dnnp - ngô vàng

 

 

 

 

 

 

CHUYỆN NHIỀU TẬP CỦA GIA ĐÌNH BÀ TÁM TÀNG:

Chuyện cái cống Đôi Ma

 

 

* tạp bút 

 

 

Ngày mùng một Tết Tây, tôi được người bạn học cũ quê ở Cần Đước mời về dự lễ mừng nhà của anh vừa mới cất. Về quê anh có nhiều đường để đi, nhưng tôi vẫn thích hơn khi chọn cho mình một lối đi tắt bằng cách đến thị trấn Bến Lức rồi chạy thẳng tới ngã tư Long Kim rẽ phải. Tuy đây là đường làng, nhưng bây giờ người ta đã tráng nhựa phẳng phiu lắm rồi. Xe chạy bon bon trên đường vắng vẻ, gió đồng mát rượi thổi bên tai. Nhìn xa xa, vài cánh cò đang chao nghiêng trên đồng lúa mượt xanh như để phối kết cảnh quan cùng với đám mây trắng cà ngơ cà ngất đang bay trên trời xanh cao thăm thẳm. Ôi, đố có họa sĩ tài ba nào mà vẽ sống động hơn bức tranh đồng quê thứ thiệt này. Cái lý do thứ hai thúc đẩy cho việc dùng đường tắt để đi, chính là vì lòng tôi luôn thích những chuyện tình lãng mạn của người khác qua câu chuyện được bắt đầu bằng… cái cống.


Cái cống bắc ngang qua con lộ làng này. Xin quí vị hãy bình tĩnh và đừng "hết hồn chưa" khi được nghe tôi giới thiệu về cái cống tình sử kia. Người dân nơi đây ai cũng gọi tên nó là: Cống Đôi Ma! Lâu dần, cái tên cống Đôi Ma kia đã mặc nhiên trở thành địa danh ở đây. Vì sao, cái cống dẫn nước ngọt đầy phù sa của sông Vàm Cỏ Tây về tưới ruộng đồng cho cây lúa Nàng thơm tươi tốt hơn lại mang một cái tên nghe… rùng rợn quá vậy?

 

Nguồn: Internet.


Chuyện kể rằng:


Một ngày xa xưa lắm, chỗ cái cống bấy giờ là con rạch nhỏ um tùm cây bàng, cây đước hoang dại mọc hai bên bờ, chảy ngang con lộ này. Rồi sau đó con lộ nhỏ nhẹ nhàng chạy len ngang qua xã Long Cang nổi tiếng với tên: làng dệt đệm chiếu [Địa danh này sau được giới thiệu và nổi tiếng thêm hơn qua bài ca vọng cổ "Đôi chiếu Long Cang" do nữ nghệ sĩ cải lương Hồ Ngọc Trinh, người Mộc Hóa trình bày], rồi con đường tiếp tục lặng lẽ xuôi về miền Chợ Đào, quê hương của gạo Nàng thơm danh tiếng khắp nơi.


Một ngày cuối thu năm đó, đám cưới đôi trai gái yêu nhau hơn 3 vụ lúa chín được cử hành trang trọng. Họ đàng trai rước dâu về nhà mình bằng những chiếc xuồng ba lá thật dễ thương. Hai họ cười nói râm ran vui vẻ và thời khắc ấy con nước ròng của sông Vàm Cỏ đang cuồn cuộn đổ về rạch nhỏ. Bỗng đâu trời chuyển mưa, mây đen ào ạt kéo đến và sấm sét nổi dậy đùng đùng. Xuồng chòng chành nghiêng ngã hết phải rồi sang trái. Mọi người lao xao, nhốn nháo. Mưa rớt hột và càng lúc càng nặng hột thêm lên. Cảnh vật bỗng trở nên mờ ảo, cách xa vài mét không ai thấy được ai! Trong cái cảnh ồn ào nguy hiểm kia, người ta có nghe tiếng kêu cứu khản giọng của cô dâu và chú rể lần cuối trước khi xuồng của họ bị lật chìm trong cơn sóng dữ. Trời tạnh mưa, người ta kiểm điểm lại người hai họ đưa rước dâu thì mới hay là còn thiếu cô dâu và chú rể! Gần hai ngày lặn mò tìm vớt xác hai người bạc mệnh, người ta mới tìm thấy cách nơi xảy ra tai nạn hơn cây số, xác chú rể, cô dâu nổi lềnh bềnh trên con rạch bị che khuất bởi đám bàng mọc de ra bờ nước [chỗ này về sau người ta làm cái cống]. Cả làng u sầu buồn thương cho đôi trẻ bạc mệnh kia.

 

Người ta còn đồn đãi, có người trong đêm tối đi ngang qua nơi tai nạn, họ thấy rõ ràng có đôi vợ chồng trẻ kia ngồi trên bờ rạch khóc than thảm thiết. Có hay không thì không ai thấy, nhưng tiếng đồn ngày càng loan xa. Người nhát gan thì khi trời tối không ai dám léo hánh đi ngang qua đó. Người bạo dạn hơn thì cũng bỏ công ra đợi màn đêm buông xuống là ra nơi ấy để rình rập xem chuyện có thực hay không. Họ chỉ hoài công, vì thức đêm, muỗi đốt, trời lạnh và cuối cùng chỉ nghe được tiếng sóng vỗ mạn bờ rạch nghe ồm ộp và thêm vào đó là tiếng rì rào của đám lá bàng xao xác sau mỗi làn gió đêm lồng lộng thổi.

 

Sau này lâu lắm, khi cái cống ra đời để dẫn nước sông về tưới ruộng, chú Hai Nhĩ đi câu đêm về kể cho vợ nghe và thề thốt nói thiệt là chú rõ ràng bắt gặp đôi trai gái mặc đồ đen nằm ôm nhau bên bờ rạch. Chú nói sẽ giọng với thím vì sợ mấy trẻ nhà nghe được: Hai đứa nó không khóc lóc than thở gì cả, tụi nó chỉ… rên rỉ mà thôi!

 

Sáng hôm sau, thằng Hai Sầu nát rượu trong xóm vì mải mê nhậu nhẹt với các "chiến hữu" của mình mà không hay tin động trời: con vợ "thấy ghét" của nó đã bỏ nhà đi theo "con ma" áo đen mà chú Hai Nhĩ bắt gặp đêm rồi, cái đêm "liêu trai chí dị" bên cái cống Đôi Ma rùng rợn kia.


Chuyện cái cống Đôi Ma chỉ có vậy thôi. Ai muốn tham quan cái cống tình sử đẫm lệ này, xin hãy vui lòng mở hầu bao để bỏ tiền mua vé cho Ngô Vàng tôi hướng dẫn. Mại dô..!

ngô bảo toàn - dnnp
(Tân An 12-1-2011)

 

 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage