CHUYỆN NHIỀU TẬP CỦA GIA ĐÌNH BÀ TÁM TÀNG:
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay
* tạp bút
Lý sự trên đời cũng có nhiều sự việc quá ư là…
bất cập: Câu nói mà ta quen miệng là do nghe người khác truyền khẩu
lâu đời rồi vô tình biến ra thành quán tính của mình! Rất nhiều câu
nói chính ta buột miệng thốt ra mà ta lại... không hiểu nó có xuất
xứ, nguyên nhân nào! Cứ hễ thấy hoàn cảnh nào gần giống giống như
chuyện của riêng ta, thì ta cứ như là "gia tài của mẹ" có sẵn mà
"Nhứt ngôn xuất khẩu, tứ mã nan truy". Và ta tha hồ cất giọng nam
cao hay nữ trầm mà diễn đạt: "Khi xưa ta bé ta… ngu, dây thun ta bắn
vô... bang bang. Ta chắc không quên bao giờ? Bang bang....!” [nổ
phát lạnh]
Qua những ngày Ngô Vàng tôi mắc phải tai ương
về chứng bệnh tai và mắt, Ngô Vàng tôi mới có cơ hội ngẫm nghĩ lại
những gì mà người ta hay nói về những chuyện xảy ra trong cuộc sống
xã hội này và chính bản thân mình mới được dịp rõ nghĩa hơn bởi sự
kinh qua cái bằng chứng đau khổ nóng hổi này.
Nãy giờ coi bộ dài dòng văn tự dữ à nghe? Vào
chuyện đi thôi. [Có người lên tiếng phàn nàn rồi đó!] Này nhé, chúng
ta hãy thử lắng nghe:
- "Mẹ lần mò ra trước ao, nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ".
Lời nhạc hay quá, hình ảnh cảm động quá! Ai ai cũng đều công nhận
như thế đấy. Nhưng, có mấy ai hiểu rõ nỗi khổ của mẹ già tuổi cao
sức yếu, mắt lão gần như mù lòa mà phải dò dẫm từng bước đi do bởi
cảnh vật trước mặt mình bị chập chùng, nhấp nhô! Có ai nghĩ đến có
nhiều lúc mẹ vô tình bị vấp phải linh tinh đủ thứ, nào là gốc cột,
cạnh bàn? Đầu mẹ va vào ba cái thứ hỗn tạp ấy mà đau điếng đến xé
lòng hay không? Không nghe ai lên tiếng an ủi cho nỗi đau này mà chỉ
toàn nghe mấy ông nhạc sĩ tả cảnh lại là... hay quá, nên thơ quá!
Sao lời nhạc không phải là: "Mẹ mù lòa vấp té ao, kêu toáng người ơi
chắc tao chết đây". Xin khẩn thiết kêu gọi mọi người hãy soi rọi lại
vấn đề này để mà cân đo đong đếm về chữ Hiếu của ta, của người nhé.
Nguồn: Internet.
Hết chuyện nhạc xưa nay, bây giờ tới chuyện kim cổ giao duyên:
- Gái một con trông mòn con mắt.
Đúng quá rồi! Không cứ phải là nhà sinh vật học uyên bác mà chính
những người không có điều kiện được học hành đến nơi đến chốn, ai ai
cũng đều biết rằng: người phụ nữ sau lần "đi biển một mình" thì cơ
thể sẽ nẩy nở hài hòa, có da có thịt đẹp hẳn ra hơn thời con gái còn
son mà. Điều nầy Ngô Vàng tôi hoàn toàn khẩu phục tâm phục. Thế cũng
đủ lắm rồi, vậy với ý gì mà thế kỷ 21 này người ta lại thêm vào đó
một câu so sánh làm cho Ngô Vàng tôi nghe ra cũng có phần hơi ngờ
vực cho tính chất trung thực của hai sự việc này:
Gái một con trông mòn con mắt
Trai một mắt nhìn có… một con!
Lạ à nghen? Dám hỏi, nếu lỡ phải có một mắt như Ngô Vàng đây thì lấy
đâu ra hai con mắt mà nhìn cuộc đời cho thơ mộng và lãng mạn đây?
Thôi thì thôi nhé, Ngô Vàng tôi chỉ thiết tha xin một chút tình
thương của mọi người là:
Hãy cảm thông hết lòng cho những nỗi buồn khuyết tật của người khác.
Và để kết lời, Ngô Vàng tôi xin được ngân nga vài câu hát trong bài
nhạc Môt đời người, một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn như
sau:
...Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây
Sống gần nhau, thân mới thẳng
Có một cây là có rừng…
ngô bảo toàn - dnnp
(Tân An 17-2-2011)
|