|
+ kiến đen (tphcm):
Mùi Xuân
Trong kịch thơ
Duyên kỳ ngộ (sáng tác năm 1939), thi sĩ huyền thoại Hàn Mặc
Tử đã cho chàng trai rên rỉ với nàng Thương Thương rằng:
Anh van em cho anh quỳ san sát,
Cho mùi xuân ngầm ngấm tận hồn anh.
Thơ anh sẽ như trầm hương ngào ngạt,
Toả lên cao lồng lộng giữa trời xanh.
Một entry trên Vietnam Cyworld có tựa Đón Xuân viết:
"Lại một năm nữa sắp qua, cảm giac của mọi
người không biết thế nào? có ai đi xa quê mà không nhớ?
"Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày".
chắc rằng những ai đang mưu sinh nơi đất khách quê người, vào nhưng
ngày này sẽ rất muốn được về lại quê hương, đoàn tụ cùng gia đình,
cùng chuẩn bị đón xuân, cùng quây quần bên nồi bánh chưng, để mùi
xuân tràn ngập tâm hồn sau bao nhiêu ngày tha hương đất khách
quê người."
Truyện ngắn Ăn mừng của nhà văn Vũ Trọng Phụng (Tao Đàn, số
đặc biệt về Vũ Trọng Phụng, số 1; tháng 12-1939) kể về một đám tiệc
mừng ở nhà cụ Phán Uyên. Có đoạn:
"Khi cô đào trẻ tuổi đến đứng bên cụ phán,
bẽn lẽn nâng cốc rượu thì nhanh như cắt, quan Bố đã nắm lấy một bên
cánh tay cụ phán mà quệt một cái vào ngực cô ả, để rồi cười nức nở
cắt nghĩa:
- Này thì đây: xin dang tay giật phịch quả đào tiên! Các ngài đã
thấy chưa?
Lúc ấy cụ Phán Uyên đương mải hớp chén rượu, cho nên khi cụ vội lôi
được tay ra, cái cử chỉ bó buộc kia cũng đã xong hoàn toàn. Cụ thẹn
đỏ cả mặt, sung sướng, đến ứa nước mắt, vì lúc ấy, cử toạ khen cụ
sốt sắng như khi họ đi xem đá bóng mà gặp lúc có quả vừa sút vào
gôn. Cụ vội vàng đứng lên chạy tuy không biết định chạy đi đâu, như
người muốn đi trốn. Sau cùng, cụ đánh trống lảng bằng cách gọi đầy
tớ ra mà mắng:
- Lấy thêm ít dấm tây vào bàn này! Sao mày đốn thế, mày để tao gào
rát cả cổ!
Tuy nhiên giọng gắt của cụ thật tình lúc ấy cũng không dữ tợn là
mấy, vì cụ vẫn còn thấy rõ cái cảm giác dịu dàng về một bên ngực cô
đào trẻ nó chưa tiêu tan hẳn mà lại còn như đọng quyện lại ở cả năm
đầu ngón tay già nua đã mấy chục năm rồi chẳng còn biết gì là mùi
xuân."
Bài thơ Con sẽ về của Đường Kim Sokolov (CH Czech) đăng trên tạp chí
Quê hương Online có một khổ thơ:
Con ở Châu Âu nơi đây đầy tuyết phủ
Mở cánh thư nhà đã ngửi thấy mùi Xuân
Hương Bưởi quê ta thấm trên giấy trắng ngần
Hương xứ sở, hương mùa Xuân quê mẹ.
Trong bài khảo cứu Mai Ngũ phúc, Mai Vạn hạnh trên tạp chí
Nghiên cứu và Phát triển (3-2005), tác giả Võ Quang Yến viết:
Ở Pháp hiếm có hoa mai, nhưng phi mai bất thành
xuân, Tết mà không có mai thì còn gì là Tết ? Trừ phi đặt gởi từ bên
nhà qua, người Việt ở trên đất khách nầy chạy kiếm một loại hoa gì
tương tự để thay thế và họ đã tìm ra cây hoa forsythia tức cây liên
kiều, còn gọi trúc căn, hoàng thọ đan, hạn liên tử, cao 2-4m, nở hoa
vàng như mai vào đầu xuân, có khi cả cuối đông nếu trời ít lạnh.
Nguồn gốc Nhật, Tàu, nay nó được trồng nhiều trong các vườn ở Pháp,
nhiều nhất là hai loài Forsythia suspensa và F. viridissima, thuộc
họ Lài Oleaceae (*). Cách đây hai năm, nhân lên viếng chùa Trúc Lâm
ở làng Villebon (ngoại ô nam Paris), thầy Phước Đường biếu cho vợ
chồng chúng tôi một chậu cây nhỏ mà thầy bảo là cây mai. Về nhà chăm
sóc chu đáo, tưới nước nhiều, hai năm sau cây lớn lên chút ít và Tết
vừa qua nở một bông hoa vàng độc nhất, đặc biệt bốn cánh. Tôi chạy
hỏi khắp nơi, mai thường năm cánh, sao mai nhà tôi lại chỉ có bốn
cánh ? Ai cũng lấy làm lạ. Khi hoa rụng, tôi cẩn thận ép nó vào giấy
báo cho khô rồi nâng niu cho kẹp nó vào trang "Hoàng hoa mai" cuốn
Phú Xuân hương sắc của Trụ Vũ, được anh Trần Đình Sơn gởi tặng. Tình
cờ một cô cháu lật sách thấy : thì ra chỉ là hoa cây forsythia, cây
mai hoa vàng trên đất Pháp, nhìn thấy từ lâu mà không để ý đến số
cánh hoa. Cứ đến dịp Tết đồng thời với hoa forsythia trong vườn,
hàng hoa chợ Tàu ở Paris cũng rực vàng hoa forsythia và thơm mùi
xuân, nhắc nhở phần nào đứa con xa hương trong một mùa ngắn nhớ
về cảnh tượng xứ sở thân yêu."
Và mùi Xuân của THKT đã xuất hiện trong công cụ Google Search
ngày 1-1-2011 như thế này:
kiến đen
(tphcm 1-1-2011)
|
|