THAM DỰ HỌP MẶT THẦY TRÒ THKT MÙNG NĂM TẾT
TÂN MÃO QUA ẢNH:
Cảm xúc của người ở thật xa
* tạp bút
Hình ảnh tiệc tân niên Tân Mão tại nhà thầy cô
Đoàn Văn Nhiêu được bốn người thu lại với bốn đặc tính khác nhau.
Album của thầy Hòa thiên về mặt sinh hoạt cộng đồng. Thầy ghi lại
hình ảnh của từng nhóm và phương tiện di chuyển của họ. Trần Ngọc
Bách chuyên chú vào những sinh hoạt trên bàn tiệc. Mai Văn Rê ghi
lại những liên hệ nho nhỏ từ 2 đến 4 người. Rê là người duy nhất
chụp hình nguyên vẹn nhà thầy Nhiêu từ trên mái xuống tới nền vườn.
Chi tiết này không quan trọng với người trong cuộc, nhưng người ở xa
lại rất muốn biết. Album của Phạm Hồng Phước có vẻ chuyên nghiệp
hơn. Ảnh chụp rất rõ với những lời chú thích dí dỏm biểu lộ tính yêu
đời. Điều quan trọng hơn cả, Phước săn được những pha thoáng qua,
rất sống thật, khi những cố nhân gặp nhau. Chính những bức hình này
đã gây cảm xúc mạnh cho tôi, môt người ở thật xa, và có lẽ rất khó
gặp lại các bạn cũ.
Trước hết xin nêu ra một vài hình ảnh độc đáo
của 4 vị nhiếp ảnh và cảm nghĩ của tôi:
Như mơ? Ủa! Người thật như vầy sao ta? Trong mơ
thấy khác mà.
Ngày xửa ngày xưa tui là ông tiên trên mặt
trăng… Vậy ông là cuội hả?
4 đại ca vào giờ cao điểm (dĩ nhiên một tay
phải thủ thế sau lưng và ánh mắt phải lạnh).
Trúc xinh trúc mọc bờ ao. Em xinh em đứng
chỗ nào cũng xinh. Ao vẫn còn đây, nhưng trúc này đã thành tre
già và anh cũng.. già tuốt.
Mũi né (tuy né nhưng thầy Nhiêu cười rất sung
sướng).
Sau đây là bức hình gây cho tôi nhiều xúc động
nhất. Lão sư Nguyễn Hữu Hệ và 3 học trò cũ. Cả 3 người học trò này
đều đã nối nghiệp nhà giáo của thầy mình.
Tuy không có mặt tại chỗ, nhưng tôi vẫn hình
dung ra rằng thầy trò tíu tít cười nói một vài câu rồi không biết
phải làm gì. Chúng ta ôm chầm lấy nhau hoặc đưa tay chạm vào nhau
rồi chấp nhận sự giới hạn của đụng chạm và ngôn ngữ với những yếu
kém của nó.
Chúng ta đã xa cách nhau quá dài. Sự xa cách để
lại những ấn tượng rất lâu, đôi khi lại là những vết thương uẩn khúc
sâu đậm. Nhưng tiềm thức của mối vọng tưởng đủ sức mạnh uốn nắn ngôn
ngữ trong những bài thơ và năng lực của mình.
Bằng một cách nào đó chúng ta muốn gặp lại nhau
một lần. Chúng ta cần đến nhau vì những uẩn khúc sâu xa của tuổi
thanh xuân có hình ảnh của nhau. Khi ôm nhau, chúng ta nhận ra cái
yếu đuối, cô đơn và thô sơ của nhau. Hình ảnh này tháo gỡ hoàn toàn
cái ảo tưởng của thời gian. Trò đã có thể nhìn vào cái đơn giản với
nỗi khó khăn mà người thầy đó đã đi qua.
Thầy đi đâu cũng ôm theo cái bị. Cái bị cụ thể
hóa một mối an tâm bảo đảm hỗ trợ nào đó. Nhìn xa hơn, nó mở ra một
thế giới rất riêng tư, ở đó có những gì đã mất và những gì đang còn
cần phải giữ. Tất cả sản nghiệp là cái có tên là mong manh.
Trò không còn nhỏ bé, không đứng khép nép
khoanh tay, nhưng cúi xuống ôm thầy. Sự kết hợp thân mật phá vỡ một
sức ép gò bó của cuộc sống và vượt khỏi ngục tù thời gian. Nó không
còn sức ép gó bó, nhưng đầy đủ ý nghĩa đặc thù. Khi bị giam trong
thời gian và hoàn cảnh làm sao khám phá được cái vĩnh cửu. Nếu không
thoát được những ảnh hưởng cuộc sống, không bao giờ dám nhìn nhau
như tình bạn. Dĩ nhiên sẽ không thấy đầu mối của sự cô đơn, và không
nhận ra được cái đẹp của tình người.
Đời chúng ta là một sự chịu đựng hết sức mình
như chấp nhận một số mệnh để bảo toàn một bản ngã và phẩm giá. Chúng
ta rất cần sự thông cảm và an ủi. “Làm ơn, tôi cần sự giúp đỡ. Tình
của chúng ta tuy mong manh nhưng là một trong những chỗ dựa của cuộc
đời.”
ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 13-2-2011)
|