trái bắp đi theo ông Mười Lạ à nghen! Thiện tai! Thiện tai!

 

 

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage